Luật chống thiên vị


                                                                    Credit: the conversation.com

Ls Nguyễn Văn Thân


Vào tháng 8 năm 2015, các tổ chức nghiệp đoàn gồm có ACTU, AWU và CFMEU đã đồng loạt đệ đơn yêu cầu Dyson Heydon cựu thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Úc từ chức chức vụ Ủy Viên trong cuộc Điều Trần Hoàng Gia về Tình Trạng Quản Trị và Tham Nhũng trong giới nghiệp đoàn. Sự việc bắt đầu sau khi các tờ báo của công ty Fairfax tiết lộ là Heydon đã nhận lời tham dự và thuyết trình trong một chương trình gây quỹ tranh cử do một chi bộ luật sư của Đảng Tự Do tổ chức.  Đề tài thuyết trình là sự nghiệp tư pháp của Sir Garfield Barwick cựu Bộ Trưởng Tư Pháp (Đảng Tự Do), cựu Chánh Án Tối Cao Pháp Viện Úc và cũng là người đã cố vấn cho cựu Tổng Toàn Quyền Sir John Kerr sa thải chính quyền Lao Động Gough Whitlam vào năm 1975. Mặc dù Heydon đã rút lại quyết định tham dự và thuyết trình, nhưng các tổ chức nghiệp đoàn vẫn cho rằng Heydon không thể tiếp tục với vai trò Ủy Viên Điều Trần Hoàng Gia vì vi phạm luật chống thiên vị.

Luật chống thiên vị là một trong hai trụ cột của nền tảng công lý. Trụ cột thứ nhất là luật được tham dự (the hearing rule). Điều luật này quy định người nào mà quyền lợi của họ sắp bị ảnh hưởng hoặc tước đoạt bởi một quyết định nào đó thì phải được báo cho biết và cho cơ hội tham dự trả lời hoặc đóng góp ý kiến trước khi đưa ra quyết định đó. Luật chống thiên vị là trụ cột thứ hai và quy định là người có thẩm quyền đưa ra quyết định ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác phải dựa vào chứng cứ chớ không phải thành kiến. Mặc dù nguyên thủy luật chống thiên vị chỉ áp dụng cho quan tòa nhưng đã được nới rộng và có tầm phổ quát áp dụng trong mọi trường hợp gồm có các cơ quan tư pháp, công quyền, bộ sở, hội đồng thành phố, bộ trưởng và các viên chức khác.

Luật chống thiên vị dựa trên nguyên tắc là công lý không chỉ nên được thực thi mà phải được xem là đã được thực thi (justice should not only be done but be seen to be done). Có nghĩa là không chỉ về mặt thực chất mà ấn tượng cũng vô cùng quan trọng. Có hai loại thiên vị là thật sự thiên vị (actual bias) và ấn tượng thiên vị (apprehended bias). Thật sự thiên vị có thể tìm thấy từ quan điểm và hành vi của chính người quyết định (decision maker). Có nghĩa là có bằng chứng cụ thể cho thấy người quyết định đã có định kiến về một cá nhân, tổ chức, tập thể hoặc một vấn đề nào đó mà họ sẽ phán xét dựa vào thành kiến thay vì chứng cứ. Nhưng trừ khi chính người quyết định thú nhận, thường thì rất khó chứng minh người quyết định thật sự thiên vị. Một điều thú vị là chính người quyết định phải trả lời câu hỏi là họ có thiên vị hay không? Rất khó để tìm một vị thẩm phán hoặc một viên chức nào đó thú nhận là họ thật sự thiên vị và có thành kiến về một việc gì đó mà họ phải phán xét. Thật ra, một vị thẩm phán mang nặng thành kiến hoặc thật sự thiên vị đã phản bội lại lời tuyên thệ của họ khi nhậm chức.

Do đó, luật pháp không đòi hỏi phải chứng minh người quyết định thật sự thiên vị mà chỉ cần chứng minh là họ đã tạo ấn tượng thiên vị. Tiêu chuẩn được đặt ra là liệu một người bàng quan có hiểu biết khi nhìn vào vấn đề có cảm thấy là người quyết định sẽ không phán xét vấn đề một cách vô tư và không thiên vị hay không? Có nghĩa là khi người quyết định trả lời câu hỏi này thì không phải trả lời cho chính bản thân họ mà phải đặt họ trong vị trí của một người dân bình thường. Liệu một người bình thường có cảm thấy có điều gì không ổn hay không?

Trong quá khứ, tòa đã phán là khi một vị thẩm phán có trương mục với một ngân hàng thì không có nghĩa là họ tạo ấn tượng thiên vị khi xét xử vụ kiện liên quan tới ngân hàng đó. Tương tự như vậy, khi vị thẩm phán có mua cổ phiếu trừ khi giá trị của số cổ phiếu đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể vì kết quả của vụ kiện. Tuy nhiên, khi vị thẩm phán có quyền lợi tài chính liên quan tới vụ kiện thì không được xét xử. Nếu vị thẩm phán đó trong một vụ kiện trước đây đã có phán quyết liên quan tới trí nhớ, sự khả tín và danh dự của một bên kiện thì thường sẽ bị loại. Hoặc khi vị thẩm phán có quan hệ thân nhân với một bên kiện hoặc luật sư của một bên kiện cũng không được quyền xét xử. Hoặc trong lúc xét xử, vị thẩm phán không đóng vai ‘trọng tài’ mà tích cực đứng về một bên thì cũng có thể được coi là thiên vị. Hoặc khi vị thẩm phán đó thảo luận về vụ kiện riêng với một bên hoặc luật sư của một bên mà bên kia không biết. Đặc biệt là trong thời đại điện thư ngày nay, thẩm phán phải thận trọng khi trao đổi email trực tiếp với một bên mà bên kia không biết.

Dyson Heydon sinh ngày 1/3/1943 tại Ottawa Canada. Ông tốt nghiệp cử nhân lịch sử từ Đại Học Sydney, cao học và cử nhân luật từ Đại Học Oxford. Ông được cấp học bổng Rhodes scholar trong năm 1964 và giảng dạy Công Pháp Quốc Tế tại Oxford. Trong năm 1980, Heydon cũng là một thành viên trong ban giám khảo quyết định tặng học bổng Rhodes Scholar cho Thủ Tướng Tony Abbott.

Heydon trở thành trạng sư vào năm 1973 và khi chỉ mới 30 đã được phong chức giáo sư luật Đại Học Sydney, trở thành người trẻ tuổi nhất đạt danh hiệu này. Ông được phong làm thẩm phán Tòa Thượng Thẩm NSW vào năm 2000 và Tối Cao Pháp Viện năm 2003. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của một số sách luật nổi tiếng.

Ông được Thủ Tướng Tony Abbott đề cử làm Ủy Viên Điều Trần Hoàng Gia về nạn tham nhũng trong giới nghiệp đoàn vào tháng 2 năm 2014. Trong tháng 4 năm 2014, Heydon nhận lời mời của chi bộ luật sư Đảng Tự Do tham dự và thuyết trình trong một chương trình gây quỹ trong ngày 26/8/2015. Tới tháng 6 năm nay thì ban tổ chức gửi thư nhắc lại.

Phụ tá của Heydon trả lời xác nhận với ban tổ chức vào ngày 13/8/2015 là Heydon sẽ tham dự với điều kiện là chương trình không có dính líu tới Đảng Tự Do. Khi nhận được tin là Heydon sẽ tham dự và thuyết trình tại buổi gây quỹ cho Đảng Tự Do, ký giả Fairfax liên lạc và được phụ tá của Heydon cho biết là ông đã rút lại quyết định và sẽ không tham dự buổi gây quỹ này.

Heydon giải thích là ông sơ ý (overlook) không quan tâm tới mối quan hệ giữa ban tổ chức và Đảng Tự Do cũng như điều kiện đặt ra là ông phải hoàn tất công tác điều trần trước khi tham dự và thuyết trình. Hơn nữa, ông tưởng đây chỉ là một bữa ăn tối chớ không phải là một sinh hoạt gây quỹ cho Đảng Tự Do.

Tuy nhiên, các vị trạng sư của các tổ chức nghiệp đoàn lập luận rằng một người bình thường khó có thể tin được một vị luật sư, thẩm phán và học giả xuất chúng như Heydon lại sơ ý đến như vậy. Một người bình thường sẽ hiểu là cuộc điều trần này nhắm vào công đoàn mà công đoàn là một bộ phận quan trọng của Đảng Lao Động. Bản chất của cuộc điều trần đã mang màu sắc chính trị. Khi nhận lời tham dự và thuyết trình trong một buổi sinh hoạt của Đảng Tự Do thì Heydon đã cho mọi người hiểu là ông ủng hộ hoặc có cảm tình với Đảng Tự Do hiện đang cầm quyền và đã dựng lên cuộc điều trần này. Có nghĩa là một người bình thường có thể lo ngại là ông sẽ không hoàn toàn vô tư, độc lập và không thiên vị khi đưa ra phán xét về tình trạng tham nhũng trong giới nghiệp đoàn.

Sau khi chăm chú lắng nghe vào những lập luận ‘tấn công’ của các trạng sư đại diện cho giới nghiệp đoàn, Heydon cho biết là ông sẽ tiến hành suy nghĩ và cố gắng cho biết quyết định về ‘số phận’ của ông trong ngày thứ ba 25/8. Nếu Heydon quyết định tiếp tục cuộc điều trần, giới nghiệp đoàn cho biết là họ sẽ nộp đơn kháng cáo lên Tòa Án Liên Bang và nếu cần thiết lên tới Tối Cao Pháp Viện. Có nghĩa là tranh chấp vẫn còn kéo dài trước khi cuộc điều trần được tiếp tục tiến hành.

Còn nếu Heydon quyết định rút lui thì 'số phận' của cuộc điều trần không biết sẽ về đâu? Ngân khoản dự trù cho cuộc điều trần trong 2 năm qua là 61 triệu. Có 4 nhân viên nghiệp đoàn đã bị bắt vì tội tham nhũng và 26 người khác đang bị điều tra. Công chúng vẫn chưa quên các vụ tham nhũng bê bối liên quan tới Công Đoàn Y Tế (Health Services Union) ví dụ như Craig Thomson, Michael Williamson và Kathy Jackson. Chính quyền có thể đề cử một ủy viên khác thay thế tiếp tục hoặc làm lại từ đầu. Có lẽ câu chuyện này sẽ còn kéo dài cho tới năm 2016 khi mọi đảng phái bắt đầu chuẩn bị cho mùa tranh cử.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng