Công tố viên đụng với Ủy hội chống tham nhũng
Credit: smh.com.au
Ls Nguyễn Văn Thân
Vào một buổi sáng mùa
thu đẹp trời trong cuối tháng 5 năm 2014, Sophie Tilley, có một cô gái 25 tuổi
xinh đẹp và quyến rũ lái xe qua cầu Sydney Harbour trên đường viếng thăm và ra
mắt ba mẹ của bạn trai cô ở miền Bắc Sydney. Bạn trai cô, Stephen Willie là con
trai của Margaret Cunneen, Phó Công Tố Viên của tiểu bang NSW.
Cunneen đang thư thả dọn
dẹp đồ đạc trong nhà sau một năm tập trung và hoàn tất bản báo cáo về tình trạng
xâm phạm tình dục trẻ em bởi một số linh mục trong vùng Newcastle. Chính
Cunneen là một con chiên ngoan đạo. Thế mà ngày qua ngày bà phải ngồi lắng nghe
những câu chuyện thương tâm đau khổ của những nhân chứng mà đời sống tuổi thơ
trong trắng của họ đã bị đánh cướp bởi những vị lãnh đạo tinh thần mà họ kính
trọng nhất. Mới hôm trước, Cunneen được mời đến dinh của Toàn Quyền NSW và tận
tay trao bản báo cáo đó cho Toàn Quyền Maria Bashir. Khi Toàn Quyền chính thức
cảm ơn bà đã hoàn tất một công tác khó khăn nhưng cần thiết, Cunneen lặng lẽ
không nói gì. Trên miệng bà chỉ nở một nụ cười nhỏ đầy mãn nguyện. Sự nghiệp,
danh vọng, một cái ghế trên Tòa Thượng Thẩm NSW nơi mà các vị trạng sự thâm
niên xem là niết bàn đang ngóng chờ.
Bỗng có ai la lên: “Sophie bị đụng xe”. Chưa kịp quay về với
hiện tại thì Cunneen đã thấy chồng bà Greg và con trai Stephen phóng ra khỏi
nhà. Cunneen lên xe lái rượt theo. Phía trước có nhiều xe quá không lọt qua được.
Bà dừng xe lại đậu rồi chạy đuổi theo chồng con. Tới nơi thì thấy chiếc Ford
Mondeo màu xanh bà đứng tên nhưng Stephen thường lái và cho Sophie mượn bị đụng
móp. Còn Sophie thì ngồi ôm ngực rên rỉ.
Từ cái nhìn của
Cunneen, câu chuyện chỉ có vậy thế mà bà phải đánh một trận sống còn với Ủy Hội
Bài Trừ Tham Nhũng tại Tối Cao Pháp Viện vào tháng trước. Ủy Hội nghi ngờ là
Cunneen đã khuyên với Sophie khai gian với cảnh sát là cô bị đau ngực để tránh
bị thổi rượu ngay tại hiện trường. Và nếu đây là sự thật thì Phó Công Tố Viên
tiểu bang đã phạm tội ‘lũng đoạn tiến
trình công lý’ (perverting the course of justice). Còn Sophie thì khai rằng
cô bị đau ngực thiệt vì cô có...độn ngực. Sau khi xảy ra tai nạn, cô lo sợ là
ngực giả (silicon) bị bể. Ngay sau đó, cô đã được đưa tới bệnh viện thử máu và
kết quả cho thấy trong máu không có chất rượu hay ma túy nào.
Một sự việc tưởng chừng
như đơn giản như vậy nhưng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Nếu Ủy Hội chứng minh
được Cunneen đã thật sự phạm tội, cái bằng trạng sư của bà có thể sẽ bay theo
gió và niết bàn không phải là cái ghế nhung trên Tòa Thượng Thẩm mà có thể là
ghế sắt trong nhà tù Long Bay. Còn nếu Cunneen thắng thì uy tín của một Ủy Hội
uy nghi quyền lực sẽ bị lung lay cùng với bao nhiêu hồ sơ truy tố tội phạm tham
nhũng trong đó có các vụ bê bối liên quan tới Eddie Obeid và Ian McDonald có thể
phải bị vứt đi vì chính Ủy Hội đã vi luật, vượt quá quyền hạn điều tra mà luật
pháp và Quốc Hội cho phép.
Margaret Cunneen nổi tiếng
trong vai trò công tố với những vụ truy tố tội phạm tình dục và hiếp dâm tập thể
(gang rape). Mấy tay bệnh hoạn chuyên hãm hiếp trẻ em (paedophiles) như Dolly
Dunn và Phillip Bell cùng với đám anh em Bilal Skaf đều bị bà cho vào ngục với
những bán tù dài hạn có khi hơn nửa thế kỷ. Khác với những công tố viên khác,
bà tiếp tục giữ liên lạc với nạn nhân và đối xử với họ với tất cả tình người chớ
không lạnh lẽo như một nhân chứng trong một vụ truy tố hình sự. Vì vậy, có một
số trạng sư và thẩm phán không mấy hài lòng với bà vì theo họ, lúc nào công tố
viên cũng phải giữ một khoảng cách và tư thế độc lập để phục vụ cho công lý như
là một lý tưởng trừu tượng. Thất tình, lục dục phải bỏ qua một bên. Theo họ,
vai trò của công tố không phải là thắng bằng mọi giá mà trưng dẫn tất cả mọi bằng
chứng khách quan và trung thực bao gồm cả bằng chứng có lợi cho bị cáo trước bồi
thẩm đoàn để họ thi hành nghĩa vụ phán xét công minh và đúng đắn. Có lẽ họ
không biết là khi còn nhỏ, chính Cunneen đã bị một người hàng xóm xâm phạm cho
tới khi người đó qua đời. Không có công
tố nào hiểu rõ tâm trạng của nạn nhân khi họ phải tranh đấu để được công lý
trong một hệ thống mà luật chơi vẫn dựa trên nền tảng ‘vô tội cho tới khi nào chứng minh là có tội’ (innocent until
proven guilty).
Sự việc bắt đầu hồi
tháng 7 năm 2014 khi Ủy Hội yêu cầu Cunneen trình diện và khai báo trong một
cuộc điều trần kín tại trụ sở Ủy Hội. Có tin cho rằng một người em gái không
hòa thuận đã ‘tố’ Cunneen với Ủy Hội. Cunneen tham dự cuộc điều trần với luật
sư của bà. Không biết vì lý do gì, sau đó Ủy Hội lại quyết định mở một cuộc điều
trần công cộng và tống trát tòa yêu cầu Cunneen xuất hiện cung cấp bằng chứng
trước công chúng. Cunneen quyết định phản đòn và đưa Ủy Hội ra tòa. Phiên xử diễn
ra trước Thẩm Phán Hoeben của Tòa Thượng Thẩm NSW. Tòa xử Ủy Hội thắng hiệp một
với tỷ số 1-0. Cunneen lập tức kháng cáo và Tòa Kháng Cáo xử cho bà thắng hiệp
hai với tỷ số 2-1. Có nghĩa là trong 3 vị thẩm phán của Tòa Kháng Cáo thì có 2
vị bênh Cunneen và 1 vị bênh Ủy Hội. Ủy Hội kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện và
phiên xử đã diễn ra trong tháng 3 vừa qua. Mọi người, không chỉ trong giới luật
sư đang nóng lòng chờ mong kết quả phán xét sau cùng của Tối Cao Pháp Viện.
Vấn đề được tranh cãi tại
tòa là hành xử (conduct) thế nào thì được xem là ‘tham nhũng’ mà Ủy Hội có quyền
điều tra. Luật sư của Cunneen lập luật rằng cho dù giả sử Cunneen có khuyên
Sophie khai gian với cảnh sát là bị đau ngực thì hành xử đó cũng không thể dẫn
đến kết quả tham nhũng vì nó còn tùy theo người cảnh sát đó tự họ xem xét có
nên tin vào lời nói của Sophie không. Sự việc có thể khác nếu như chính Cunneen
nói với cảnh sát “Ê, tao là Phó Công Tố
Viên. Nó là bạn gái của con tao. Tụi mày cho qua đi”.
Nhưng Ủy Hội thì lại
cho rằng bất cứ hành xử nào của công chức hoặc thường dân có thể làm cho các
nhân viên công chức không thi hành đúng nhiệm vụ của họ thì có thể coi là tham
nhũng mà Ủy Hội có quyền điều tra. Đây là một định nghĩa rất rộng về tham nhũng.
Giá như lúc đó Sophie gọi điện thoại cho luật sư riêng của cô và luật sư khuyên
cô nên nói với cảnh sát là cô bị đau ngực thì liệu vị luật sư đó có bị điều tra
và truy tố về tội tham nhũng hay không?
Nói cho cùng, mọi việc
xảy ra chỉ vì đôi ngực giả của Sophie. Có người trách là phải chi cô đừng bày đặt
‘lũng đoạn tiến trình của tạo hóa’ và
cứ ‘trời sanh sao để vậy’ thì đâu có
chuyện. Nhưng chúng ta nên thông cảm cho các cô gái trẻ. Việc cô ước muốn có một
thân hình phụ nữ đầy đặn là hoàn toàn chính đáng. Nó không chỉ tác động đến
hình dáng bên ngoài mà còn ảnh hưởng tích cực đến tâm lý và mang đến sự tự tin
cho cô. Chắc chắn là cha mẹ nào cũng muốn con mình sống vui là phát huy hết tiềm
năng của chúng. Có trách thì trách cán cân công lý vô tình vì cân nào cũng muốn
mình nặng ký hơn và quyền lực hơn.
Comments
Post a Comment