Những hình thức tổ chức kinh doanh

 


Credit: scottsca.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Tại Úc có 4 hình thức tổ chức kinh doanh chính: đơn thương (sole trader), đối tác (partnership), công ty (company) và ủy thác (trust). Lựa chọn hình thức tổ chức thích hợp của doanh nhân tùy thuộc vào một vài yếu tố ví dụ như mục đích, tầm vóc và địa bàn hoạt động, vốn liếng, mức độ mạo hiểm, bảo vệ tài sản riêng, điều kiện rút lui hoặc chuyển nhượng. Hình thức đơn thương dễ dàng thành lập và ít tốn kém. Trong khi đó, công ty và ủy thác tương đối phức tạp và tốn kém trong việc thành lập và điều hành. Một người mới ra làm ăn thường bắt đầu với hình thức đơn thương. Nhưng khi thương vụ phát triển thì họ nghĩ tới và tìm kiếm đối tác. Thương vụ càng lớn thì càng phải đối phó với nhiều thách thức và hình thức công ty hoặc ủy thác được áp dụng để mở rộng thị trường và bảo vệ tài sản cá nhân. 

Tất cả các tổ chức kinh doanh nêu trên có thể điều hành thương vụ bằng chính tên họ. Thông thường thì tổ chức sẽ chọn và đăng ký một cái tên nào đó (business name) để có cơ hội phát triển thương hiệu. Tên thương vụ tự nó không phải và không có tư cách pháp nhân, không thể ký hợp đồng, làm chủ tài sản hoặc tiến hành thưa kiện hoặc bị kiện. Chỉ có các tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân và được quyền làm những chuyện đó.

Đơn thương

Đơn thương là trường hợp của một cá nhân thành lập và điều hành thương vụ dưới chính tên họ hoặc một cái tên nào khác. Đây là hình thức đơn giản và ít tốn kém nhất. Việc thành lập không cần có văn bản gì cả. Chỉ cần đăng ký tên thương vụ nếu không hoạt động dưới chính tên mình. Thu nhập và tiền lời được trả thẳng cho chủ nhân và chủ nhân chịu trách nhiệm pháp lý và nợ nần của thương vụ. Không có sự phân biệt giữa tài sản cá nhân và tài sản của thương vụ. Có nghĩa là nếu bị kiện vì thương vụ thiếu nợ hoặc phải bồi thường thì tất cả tài sản cá nhân có thể bị mất khi chủ nhân bị phá sản.  

Lợi điểm của hình thức này là dễ dàng và ít tốn kém trong việc thành lập và điều hành. Nhưng bất lợi ở chỗ là chủ nhân không bảo vệ được tài sản riêng nếu thương vụ thất bại. Khả năng gầy vốn cũng bị giới hạn vì chỉ có một cá nhân “đơn thương độc mã” sống chết với thương vụ. Chủ nhân cũng không có cơ hội phân chia lợi tức để giảm thuế.

Đối tác

Đối tác là khi có 2 hoặc nhiều người hơn cùng hợp tác làm ăn để kiếm lời. Tất cả mọi thành viên đối tác phải có cùng chung mục đích và chịu trách nhiệm chung cho mọi quyết định của bất cứ thành viên nào trong quan hệ đối tác. Đối tác có thể đơn giản là hai cặp vợ chồng làm chủ và điều hành một lò bánh mì hoặc một tiệm ăn hoặc có thể là những tập đoàn văn phòng luật sư hoặc kế toán với hàng trăm thành viên và chi nhánh khắp mọi tiểu bang trên toàn quốc. Nếu không có văn bản thì mọi thành viên được quyền chia lời và chịu lỗ đồng đều. Luật pháp án định đối tác có tối đa 20 thành viên ngoại trừ các tập đoàn luật sư có thể có tới 400 thành viên và kế toán tới 1000 thành viên. Đa số các đối tác luật sư hoặc kế toán gia đều được ghi nhận bằng văn bản ghi rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi thành viên. Thành viên chia lời theo theo tỷ lệ bằng nhau hoặc không bằng nhau. Thành viên không thể làm công cho đối tác. Phải có sự đồng ý của tất cả thành viên thì thành viên mới mới được gia nhập.

Đối tác không có tư cách pháp nhân riêng biệt từ những thành viên. Khi người ngoài tiến hành thưa kiện thì họ có thể kiện một thành viên hay tất cả mọi thành viên của đối tác. Nếu chỉ có một thành viên bị kiện thì thành viên đó có kéo theo (cross claim) các thành viên khác để phân chia trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường.

Lợi điểm của đối tác là tương đối đơn giản và dễ dàng thành lập. Đối tác có thể thêm bớt hoặc thay đổi thương vụ bất cứ lúc nào tùy theo nhu cầu. Không cần đăng ký hoặc khai báo với ai. Nội tình hoàn toàn được giữ bí mật và đây là một lợi thế trên thương trường. Đối tác không phải đóng thuế mặc dù phải khai thuế để sở thuế có thể kiểm duyệt lợi tức của thành viên đối tác. Lợi điểm lớn nhất của đối tác là môi trường làm việc đồng đội. Mỗi thành viên có khả năng và sở trường khác nhau, hỗ tương cho nhau, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Khi ra trận, một đoàn quân có tổ chức, lãnh đạo, kế hoạch, và phối hợp nhịp nhàng thì dễ dàng đánh bại một hổ tướng đơn thương độc mã.  

Nhưng đối tác cũng có một số điểm bất lợi. Mỗi thành viên chịu trách nhiệm pháp lý không có mức giới hạn. Bất cứ một thành viên nào hành xử không đúng đắn hoặc bất cẩn thì mọi người đều lãnh hậu quả. Vì vậy rất khó để tìm chọn thành viên có thể tin tưởng nhau được. Thành viên có quan hệ ngang hàng và nhiều lúc bất đồng quan điểm nên dễ gây ra lục đục nội bộ. Thành viên đối tác chẳng khác gì một cặp vợ chồng phải thông cảm, chia sẻ và nhẫn nhịn thì mới giữ được quan hệ với nhau. Bằng không thì chỉ có đổ vỡ với nhiều hệ lụy.

Công ty

Khác với đối tác, mộ công ty có tư cách pháp nhân riêng biệt từ những thành viên hoặc cổ đông. Có 2 loại công ty chính: công ty cổ phần (company limited by shares) và công ty trách nhiệm hữu hạn (company limited by guarantee) thường được sử dụng bởi các cơ quan phi vụ lợi hoặc tổ chức từ thiện. Công ty cổ phần chia làm 2 loại: công ty tư nhân và công ty đại chúng. Công ty tư nhân đòi hỏi phải có ít nhất một cổ đông và tối đa là 50 cổ đông. Phải có ít nhất một giám đốc và phải đăng ký địa chỉ văn phòng với Ủy Ban Chứng Khoán và Đầu Tư (ASIC). Ngày càng có nhiều công ty chỉ có một giám đốc kiêm thư ký (sole director/secretary). Công ty tư nhân không được bán cổ phần cho công chúng và mỗi sự chuyển nhượng phải có sự chấp thuận của công ty. Trách nhiệm cổ đông tương ứng với giá trị cổ phần mà họ sở hữu.

Công ty đại chúng cần có ít nhất 3 giám đốc và ít nhất hai giám đốc phải cư ngụ tại Úc. Công ty đại chúng cần bổ nhiệm thư ký. Một người giám đốc cũng có thể kiêm nhiệm chức vụ thư ký. Công ty đại chúng có thể niêm yết tại thị trường hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán (listed on stock exchange). Công ty phải thi hành một số điều kiện để được niêm yết. Phải có một số vốn tối thiểu và cổ đông. Nội quy công ty phải bảo đảm là mọi cổ đông được đối xử công bằng về quyền bỏ phiếu và quyền được chia lời. Nội quy cũng phải ghi rõ là cổ đông hoàn toàn có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần và giám sát ban giám đốc. Lợi điểm của công ty đại chúng là có thể gây quỹ bằng cách ban hành thêm cổ phần. Các nhà đầu tư có thể tự tin về giá trị cổ phần vì công ty phải nộp báo cáo tài chính đầy đủ với trung tâm giao dịch chứng khoán.

Ủy thác

Ủy thác là một hình thức tổ chức mà người thụ thác (trustee) đứng tên làm chủ và điều hành thương vụ giùm cho người tín thác (beneficiaries). Người thụ thác có thể là một cá nhân hoặc một công ty (corporate trustee). Cá nhân hoặc công ty thụ thác chịu trách nhiệm pháp lý thanh toán nợ nần của thương vụ. Người thụ thác có nhiệm vụ điều hành thương vụ tốt nhất cho quyền lợi của người tín thác chớ không phải cho bản thân họ. Có 2 loại ủy thác chính: ủy thác cố định (fixed trust) và ủy thác tùy ý (discretionary trust). Trong một ủy thác cố định, người tín thác làm chủ một số cổ phần nào đó và người thụ thác phải chia lợi tức hoặc tài sản theo đúng cổ phần đó. Mặt khác trong một ủy thác tùy ý, người thụ thác có toàn quyền quyết định người tín thác nào được hưởng và hưởng bao nhiêu.

Đa số ủy thác tùy ý được áp dụng trong trường hợp gia đình (family trust). Dưới hình thức này, tài sản gia đình sẽ không bị ảnh hưởng khi có người tín thác bị phá sản. Tài sản cũng có thể lưu truyền xuống thế hệ con cháu trong gia đình. Ngoài ra, hình thức này cũng có lợi vì giúp giảm thuế bằng cách là lợi tức sẽ được chia đều cho nhiều người tín thác để trả mức thuế lợi tức thấp nhất.

Ủy thác phải có ngày hết hạn khi người thụ thác phải chấm dứt nhiệm vụ và sung dụng tài sản cho người tín thác. Thời hạn tối đa là 80 năm kể từ ngày thành lập.

Tuy nhiên, luật ủy thác tương đối khá phức tạp và có thể dẫn đến tranh chấp trong gia đình ví dụ như qua các vụ kiện liên quan tới bà tỷ phú Gina Rinehart và con cái của bà. Thêm nữa, vấn đề thành lập và điều hành ủy thác khá tốn kém so với các hình thức khác.

Tóm lại, có nhiều hình thức tổ chức kinh doanh khác nhau và những ai muốn thử thời vận ra làm ăn nên suy nghĩ kỹ để lựa chọn hình thức tổ chức thích hợp với hoàn cảnh của mình. Vì một khi đã chọn mà thay đổi y kiến muốn đổi sang hình thức khác thì không chỉ có tốn kém mà còn có thể phải đóng thuế con niêm và capital gains tax. Mong là trong tương lai sẽ có nhiều doanh nhân gốc Việt có khả năng và có viễn kiến có thể tạo dựng thương hiệu nổi tiếng có tầm vóc quốc tế đứng ngang hành với các đại công ty khác trên thế giới.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng