Luật khinh mạn tòa (contempt of court)

 


Credit: cartoon.com

Luật khinh mạn quan tòa liên quan tới lời nói và hành động can thiệp vào tiến trình pháp lý có chiều hướng làm giảm thẩm quyền của quan tòa. Luật khinh mạn quan tòa giới hạn khả năng phổ biến thông tin của cơ quan truyền thông. Tại Úc, luật này thuộc về thông luật (common law) và cho đến nay thì chưa có đạo luật nào ra đời ghi rõ đầy đủ các yếu tố phạm tội cũng như luận cứ biện hộ.

Hình thức khinh mạn quan tòa đối với cơ quan truyền thông và ký giả gồm có:

·         Không chịu tiết lộ nguồn tin

·         Tiết lộ hoặc phổ biến thông tin mà tòa đã ra lệnh không được phổ biến

·         Phổ biến thông tin can thiệp đến tiến trình pháp lý

·         Phổ biến thông tin có ý hạ thấp uy tín hoặc thẩm quyền của quan tòa

·         Phổ biến quyết định của bồi thẩm đoàn

Cá nhân một người ký giả không tiết lộ nguồn tin theo lệnh của tòa sẽ bị phạm tội.

Khi thông tin hoặc tài liệu phổ biến trái lệnh tòa thì tất cả những người liên quan tới sự phổ biến này có thể phạm tội gồm có chủ nhân, chủ nhiệm, chủ bút, sáng tác (producer), nhà in, ký giả và những người cung cấp thông tin liên hệ.

Phổ biến thông tin can thiệp đến tiến trình pháp lý (Sub Judice)

Mục đích của luật này là ngăn cản sự phổ biến tài liệu có thể tạo thành kiến về một vụ kiện hình sự hoặc dân sự. Một bên là tòa án muốn bảo vệ tiến trình xét xử được công bằng và một bên là quyền tự do thông tin và tự do báo chí.Vấn đề là làm sao để quân bình 2 quyền lợi quan trọng này.Trước đây thì tòa đặt nặng vấn đề bảo đảm quyền xét xử công bằng. Nhưng tròng thời gian gần đây kể từ khi Tối cao Pháp viện tuyên bố Hiến pháp Úc bảo về quyền tự do chính luận thì quyền tự do ngôn luận về chính trị được đánh giá cao hơn.

Tòa có nhiều cách để ngăn ngừa việc phổ biến thông tin có thể tạo công luận tiêu cực ví dụ như ra lệnh cấm không được sử dụng máy chụp hình, quay phim hoặc tiết lộ những chi tiết quan trọng hoặc cảnh báo bồi thẩm đoàn là chỉ chú trọng vào bằng chứng được trưng ra trước tòa.

Hình thức khinh mạn này đòi hỏi 3 yếu tố:

·         Sự phổ biến tài liệu

·         Tài liệu này được phổ biến trong lúc vụ kiện đang tiếp diễn và

·         Sự phổ biến này có ảnh hưởng đến tiến trình xét xử trước tòa.

Việc cá nhân phạm tội có ý định hay không can thiệp vào tiến trình xét xử không quyết định có tội hay không có tội mà chỉ có thể làm nhẹ đi hình phạt.

Khi nào thì tiến trình xét xử bắt đầu?Với luật hình sự thì tiến trình bắt đầu tức lúc bị cáo bị bắt và truy tố hoặc để bị truy tố. Khi bị can bị bắt thì cảnh sát có trách nhiệm đưa ra tòa tòa sớm càng tốt để chính thức truy tố và trình bày cáo trạng. Với luật dân sự thì một khi nộp đơn và tòa ban hành đơn kiện.

Trong vụ James v Robinson (1963) 109 CLR 593, báo Sunday Times Perth phổ biến chi tiết của một nghi phạm liên quan tới hai vụ giết người. Lúc đó thì cảnh sát đang tìm bắt nghi phạm chớ chưa khởi tố. Tối cao Pháp viện pháp rằng tiến trình xét xử chưa bắt đầu vì chưa có gì đụng chạm đến tòa án mặc dù việc phổ biến danh tính nghi phạm có thể tạo thành kiến trong công chúng. Có nghĩa là truyền thông có quyền phổ biến thông tin về nghi phạm chưa bị cảnh sát bắt hoặc truy tố.

Ngoài ra, tài liệu phổ biến phải có tính cách tạo thành kiến hoặc định kiến cản thiệp vào tiến trình xét xử. Trong vụ Packer v Peacock (1912) 13 CLR 577, Tối cao Pháp viện phán rằng truyền thông có quyền phổ biến những “sự kiện căn bản” (bare facts) ví dụ như có một vụ tội phạm hoặc án mạng diễn ra, địa điểm cảnh sát tìm thấy xác chết, có người đã bị bắt...Nhưng không được phổ biến lời khai nói rằng có người nhìn thấy A hoặc B có mặt gần đó trong tay cầm dao...vì đó là bằng chứng cần được trưng bày và đối chất trước tòa.

Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu.

PHỔ BIẾN LỜI PHÁT BIỂU PHẠM TỘI

Attorney General (NSW) v Radio 2UE Sydney Pty Ltd (1997)

Bị cáo bị truy tố tội sát nhân một đứa be 18 tháng. Bị cáo phủ nhận tội sát nhân nhưng nhận tội ngộ sát. Công tố viện không chịu nên sự việc được đưa ra toà xử.Trong ngày thứ ba của phiên xử, Xướng ngôn viên John Laws gọi bị cáo là đồ “cặn bã” (scum). John Laws tưởng rằng công tố viện đã chấp nhận lời nhận tội ngộ sát qua hình thức “trả giá” (plea bargain) và tấn công hình thức này. Mặc dù đây là một sự ngộ nhận nhưng tòa đã phán John Laws phạm tội khinh mạn.

PHỔ BIẾN LỜI PHÁT BIỂU VÔ TỘI

Director of Public Prosecutions v Wran (1987)

Neville Wran, cựu Thủ hiến NSW là bạn thân của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Lionel Murphy. Murphy bị truy tố về hai tội làm sai lệch tiến trình công lý (perverting the course of justice). Tòa xử Murphy vô tội một vụ và có tội vụ kia. Murphy kháng cáo và Tòa Kháng cáo ra lệnh sử lại. Khi được truyền thông phỏng vấn thì Neville Wran trả lời rằng: “Tôi rất hài lòng với phán quyết của Tòa Kháng cáo. Tôi đồng ý với quyết định của tòa là rõ ràng công lý không được thực thi và tôi nghĩ là vụ xử này nên kết thúc càng sớm càng tốt vì sự việc đã kéo quá dài...Tôi tin chắc chắn Murphy là người vô tội”.

Những lời phát biểu này được báo Daily Telegraph đăng lại. Cả Wran và tờ báo bị truy tố và buộc tội khinh mạn tòa.

NÓI XẤU BỊ CÁO

R v Saxon, Hadfield and Western Mail Ltd [1984]

Bị cáo bị truy tố tội khai man (perjury) và đang chờ ngày xử. Trước đó không lâu, có một bài viết nói xấu bị cáo nào là bị cáo làm ăn không đàng hoàng và hay quỵt nợ được đăng tải. Cà tác giả lẫn tờ báo đều bị tòa phán phạm tội khinh mạn.’

R v Australian Broadcasting Corporation [1983]

Đài Truyền hình ABC chiếu cảnh bị cáo bị bắt còng tay đằng sau hàng rào dây thép cộng với lời bình luận tiêu cực làm mọi người nghĩ rằng bị cáo chắc chắn phạm tội. Tòa phán đây là hành vi khinh mạn.

TẠO LÒNG THƯƠNG HẠI VỚI BỊ CÁO HOẶC NẠN NHÂN

R v Truth Newspaper (1993)

Paul Higgins là một nhân viên cảnh sát Victoria. Paul bị truy tố về tội tham nhũng. Vụ xử kéo dài khoảng 15 tháng. Gần đến chót, tờ báo phổ biến một bài báo nói rằng đây là vụ xử tốn kém nhất trong lịch sử nước Úc và đã tốn hơn 33 triệu đồng của người đóng thuế. Hôn nhân của Paul đỗ vở và sức khỏe suy sụp trầm trọng. Tòa phán đầy là một hình thức khinh mạn vì bài báo này ngụ ý rằng Paul là nạn nhân của công tố viện và tạo ra lòng thương hại cho Paul trước khi bồi thẩm đoàn có quyết định có tội hay không có tội.

PHỔ BIẾN SỰ NHẬN TỘI

Attorney General (NSW) v TCN Channel Nine Pty Ltd (1990)

Tối đêm 29 tháng 7 năm 1989 thì Mason ra đầu thú và nhận với cảnh sát là đã giết 3 người và mưu sát người thứ tư. Sáng hôm sau thì Mason chính thức ký vào biên bản phỏng vấn với cảnh sát và nhận tội. Sau đó Mason dẫn cảnh sát đến hiện trường và phát biểu thêm một số lời nhận tội. Đại diện truyền thông đi theo cảnh sát và quay lại toàn cảnh tại hiện trường. Tối hôm đó, Đài số 9 chiếu lại những cảnh này và bị truy tố về tội khinh mạn.

Tòa Kháng cáo thẩm định cảnh chiếu trên truyền hình rõ ràng cho thấy là Mason có tội. Hình ảnh Mason tại hiện trường tạo ấn tượng mạnh mẽ Mason là kẻ sát nhân. Mặc dù đài số 9 sử dụng những danh từ “được cho biết là đã nhận tội” (allegedly admitted, alledgedly confessed), những cảnh phim được chiếu cho thấy không còn gì phải nghi ngờ Mason là thủ phạm. Đài số 9 cãi rằng lúc đó Mason thật sự đã nhận tội với cảnh sát. Nhưng tòa không chấp nhận lập luận này vì vào thời điểm đó không ai biết có vấn đề gì với lời thú nhận hay không ví dụ như bị ép cung hoặc Mason có mang bệnh tâm lý hoặc tâm thần không nhất là khi cảnh sát không chính thức đưa ra tòa truy tố tới hai ngày sau. Đài số 9 bị phán là đã khinh mạn tòa.

PHỔ BIẾN TIỀN ÁN

Attorney General (NSW) v Willesee (1980)

Schneidas là một tù nhân bị tố là giết Mewburn một cai tù. Cái chết của cai tù dẫn đến sự đình công của nhân viên cải huấn và tất cả tù nhân bị khóa kín trong phòng.Đài số 7 trình chiếu một chương trình nói về sự kiện này và người dẫn chương trình Willesee nói rằng bị cáo trước đây đã sử dụng vũ khí hành hung hai nhân viên cải huấn khác và đáng lẽ phải bị biệt giam. Willesee cãi rằng tiền án của Schneidas đã được phổ biến trên công luận. Nhưng Tòa Kháng cáo phán rằng việc Willesee phổ biến tiền án trong lúc sự việc còn đang xét xử có nguy cơ tạo thành kiến và vì thế Willesee vi phạm luật khinh mạn tòa.

PHỔ BIẾN PHÁT BIỂU CỦA NHÂN CHỨNG

Attorney General (NSW) v Mirror Newspapers Ltd (1980)

Tòa coroner (điều tra án mạng) tiến hành điều tra việc 7 người bị chết vì hỏa hoạn trong một trò chơi cưỡi (ghost train) ở Sydney Luna Park. Trong tòa, một nhân chứng khai là đã thấy nhân viên cho hai cậu bé lên xe. Lời khai này được báo Daily Telegraph (Mirror Newspapers Ltd) thuật lại.Sau đó, tờ báo đi kiếm người nhân viên đó phỏng vấn.Những lời phát biểu trả lời biện bạch và phủ nhận cáo buộc của nhân viên này được đăng lên báo. Trước đó thì nhân viên này đã được cảnh sát phỏng vấn và chuẩn bị ra làm nhân chứng trước Tòa Điều tra. Tòa Thượng thẩm Kháng cáo phán rằng phổ biến lời khai của nhân chứng vi phạm luật khinh mạn tòa vì có thể ảnh hưởng tới lời khai của nhân chứng đó trước tòa cũng như lời khai của nhiều nhân chứng khác.

Civil Aviation Authority v Australian Broadcasting Corporation (1995)

Ngày 4 tháng 11 năm 1993, Tòa Coroner thông báo là sẽ tiến hành tổ chức phiên xử điều tra tai nạn máy bay làm 7 người chết. Ngày xử được ấn định vào 1 tháng 8 năm 1994. Đài ABC trình chiếu một chương trình về tai nạn này vào ngày 3 tháng 4, 1994. Chương trình gồm có các cuộc phỏng vấn với một số nhân chứng tường thuật lại những gì họ thấy. Tòa Kháng cáo NSW phán rằng chương trình này không phạm luật vì nhân chứng chỉ tường thuật lại những dữ kiện căn bản (bare facts). Hơn nữa,  những người này không được mời làm nhân chứng trước tòa coroner và không có quan hệ gì với công ty hàng không Monarch Airline (chủ nhân của chiếc máy bay bị rớt).

Chương trình cũng chiếu cuộc phỏng vấn với hai chuyên gia về tai nạn máy bay. Cả hai người này khi phỏng vấn đã sử dụng văn bản ghi lại sự kiện mà họ thu nhận được ngay sau khi tai nạn xảy ra. Tòa cho rằng những bằng chứng này không có nguy cơ ảnh hưởng đến lời khai của nhân chứng khác.

Ở đoạn cuối chương trình thì có một ký giả ABC (reporter) phát biểu ý kiến rõ rang tai nạn này là do lỗi của công ty hàng không vì Civil Aviation Authority đã hai lần đề nghị đình chỉ môn bài. Hai Thẩm phán Kirby và Sheller cho rằng ý kiến này sẽ không ảnh hưởng gì tới cuộc điều tra của Tòa Coroner. Nhưng Thẩm phán Handley không đồng ý và cho rằng từng cuộc phỏng vấn tự nó thì không nhưng nguyên cả chương trình gom lại có thể ảnh hưởng đến lời khai của nhân viên Civil Aviation Authority.

Tóm lại, các cơ quan truyền thông phải rất cẩn trọng khi trình chiếu các cuộc phỏng vấn với nhân chứng trước phiên xử.

PHỔ BIẾN HÌNH ẢNH CỦA BỊ CÁO

Attorney General (NSW) v Time Inc Magazine Company Pty Ltd (1994)

Trong tháng 6, 1994, tạp chí Time có ý định đăng hình của Ivan Milat là bị cáo bị truy tố đã giết 7 người backpackers và chôn xác họ trong khu rừng Belanglo State Forest. Bị cáo đã cho biết là sẽ không nhận tội. Bộ Tư pháp NSW xin lệnh tòa ngăn cấm Time không được đăng hình của bị cáo.

Time lập luận rằng nhận diện (identification) không là một vấn đề trong vụ án này vì cảnh sát đã điều tra chu đáo và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm nhân chứng xuất hiện nhận diện bị cáo. Tòa đã không chấp nhận lập luận này. vấn đề nhận diện không chỉ giới hạn khi nhân chứng nhìn thấy bị cáo hạ thủ mà khi họ nhìn thấy bị cáo ở những nơi khác vào những thời điểm khác và trong tương lai và biết đâu sẽ có thêm nhân chứng mới xuất hiện và sự phổ biến hình ảnh của bị cáo có thể làm nhiễm (contaminate) bằng chứng của họ.

TẤN CÔNG TÒA

R v Dunbabin Ex parte Williams (1935)

Báo The Sun phổ biến bài viết tấn công Tối Cao Pháp Viện Úc và nói rằng Tòa đã lấn át chính phủ khi ban hành một số phán quyết. Tòa phán rằng mục đích của bài viết là cố ý trình bày vai trò và chức năng của Tòa một cách sai lệch với công chúng để hạ thấp uy tín của Tòa. Vì vậy, báo The Sun đã vi phạm luật khinh mạn.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng