Quỹ hưu bổng tự quản (self managed super fund)


Credit: rjsanderson.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Quỹ Hưu bổng Tự quản theo đúng tên gọi của nó là một hình thức dành dụm và đầu tư do chính thành viên tự quản lý. Quỹ hưu bổng tự quản không được có nhiều hơn 4 thành viên và tất cả các thành viên cũng phải là người thụ thác chịu trách nhiệm pháp lý trong việc quản lý và điều hành quỹ hưu bổng của họ.

Quỹ hưu bổng tự quản phải tuân thủ các điều luật về hưu bổng để được hưởng quy chế miễn hoặc thuế thấp. Bằng không thì có thể mất quy chế và bị đóng thuế cao ở mức 45% (thay vì 15%). Ngoài ra, người thụ thác có thể bị truy tố và phạt vạ nếu vi phạm luật hưu bổng.

Tới tháng 3 năm 2013 thì đã có hơn 500,000 quỹ hưu bổng tự quản với số tài sản có giá trị gần 500 tỷ Úc kim (khoảng 30% tổng số giá trị tài sản của tất cả các quỹ hưu bổng). Ước lượng là tới năm 2030 thì giá trị tài sản của các quỹ hưu bổng tự quản sẽ lên tới 2,000 tỷ Úc kim.

Số lượng quỹ hưu bổng tự quản gia tăng nhanh chóng vì ngày càng có nhiều người muốn tự quản lý số tiền dành dụm và hình thức đầu tư tiền hưu của họ. Không như các công ty thụ thác chuyên nghiệp, phí tổn điều hành quỹ hưu bổng hàng năm nằm ở mức cố định. Quan trọng nhất là không có nguy cơ bị thua lỗ quá nhiều ví dụ như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 thì có nhiều người mất rất nhiều tiền hưu vì các công ty thụ thác đầu tư quá nhiều vào thị trường chứng khoán.

Ngoài việc có cơ hội tự quản lý và quyết định đầu tư tiền hưu của chính mình, quỹ hưu bổng tự quản cũng cho thành viên nhiều lợi ích đáng kể về thuế và sự uyển chuyển trong kế hoạch đầu tư và dành dụm cho tới lúc về hưu.

Điều kiện căn bản của quỹ hưu bổng tự quản gồm có:

1.    Số thành viên tối đa là 4 người

2.  Mỗi thành viên cũng là người thụ thác. Nếu thụ thác là công ty (corporate trustee) thì mỗi thành viên phải là giám đốc của công ty thụ thác.

3.    Thông thường thì thành viên không được làm công cho một thành viên khác của quỹ và

4.    Thành viên không được nhận lương bổng trong vai trò thụ thác.


Một người độc thân muốn thành lập quỹ hưu bổng tự quản thì phải có một công ty thụ thác với 2 giám đốc. Thành viên cũng là giám đốc và không có quan hệ thân nhân với người giám đốc thứ hai.

Quỹ hưu bổng tự quản có thể đầu tư mua lại bất động sản thương mại của thành viên nhưng không được chính quyền tài trợ trong trường hợp quỹ bị thiệt hại vì gian lận hoặc bị mất cắp. Ngoài ra, thành viên không được quyền khiếu kiện với Tòa Tài phán Khiếu nại Hưu bổng (Superannuation Complaints Tribunal).

Để được hưởng quy chế miễn hoặc thuế thấp, quỹ hưu bổng tự quản phải tuân thủ các điều luật hưu bổng.

Lợi ích của quỹ hưu bổng tự quản

Lợi ích chính của quỹ hưu bổng tự quản là thành viên có thể tự quản lý và quyết định kế hoạch đầu tư tiền hưu của chính mình. Không có ai quan tâm tới tài sản của mình bằng chính bản thân mình. Những thương gia hoặc những người tự làm chủ có thể đầu tư hoặc mua bất động sản thương mại mà họ đang dùng cho doanh nghiệp của họ. Thay vì trả tiền thuê mướn cho người khác thì trả cho chính họ. Tiền thuê mướn shop hoặc địa điểm kinh doanh được khai trừ thuế như bất cứ chi phí điều hành doanh nghiệp nào khác. Sau một thời gian khi tiền nợ ngân hàng trả hết thì họ làm chủ căn shop đó. Những thành viên nào sắp tới tuổi về hưu có thể rút tiền mà không cần đóng thuế. Và dĩ nhiên, bất động sản và tài sản nằm trong quỹ hưu bổng hoàn toàn được bảo vệ trong trường hợp bị phá sản.

Nhưng quỹ hưu bổng tự quản không thích hợp cho tất cả mọi người. Để thành lập quỹ thì phải có tốn kém. Ngoài ra phải trả tiền khai thuế và kiểm toán hàng năm. Chi phí điều hành có thể lên tới vài ngàn đồng cho mỗi năm.Nếu sử dụng chuyên viên cố vấn (financial adviser) thì có thể phải trả thêm lệ phí thường niên. Việc thành lập quỹ thì rất đơn giản. Hầu hết các văn phòng kế toán có thể thành lập quỹ hưu bổng tự quản và xin số ABN qua mạng trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Những thành viên cũng là người thụ thác phải chịu trách nhiệm pháp lý điều hành quỹ theo đúng luật hưu bổng. Đa số thành viên không có đủ kiến thức hoặc khả năng để đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư. So với các công ty thụ thác với hàng trăm ngàn thành viên, quỹ hưu bổng tự quản không có sức mạnh thị trường để thương lượng giá rẻ khi mua bảo hiểm. Quan trọng nhất là nếu lỡ vi phạm luật hưu bổng thì người thụ thác có thể bị phạt nặng và chính quỹ hưu bổng tự quản sẽ mất quy chế miễn hoặc thuế thấp.

Cá nhân hay công ty thụ thác

Khi thành lập quỹ hưu bổng tự quản thì câu hỏi đầu tiên là sử dụng cá nhân hay công thụ thác. Công ty thụ thác có nhiều điểm lợi. Thứ nhất, công ty là một thực thể pháp nhân riêng biệt và vẫn tiếp tục hoạt động bình thường sau khi có một thành viên qua đời. Quan trọng nhất là bảo quản tài sản vì nếu có chuyện gì thì chỉ có công ty bị kiện, không đụng tới tài sản cá nhân. Ví dụ như khi quỹ hưu bổng làm chủ và cho thuê một bất động sản và người thuê tiến hành khởi kiện  vì bị tai nạn hoặc có tranh chấp về hợp đồng thuê mướn, công ty thụ thác sẽ là bị đơn chớ không phải các thành viên của quỹ.

Công ty thụ thác cũng có thể dễ dàng trả cho thành viên hoặc thân nhân hết số tiền một lần như tiền tử (death benefit) hoặc lợi ích thương tật (disability benefits). Có một số ngân hàng bắt buộc phải có công ty thụ thác trước khi cho quỹ hưu bổng tự quản vay mượn để đầu tư. Một số khác thì sẽ cho công ty thụ thác mượn nhiều hơn và với điều kiện dễ dàng hơn. Nhưng quan trọng hơn hết là khi có một thành viên rút lui, qua đời, thành hôn, ly dị hoặc có con cái muốn trở thành thành viên thì không cần phải thay đổi văn kiện ủy thác thành lập ủy hưu bổng hoặc trương mục quỹ với ngân hàng hoặc tên của chủ nhân trên bất động sản mà chỉ cần nộp đơn cập nhật hoặc thay đổi ban giám đốc và cổ đông với Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư (ASIC) thông báo về sự thay đổi mà thôi.

Dĩ nhiên là sử dụng hình thức công ty thụ thác thì tốn kém hơn. Trước hết là chi phí thành lập công ty. Sau đó là chi phí kiểm soát hàng năm đóng mà công ty phải đóng cho ASIC (hiện nay là $273 một năm).

Những giới hạn về vay mượn và đầu tư của quỹ hưu bổng tự quản

Vì quỹ hưu bổng tự quản được hưởng quy chế miễn hoặc thuế thấp nên chính quyền và Sở thuế kiểm soát và kiểm toán gắt gao để bảo đảm là quỹ được quản lý và điều hành theo đúng luật pháp với mục đích duy nhất có lợi cho thành viên và cũng để tránh các trường hợp lạm dụng. Trước hết, cá nhân hoặc công ty thụ thác phải đề ra kế hoạch đầu tư gồm có ý định đầu tư vào những lĩnh vực nào với mức độ nguy cơ bị thua lỗ thế nào so với lợi nhuận khả thi, đầu tư hết vào một nơi hay chia ra nhiều nơi, có dễ dàng chuyển dạng hình thức đầu tư hay không (ví dụ như từ cổ phần thành tiền mặt) và khả năng trả nợ hoặc chi phí liên hệ tới hình thức đầu tư.

Cá nhân hoặc công ty thụ thác phải bảo đảm là tài sản của quỹ được giữ riêng biệt với tài sản của chính bản thân họ hoặc của công ty thụ thác. Mọi quyết định đầu tư phải tuân thủ điều kiện mục đích duy nhất là bảo vệ và phát triển lợi ích cho thành viên theo đúng điều luật và điều lệ quỹ hưu bổng.

Một điểm căn bản là quỹ hưu bổng không được quyền mua bán tài sản với các thành viên của quỹ ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Một trong những trường hợp ngoại lệ  đó là quỹ  có thể mua lại bất động sản được sử dụng với mục đích thương mại từ thành viên của quỹ theo giá thị trường. Quỹ không được cho thành viên vay mượn tiền hoặc đồng ý bảo đảm hoặc sử dụng tài sản của quỹ thế chấp bảo đảm cho thành viên vay mượn.

Quỹ hưu bổng tự quản không được quyền vay mượn. Nhưng có một trường hợp ngoại lệ gọi là vay mượn dưới hình thức truy đòi giới hạn (limited recourse borrowing). Dưới hình thức này thì các thương gia hoặc các nhà đầu tư bất động sản có thể sử dụng quỹ hưu bổng tự quản để đầu tư vào bất động sản. Thông thường thì quỹ sẽ ứng ra từ 20% tới 30% giá bất động sản và mượn phần còn lại từ ngân hàng. Một công ty thụ thác khác (bare trust) phải được thành lập chỉ để đứng tên giùm bất động sản cho quỹ hưu bổng tự quản. Nếu đầu tư bị thua lỗ thì ngân hàng chỉ có quyền xiết lấy bất động sản thế chấp mà không được truy đòi hoặc khởi kiện hoặc siết giữ những phần tài sản khác của quỹ hưu bổng tự quản. Với bất động sản thương mại thì quỹ có thể cho thành viên hoặc thân nhân thuê mướn nhưng với nhà ở thì không được làm như vậy mà phải cho người ngoài thuê lại.

Ngoại lệ này có một vài điều kiện. Thứ nhất, bất động sản mà quỹ muốn mua phải là một hình thức độc lập và riêng biệt. Một số căn chung cư có thể có bằng khoán riêng cho chỗ đậu xe và trong trường này thì phải lập ra thêm hai công ty thụ thác khác nhau. Vì ngân hàng chỉ được quyền đòi tài sản thế chấp nên thường yêu cầu thành viên đúng ra bảo đảm cho số tiền vay mượn. Quỹ có thể chuyển đổi ngân hàng (refinance) nhưng không được quyền đập bỏ nhà cũ rồi cất căn mới hoặc phân lô. Nói chung là quỹ hưu bổng tự quản không thích hợp cho những nhà phát triển bất động sản (property developers).

Tóm lại, quỹ hưu bổng tự quản là một hình thức đầu tư và dành dụm thích hợp cho giới tiểu thương và những thành phần có lợi tức cao muốn đầu tư vào bất động sản. Vì quỹ được hưởng quy chế về thuế nên Sở Thuế thường kiểm soát gắt gao để bảo đảm là quỹ hoạt động theo đúng luật pháp. Cá nhân hoặc công ty thụ thác cần hành xử cẩn trọng và lưu giữ tất cả mọi văn kiện phòng khi bị Sở Thuế kiểm duyệt. Quỹ hưu bổng tự quản có thể là một công cụ xây dựng tài sản hữu hiệu trong kế hoạch về hưu cho nhiều người nếu được sử dụng đúng đắn và đúng luật.

 


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng