Úc thắng trong vụ kiện ‘bao thuốc là đơn giản’

 


Credit: untobaccocontrol.org

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào tháng 12 năm 2015, Tòa Trọng tài Thường trực ban hành phán quyết xử Úc thắng trong vụ kiện mà công ty thuốc lá Philip Morris Asia (PM Asia) tiến hành vào năm 2011. Từ tháng 4 năm 2011, chính quyền Úc công bố là sẽ áp dụng chính sách bao thuốc lá đơn giản (tobacco plain packaging) với mục đích là để giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Mỗi năm 15,000 người Úc bị chết vì hút thuốc. Hàng ngàn người khác mang các chứng bệnh nặng như ung thư phổi tạo gánh nặng cho ngân sách y tế và giảm thiểu năng suất lao động quốc gia.

Nguyên đơn PM Asia là một công ty được thành lập tại Hong Kong. Nguyên đơn lập luận rằng chính sách bao thuốc là đơn giản của Úc gây tổn hại đến quyền lợi đầu tư và tài chánh của nguyên đơn trái với Thỏa thuận Khuyến khích và Bảo vệ Đầu tư giữa Úc và Hong Kong 1993 (Agreement for the Promotion and Protection of Investments). Nguyên đơn mua cổ phiếu của một công ty khác nhưng có liên hệ là Philip Morris Australia (PM Australia). Chính sách của Úc làm số người hút thuốc ngày càng giảm và ảnh hưởng tới lợi tức của nguyên đơn.

Luật sư của Úc trả lời rằng Úc đã ký Công Ước với Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) về việc kiểm soát thuốc lá (WHO Framework Convention on Tobacco Control) vào năm 2003. Do đó, Úc có trách nhiệm đề đạt biện pháp kiểm soát tác hại của thuốc lá. Chính quyền Úc thành lập một Ủy ban Đặc nhiệm vào năm 2008 nghiên cứu phương thức để giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Sau một năm làm việc, Ủy ban đề nghị áp dụng chính sách bao thuốc lá đơn giản và cảnh báo sống động về tác hại của thuốc lá. Vào ngày 29 tháng 4, 2010, chính quyền Úc công bố là sẽ áp dụng các biện pháp này theo lời đề nghị của Ủy ban. Philip Morris Australia liên tục phản đối và cho rằng chính sách này vi phạm các hiệp ước thương mại quốc tế mà Úc đã ký.

PM Asia mua cổ phiếu của PM Australia vào ngày 23 tháng 2, 2011. Có nghĩa là khi tiến hành quyết định đầu tư, nguyên đơn biết rõ là chính quyền Úc sẽ áp dụng chính sách bao thuốc lá đơn giản. Một công ty đầu tư không thể than phiền là quốc gia thành viên hiệp ước thương mại có hành vi hoặc chính sách kỳ thị công ty ngoại quốc nếu công ty đó biết rõ chính sách trước khi quyết định đầu tư.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng thuốc lá là "sản phẩm hợp pháp duy nhất giết chết người khi sử dụng theo đúng ý của nhà sản xuất". Nguy hiểm của thuốc lá đã được chứng minh rõ ràng. Người hút thuốc nhiều dễ mang bệnh nặng nhưng những người không hút mà chỉ ngửi mùi thuốc cũng có hại cho sức khỏe. Và dĩ nhiên thuốc lá là một chất nghiện. Người bệnh vì hút thuốc nhưng lại không bỏ được vì nghiện.

Ước lượng thuốc lá đã giết chết gần một triệu người Úc từ 1950 đến 2008. Mỗi năm có 15000 người chết vì hút thuốc. Từ thập niên 1970 thì chính quyền liên bang và các tiểu bang đã bắt đầu áp dụng một số biện pháp ngăn ngừa nạn hút thuốc, đa số là nhắm vào việc kiểm soát và giới hạn quảng cáo thuốc lá. Từ năm 1976, thuốc lá không được quảng cáo trên tivi và radio và từ năm 1990 thì không được quảng cáo trên báo.

Năm 1992, chính quyền liên bang chính thức ban hành Đạo luật cấm quảng cáo thuốc lá trên các hình thức như billboards, in trên vé hoặc qua các phương tiện giao thông công cộng. Các công ty thuốc lá cũng không được bảo trợ cho các giải bóng bầu dục hoặc chương trình văn nghệ, văn hóa.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng bắt buộc bao thuốc lá kèm theo những lời cảnh báo nguy hại đến sức khoẻ. Từ năm 2006, các công ty sản xuất phải đăng hình ảnh sống động cho thấy tác hại thật sự của thuốc lá trên bao thuốc. Những biện pháp khác gồm có ban hành tuổi tối thiểu có thể tự mua thuốc, tăng giá thuốc qua việc đánh thuế, tăng giá thuốc bằng cách tăng số lượng thuốc trong mỗi bao để ngăn cản tiêu thụ trong giới trẻ, các chương trình hướng dẫn y tế trong nhà trường, cấm hút thuốc tại nơi làm việc và công cộng, cung cấp dịch vụ tư vấn "Quitline" miễn phí, tài trợ cho các phương án trị liệu thay thế nicotine...Tất cả những biện pháp này đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc từ 36% trong dân số người lớn trên 18 tuổi vào năm 1997 xuống 15" trong năm 2010. Tuy nhiên, vẫn còn hơn ba triệu người Úc thường xuyên hút thuốc mỗi ngày hoặc mỗi tuần.  

Công Ước của Tổ Chức Y tế Thế giới về việc kiểm soát thuốc lá được ban hành vào năm 2003 và có hiệu lực từ ngày 27 tháng 2 , 2005. Hiện nay đã có tới 174 quốc gia thành viên gia nhập Công ước này. Điều 11 của Công ước quy định quốc gia thành viên có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp hữu hiệu liên quan tới bao thuốc lá gồm có những thông điệp cảnh báo rõ ràng là thuốc lá có hại cho sức khỏe. Điều 13 bắt buộc các quốc gia thành viên tiến hành ngăn cấm mọi hình thức quảng cáo và bảo trợ thuốc lá.

Trong năm 2008, chính quyền liên bang Úc và các tiểu bang đồng thuận đặt chỉ tiêu là giảm tỷ lệ người hút thuốc xuống 10% trước năm 2018. Chính quyền thành lập một Ủy ban đặc nhiệm độc lập gồm có các chuyên gia trong lĩnh vực này để nghiên cứu phương cách đạt chỉ tiêu này. Ủy ban đã tham khảo rộng rãi với nhiều nhóm trong đó có PM Australia và họ đã gửi một bản đệ trình cho Ủy ban nói rằng thực hiện biện pháp bắt buộc mẫu bao thuốc lá sẽ vi phạm trách nhiệm pháp lý quốc tế liên quan tới việc tước đoạt thương hiệu của họ. 

Trong bản báo cáo năm 2009, Ủy ban đề nghị chính quyền thi hành biện pháp áp dụng bao thuốc lá đơn giản kèm với thông điệp cảnh báo rõ ràng là hút thuốc có hại cho sức khỏe. Ngày 29 tháng 4, 2010, chính quyền công bố là sẽ thực thi các đề nghị của Ủy ban gồm có tăng thuế thuốc lá lên 25%, ngăn cấm mọi hình thức quảng cáo thuốc lá trên internet, ngăn cấm hút thuốc trong xe hơi và tại nơi công cộng và áp dụng chính sách bao thuốc lá đơn giản kèm với những hình ảnh sống động về nguy hại của thuốc lá. Chính quyền ban hành luật ngăn cấm mọi hình thức trưng bày thuốc lá. Bao thuốc phải làm bằng màu nâu mà sau các cuộc nghiên cứu thị trường được cho là thích hợp nhất với mục đích nâng cao nhận thức chính xác về nguy hại của thuốc lá. Chính sách này đã được WHO ủng hộ.

Nhóm công ty thuốc lá Philip Morris biết rõ về ý định và chính sách của Úc và họ đã  liên tục phản đối chính sách này. Ngày 17 tháng 11, 2010, Chủ tịch và CEO của Philip Morris tuyên bố là chính sách bao thuốc lá đơn giản vi phạm thương hiệu của họ và họ sẽ khởi kiện nếu Úc tiến tới áp dụng chính sách này. Vào thời điểm này, nguyên đơn PM Asia không có cổ phần trong công ty PM Australia mà lúc đó do Philip Morris Brands Sarl, một công ty Thụy Sĩ làm chủ.

Úc cho rằng các công ty trong nhóm Philip Morris có liên hệ với nhau đã dùng những hình thức mua bán cổ phiếu trong nội bộ rồi tiến hành đơn kiện dưới Thoả thuận Bảo vệ Đầu tư giữa Úc và Hong Kong. PM Asia mua cổ phiếu của PM Australia vào ngày 23 tháng 2 , 2011. Có nghĩa là trước đó họ không có quyền lợi hoặc đầu tư gì khi Úc ban hành chính sách bao thuốc lá đơn giản. Dàn xếp mua bán cổ phiếu trong nội bộ để sử dụng Thoả thuận giữa Úc và Hong Kong khởi kiện là một hình thức lạm dụng không chính đáng.

Hơn nữa, chính sách của Úc không có tính kỳ thị giữa công ty ngoại quốc và công ty nội địa mà chỉ nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ công chúng và người dân Úc. Những biện pháp này không đồng nghĩa với việc tước đoạt hoặc chiếm hữu tài sản của nguyên đơn nên không có gì phải bồi thường.

Lập luận của Úc được Tòa chấp thuận và dựa vào những luận cứ mà Úc đưa ra, Tòa không có quyền tài phán vì Úc không vi phạm Thoả thuận với Hong Kong.

Bà Fiona Nash Bộ Trưởng Y tế Úc hoan nghênh phán quyết đồng thuận của Tòa xử cho Úc thắng. Nhưng luật sư của Philip Morris thì than phiền là Úc thắng kiện dựa trên thủ tục là Tòa không có quyền tài phán thay vì đối đầu với thực chất của vụ kiện là chính sách bao thuốc lá đơn giản có hợp pháp và hữu hiệu hay không. Nhưng Hội Y tế Công cộng Úc thì tuyên bố rằng phán quyết của Tòa là "một món quà Giáng sinh lớn nhất cho đời sống y tế của công chúng và toàn thế giới". Tỷ lệ người hút thuốc gồm có người lớn lẫn trẻ em tại Úc ngày càng giảm dựa vào số lượng thuốc lá bán ra thị trường. Có nghĩa là chính sách bao thuốc lá đơn giản có hiệu quả và là một biện pháp cứu mạng người. Các công ty thuốc lá tìm đủ mọi cách chống chính sách này vì họ biết rõ điều đó.

Vụ kiện này cũng quan trọng ở một góc nhìn khác liên quan tới Hiệp Định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một số người chỉ trích TPP vì nó cho phép các công ty ngoại quốc kiện nhà nước vì một số chính sách có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của các công ty đó và vụ kiện này thường được mang ra làm thí dụ. Nhưng kết quả vụ kiện cho thấy sự lo ngại này có lẽ không có cơ sở vững chắc. Ngược lại, kết quả này sẽ khuyến khích nhiều quốc khác như Pháp, Anh và Ái Nhĩ lan xúc tiến chính sách áp dụng bao thuốc lá đơn giản như Úc đã thực hiện.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng