Luật bảo hiểm

 


Credit: alia.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Đa số mọi người đều từng mua bảo hiểm phòng ngừa khi tai nạn xảy ra để giảm thiểu mức thiệt hại về tài chánh. Bảo hiểm là một hình thức hợp đồng. Có hai loại bảo hiểm chính là bảo hiểm phổ thông (general insurance) và bảo hiểm nhân thọ (life insurance). Điều lệ khác biệt được áp dụng cho những loại bảo hiểm khác nhau.

Bảo hiểm phổ thông bao gồm các loại bảo hiểm thông thường và định kỳ hàng năm ví dụ như bảo hiểm nhà, tài sản, đồ đạc, xe cộ, du lịch, tai nạn, lợi tức và bảo hiểm đệ tam nhân (third party) . Bảo hiểm nhân thọ không có định kỳ và không chỉ áp dụng khi người mua bảo hiểm qua đời mà ngay cả khi đương sự bị thương tật làm mất khả năng làm việc.

Đa số các công ty bảo hiểm cho bảo hiểm tạm thời (cover note) trước khi chứng chỉ bảo hiểm được ban hành.

Theo Nguyên tắc Hành xử Bảo hiểm Phổ thông (General Insurance Code of Practice) thì tất cả mọi đơn xin bồi thường bảo hiểm phải được duyệt xét rõ ràng, công bằng và nhanh chóng. Nếu có lỗi lầm trong lúc xét đơn thì công ty bảo hiểm có trách nhiệm lập tức sửa sai. Thân chủ có quyền xem xét chi tiết và dữ kiện được công ty bảo hiểm sử dụng để quyết định đơn xin bồi thường và công ty bảo hiểm có trách nhiệm huấn luyện và bảo đảm nhân viên tuân thủ theo Nguyên tắc Hành xử Bảo hiểm. Nếu nguyên đơn cho rằng đã bị công ty bảo hiểm đối xử không công bằng thì có thể khiếu nại với Giám Sát Viên Tài chánh (Financial Ombudsman).

Trách nhiệm và quyền hạn

Công ty bảo hiểm có trách nhiệm duyệt xét đơn xin bồi thường một cách công bằng và nhanh chóng. Nguyên đơn có trách nhiệm tiết lộ tất cả mọi chi tiết liên quan tới đơn xin bồi thường, không được gian dối hoặc thêu dệt và phải hợp tác với công ty trong mọi cuộc điều tra liên quan đến việc người mua bảo hiểm đệ đơn xin bồi thường.

Khi mua bảo hiểm, người mua phải trả lời tất cả các câu hỏi đầy đủ và thành thật. Có nhiều cuộc tranh tụng diễn ra vì công ty bảo hiểm cho rằng người mua đã không thành thật tiết lộ những chi tiết liên hệ quan trọng và họ lập luận rằng nếu biết được những chi tiết này thì họ đã từ chối bảo hiểm hoặc tính tiền chi phí (premium) cao hơn. Người mua bảo hiểm không phạm lỗi nếu như họ chỉ biết chi tiết liên hệ sau này ví dụ như sau khi mua bảo hiểm xong thì người mua mới phát hiện trong lúc sửa sang là nhà có mối mọt. Người mua cũng không có lỗi khi công ty bảo hiểm đã biết những chi tiết liên hệ mà không nói năng gì cả. Khi mua bảo hiểm qua đại lý (insurance broker), người mua cần phải thận trọng vì nếu đại lý không chuyển đạt những chi tiết liên hệ mà người mua đã cung cấp cho công ty bảo hiểm thì người mua phải đặt vấn đề với đại lý và công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm cho thiếu sót đó. Khi người mua không trả lời hoặc trả lời không đúng với câu hỏi mà không lên tiếng thì công ty bảo hiểm được coi như đã chấp nhận câu trả lời đó.

Công ty bảo hiểm có trách nhiệm đề đạt thêm câu hỏi nếu cả thấy phần trả lời chưa đầy đủ. Khi công ty bảo hiểm cho rằng họ sẽ không đồng ý bảo hiểm nếu người mua tiết lộ chi tiết liên hệ thì cần phải xem xét là sự việc này có phải là cố ý gian dối hay không hay chỉ là một sơ suất vô tình mà thôi. Theo luật bảo hiểm, một khi biết được có sự giấu giếm thì công ty có thể lập tức hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả chi phí. Trường hợp này cũng có thể xảy ra ngay cả khi một trong hai người đứng tên mua bảo hiểm phạm lỗi còn người kia thì không biết gì hết.

Công ty bảo hiểm không thể từ chối bồi thường nếu chi tiết liên hệ không được tiết lộ chỉ là một điều sơ suất và nếu đã được tiết lộ thì cũng không nghiêm trọng đến nỗi công ty từ chối đơn mua bảo hiểm. Nhưng nếu công ty sẽ tính chi phí nhiều hơn vì chi tiết này thì công ty có quyền khấu trừ chi phí phụ trội từ số tiền bồi thường. Tuy nhiên, nếu công ty chứng minh được rằng là họ sẽ không bao giờ đồng ý bán bảo hiểm nếu chi tiết liên hệ đã được tiết lộ thì họ có quyền bác đơn xin bồi thường cho dù đây chỉ là một sự thiếu sót vô tình không có gì gian lận.

Trách nhiệm tiết lộ áp dụng mỗi khi người mua tiếp tục hoặc gia hạn (renew) bảo hiểm hàng năm vì hành động này đươc coi như là sự thỏa thuận của một hợp đồng mới. Nếu được hỏi thì người mua phải tiết lộ những chi tiết liên hệ quan trọng ví dụ như là có bị bác đơn xin bồi thường bảo hiểm loại này hoặc loại khác trong thời gian vừa qua hay không.

Chứng chỉ bảo hiểm thường ghi rõ trong trường hợp nào thì công ty không chịu trách nhiệm bồi thường ví dụ như trong bảo hiểm xe cộ, công ty sẽ không bồi thường khi tài xế có độ rượu cao. Tương tự như thế, bảo hiểm đồ đạc trong nhà không áp dụng trong trường hợp lũ lụt (floodwater). Ngoài ra, công ty không chịu trách nhiệm nếu thiệt hại do chính đương sự gây ra ví dụ như cố ý hoặc liều lĩnh tạo ra hỏa hoạn hoặc tai nạn.

Các hình thức mua bảo hiểm, gia hạn hoặc hủy bỏ

Bảo hiểm có thể được mua trực tiếp với công ty tại văn phòng, qua điện thoại hoặc internet. Hoặc mua qua một người trung gian gồm có insurance brokers, agents, car dealers, travel agents, ngân hàng và các công ty tài chính. Trái với nhiều người suy nghĩ, insurance brokers đại diện cho người mua chớ không phải cho công ty bảo hiểm mặc dù họ được công ty trả huê hồng. Vì vậy, khi insurance brokers không làm đúng trách nhiệm khiến đơn xin bồi thường bị bác, người mua phải kiện insurance brokers chớ không phải công ty bảo hiểm. Những đại lý khác thường được xem như đại diện cho công ty bán bảo hiểm và những chi tiết người mua cung cấp cho họ thì được coi như là đã cung cấp cho công ty bảo hiểm. Người mua nên kiểm chứng lại insurance brokers của họ có đăng ký môn bài và bảo hiểm chuyên nghiệp hay không để phòng khi tai nạn xảy ra mà đơn xin bồi thường bị bác vì lỗi của họ thì ít ra người mua còn có hy vọng là công ty bảo hiểm của insurance brokers sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả thiệt hại.

Công ty bảo hiểm có bổn phận nhắc nhở người mua ít nhất 14 ngày trước khi hợp đồng hết hạn. Bằng không thì hợp đồng bảo hiểm mặc nhiên được gia hạn cho tới khi nào công ty thông báo nhắc nhở.

Công ty có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nếu như người mua vi phạm trách nhiệm tiết lộ các chi tiết liên hệ đầy đủ và thành thật, vi phạm điều khoản hợp đồng hoặc nộp đơn khai man xin bồi thường. Khi hủy hợp đồng công ty phải hoàn trả chi phí bảo hiểm cho khoản thời gian còn lại.

Nộp đơn xin bồi thường

Khi đệ đơn xin bồi thường, nguyên đơn thường phải đóng lệ phí đệ đơn (excess). Với bảo hiểm xe thì nguyên đơn có thể sẽ mất hết phần thưởng (no claim bonus) và chi phí bảo hiểm cho năm tới sẽ tăng cao. Để giúp công ty duyệt xét đơn nhanh chóng, nguyên đơn nên sẵn sàng hợp tác và cung cấp đầy đủ chi tiết cho công ty. Những chi tiết nào cung cấp qua điện thoại nên được xác nhận lại bằng văn thư để tránh mọi hiểu lầm và lưu lại làm bằng chứng. 

Tất cả các công ty bảo hiểm đều phải tuân thủ điều kiện do ASIC đặt ra là tham gia vào tiến trình và dịch vụ hòa giải khi có sự tranh chấp do Giám Sát Viên tài Chánh (Financial Ombudsman) và Giám Sát Viên Tín dụng (Credit Ombudsman) cung cấp. Các dịch vụ này có nhiều điểm lợi cho người tiêu thụ. Thứ nhất là không tốn tiền. Không cần phải mướn luật sư vì nhân viên làm việc cho các cơ quan này thông thạo thủ tục và luật lệ bảo hiểm. Hơn nữa, quyết định của các cơ quan có tính cách ràng buộc đối với công ty nhưng lại không ràng buộc với người tiêu thụ và vì vậy nếu không hài lòng với phán quyết của họ thì người mua bảo hiểm vẫn có thể kiếm luật sư để đưa sự việc ra tòa. Trước hết thì nguyên đơn nên viết thư khiếu nại trình bày rõ ràng đầu đuôi sự việc. Cơ quan sẽ tiến hành điều tra. Financial Ombudsman có quyền hạn xét xử tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xe cộ (ngoại trừ đệ tam nhân), nhà cửa và đồ đạc, bảo hiểm bệnh tật và tai nạn, bảo hiểm tín dụng, du lịch và các loại bảo hiểm dành cho giới tiểu thương. Số tiền bồi thường tối đa là $280,000 trừ khi công ty đồng ý không giới hạn tới mức này. Nguyên đơn phải tiến hành trong vòng 3 tháng sau khi nhận được quyết định cuối cùng của công ty bảo hiểm bác đơn xin bồi thường. Nếu công ty cho rằng đã có sự gian lận, Financial Ombudsman có thể đề cử một người trọng tài để phỏng vấn nguyên đơn và kiểm chứng sự việc.

Ngoài ra, Financial Ombudsman cũng có quyền xét xử đơn khiếu nại insurance brokers ví dụ như khi đơn xin bồi thường bị bác vì lỗi của brokers. Số tiền bồi thường tối đa là $100,000 trừ khi brokers đồng ý không áp dụng con số giới hạn này.

Tóm lại, hợp đồng bảo hiểm là một phần quan trọng không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày. Có những trường hợp không đáng gì nhưng có thể đưa đến hậu quả thật tài hại nhất là khi người mua bảo hiểm vì sự cám dỗ nhất thời khai man trong đơn xin bồi thường ví dụ như xe bị đụng hư một bên nhưng lại xin bồi thường cả hai bên. Nếu bị điều tra và buộc tội thì người mua bảo hiểm sẽ mang “thành tích gian lận” (fraud records) và có thể bị tất cả các công ty khác từ chối bảo hiểm. Không chỉ trong khía cạnh bảo hiểm mà hồ sơ gian lận sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy trong quan hệ làm ăn cũng như đời sống gia đình, thân hữu và thế đứng của đương sự trong cộng đồng và trong xã hội.


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng