Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

         

 

Credit: slideshare.net

Ls Nguyễn Văn Thân

Lịch sử pháp lý của Úc bắt nguồn từ những tiểu bang thuộc địa có hệ thống cai trị khác nhau cho đến ngày 1 tháng 1 năm 1901 khi các tiểu bang thuộc địa này hợp thành một thể chế liên bang và lập ra quốc gia có tên gọi là Úc Đại Lợi.

Vào năm 1787 thì Hoàng gia Anh đã chính thức ủy nhiệm tiểu bang NSW cho Toàn quyền Philip. Trong tháng Giêng năm 1788, Thuyền trưởng Philip dẫn 720 tù nhân và 290 viên chức thủy thủ và dân sự đặt chân lên thuộc địa và chính thức công bố chiếm hữu chủ quyền NSW vào ngày 26 tháng 1 năm 1788.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là hệ thống luật pháp nào sẽ được áp dụng? Đa số những người da trắng đầu tiên đặt chân trên lục địa này là những tù nhân bị lưu đày biệt xứ. Toàn quyền cai trị họ như một ông vua. Nhưng ngày càng có nhiều tù nhân mãn hạn tù và được trả tự do. Họ cảm thấy bất công khi không được đối xử như những công dân bình thường khác sinh sống tại Anh quốc.

Tại NSW, tòa án đầu tiên được thành lập vào năm 1788. Tòa hình sự gồm có một thẩm phán và 6 nhân viên thủy thủ. Hình phạt duy nhất tòa có thể ban hành là đánh roi (flogging) hoặc tử hình. Tòa dân sự gồm có một thẩm phán và 2 người “đàng hoàng” được Toàn quyền đề cử. Tòa có thể quyết định tất cả mọi việc gồm có tranh chấp tài sản, hợp đồng và kế thừa.

Tất cả quyền hành nằm trong tay Toàn quyền gồm có quyền bổ nhiệm thẩm phán, nhân viên an ninh, cấp đất cho tù nhân mãn hạn tù, cấp môn bài làm ăn và ban lệnh ân xá cho tù nhân hoặc tử tù. Toàn quyền cai trị bằng cách công bố sắc lệnh. Mãi đến năm 1880 thì các sắc lệnh của Toàn quyền mới được ghi vào văn bản.

Tới năm 1825 thì một Hội đồng Lập pháp (Legislative Council) được thành lập. Thành viên Hội đồng này gồm có từ 5 tới 7 người do Hoàng gia chỉ định. Quyền lực của Hội đồng rất giới hạn và quyền làm luật vẫn nằm trong tay Toàn quyền. Tuy nhiên, hội đồng có thể cố vấn và yêu cầu Toàn quyền ban hành luật áp dụng cho thuộc địa tương tự như luật tại Mẫu quốc. Một Hội đồng Hành pháp (Executive Council) độc lập cũng được thành lập mà Toàn Quyền phải tham khảo ý kiến. Toàn quyền có thể không theo ý kiến của Hội đồng Hành pháp nhưng phải báo trước cho Bộ trưởng Thuộc địa.

Tới năm 1828 thì toàn bộ hệ thống luật pháp Mẫu quốc chính thức áp dụng cho các thuộc địa. Có nghĩa là mọi người dân sinh sống trong thuộc địa Anh được hưởng mọi quyền lợi pháp lý giống như bất cứ công dân nào sinh sống tại Mẫu quốc.

Số tù nhân bị đày sang NSW chấm dứt hẳn vào năm 1840, ở Tasmania năm 1852 và Tây Úc năm 1868. Tới giữa thế kỷ 19 thì đa số dân chúng là những người di dân và tù nhân được trả tự do sau khi mãn hạn tù. Người dân địa phương bắt đầu đòi hỏi quyền tự trị. Tới năm 1842 thì thành viên Hội đồng Hành pháp tăng lên tới 36 người mà trong đó 2/3 được bầu chọn. Tuy nhiên, quyền hạn của Hội đồng Hành pháp còn rất giới hạn và Hội đồng không được làm luật khác với luật của Mẫu quốc. Người dân thuộc địa tiếp tục tranh đấu và tới năm 1855 thì Quốc hội Anh ban hành Hiến pháp cho tiểu bang NSW.

Hiến pháp tiểu bang NSW 1855 dựa trên hình thức Quốc hội Anh quốc gồm có 2 viện: Nghị hội Lập pháp (Legislative Assembly) hay còn gọi là Hạ viện và Hội đồng Lập pháp (Legislative Council) hay còn gọi là Thượng viện. Hiến pháp NSW là một bước tiến dân chủ hóa đáng kể vì những nguyên tắc bất thành văn gồm có chính quyền có trách nhiệm (responsible government) và quyền hành nội các sẽ được áp dụng. Ngoài ra, Toàn quyền phải tuân thủ ý kiến của lưỡng viện quốc hội.

Quốc hội mới có quyền làm luật, điều hành ngân sách tiểu bang và đánh thuế hải quan. Tới năm 1902 thì chính Quốc hội NSW xác nhận và nới rộng quyền làm luật của Quốc hội cho sự thanh bình, an ninh và cai trị tốt (for peace, order and good government) của tiểu bang NSW.

Tiểu bang Victoria tách rời khỏi NSW trong tháng 1 năm 1851. Tới năm 1855 thì lưỡng viện quốc hội tại đó được thành lập. Nam Úc được công bố chiếm hữu vào ngày 28 tháng 12 năm 1836. So với các thuộc địa khác thì không có tù nhân nào bị đày tới Nam Úc. Tasmania tách rời khỏi NSW vào năm 1825 và lưỡng viện quốc hội được thành lập vào năm 1855. Hiến pháp 1867 thành lập tiểu bang Queensland. Tại Tây Úc thì chính quyền tiểu bang được thành lập vào năm 1890.

Áp lực thành lập quốc gia để bảo vệ một lục địa rộng lớn gia tăng vào cuối thế kỷ 19 khi Đức quốc lăm le chiếm hữu thuộc địa tại New Guinea. Rào cản thuế quan giữa các thuộc địa làm giảm tiềm năng giao thương và phát triển kinh tế. Các tiểu bang thuộc địa cũng không thể nào thực hiện được một chính sách di dân đồng nhất. Mọi sự tranh chấp giữa hai trường phái tự do giao thương và đóng cửa thị trường  đều trở thành nhỏ bé trước giấc mơ thành lập một quốc gia lục địa thống nhất và vĩ đại trong miền Nam Thái Bình Dương.

Tới cuối thập niên 1890 thì có nhiều cuộc đại hội thảo luận hiến pháp quốc gia được tổ chức. Bản thảo Hiến pháp sau cùng sau khi được các tiểu bang đồng thuận đã được trình lên Quốc hội Anh quốc và trở thành Đạo luật Hiến pháp Liên bang Úc 1900 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1901.

Hiến pháp Liên bang Úc

Các vị sáng lập Hiến pháp Úc đều là những luật sư tài giỏi nhất thời đó. Họ rất quen thuộc với hệ thống Westminster Quân chủ Lập hiến (Constitutional Monarchy) của Anh quốc nhưng phải chọn theo cơ cấu liên bang của Hoa kỳ hoặc Canada. Hiến pháp Canada trao cho tiểu bang một số quyền hành cụ thể. Tất cả mọi thứ còn lại thuộc về phạm vi của liên bang. Các vị công thần khai quốc của Úc quyết định chọn mô thức hiến pháp của Hoa kỳ. Quyền hạn của chính quyền liên bang được ghi rõ và giới hạn, nói chung là những quyền hành có tầm vóc quốc gia và quốc tế như giao thương, quốc phòng, ngoại giao, viễn thông, tiền tệ, di trú, ngân hàng, thành lập và quản lý công ty, bản quyền, phá sản, quan hệ lao tư, hưu bỗng và quan hệ gia đình. Chính quyền tiểu bang có thể làm bất cứ luật gì nhưng nếu có mâu thuẫn thì luật tiểu bang sẽ không có hiệu lực và luật liên bang sẽ được áp dụng.

Các vị “Cha đẻ” (Founding Fathers) Hiến pháp Hoa kỳ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thuyết “phân quyền tuyệt đối” của Montesquieu – một học giả và triết gia người Pháp. Trong khoảng thời gian sinh sống tại Anh quốc, Montesquieu nhận thấy quyền lực của nhà vua Anh bị quốc hội kiềm chế. Trong khi đó thì hoàng gia Pháp lại có quyền hành gần như tuyệt đối. Montesquieu kết luận rằng quyền công dân tại Anh được bảo vệ tốt hơn so với Pháp nhờ hệ thống phân chia quyền hành giữa một số chi nhánh của chính quyền. Từ đó, Montesquieu lập ra thuyết tam quyền phân lập gồm có:

1.    Một cơ chế không được quyền nắm hết 3 phần quyền hành của chính quyền gồm có lập pháp, hành pháp và tư pháp.

2.    Một cơ chế không được quyền kiểm soát hoặc can thiệp vào cơ chế khác của chính quyền.

3.    Một cơ chế không nên hành xử quyền hành của cơ chế khác. 

Trong một mô hình lý tưởng thì chỉ có cơ chế lập pháp làm luật, hành pháp thi hành và tư pháp diễn giải và áp dụng luật do lập pháp làm ra. Một điều kiện quan trọng là hệ thống tư pháp phải hoàn toàn độc lập từ hai cơ chế lập pháp và hành pháp. Nói một cách khác, chính trị gia không có bất cứ ảnh hưởng gì đến quan tòa.

Mặc dù nhận xét của Montesquieu về hệ thống chính trị Anh quốc thời đó không hoàn toàn chính xác nhưng thuyết này đã được các vị lập quốc Hoa kỳ áp dụng triệt để. Hiến pháp Hoa kỳ trao quyền lập pháp cho Quốc hội và hành pháp cho Tổng thống. Tổng thống độc lập với và không lệ thuộc vào Quốc hội. Tổng thống bổ nhiệm và sa thải bộ trưởng bất cứ lúc nào mà không cần ý kiến của Quốc hội. Tổng thống và bộ trưởng không được quyền ứng cử dân biểu hoặc nghị sĩ quốc hội.

Trong khi đó thì các vị sáng lập Hiến pháp Úc đã quen thuộc với hệ thống đại nghị của Anh. Chính quyền hành pháp gồm có thủ hiến và nội các được chính đảng hoặc liên minh có đa số ghế trong quốc hội đề cử. Thật ra thì chưa bao giờ có sự phân chia rạch ròi giữa lập pháp và hành pháp tại Anh hay tại Úc. Thủ hiến và bộ trưởng cũng là những dân biểu, nghị sĩ quốc hội. Vì vậy. mặc dù Hiến pháp Úc đi theo mô hình Hoa kỳ là ban một số quyền hành cụ thể cho chính quyền liên bang nhưng ghi rõ là Thủ tướng và các Bộ trưởng phải là những dân biểu hoặc nghị sĩ được Quốc hội đề cử.

Một đặc điểm của các nền dân chủ hiện đại là tuy quốc hội ban hành đạo luật (Acts) nhưng thường khoán cho chính phủ (qua các bộ trưởng) quyền ban hành sắc luật (Regulations) phù hợp với tinh thần của các Đạo luật. Ví dụ như trong Đạo luật Giao thông (Traffic Act), người lái xe quá tốc độ gây tai nạn và thương tích cho người khác có thể bị phạt tù. Nhưng vận tốc ở mức nào được coi là quá tốc độ thì do chính phủ (qua bộ trưởng) quyết định bằng sắc luật và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì vậy từ một góc cạnh nào đó, chính quyền hành pháp cũng có quyền làm luật (lập pháp) như Quốc hội.

Điều quan trọng nhất là Hiến pháp Úc đã thành lập hệ thống tư pháp hoàn toàn độc lập với Quốc hội. Trong thể chế liên bang, một hệ thống tư pháp độc lập là sự bảo đảm tốt nhất cho quyền công dân và chống lại sự lạm quyền của lập pháp hoặc hành pháp. Tòa Thượng thẩm Liên bang được gọi là Tối Cao Pháp Viện (High Court) có quyết định tối thượng về mọi tranh chấp liên quan tới hiến pháp và các vấn đề kháng cáo từ tòa án liên bang hoặc tòa kháng án của các tiểu bang. Tính độc lập của tư pháp được bảo đảm bằng hình thức là mọi thẩm phán có quyền tại chức cho tới khi về hưu và chỉ có thể bị lưỡng viện quốc hội sa thải khi có chứng cớ rõ ràng là vị thẩm phán đó có những vi phạm sai lầm nghiêm trọng.

Trải qua hơn 200 năm, bản Hiến pháp Úc đã đứng vững với thời gian và tạo nền tảng cho một xã hội dân chủ, thịnh vượng và hài hòa. Nước Úc đã mở rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người di dân và tỵ nạn từ khắp bốn phương trời. Trước vành móng ngựa thì người da đen, da vàng , da trắng, người giàu có hay bần cùng đều được đối xử như nhau.  So với nhiều nền văn minh lâu đời khác trên thế giới, chúng ta có quyển ngẩng mặt tự hào là công dân của một quốc gia non trẻ được xây dựng bởi những thành phần tù tội thấp nhất trong xã hội nhưng đã có viễn kiến tạo dựng một nền hiến pháp dân chủ, bình đẳng và thượng tôn pháp luật.


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Luật phỉ báng