Luật lệ hồ bơi

 

                                                        Credit: mypoolsafety.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Theo bản báo cáo của Royal Life Saving Society thì từ 1 tháng 7 năm 2012 đến 30 tháng 6 năm 2013 có tổng cộng 291 người chết đuối trên toàn nước Úc. Nạn nhân gồm có 238 nam và 53 nữ mà trong đó có 31 đứa trẻ con dưới 5 tuổi. Khoảng phân nửa số trẻ con bị chết đuối trong hồ bơi tư gia vì không có hàng rào hoặc cửa rào hồ bơi bị hư. Đa số trường hợp này diễn ra trong lúc người lớn lơ đễnh lo làm công việc khác hoặc nói chuyện điện thoại hoặc cho là đã có người khác coi chừng. Mất một đứa con nhỏ vì chết đuối trong hồ bơi ngay trong nhà là một tai họa lớn không có lời nào diễn tả nỗi và có thể dễ dàng tiêu diệt hạnh phúc gia đình. Nhiều phụ huynh có ý định quyên sinh vì quá đau khổ và cho rằng chính họ là thủ phạm.

Ấy vậy mà đa số mọi người rất ỷ y và cứ nghĩ là tai họa này chỉ đến với người khác chớ không bao giờ đến với mình. Họ cứ cho rằng là họ quá bận và không có thời gian làm hàng rào an toàn chung quanh hồ bơi. Nhưng họ không hiểu rằng trẻ con có thể chết đuối trong một vài giây mà không gây ra bất cứ tiếng động nào. Thời gian của họ quý báo cỡ nào khi so với sinh mạng của con nhỏ?

Người Úc rất thích có hồ bơi. Chỉ trong tiểu bang NSW thì có khoảng 400,000 hồ bơi tư gia cả chìm lẫn nổi lẫn xách tay (portable). Hàng năm thì có thêm từ 5000 đến 6000 hồ bơi mới được cất. Nhà có hồ bơi vừa tiện lợi cho sinh hoạt giải trí gia đình vừa làm tăng giá trị bất động sản và là niềm hãnh diện của chủ nhà. Mùa hè tại Úc lại quá nóng chưa kể thêm những cuộc cháy rừng. Vì vậy, tổ chức tiệc tùng barbecue ở nhà có hồ bơi mang lại sự mát mẻ và vui vẻ cho tất cả mọi người.

Đạo luật Hồ bơi ra đời năm 1992 (Swimming Pools Act 1992) quy định hồ bơi tư gia phải có hàng rào để bảo vệ trẻ nhỏ. Tới năm 2009 thì Đạo luật được tu chính bắt buộc tất cả các hồ bơi mới phải có hàng rào tứ phía trên mọi bất động sản và cho phép hội đồng thành phố tiến hành điều tra trong vòng 72 tiếng đồng hồ sau khi nhận được sự khiếu nại là chủ nhân không tuân thủ quy định an toàn về hồ bơi. Ngoài ra, hội đồng thành phố có thể vào nhà để gắn hoặc sửa lại hàng rào nếu chủ nhà không chịu làm hoặc sửa. Số tiền phạt vạ tăng từ $1,100 đến $5,500 cho mỗi sự vi phạm.

Tới năm 2010 thì Sắc luật Chuyển nhượng Bất Động sản (Conveyancing Sale of Land Regulation) quy định hợp đồng bán bất động sản phải kèm theo cảnh báo là chủ nhân có trách nhiệm bảo đảm hồ bơi tư gia tuân thủ điều kiện pháp lý và người mua nên lưu ý tới việc này. Tương tự như vậy, Đạo luật Thuê mướn Nhà ở 2010 quy định chủ nhà phải bảo đảm chỗ ở tuân thủ điều lệ an toàn gồm có các điều lệ an toàn liên quan tới hồ bơi.

Mặc dù Chính quyền và Quốc hội tiểu bang NSW có quan tâm cũng như ban hành và tu chính luật lệ nhưng vấn nạn trẻ con chết đuối trong hồ bơi sau vườn vẫn tiếp diễn. Tới năm 2012 thì Đạo luật Hồ bơi được tu chính một lần nữa. Mục đích chính của việc tu chính này là lập ra một hệ thống đăng ký trên mạng và quy định tất cả chủ nhân trong tiểu bang NSW phải đăng ký hồ bơi của họ trên mạng trước ngày 19 tháng 11 năm 2013. Khi đăng ký thì chủ nhận phải trả lời một số câu hỏi Có/Không để xem hồ bơi của họ có tuân thủ hết mọi điều lệ an toàn hay không. Chủ nhân cũng có thể tự “thanh tra” (self certified) bằng cách xác nhận là hồ bơi của họ tuân thủ mọi điều lệ an toàn do luật pháp ấn định. Bằng không thì chủ nhân có có thể thuê hội đồng thành phố hoặc mướn thanh tra tư (private certifiers) cung cấp chứng chỉ tuân thủ (certificate of compliance).  Chứng chỉ này có giá trị trong thời hạn 3 năm và phải được kèm vào hợp đồng bán bất động sản hoặc thuê mướn nơi cư ngụ sau ngày 29 tháng 4 năm 2014. Tuy nhiên, thời điểm này giờ đã được gia hạn thêm 12 tháng nữa tới 29 tháng 4 năm 2015 vì có quá nhiều hồ bơi không tuân thủ đúng điều lệ an toàn và hệ thống mạng của hội đồng thành phố chưa được hoàn chỉnh cũng như số lượng thanh tra tư không đủ để cấp chứng chỉ tuân thủ cho hàng trăm ngàn hồ bơi toàn tiểu bang NSW.

Việc cho phép chủ nhân tự thanh tra và cấp chứng chỉ tuân thủ đã tạo nhiều tranh cãi. Thông thường thì chỉ có những người có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn mới có thẩm quyền thanh tra và cấp chứng chỉ. Chủ nhân có phải là những người có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để chứng nhận là hồ bơi của họ tuân thủ mọi điều lệ an toàn hay không? Nếu dùng chứng chỉ tự cấp này để bán hoặc thuê nhà và sau đó có tai nạn chết đuối thì trách nhiệm pháp lý của họ sẽ như thế nào? Cho tới bây giờ thì các câu hỏi này chưa có giải đáp thỏa đáng.

Một vấn đề khác là khi chủ nhân của một căn chung cư muốn bán hoặc cho thuê. Trong những trường hợp này thì hồ bơi là tài sản chung của công ty chung cư (body corporate). Nếu công ty chung cư không có hoặc chậm trễ trong việc thuê mướn thanh tra cung cấp hoặc tái cung cấp chứng chỉ tuân thủ sau mỗi 3 năm có thể ảnh hưởng đến trách nhiệm pháp lý của người bán khi ký hợp đồng. Ngoài ra, Đạo luật tu chính cũng yêu cầu hội đồng thành phố phải gửi nhân viên đến kiểm tra hồ bơi trong những khu chung cư hoặc khách sạn định kỳ. Theo ước lượng của Hiệp hội Hồ bơi & Spa (Swimming Pools & Spa Association NSW) thì hiện có khoảng 400,000 hồ bơi trên toàn tiểu bang. Nếu hàng năm hội đồng thành phố phải gửi nhân viên đi thanh tra thì tính ra mỗi ngày sẽ có tới 1905 vụ thanh tra. Dĩ nhiên là các hội đồng thành phố không có đủ nhân lực để làm công tác mà luật pháp đòi hỏi. Hội đề nghị là cho phép những người chuyên môn trong ngành xây dựng hồ bơi được quyền thanh tra để cắt giảm thời gian và chi phí.

Dù sao đi nữa thì trách nhiệm chính vẫn là của chủ nhà có hồ bơi. Đã thích mua nhà có hồ bơi hoặc cất hồ bơi thì nên bỏ tiền ra bảo đảm an toàn. Nếu cần thì mướn người chuyên môn ra xem và cố vấn coi có phải gắn hoặc sửa lại hàng rào hay không. Bằng không lỡ có án mạng xảy ra thì tốn bao nhiêu tiền cũng không đền bù được được.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng