Thương hiệu (trademarks)


 

Credit: ipaustralia.gov.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Thương hiệu có thể là là một từ, chữ, hình dạng, con số, logo, hình ảnh, biểu tượng, màu sắc hoặc là một hình thức tổng hợp của tất cả các loại vừa kể. Có một số hình thức ví dụ như quốc kỳ không được sử dụng làm thương hiệu.

Có một số người hiểu lầm rằng khi họ đăng ký tên thương mại (business name) hoặc tên công ty hoặc tên miền (domain name) thì người khác không sử dụng được thương hiệu của họ.Thật ra, tên thương mại hoặc công ty chỉ là một hình thức để chính quyền và người tiêu thụ có thể truy ra chủ nhân là ai.Một khi tên đã được đăng ký thì người khác không được đăng ký tên đó nữa. Nhưng chỉ với sự đăng ký này thì không đủ ban chủ quyền thương hiệu. Sau khi hết hạn nếu không đăng ký lại thì người khác vẫn có quyền đăng ký sử dụng đúng tên đó.

Thương hiệu một khi được đăng ký trở thành một phần tài sản (property) và chủ nhân được độc quyền sử dụng thương hiệu hoặc sang nhượng hoặc cho thuê nó. Thời gian đăng ký là 10 năm và chủ nhân có quyền gia hạn thêm 10 năm nữa và cứ thế mà tiếp tục.Chủ nhân có quyền ngăn cấm các thương gia khác sử dụng hương hiệu đã được đăng ký và có quyền thưa kiện để xin bồi thường nếu thương hiệu bị sử dụng trái phép.

Thương hiệu đã được đăng ký có thể kèm theo biểu tượng ®. Biểu tượng TM được dùng cho những thương hiệu chưa đăng ký.

Trong quá khứ, mục đích của thương hiệu là cho biết sản phẩm xuất xứ từ đâu hoặc thuận tiện cho việc quảng cáo.Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường toàn cầu thì thương hiệu ngày càng được sử dụng như một hình thức cạnh tranh và quảng cáo phẩm chất của sản phẩm.Các công ty lớn có tầm vóc quốc tế không thể nào tồn tại và phát triển mà không dựa vào thương hiệu của họ.

Để được đăng ký thì thương hiệu phải có đặc điểm khác biệt. Không thể đăng ký những danh từ bình thường ví dụ như “cà phê”, “nước ngọt”...Tên họ hoặc tên của những địa điểm cũng khó đăng ký được.Những danh từ có thể gây ngộ nhận hoặc thoá mạ có thể bị từ chối.Những thứ nào có nét tương tự như những thương hiệu đã được đăng ký sẽ bị từ chối.

Một số trường hợp thương hiệu không được đăng ký vì không có đặc điểm khác biệt gồm có COLLEGE OF LAW cho các dịch vụ giáo dục và huấn luyện, CRANBERRY CLASSIC cho nước trái cây và SCHOOLIES cho các dịch vụ chuyên chở, du lịch và quảng cáo.  Mặt khác, SHOWDOWN và TGI FRIDAY’S (viết tắt cho Thank God it’s Friday) thì lại được đăng ký.

Đăng ký tên họ cũng sẽ là một chuyện khó khăn. Ví dụ như GLEN không được cho bánh quy, ROBBIE BURNS không được cho rượu whisky. Tên LEE KUM KEE (oyster sauce) viết bằng chữ Hoa không được đăng ký vì có quá nhiều người trùng tên nhưng viết bằng tiếng Anh có thể chấp nhận được.Mặt khác, BOGART được đăng ký vì không có nhiều người mang tên này cũng như CASSINI mặc dù là họ của một số người Ý nhưng hiếm thấy tại Úc.

Thủ tục đăng ký thương hiệu

Nên điều tra xem thương hiệu của mình đã có ai đăng ký hay chưa. Bằng không thì đơn xin đăng ký có thể bị phản đối dẫn đến tranh cãi và kiện tụng với nhiều tốn kém.

Đơn xin đăng ký thương hiệu phải cho biết thuộc thể loại nào. Có tổng cộng 45 thể loại: 34 thể loại cho hàng hóa (goods) và 11 thể loại cho dịch vụ (services). Văn Phòng Sở hữu Trí tuệ Úc châu (IP Australia) sẽ duyệt xét xem đơn có hội đủ tiêu chuẩn hay không trong vòng 2 hoặc 3 tháng. Nếu có vấn đề thì nguyên đơn phải giải quyết hoặc giải thích thỏa đáng. Nếu cần phải thay đổi thương hiệu.Qua khỏi giai đoạn này thì thương hiệu sẽ được phổ biến trong Tạp chí Thương hiệu Úc châu (Australian Official Journal of Trade Marks).Bất cứ người nào cũng có thể phản đối trong thời hạn 3 tháng kể từ khi được phổ biến trong Tạp chí.

Lý do phản đối có thể gồm có nguyên đơn thật sự không phải là chủ nhân của thương hiệu, hoặc thương hiệu có nhiều nét tương tự như thương hiệu đã được đăng ký, hoặc thương hiệu là tên của một địa điểm hoặc có thể gây ngộ nhận với các thương hiệu khác. Nếu có phản đối thì Văn Phòng Sở hữu Trí tuệ Úc châu phải định ngày xét xử. Bên thua kiện có quyền kháng cáo lên  Tòa án Liên bang (Federal Court). Dĩ nhiên tiến trình này sẽ tốn kém rất nhiều tiền. Nguyên đơn có thể chọn rút lại đơn xin đăng ký nếu cảm thấy không có đủ bằng chứng thắng cuộc.

Nếu được đăng ký, nguyên đơn phải sử dụng thương hiệu cho mục đích thương mại hoặc thể loại như đã ghi rõ trong đơn. Nếu thương hiệu không được sử dụng thì bất cứ ai cũng có thể yêu cầu Văn Phòng Sở hữu Trí tuệ Úc châu hoặc Tòa án Liên bang hủy bỏ tư cách đăng ký.

Madrid Protocol

Úc ký Giao ước Madrid (Madrid Protocol) vào năm 2001.Hiện tại có khoảng 90 quốc gia đang là thành viên của Giao ước này bao gồm các thị trường lớn là Hoa kỳ và Âu châu. Lợi điểm của Giao ước này là chủ nhân thương hiệu có thể đăng ký thương hiệu quốc tế tại quốc gia của mình. Sau đó, thương hiệu sẽ được các quốc gia thành viên bảo vệ. Trước kia thì nguyên đơn phải xin đăng ký tại từng mỗi nước với rất nhiều khó khăn và tốn kém. Theo danh sách thành viên thì Việt nam cũng đã gia nhập Giao ước Madrid vào ngày 11 tháng 7 năm 2006.

Một vài vụ kiện liên quan đến thương hiệu

Trong vụ Southern Cross (1954), danh từ “SOUTHERN CROSS” là thương hiệu đã được sử dụng nhiều năm của công ty sản xuất máy móc và dụng cụ nông nghiệp. Nguyên đơn cũng muốn xin đăng ký tên này để bán tủ lạnh. Tòa xét rằng các món hàng này thường được bán chung trong nhiều căn tiệm ở thôn quê và không cho đăng ký vì sẽ tạo ra ngộ nhận là các sản phẩm này có liên hệ với nhau.

Trong vụ Polaroid Corp v Sole N Pty Ltd (1981), nguyên đơn là công ty làm chủ thương hiệu POLAROID. Bị đơn là công ty chuyên pha màu cửa sổ (window tinting). Bị đơn xin đăng ký tên ‘Solaroid”. Mặc dù hai chữ này khi phát âm thì được hiểu như là hai ý nghĩa hoàn toàn khác biệt nhưng vẫn tạo ấn tượng là có liên hệ với nhau và vì vậy không được tòa cho phép đăng ký.

Trong vụ Deeko Australia Pty Ltd v Décor Corp Pty Ltd (1988), nguyên đơn muốn đăng ký DEEKO cho các sản phẩm gồm có bát đĩa giấy, dao, thìa plastic được dùng trong các bữa tiệc.Trong khi đó, bị đơn đang sử dụng thương hiệu DECOR cho các vật liệu nấu nướng và dụng cụ nhà bếp. Nguyên đơn được đăng ký vì cho dù hai chữ phát âm hơi giống nhau nhưng các sản phẩm này đều có nhãn hiệu riêng biệt giúp người tiêu thụ không bị lầm lẫn.

Tuy nhiên, hai chữ phát âm tương tự sẽ gây trở ngại trong một số trường hợp ví dụ như Berlei bra/Bali bra hoặc STARR PARTNERS và STAR REALTY.

Trong vụ Sports Cafe Ltd v Registrar of Trademarks (1998), nguyên đơn không được sử dụng THE SPORTS CAFE vì đã có người đăng ký THE CIRCUIT SPORTS CAFE.Tương tự như vậy, CRAZY RON không được đăng ký vì dễ tạo ngộ nhận với CRAZY JOHN.

Các công ty lớn hoặc những nhà vô địch thể thao nổi tiếng thường dễ dàng đăng ký thương hiệu của họ. Ví dụ như Woolworths được quyền đăng ký WOOLWORTHS METRO mặc dù METRO đã được nhiều công ty đăng ký dưới những thể loại khác nhau. Trong vụ Torpedoes Sportswear Pty Ltd v Thorpedo Enterprises Pty Ltd (2003), THORPEDO được đăng ký vì mọi người nhìn vào đều có thể liên tưởng đến Ian Thorpe một tay vô địch bơi lội của Úc mặc dù TORPEDOES đã được đăng ký trước.

Tóm lại, thương hiệu là một công cụ giúp cho các doanh nghiệp phát triển trên tầm vóc quốc tế.Về khía cạnh này thì Việt nam còn thua mọi người quá xa.Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào so sánh với Nhật bản nhưng Hàn quốc cũng đã trỗi dậy với LG, Kia, Hyundai và Samsung.Ở hải ngoại, hầu như chỉ có Lee’s Sandwiches tại Hoa kỳ là hoạt động có hệ thống và tầm vóc. Không biết cho tới khi nào thì một thương hiệu gốc Việt nam mới có thể ngẩng đầu xuất hiện trên thị trường thế giới.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng