Phân chia tài sản gia đình


Credit: div-ide.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Không có gì khó khăn hơn việc giải quyết tranh chấp tài sản gia đình khi hai vợ chồng chia tay. Đặc biệt là người Việt chúng ta lại có sẵn nhiều định kiến về vai trò khác nhau của vợ chồng trong gia đình và trong xã hội. Một mặt thì người đàn ông Việt nam thường có quan niệm rộng rãi và hào phóng khi nghĩ đến trách nhiệm với con cái. Mặt khác thì họ thường đánh giá thấp vai trò nội trợ của người vợ. Về cái nhìn của người phụ nữ thì họ lại cho rằng con cái cũng có phần trong tài sản gia đình. Những suy nghĩ như vậy thường không phản ánh đúng thực tế của luật pháp. Tài sản gia đình là thuộc hai vợ chồng và luật pháp không ấn định chia cho con cái. Dĩ nhiên là cả vợ lẫn chồng đều có quyền cho lại tất cả hay một phần tài sản của riêng họ hoặc của cả hai nếu có sự đồng thuận. Cũng có người cho rằng phai ly dị trước rồi mới chia tài sản. Thật ra, luật gia đình bắt buộc vợ chồng phải ly thân trên 12 tháng mới được quyền đệ đơn xin ly dị. Ngay sau khi ly thân là một hoặc cả hai được đặt vấn đề nuôi giữ con cái và phân chia tài sản.

Những sự hiểu lầm như vậy có thể dẫn đến xung đột và kiện tụng tốn kém tạo nhiều tác hại cho chính cặp vợ chồng và con cái. Đa số mọi người trong hoàn cảnh này đều mong muốn có thể giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng qua một sự đồng thuận với nhau. Nhưng những người trong cuộc chỉ có thể thương lượng và đi đến một thỏa thuận công bằng và hợp lý dựa trên sự hiểu biết đúng đắn về những nguyên tắc luật pháp áp dụng cho việc phân chia tài sản gia đình.

Đạo luật Gia đình (Family Law Act 1975) đưa ra 4 nguyên tắc căn bản cho việc phân chia tài sản. Thứ nhất, tất cả tài sản gia đình cần được liệt kê và định giá. Thứ hai, sự đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng tài chánh hoặc công sức của cả hai vợ chồng đều được ghi nhận và thẩm định. Thứ ba, tỷ lệ phân chia sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của những người trong cuộc và sau cùng là một cái nhìn tổng thể xem xét kết quả phân chia có công bằng trong trường hợp hoặc hoàn cảnh đó hay không.

Tất cả tài sản gia đình gồm có bất động sản, thương vụ, xe cộ, cổ phần đứng tên chung hay riêng, vàng vòng, hiện kim, hiện vật cũng như tiền trong quỹ hưu trí đều được coi như là tài sản gia đình. Không cần biết là tài sản này đã có trước hoặc sau khi thành hôn. Dĩ nhiên là phải trừ đi tất cả nợ nần trước khi phân chia. Nếu bất đồng về giá trị của một phần tài sản nào đó ví dụ như giá nhà hoặc thương vụ hoặc cổ phần trong công ty thì đương sự có thể thuê mướn chuyên viên định giá để định giá. Ngoài ra, luật pháp cũng cho phép tính những phần tài sản đã được tẩu tán ví dụ như khi người vợ hoặc chồng bán đi một phần tài sản nào đó rồi xài hết tiền. Tài sản gia đình được coi là tất cả tài sản hai bên có tại lúc xét xử bao gồm tài sản mua hoặc thu nhận sau khi ly thân.

Đóng góp tài chính

Bước thứ hai là phải thẩm định mức độ đóng góp của hai vợ chồng. Có hai phương pháp thẩm định đóng góp: tổng thể tài sản hoặc là từng phần tài sản. Phương pháp thứ hai chỉ thích hợp cho các cuộc hôn nhân ngắn nhất là khi hai vợ chồng đã có tài sản riêng trước khi thành hôn. Với các cuộc hôn nhân dài hạn thì toà thường áp dụng phương pháp thứ nhất.

Ngoài việc mua hoặc thu nhận, luật pháp cũng ghi nhận sự đóng góp trong việc bảo quản và gia tăng giá trị của tài sản. Trong vụ McDougall (1976), người chồng đã có căn nhà trước khi kết hôn. Sau đó, người chồng bán căn nhà cũ và dung số tiền bán mua căn nhà mới để hai vợ chồng cùng ở. Người vợ chỉ bỏ tiền sửa sang nhà. Luật pháp ghi nhận người vợ có phần trong căn nhà mới. Tương tự như vậy trong vụ Cibic & Cibic (1977), người vợ bỏ tiền ra mua nhà. Sau khi ly thân, người chồng tiếp tục ở trong căn nhà đó, trả tiền thuế, rác và bỏ công sửa sang và chăm sóc vườn tược. Tới ngày xử thì giá nhà đã tăng vọt rất nhiều. Tòa quyết định chia 3/5 cho người chồng.

Với những cuộc hôn nhân dài hạn thì phần tài sản riêng có trước khi thành hôn không còn quan trọng nữa. Thông thường trong các cuộc hôn nhân này thì hai vợ chồng đã thỏa thuận phân chia vai trò rõ ràng. Người vợ hy sinh sự nghiệp để sinh con và làm nội trợ để người chồng có thễ rảnh rỗi ra ngoài làm ăn và kiếm tiền nuôi gia đình. Trong vụ xử GWH v PGH (2005), người chồng có khoảng $800,000 đồng trước khi cưới nhau. Người vợ thì không có tài sản gì cả. Hai bên ly thân sau khi chung sống hơn 18 năm và có hai con. Tòa thẩm định sự đóng góp của người vợ là 30%. Sau khi điều chỉnh tỷ lệ vì người vợ nuôi giữ hai đứa con thì người vợ được hưởng 45% của tài sản gia đình.

Tài sản mua sắm sau khi ly thân của một người không hẳn là không có sự đóng góp của người kia. Trong vụ xử Jacobson & Jacobson (1989), hai vợ chồng ly thân hơn 4 năm. Người vợ lo chăm sóc cho đứa con bị tật nguyền. Người chồng thì có lợi tức rất cao và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau khi ly thân đã mua và trả đứt căn nhà ở rồi mua thêm căn thứ hai để đầu tư. Luật sư của người chồng biện luận rằng người vợ không có đóng góp gì cho những phần tài sản sau ngày ly than. Toà đã không chấp nhận lý luận này và đã phán cho người vợ được 45% tài sản gia đình.  

Quà tặng và thừa hưởng

Trước khi cưới hoặc trong lúc chung sống với nhau, vợ chồng có thể nhận quà tặng từ cha mẹ và gia đình. Vấn đề là món quà này được tặng cho một hay cả hai. Tòa đã quyết định khi cha mẹ tặng quà thì là tặng riêng cho con của họ trừ khi có những bằng chứng cụ thể trái ngược. Và phần tài sản này được coi là do công đóng góp của người nhận quà.

Cơ hội được thừa hưởng tài sản được cứu xét trong vụ xử White & Tulloch (1995). Trong vụ này, mẹ của người vợ đã 81 tuổi. Người chồng xin phép và được tòa chấp thuận xem xét di chúc của người mẹ vợ. Trong vụ Grace & Grace (1998), người vợ xin phép và được tòa chấp thuận đình xử vụ kiện phân chia tài sản cho tới khi mẹ chồng qua đời (2 năm rưỡi sau đó) vì tài sản người chồng được thừa hưởng được xem là tài sản gia đình.

Trúng số

Trong vụ Zyk & Zyk (1995), hai vợ chồng cưới nhau được 8 năm. Người chồng mua và trúng lotto sau hai năm chung sống. Người chồng cho rằng phần tiền trúng này là công lao của riêng mình. Lý luận này không được tòa chấp nhận. Khi hai vợ chồng chung sống với nhau, tiền dùng mua lotto bởi riêng vợ hoặc chồng sẽ được coi như là được mua từ số tiền chung của hai vợ chồng như khi mua sắm bất cứ thứ gì và phần tiền trúng số sẽ được coi như là công lao của cả hai vợ chồng.

Trong vụ Farmer & Bramley (2000), cặp vợ chồng chung sống với nhau được 12 năm và có 1 con. Không có tài sản gì đáng kể. Khi mới kết hôn thì người chồng còn nghiện xì ke và người vợ lãnh trách nhiệm chính lo cho gia đình. Người chồng trúng lotto 5 triệu khoảng 1 năm sau khi ly thân. Người vợ đòi chia tài sản nhưng người chồng không đồng ý với lý lẽ là việc may mắn trúng lotto diễn ra sau khi hai người đã chia tay và sinh sống riêng biệt. Tòa đã không chấp nhận lập luận này và phán cho người vợ được $750,000 vì người vợ đã có nhiều đóng góp tài chính và công sức cho gia đình trong thời gian chung sống. Tất cả tài sản gia đình có được tại ngày xử đều được tính bao gồm số tiền trúng lotto sau khi ly thân.

Phí của

Nếu có người cố ý hay bất cẩn lãng phí tài sản gia đình, tòa có thể hạ thấp sự đóng góp của đương sự. Trong vụ Kowaliw & Kowaliw (1981), người chồng không thu tiền mướn nhà gần 1 năm, Tòa phán là người chồng hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sự thất thu này. Tương tự như vậy, trong vụ D & D (2003), người chồng cố tình và ác ý hủy bỏ hợp đồng mua xe trả góp trong khi người vợ vẫn trả tiền hàng tháng đều đặn. Kết cuộc công ty lấy xe lại và đệ đơn kiện đòi nợ. Tòa phán là người chồng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho món nợ đó.

Đóng góp công sức

Trong một cuộc hôn nhân khi vợ chồng thỏa thuận là vợ sẽ không hoặc ngừng đi làm để đóng vai trò nội trợ và chăm sóc con cái thì tài sản gia đình có được từ đồng lương hoặc lợi tức của người chồng đều được ghi nhận là có sự đóng góp của người vợ. Ngoài ra, người vợ cũng đóng góp công sức khi giúp chồng quản lý sổ sách hoặc nhân viên hoặc điều hành cơ sở kinh doanh. Vấn đề khó khăn là làm sao định giá được chính xác phần đóng góp công sức của người vợ nhất là trong những trường hợp khi người chồng cho rằng người chồng có tài năng đặc biệt mới tạo dựng được nhiều tài sản cho gia đình. Trong vụ Ferraro (1990), hai vợ chồng chung sống hơn 27 năm và có 2 con. Ngoại trừ 5 năm đầu, người vợ không có đi làm và đóng vai nội trợ toàn thời. Người chồng làm ăn thành đạt và tài sản gia đình lên tới gần 12 triệu. Tòa quyết định chia cho người vợ 37.5%. Trong một vụ khác JEL & DDF (2000), hai vợ chồng cưới nhau được 18 năm và có 3 con. Vợ là một y tá nhưng ngưng đi làm sau khi kết hôn. Chồng là một kỹ sư địa chất và với tài năng đặc biệt gầy dựng được số tài sản khổng lồ lên tới 36 triệu. Khi xử, người vợ được chia 35% nhưng người chồng kháng cáo và con số giảm xuống 27.5%.

Nhu cầu

Bước thứ ba trong tiến trình phân chia tài sản là điều chỉnh lại dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống của người vợ hoặc chồng trong tương lai. Những yếu tố này gồm tuổi tác và sức khỏe, khả năng tìm kiếm được việc làm, có trách nhiệm nuôi con nhỏ hay không, có nhận được tiền cấp dưỡng hay không. Khi Đạo luật Gia đình (Family Law Act) mới ra đời vào năm 1975, tỷ lệ điều chỉnh thường chỉ từ 5%-10%. Trong thập niên 90, tỷ lệ này tăng lên tới 10%-20%. Có nghĩa là sau khi đã thẩm định công lao đóng góp của hai bên, tòa sẽ cắt và chuyển một tỷ lệ nào đó qua phía bên kia (thông thường là cho người vợ vì những yếu tố nên trên). Trong vụ Clauson & Clauson (1995), cặp vợ chồng cưới nhau được 8 năm và có 4 mặt con. Tòa thẩm định tỷ lệ đóng góp của người vợ là 25% nhưng điều chỉnh và cho thêm người vợ 15% lên tổng cộng là 40% tài sản gia đình. Người vợ kháng cáo và tòa đã tăng con số điều chỉnh lên 25% tức người vợ được chia tổng cộng 50%. Trong trường hợp đặc biệt ví dụ như trong vụ Best & Best (1993) khi tài sản gia đình quá ít mà người vợ phải nuôi tới 4 đứa con thơ thì tòa sẵn sàng ra lệnh người chồng trao hết tài sản gia đình cho người vợ.

Sau khi đã đi qua 3 bước nêu trên, tòa án có trách nhiệm duyệt lại kết quả đưa đến có đạt được sự công bằng và công lý hay không. Trong đại đa số trường hợp thì nếu 3 bước đầu được áp dụng đúng đắn thì kết quả đương nhiên sẽ công bằng cho những người trong cuộc. Tóm lại, phân chia tài sản dưới Luật Gia đình dựa trên một số nguyên tắc pháp lý căn bản và những quyết định phán xét tiền lệ. Không có một công thức toán học hoặc khoa học nào có thể áp dụng một cách đơn giản. Mỗi trường hợp cần được cứu xét dựa theo từng hoàn cảnh cá biệt. Luật pháp không phải là một giải pháp hoàn hảo mà chỉ có thể đạt được một mức độ công lý vừa phải nào đó để giúp cho những cặp vợ chồng giải quyết dứt điểm quan hệ tài sản và bắt đầu một cuộc sống mới.

 


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng