Tình thù trong thời đại @

 


Credit: jipel.law.nyu.edu

Ls Nguyễn Văn Thân

Trong tháng 12 năm 2014, dư luận mạng xôn xao vì có một đoạn video được đưa lên youtube chiếu những cảnh ái ân mặn nồng giữa một phụ nữ Mỹ gốc Việt và một nam nhân trong giống như là một tu sĩ Phật Giáo. Một lần nữa, Phật Giáo trở thành một đề tài bàn tán và niềm tin của Phật tử lại phải trải qua một cuộc thử thách. Nhưng cách đây không lâu, truyền thông mạng lại đăng tải tin tức là những hình ảnh trong đoạn video clip đó là gán ghép. Những hình ảnh đó thuộc về nạn nhân và người bạn trai cũ của bà được quay vào năm 2007. Đến năm 2009 thì nạn nhân bị mất máy tính có những hình ảnh đó. Có người nào đã dùng photoshop chỉnh sửa cắt dán đưa hình của vị tu sĩ vào. Sau khi các chuyên gia vi tính bóc lớp ra thì hình ảnh thật là của người bạn trai. Nạn nhân đã tố cáo sự việc này với FBI và nhờ luật sư khởi kiện 9 tờ báo Việt Ngữ tại Hoa Kỳ cùng với 4-5 trang mạng khác.

Trong tháng Giêng 2015 thì cũng có một phán quyết đáng chú ý liên quan đến hình ảnh sinh hoạt phòng the được phát tán trên mạng của Tòa Thượng Thẩm Tây Úc. Trong vụ kiện Wilson v Ferguson [2015], nguyên đơn là một phụ nữ 31 tuổi và là một công nhân hầm mỏ làm việc cho Fortescue Metal Group tại Mỏ Cloudbreak, Pilbara. Bị đơn là bạn trai cũ của bà. Họ quen biết nhau vào năm 2011 tại nơi làm việc. Sau một thời gian ngắn, nguyên đơn dọn vào sống chung với bị đơn. Trong khoảng thời gian yêu nhau, họ thường dùng điện thoại di động tự chụp hình khoả thân rồi gửi cho nhau. Bị đơn cũng chụp hình lõa thể của nguyên đơn với sự đồng ý của bà. Ngoài ra, nguyên đơn cũng sử dụng điện thoại di động để quay các cảnh tình dục, thủ dâm và ân ái với bị đơn.

Sau đó không lâu, nhân lúc nguyên đơn bỏ quên điện thoại trong phòng khách thì bị đơn đã chuyển các đoạn phim nói trên qua điện thoại của ông. Nguyên đơn phản ứng giận dữ và phản đối việc bị đơn tự động soi mói điện thoại của bà và yêu cầu bị đơn không được phát tán các đoạn phim này. Bị đơn hứa là sẽ không làm như vậy.

Tới ngày 5 tháng 8 năm 2013 thì nguyên đơn quyết định chia tay với bị đơn bằng cách gửi một thông điệp qua điện thoại di động viện dẫn lý do là bị đơn lăng nhăng với người khác. Lập tức trong ngày hôm đó, bị đơn trả đũa và đưa 16 tấm hình lõa thể của nguyên đơn cùng với các đoạn phim "nóng" lên facebook. Vì vậy vụ kiện này cũng được gọi là  "phim người lớn trên facebook" (facebook sex tape).

Tài khoản facebook của bị đơn có khoảng 300 người bạn mà đa số là đồng nghiệp của hai người tại Mỏ Cloudbreak. Một vài người trong nhóm này liên lạc với báo cho nguyên đơn biết. Bên dưới mấy tấm hình và đoạn phim nói trên, bị đơn viết kèm: “Hãy xem đây là một bài học. Tao sẽ ị lên bất cứ ai phản bội tao. Có thế thôi”. Sau đó, bị đơn cũng gửi thêm một text message cho nguyên đơn: “Để xem mày chết thế nào. Mày là một cục cức”.

Đa số công nhân làm việc tại Mỏ Cloudbreak là đàn ông. Họ thuộc lại “bay vô, bay ra” (fly in, fly out). Họ bị cô lập với thế giới bên ngoài và giải trí bằng những câu chuyện tình dục tục tĩu về đàn bà. Sau khi sự việc xảy ra thì nguyên đơn cảm thấy quá xấu hổ. Bà mất ngủ hết 3 đêm liên tiếp và sau đó phải uống thuốc ngủ hàng đêm. Bà cũng không có đủ tình thần hoặc can đảm tiếp tục đi làm nên phải xin nghỉ không lương khoảng 3 tháng. Trong khoảng thời gian này, nguyên đơn cũng phải nhiều lần đi counselling về tâm lý để đối phó với cú shock quá mạnh. Còn bị đơn thì bị đuổi việc khoảng một tuần lễ sau đó.

Nguyên đơn tiến hành kiện xin án lệnh cấm bị đơn vĩnh viễn không được phát tán những hình ảnh và đoạn phim riêng tư của nguyên đơn, bồi thường 3 tháng lương cùng với “thiệt hại tinh thần” (emotional distress) và án phí.

Đơn kiện của nguyên đơn dựa trên nguyên tắc pháp lý “xâm phạm thông tin bảo mật” (breach of confidential information). Theo nguyên tắc này, người nhận thông tin bảo mật không được tiết lộ thông tin đó mà không có sự đồng thuận của người cung cấp. Trong trường hợp khi hai bên có mối quan hệ đặc biệt ví dụ như bác sĩ và bệnh nhân, luật sư hoặc kế toán với thân chủ, tiết lộ thông tin bảo mật không chỉ trái luật mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể dẫn đến việc các chuyên gia bị kỷ luật và mất bằng hành nghề. 

Nhưng trong quan hệ tình cảm thì phức tạp hơn nhiều. Khi yêu nhau, người ta thường tâm sự tỉ tê với nhau bao nhiêu bí mật thầm kín. Biết cái nào có tính bảo mật, và cái nào không? Trong vụ kiện Duchess of Argyll v Duke of Argyll [1965], Công Tước và Công Nương của Argyll cưới nhau năm 1951. Tới năm 1963 thì Công Tước của Argyll đệ đơn ly dị dựa trên lý do là vợ ông ngoại tình. Tòa tuyên bố cho họ ly dị. Tới năm 1965 thì Công Nương của Argyll xin tòa ban lệnh cấm chồng cũ tiết lộ những chi tiết riêng tư mà bà đã thổ lộ với ông khi còn chung sống cũng như ban lệnh cấm báo chí đăng tải hoặc phổ biến các chi tiết mà Công Tước cung cấp cho họ. Tòa đồng ý ban lệnh cấm và phán rằng thông tin chia sẻ giữa hai vợ chồng trong cuộc hôn nhân có tính bảo mật.

Một vấn đề khác là thông thường thì tòa chỉ cho phép bồi thường thiệt hại thương tích thể xác hoặc tâm thần (psychiatric injury) có tính dài hạn. Thiệt hại tâm lý hoặc tinh thần thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong vụ kiện Giller v Procopets [2008], nguyên đơn là vợ cũ của bị đơn. Hai người có hai đứa con sinh đôi. Trong khoảng thời gian chung sống thì bị đơn thường hay quay phim cảnh sinh hoạt phòng the của hai người. Bị đơn là một người chồng vũ phu nên quan hệ vợ chồng gãy gánh. Sau đó, bị đơn mang các cuộn băng video chiếu cảnh ái ân của hai vợ chồng và gửi cho cha mẹ cùng với người quen của nguyên đơn với mục đích là để nhục mạ nguyên đơn. Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm Victoria phán quyết là nguyên đơn có quyền xin bồi thường vị bị thiệt hại tâm lý hoặc tinh thần bởi hành động trả thù này của bị đơn.

Trở lại với vụ kiện Wilson v Ferguson, Thẩm Phán Mitchell của Tòa Thượng Thẩm Tây Úc phán rằng nguyên đơn được quyền bồi thường vì bị thiệt hại tâm lý hoặc tinh thần. Rõ ràng là bị đơn hiểu rằng những hình ảnh lõa thể và đoạn phim riêng tư có tính bảo mật và không được tiết lộ cho người khác trừ khi có sự đồng thuận của nguyên đơn. Bị đơn cố ý đưa những thông tin này lên facebook để nhục mạ và gây tổn thương cho nguyên đơn. Hành động trả thù bỉ ổi này đã thật sự gây thiệt hại tài chánh lẫn tinh thần cho nguyên đơn. Do đó, Tòa ban lệnh cấm bị đơn không được phát tán những thông tin bảo mật và bồi thường 3 tháng tiền lương cùng với số tiền $35,000 cho thiệt hại tinh thần của nguyên đơn và án phí.

Phán quyết của tòa hầu như không gặp phải sự phản đối nào từ giới luật gia. Có điều là trong những vụ quay phim cảnh ái ân giữa đôi tình nhân thì đều có sự đồng ý của cả hai người. Một người bình thường phải nghĩ đến việc có ngày các đoạn phim đó có thể xuất hiện trên internet bằng cách này hay cách khác. Vậy khi chấp nhận “đóng vai chính” thì họ phải hiểu nguy cơ có thể trở thành thần tượng phim nóng. Trong một số trường hợp ví dụ như Paris Hilton hoặc Kim Kardashian thì họ có vẻ trở thành nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn sau khi những cuốn phim "người lớn" mà họ đóng vai chính được đưa lên internet. Thậm chí có người nghi ngờ là chính những ngôi sao truyền hình thực tế này đã dàn xếp đưa phim nóng của họ lên mạng để quảng cáo. Dù sao đi nữa thì mọi người nên thận trọng với cái điện thoại di động vì nó có thể được sử dụng làm máy thu âm hoặc quay phim trong thời đại này. Và tốt nhất là đừng bao giờ đùa giỡn với nó. 


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng