Kiện tụng, Trọng tài và Hòa giải

 


                                                            Credit: lucidchart.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Bất cứ người Úc nào cũng đều có quyền sử dụng hệ thống tư pháp để bảo vệ quyền lợi pháp lý của họ. Có điều là hệ thống này ngày càng tốn kém quá nhiều và chỉ có những người giàu hoặc các công ty lớn mới có đủ khả năng trả nổi. Một vụ kiện tại tòa án liên bang trung bình tốn $100,000 cho mỗi bên nguyên đơn và bị đơn. Tranh kiện phân chia tài sản trong tòa án gia đình trung bình tốn mỗi bên ít nhất $50,000. Để mướn luật sư và trạng sư chống lại một tội phạm đại tại tòa án khu vực thì bị cáo phải chuẩn bị khoảng $100,000. Để tiến hành đơn kiện tại Tòa Thượng Thẩm NSW thỉ lệ phí nộp đơn trả cho Tòa (filing fee) cũng tốn gần cả ngàn đồng và gần $3,000 nếu nguyên đơn là một công ty. Tòa tính thêm $2,000 cho mỗi ngày xử ($4,560 cho nguyên đơn công ty). Có nghĩa là nếu vụ kiện kéo dài 5 ngày thì chỉ lệ phí trả cho tòa đã lên tới $10,000. Chưa tính tiền luật sư, trạng sư, QC (Queen’s Counsel) hoặc SC (Senior Counsel). Trạng sư trung bình tốn từ $3,000 tới $5,000 một ngày chưa tính thù lao chuẩn bị cho vụ kiện. QC hoặc SC có thể tốn từ $7,000 tới $10,000 một ngày. Trong tháng 4 năm 2014, Cựu Thủ tướng Kevin Rudd đã mướng trạng sư giỏi nhất nước Úc hiện nay là Brett Walker SC đại diện trong phiên xử điều trần về án mạng liên quan tới chương trình cách nhiệt (insulation scheme). Lệ phí của ông Brett Walker là $15,000 một ngày. Trường hợp của Cựu Thượng Nghị sĩ Mary Joe Fisher là một ví dụ điển hình. Bà Fisher bị tố về tội ăn cắp (shoplifting) trong một siêu thị. Nếu nhận tội thì bà có thể bị phạt không quá $1,000. Nhưng nếu nhận tội thì bà có thể mất ghế ở thượng viện liên bang. Bà không nhận tội và viện dẫn lý do là bị bệnh trầm cảm. Khi xảy ra sự việc thì bà đang bị chứng hốt hoảng (panic attack). Tòa đồng ý và phán bà không có tội ăn cắp nhưng có tội hành hung nhân viên an ninh. Phí tổn pháp lý cho vụ kiện này lên tới hơn $200,000.

Kiện tụng không chỉ tốn kém về mặt tài chánh mà còn về mặt thời gian, đời sống và tâm lý. Một vụ kiện tại Tòa Khu vực hoặc Tòa Thượng thẩm trung bình kéo dài 2 năm. Trong một số vụ kiện tranh chấp quyền nuôi và thăm con trong Tòa án Gia đình thì đôi khi kéo dài tới 3-4 năm. Trong suốt khoảng thời gian tranh chấp thì cả đôi bên phập phồng sống trong nỗi lo âu và căng thẳng. Cho dù kết quả thế nào thì vết thương cũng đã hằn sâu sau bao nhiêu năm ra tòa. Con cái phải lớn lên và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh giữa cha mẹ của chúng.

Nhận thấy cái giả phải trả cho công lý quá cao, quốc hội và ngay cả các vị thẩm phán ngày càng khuyến khích các bên tranh chấp tìm cách giải quyết bất đồng bằng những hình thức đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém hơn. Kiện tụng phải là giải pháp sau cùng. Hai phương thức giải quyết tranh chấp mà không đụng chạm tới tòa là hòa giải (mediation) và trọng tài (arbitration).

Trọng tài

Phương pháp sử dụng trọng tài rất thông dụng trong các trường hợp tranh chấp về hợp đồng thương mại (commercial arbitration). Khi ký hợp đồng thì hai bên đã đồng ý sử dụng trọng tài nếu có tranh chấp. Tùy theo mức độ phức tạp, trọng tài thường là một hoặc một số vị cựu thẩm phán hoặc trạng sư hoặc luật sư chuyên môn có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp. Phiên xử diễn ra đơn giản và không rườm rà cũng như không có nghi thức của tòa. Điều lệ trưng dẫn bằng chứng (rules of evidence) không nhất thiết được áp dụng. Thông thường thì không có một núi văn kiện và phiên xử không kéo dài tới cả tháng. Đối với tòa án thì đương đơn không có quyền lực chọn thẩm phán nhưng hai bên tranh chấp thì có quyền chọn lựa trọng tài. Đa số văn bản hợp đồng thương mại quy định là nếu không có sự đồng thuận trong việc chọn lực trọng tài thì sẽ do một tổ chức độc lập trung gian ví dụ như Hiệp hội Trọng tài và Hòa giải đứng ra quyết định. Tiến trình xét xử diễn ra nhanh hơn và ít tốn kém. Hai bên có thể chọn địa điểm và giờ giấc (gồm cả cuối tuần) ít tốn kém và thuận tiện cho họ. Phán quyết của trọng tài có giá trị ràng buộc y như phán quyết của tòa. Thông thường, tiến trình xét xử được giữ kín và việc này quan trọng đối với các công ty hoặc cơ sở thương mại khi không muốn bí mật kinh doanh của họ bị tiết lộ.

Mặt khác, phương pháp trọng tài có vài điểm bất lợi và không thích hợp trong những trường hợp tranh chấp giữa người tiêu thụ và các đại công ty. Một trong những vũ khí lợi hại mà người tiêu thụ có thể sử dụng chính đáng là đưa cách hành xử không đúng đắn của các đại công ty này ra trước công chúng để mọi người đánh giá uy tín của họ. Phương pháp này cũng không thích hợp khi vụ kiện liên quan tới nhiều nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc trong trường hợp mới lạ chưa có án lệ để áp dụng.

Hòa giải

Hòa giải là một phương pháp và tiến trình giải quyết tranh chấp mà những người trong cuộc dưới sự hướng dẫn của một hòa giải viên (mediator) xác định khía cạnh tranh chấp, cùng đề ra và cứu xét một số giải pháp và tìm cách tương nhượng để đạt đồng thuận. Hòa giải viên không có thẩm quyền ràng buộc hoặc cưỡng bách bên nào.

Ngoài những lợi điểm và tài chánh, thời gian và yếu tố bảo mật, phương pháp hòa giải cũng giúp cho những người trong cuộc làm chủ tình hình và có cơ hội bày tỏ sự ấm ức của mình trực tiếp với đối phương. Nhưng họ cũng trực tiếp nghe được ấm ức từ phía bên kia. Phương pháp hòa giải rất thích hợp cho những loại tranh chấp mà hai bên phải tiếp tục duy trì quan hệ với nhau ví dụ như tranh chấp gia đình hoặc giữa các thành viên trong một gia đình, giữa chủ nhân và công nhân, giữa chủ phố và người thuê, giữa chủ nhà và thợ xây cất hoặc giữa các đối tác làm ăn chung với nhau. Kết quả của một cuộc hòa giải thành công thông thường là không có kẻ thắng người thua và vì vậy nên cả hai bên đều có lý do để cảm thấy hài lòng với quyết định mà họ đồng thuận.

Hòa giải không phải là một phương pháp thích hợp trong những trường hợp có sự bạo động hoặc bạo hành giữa hai bên tranh chấp hoặc khi đương sự là trẻ em dưới tuổi vị thành niên hoặc mắc các chứng bệnh tâm lý hoặc tâm thần. Cơ hội thành công của phương pháp hòa giải cũng tùy thuộc vào mức độ hiểu biết luật pháp liên hệ và thái độ sẵn sàng tương nhượng của đôi bên. Khi có tranh chấp, nếu hai bên đồng lòng tiến hành hòa giải càng sớm thì cơ hội thành công càng cao. Lâu ngày thì thái độ hằn học và hận thù có thể ăn sâu, nhất là khi đã nặng lời qua tiếng lại với nhau như trong trường hợp tranh chấp giữa một số thành viên hoặc đoàn thể trong cộng đồng người Việt.

Vì sự bảo mật cần thiết nên không có những có số cụ thể cho thấy sự hữu hiệu của phương pháp hòa giải. Tuy nhiên, theo tổ chức Lawyers Engaged in Alternative Dispute Resolution (LEADR)  thì tỷ lệ thành công của phương pháp này lên tới 85%. Chiều hướng cho thấy là hệ thống pháp lý và tòa án sẽ yêu cầu các bên tranh chấp thật lòng tiến hành giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa giải trước khi đưa sự việc ra tòa.

Tóm lại, bất cứ công dân Úc nào cũng có quyền sử dụng hệ thống tư pháp để bảo vệ quyền lợi và công lý của họ. Nhưng thực tế cho thấy biện pháp này ngày càng quá quá tốn kém và đa số người dân có lợi tức trung bình không có khả năng trả nổi. Vì thế, mọi người cần phải thay đổi tư duy. Khi có tranh chấp thì hãy bắt đầu với phương pháp hòa giải. Kiện tụng phải là giải pháp sau cùng chớ không phải là bước đầu tiên. Nói như vậy không có nghĩa là luật pháp không còn vai trò quan trọng vì muốn có cơ hội hòa giải thành công thì những người trong cuộc cần được cố vấn đúng đắn để hiểu rõ những nguyên tắc pháp lý liên hệ tới việc tranh chấp và xác suất thành công của họ thế nào nếu sự việc được đưa ra tòa xét xử.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng