Hệ thống Tòa án tại Úc

 


                                                            Credit: hierarchystructure.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Tòa án Địa phương (Local Courts)

Trước khi sát nhập thành một thể chế liên bang có tên gọi là Khối Thịnh Vượng Úc (The Commonwealth of Australia), các tiểu bangđã có một hệ thống tòa án để xét xử tội phạm hình sự và phán quyết các vụ kiện tranh chấp về dân sự. Ở mức thấp nhất là tòa án địa phương. Về mặt hình sự thì tòa án địa phương có nhiệm vụ xét xử các vụ án tiểu hình (summary offences). Thẩm phán (magistrates) xử án một mình, vừa duyệt xét chứng cứ (assessing evidence) và diễn giải điều luật liên hệ (interpreting the law). Công tố viên (thông thường là cảnh sát) trình bày cáo trạng, vật chứng và nhân chứng cung cấp lời khai trước tòa. Bị cáo (tự họ hoặc qua luật sư hoặc trạng sư đại diện) có quyền nêu nghi vấn về vật chứng và chất vấn nhân chứng. Ở cuối vụ xử thì công tố và bị cáo sẽ sử dụng những bằng chứng có lợi cho họ và biện giải lý do tại sao bị cáo có tội hoặc vô tội. Sau đó, vị thẩm phán sẽ tóm tắt vụ án trước khi ra quyết định. Nếu vô tội thì bị cáo lập tức được trả tự do ngay. Còn có tội thì thẩm phán sẽ quyết định hình phạt gồm có phạt tiền, công tác cộng đồng (community service), tù treo (suspended sentence) với điều kiện là bị cáo hứa là sẽ giữ hạnh kiểm tốt trong một khoảng thời gian nào đó (good behaviour bond), tù cuối tuần (weekend detention) hoặc phạt ở tù trong một thời hạn ấn định. Mức tù tối đa mà thẩm phán tòa án địa phương có thể ấn định là 2 năm cho mỗi tội trạng và 3 năm cho tổng cộng các tội trạng nếu như bị cáo phạm nhiều hơn một tội. Nếu không đồng ý với quyết định của tòa án địa phương thì bị cáo có thể kháng cáo với Tòa án Khu vực (District hoặc County Court). Đơn kháng cáo thường phải nộp trong 21 ngày. Hiện nay có khoảng 150 tòa án địa phương rải rác khắp tiểu bang NSW.

Ngoài ra, tòa án địa phương cũng có trách nhiệm xét xử sơ thẩm (committal hearings) các tội đại hình (indictable offences). Công tố viên (Director of Public Prosecutions) trình bày cáo trạng và sơ lược bằng chứng mà họ cho rằng có thể buộc tội bị cáo. Dĩ nhiên là luật sư hoặc trạng sư của bị cáo sẽ nêu ra những điểm bất lợi hoặc bất cập. Nhiệm vụ của thẩm phán là xem xét và quyết định những bằng chứng đó có đủ sức thuyết phục một bồi thẩm đoàn kết tội bị cáo hay không? Nếu không thì thẩm phán sẽ tuyên bố chấm dứt ngay vụ án. Trong đa số trường hợp thì thẩm phán sẽ quyết định đưa hồ sơ lên Tòa án Khu vực để xử phúc thẩm. Điều này không có nghĩa là bị cáo có tội. Chỉ đơn giản là có một số bằng chứng cho thấy là nếu chứng thực được trong phiên xử phúc thẩm thì bị cáo sẽ bị buộc tội với tội trạng bị truy tố. Mục đích chính của phiên tòa sơ thẩm là bảo đảm công tố viên phải chuẩn bị và thu thập chứng cứ đàng hoàng trước khi truy tố tội phạm với một tội đại hình có thể dẫn đến một bản án tù dài hạn.  Bằng không thì chẳng những phí phạm tài nguyên của bộ tư pháp mà còn bất công với những thường dân vô tội vì họ phải lo lắng và tốn kém nhiều tiền bạc thuê mướn luật sư và trạng sư biện bạch và bảo vệ cho sự vô tội của họ.

Về mặt dân sự thì tòa án địa phương tại NSW hiện nay có quyền xét xử các vụ tranh tụng đòi bồi thường lên tới mức $100,000. Các vụ kiện dân sự thường diễn ra từ những tranh chấp về hợp đồng, tiền bạc hoặc tài sản ví dự như là hợp đồng cho vay, không trả tiền cho người hoặc công ty cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa, thiệt hại từ một tai nạn xe cộ hoặc tài sản cho mượn mà không trả lại...Các vụ kiện liên quan tới số tiền không quá $20,000 thì sẽ được giải quyết theo thủ tục của Đơn vị Kiện tụng nhỏ (Small Claims Division) - một bộ phận của Tòa án Địa phương. Vụ kiện sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và đơn giản. Nguyên đơn (plaintiff) và bị đơn (defendant) trình bày vụ kiện bằng văn thư. Ngoại trừ có lý do đặc biệt hoặc cần thiết thì tòa sẽ không cho phép đôi bên gọi nhân chứng xuất hiện. Registrar (nhân viên tư pháp dưới mức thẩm phán) thường sẽ gặp gỡ và khuyến khích hai bên đối thoại, thương lượng rồi đi đến một thỏa thuận tương nhượng trước khi xét xử. Nếu không được thì thẩm phán sẽ phán xét. Phí tổn luật sư mạnh ai nấy trả, thắng thua không cần biết. Mục đích chính là đơn giản hóa vụ kiện, khuyến khích hai bên tự giải quyết vấn đề với nhau một cách mau chóng vừa tiết kiệm tiền cho họ và thời gian cho tòa. Đương sự hầu như không có quyền kháng cáo trừ khi vụ việc nằm ngoài phạm vi quyền lực của tòa (beyond jurisdiction) hoặc là đương sự đã bị tước đoạt quyền tranh tụng công bằng (procedural fairness).

Ngoài ra, tòa án địa phương cũng có quyền xét xử đơn xin tại ngoại hầu tra, đơn xin được bảo vệ từ những mối đe dọa bạo hành trong gia đình (AVO), một số vấn đề đơn giản liên quan tới con cái và tài sản gia đình, kháng cáo từ quyết định rút bằng lái xe của Sở Giao thông (RTA). Đại đa số các vụ kiện tụng hình sự lẫn dân sự diễn ra tại Tòa án Địa phương. Toà án địa phương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của mọi người và là tiêu chuẩn để đánh giá hệ thống tư pháp và công lý của một quốc gia.

Tòa án Khu vực (District hoặc County Courts)

Tòa án Khu vực xét xử tất cả các tội phạm nghiêm trọng ngoại trừ cố sát (murder), phản quốc (treason) và hải tặc (piracy). Các phiên xử phải có bồi thẩm đoàn thường là một nhóm 12 người được tuyển chọn từ danh sách cử tri (electoral roll). Bất cứ ai cũng có thể được chọn làm thành viên bồi thẩm đoàn ngoại trừ những nhà lãnh đạo chính quyền hoặc những người đã có án hình sự hay đang ở tù, đang bị phá sản hoặc bị mất bằng lái xe. Những thành phần như các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, giới bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ hoặc những người làm việc trong các dịch vụ cấp cứu (emergency services) có thể xin miễn khi được chọn làm bồi thẩm đoàn.

Về dân sự thì Tòa Khu vực có quyền phán xét các vụ kiện tranh chấp liên quan tới số tiền tối đa là $750,000. Riêng với các vụ kiện bồi thường từ xe nạn xe cộ thì số tiền không có giới hạn. Ngoài ra thì Tòa cũng tiếp nhận và phán xét đơn xin kháng cáo từ quyết định của các Tòa án Địa phương.

Tòa Thượng Thẩm NSW (Supreme Court of NSW)

Tòa Thượng Thẩm NSW là toà án cao nhất của tiểu bang NSW. Tòa xét xử những tội phạm nghiêm trọng nhất và cũng duyệt xét đơn kháng cáo từ các tòa cấp dưới gồm có Tòa án Khu vực và Tòa án Địa phương. Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm Hình Sự (The Court of Criminal Appeal) phán xét đơn kháng cáo về mặt hình sự và Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm (The Court of Appeal) xét đơn kháng cáo về mọi mặt khác.

Về mặt dân sự thì Tòa Thượng Thẩm chia thành 2 đơn vị: Đơn vị Án lệ (Common Law Division) và Đơn vị Công chính (Equity Division). Đơn vị Án lệ nhận đơn và xét xử các vụ kiện liên quan tới bồi thường thương tật cá nhân (ví dụ như gây ra bởi tai nạn giao thông, trượt té trên đường phố hoặc trong các siêu thị hoặc do sử dụng sản phẩm chế biến không đúng tiêu chuẩn an toàn), vi phạm hợp đồng, bất cẩn nghề nghiệp gây thiệt hại cho nguyên đơn và các vụ kiện mạ lỵ hoặc phỉ báng. Số tiền kiện xin bồi thường không có giới hạn. Đơn vị Án lệ cũng xét xử các đơn kiện liên quan tới hành chánh, phủ quyết các quyết định của các bộ trưởng hoặc công chức. Tòa có thể ra lệnh công chức thi hành một công tác cụ thể nào đó (ví dụ như cung cấp dữ kiện mà nguyên đơn đòi hỏi), hoặc ngăn cấm bộ trưởng hoặc công chức không được tiếp tục thi hành chính sách trái với luật pháp.

Đơn vị Công chính giải quyết các vấn đề sở hữu chủ quyền liên quan tới tài sản (gồm có tài sản trí tuệ) và bất động sản, tranh tụng liên quan tới công ty, đối tác, ủy thác. Ngoài ra, Đơn vị Công chính cũng duyệt xét các đơn xin kế thừa và xét xử các vụ tranh tụng liên quan tới hàng hải thương mại (Admiralty), đơn xin con nuôi (Adoptions) và các quyết định liên quan tới người mất trí hoặc tri thức không có khả năng tự quản lý tài sản của họ.

Ngoài ra, chính quyền tiểu bang NSW cũng lập ra một số tòa án chuyên biệt ví dụ như Tòa án Thiếu nhi (Children’s Court), Tòa Hành chánh (Administrative Decisions Tribunal), Dust Diseases Tribunal duyệt xét các đơn kiện bồi thường liên quan tới các chất bụi độc ví dụ như asbestos, Medical Tribunal xét xử đơn thi hành kỷ luật với giới y khoa, Consumer, Trader & Tenancy Tribunal và Fair Trading Tribunal giải quyết các vấn đề liên quan tới người tiêu thụ và thuê mướn nhà cùng với những người sống chung trong các chung cư. Victims Compensation Tribunal xét đơn xin bồi thường của các nạn nhân tội phạm hình sự. Workers Compensation Commission duyệt đơn xin bồi thường của các công nhân bị thương tật vì tai nạn ở nơi làm việc.

Tòa án Liên bang (Federal Court)

Tòa án Liên bang được thành lập từ năm 1976 và chính thức bắt đầu hoạt động từ 1/2/1977. Tòa án Liên bang giải quyết tất cả mọi vấn đề nằm dưới quyền hành của chính quyền liên bang theo Hiến pháp Úc ví dụ như luật gia đình, thuế má, hải quan, luật phá sản, bản quyền, cạnh tranh thương mại, luật di dân và nhân quyền. Tòa án Gia đình thuộc hệ thống liên bang. Đa số các vụ kiện thường bắt đầu với Tòa án Liên bang ở cấp thấp gọi là Federal Circuit Court (trước đó được gọi là Federal Magistrates Court). Những vấn đề phức tạp hơn thì có thể khởi kiện với Tòa án Liên bang.

Tối cao Pháp viện Úc (High Court of Australia)

Tối cao Pháp viện là Tòa án cao nhất tại Úc và được thành lập dưới Điều 71 của Hiến pháp Úc. Tối cao Pháp viện xét xử tất cả các đơn kháng cáo từ Tòa án Liên bang và Tòa Thượng Thẩm của các tiểu bang.  Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới Hiến pháp Úc phải được trình xử trước Tối cao Pháp viện. Phán quyết của Tối cao Pháp viện là quyết định sau cùng và là luật mà tất các tòa án trên toàn quốc phải tuân theo. Tối cao Pháp viện có 7 thành viên gồm một chánh án (Chief Justice) và 6 thẩm phán. Các vấn đề liên quan tới Hiến pháp hoặc quan trọng thường được xét xử bởi cả 7 vị. Những đơn kháng cáo khác có thể sẽ được giải quyết bởi 2 hoặc 3 thẩm phán.

Tóm lại, hệ thống tòa án tại Úc có những đặc điểm phù hợp với một xã hội pháp quyền. Trước tòa thì mọi người được đối xử bình đẳng như nhau từ một anh phó thường dân đến một vị bộ trường hoặc dân biểu (như trường hợp của Craig Thomson trong thời gian gần đây). Quan tòa phải hành xử trong sáng và có trách nhiệm (transparent and accountable). Quyết định của tòa phải được thu âm và ghi lại bằng văn bản để nếu cần bên thua kiện có thể dựa vào đó mà kháng cáo. Quyết định của các thẩm phán tòa cao như Tối cao Pháp viện hoặc Tòa Thượng Thẩm đều phải được ghi bằng văn bản và phổ biến rộng rãi cho công chúng và giới luật gia phân tích, mổ xẻ và chỉ trích các luận cứ không vững chắc hoặc không có cơ sở. Không có chuyện “chạy án” như vẫn thường nghe diễn ra thường xuyên ở Việt nam. Chỉ khi nào Việt nam vượt qua tầm mức của “Tòa án Nhân dân” khi quan tòa được sử dụng như là một công cụ của đảng cầm quyền thì ngày đó Việt nam mới có thể hy vọng có cơ hội chung vai sánh bước cùng với các quốc gia văn minh tiên tiến khác trên thế giới.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng