Luật lao động

 


Credit: fairworkaust.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2010 thì các tiểu bang gồm có NSW, Queensland, Nam Úc và Tasmania đã chuyển giao quyền làm luật và giám sát quan hệ lao tư cho chính quyền liên bang. Victoria đã làm chuyện này từ năm 1996. Có nghĩa là luật lao động liên bang gọi là Fair Work Act 2009 nay được áp dụng trên toàn quốc. Ngoại trừ tại Tây Úc thì Fair Work Act chỉ áp dụng cho công nhân làm việc cho các công ty thương mại vì Hiến Pháp Úc trao quyền giám sát công ty thương mại cho chính quyền liên bang. Công nhân làm việc cho chính quyền tiểu bang hoặc các hội đồng thành phố vẫn tiếp tục nằm dưới đạo luật quan hệ lao tư tại các tiểu bang và lãnh thổ. Ngoài ra, một số đạo luật tại các tiểu bang vẫn tiếp tục có tầm ảnh hưởng đến quan hệ lao tư ví dụ như các đạo luật chống kỳ thị tại nơi làm việc, long service leave, bảo hiểm công nhân (workers compensation), hưu bỗng, huấn nghệ, được phép nghỉ làm để thi hành trách nhiệm tham gia bồi thẩm đoàn và các điều lệ an toàn nơi làm việc.

Dưới Đạo luật liên bang Fair Work Act thì có 3 cơ quan công quyền giám sát quan hệ lao tư: Fair Work Australia (FWA), Fair Work Ombudsman (FWO) và Tòa án Liên bang. FWA là cơ quan thay thế các ủy hội quan hệ lao tư (Industrial Relation Commissions) có quyền giải quyết các tranh chấp ví dụ như ấn định số tiền bồi thường khi cho công nhân cho nghỉ việc (redundancy pay). FWA cũng có quyền xét xử các vụ kiện sa thải bất công (unfair dismissal) và giám sát để bảo đảm các cuộc đình công nằm trong khuôn khổ luật định và nếu cần ra lệnh đình trệ hoặc chấm dứt các cuộc đình công bất hợp pháp.  Ngoài ra, FWA cũng có trách nhiệm theo dõi, giám sát và ấn định mức lương tối thiểu (hiện tại là $16.37 một tiếng hoặc $622.20 một tuần cho người lớn).

FWO là một cơ quan độc lập được hình thành dưới Đạo luật Fair Work Act. Tổ chức này có trách nhiệm cố vấn và cung cấp thông tin về quyền hạn và trách nhiệm của chủ nhân và công nhân dưới luật lao động liên bang. Họ cũng có thể xúc tiến điều tra nếu có người khiếu nại về các trường hợp vi luật và nếu cần tiến hành truy tố phạm nhân hoặc các công ty không tuân thủ luật lao động.

Tòa án Liên bang lập ra một đơn vị riêng biệt (Fair Work Division) để chuyên xét xử cá vụ kiện quan hệ lao tư. Thông thường thì nguyên đơn phải tiến hành đơn kiện với FWA trước ví dụ như các đơn kiện liên quan tới sa thải bất công. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, nguyên đơn vẫn có thể đi thẳng tới tòa ví dụ như khi nguyên đơn xin bồi thường vì chủ nhân trả lương dưới mức ấn định số lương tối thiểu.

Là công nhân hay nhà thầu độc lập

Ngày càng có nhiều công ty muốn biến công nhân của họ thành những nhà thầu độc lập (independent contractor) để bớt tốn kém và tránh né trách nhiệm pháp lý.Ví dụ như trong kỹ nghệ xây cất, những người thợ hồ, lót gạch, thợ điện, ống nước...trước đây làm công cho các công ty xây cất thì bây giờ phải thành lập công ty có ABN riêng. Tương tự như vậy, những người lái xe truck cho các công ty giao thông vận tải giờ đều tự làm chủ và gửi hóa đơn tính tiền sau mỗi vụ chuyên chở. Nếu là nhân công thì chủ nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý cho họ (vicarious liability). Ví dụ như khi họ bất cẩn gây ra tai nạn làm tổn hại đến người khác thì chủ nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra, thuê mướn người tốn kém nhiều hơn vì chủ nhân phải đóng tiền hưu bỗng, bảo hiểm công nhân, trả annual leave, sick leave, long service leave...Nếu là nhà thầu độc lập thì chủ nhân không chịu trách nhiệm pháp lý và không phải đóng những số tiền vừa kể.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt được giữa công nhân và nhà thầu độc lập. Để trả lời câu hỏi này thì tòa án dựa vào một số tiêu chuẩn gồm có:

1.    Điều khoản hợp đồng giữa hai bên thế nào?

2.    Chủ nhân có kiểm soát tiến trình hoặc công tác làm việc hay không?

3.    Cách thức trả lương thế nào, hàng giờ, hàng tuần hoặc sau khi công việc đã xong?

4.    Chủ nhân có cung cấp dụng cụ để thi hành công tác hay không?

5.    Có mặc đồng phục của công ty không?

6.    Công nhân có thể thuê người làm phụ hoặc thế hay không?

7.    Công nhân có cơ hội kiếm lời hoặc nguy cơ bị lỗ hay không?

8.    Công nhân có quyền nhận thêm việc của người khác hay không?

9.    Ai chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm?

Mỗi trường hợp phụ thuộc vào những yếu tố riêng biệt. Ví dụ như một người lái xe đạp giao hàng (bicycle courier) được trả lương dựa trên số lượng hàng giao nhưng phải mặc đồng phục công ty và tính lệ phí giao hàng theo sự chỉ định của công ty thì được xem là người làm công. Trong khi đó,người khác lái xe truck giao hàng nhưng phải tự sắm xe truck và có thể mướn người khác lái giùm thì được coi là nhà thầu độc lập. Một người thợ hồ làm việc cho một công ty xây cất được trả lương dựa theo số ngày làm việc là một công nhân nhưng một người thợ điện vừa làm chỗ này vừa làm chỗ khác và có mướn thêm nhân viên phụ việc thì được coi là nhà thầu độc lập.

10 tiêu chuẩn lao động

Đạo luật FairWork Act 2009 đặt ra 10 tiêu chuẩn lao động được áp dụng trên toàn quốc. Thứ nhất, thời gian làm việc của công nhân toàn thời tối đa là 38 tiếng một tuần nhưng chủ nhân có thể yêu câu làm overtime một cách vừa phải và hợp lý. Công nhân nào đã làm việc trên 12 tháng và có con nhỏ thì có thể xin chủ nhân cho phép làm việc trong giờ giấc thuận tiện (flexible working hours). Mỗi công nhân được trả 4 tuần annual leave,10 ngày sick leave hoặc personal/carer’s leave (ví dụ như khi người thân trong gia đình bị bệnh cần họ chăm sóc), và 2 ngày compassionate leave khi có người thân qua đời hoặc gặp phải tai nạn hiểm nghèo. Công nhân cũng được quyền nghỉ không lương trong 12 tháng sau khi sinh con. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2011 thì công nhân nào có mức lương dưới $150,000 một năm và chưa nhân được phần thưởng có con “baby bonus” thì sẽ được chính quyền tài trợ trả 13 tuần lương ấn định ở mức tối thiểu (18 weeks minimum wage).

Nói về quyền lợi lao động thì thông thường không có sự phân biệt giữa công nhân làm việc toàn thời và bán thời ngoại trừ công nhân bán thời thì được hưởng theo tỷ lệ. Riêng công nhân làm việc bất thường (casual employees) thì không được hưởng những quyền lợi nêu trên.Để bù lại, luật pháp ấn định họ được trả thêm tiền phụ trội (casual loading) khoảng 25%.

Trong thời gian gần đây thì có sự xuất hiện của các công ty chuyên cung cấp công nhân (labour hire agency). Chủ nhân không có trách nhiệm trực tiếp với công nhân ngoại trừ trách nhiệm bảo đảm an toàn nơi làm việc. Mối quan hệ giữa labour hire agency và công nhân có thể là chủ nhân/ công nhân hoặc có thể là independent contractor. Đa số labour hire agency đều thuê mướn công nhân dưới dạng bất thường để tránh né trách nhiệm và giảm thiểu chi phí tốn kém.

Sa thải bất công

Bất cứ ai khi bị đuổi việc đều có quyền đệ đơn khiếu kiện nếu họ cho rằng đã bị sa thải bất công. Thời hạn làm việc của họ phải hội đủ tiêu chuẩn tức là trên 12 tháng nếu chủ nhân là tiểu thương và 6 tháng trong mọi trường hợp khác.Tiểu thương được định nghĩa là các doanh nghiệp có không quá 15 công nhân bao gồm cả công nhân làm việc bán thời và bất thường. Luật sa thải bất công chỉ áp dụng cho công nhân có mức lương dưới mức lợi tức cao (high income threshold) là $148,700 (tính tới 1/7/2019).

Để quyết định là sự sa thải có bất công hay không thì FWA cứu xét những yếu tố gồm có:

1.    Có lý do chính đáng để sa thải công nhân hay không ví dụ như đương sự có tạo xáo trộn hay làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc an toàn của những công nhân khác hay không?

2.    Công nhân bị sa thải có được thông báo trước hay không?

3.    Công nhân có cơ hội giải thích hoặc trả lời lý do bị sa thải hay không?

4.    Công nhân có được hỗ trợ hoặc cố vấn khi tham dự phiên họp thảo luận quyết định sa thải hay không?

5.    Nếu quyết định sa thải dựa trên tiêu chuẩn hoặc hiệu quả việc làm thì công nhân có được cảnh báo trước hay chưa?

Quyết định sa thải sẽ được chấp nhận nếu dựa trên những dữ kiện và bằng chứng rõ ràng chớ không phải là những thành kiến hoặc có yếu tố kỳ thị. Trừ khi công nhân có những hành vi sai trái nghiêm trọng thì FWA cho rằng họ nên được có cơ hội sửa đổi.

Đối với các công nhân người Việt nam thì đôi khi cũng bị một số thiệt thòi trước hết là ngôn ngữ.Hoặc có lúc gặp phải một người foreman, supervisor hoặc manager có máu kỳ thị.Tuy là luật pháp ấn định một số biện pháp bảo vệ nhưng nếu mướn luật sư để kiện ra tòa thì không tránh được tốn kém về thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng không ít đến đời sống hàng ngày. Nếu công nhân gia nhập làm thành viên của nghiệp đoàn thì sẽ có lợi vì nghiệp đoàn có thể đứng ra đại diện và can thiệp. Khi gặp trở ngại nơi làm việc, công nhân nên tránh có những phản ứng nóng nảy có thể dẫn đến hậu quả không tốt hoặc bị sa thải mà hãy tìm đến sự giúp đỡ của những cơ quan như nghiệp đoàn hoặc Fair Work Ombudsman để không bị đối xử bất công và trái luật tại nơi làm việc.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng