Độc quyền lãnh thổ trong hợp đồng franchise
Credit: dogsloverunning.com
Ls Nguyễn Văn Thân
Lãnh thổ độc quyền là một điều
khoản quan trọng và cần thiết trong tất cả mọi hợp đồng franchise. Điều khoản
này quy định người mua franchise (tức franchisee) có độc quyền điều hành thương
vụ franchise và tìm kiếm lợi nhuận trong một phạm vi lãnh thổ cố định. Tùy theo
hình thức franchise, phạm vi lãnh thổ này có thể là một khu vực, một thành phố,
một miền hoặc cả một tiểu bang. Người hoặc công ty chủ franchise (tức
franchisor) không được cạnh tranh hoặc cho phép franchisee khác cạnh tranh
trong phạm vi lãnh thổ mà franchisee có độc quyền. Ngược lại, franchisee phải
giới hạn địa bàn kinh doanh của họ trong phạm vi lãnh thổ này và không được lấn
qua lãnh thổ của franchisee khác.
Trong trường hợp nào thì
franchisor vi phạm lời hứa bảo vệ lãnh thổ độc quyền của franchisee? Trong một
vụ kiện gần đây thì Tòa Thượng thẩm NSW đã phán rằng franchisor không được cạnh
tranh hoặc xâm phạm lãnh thổ độc quyền của franchisee dưới bất cứ hình thức
nào. Lãnh thổ độc quyền là một quyền lợi
quan trọng của franchisee mà luật pháp sẽ bảo vệ.
Trong vụ Video Ezy International Pty Ltd v Sedema Pty Ltd (2014), nguyên đơn
là công ty franchisor cho bán và cho thuê video. Nguyên đơn cũng làm chủ 2 công
ty khác là Blockbuster (BB Australia Pty Ltd) và EzyDVD (EzyDVD Pty Ltd). Video
Ezy có nhiều cửa tiệm cho thuê video khắp mọi nơi. Blockbuster chuyên cho mướn
set top box mà người xem có thể tải phim họ thích xuống màn hình TV để coi. Ezy
DVD thì rao báo video trên mạng và bất cứ ai cũng có thể vào trang mạng
ezydvd.com.au để đặt mua video.
Vào ngày 1 tháng 4 năm 2003, bị
đơn mua lại tiệm Video Ezy tại Hazelbrook với giá $225,000 mà trong đó giá trị
goodwill được tính là $146,701. Phần còn lại là dụng cụ và hàng hóa phim ảnh.
Điều kiện của giao kèo mua bán là nguyên đơn đồng ý ký cho bị đơn lãnh thổ độc
quyền trong thời hạn 10 năm.
Vào ngày 25 tháng 9 năm 2003,
bị đơn ký thêm một hợp đồng franchise nữa với nguyên đơn để có lãnh thổ độc quyền
tại vùng Katoomba trong vòng 10 năm. Nhưng tới năm 2010 thì bị đơn đóng cửa tiệm
này.
Trong tháng 7 năm 2011 thì nguyên
đơn tiến hành kiện bị đơn tại tòa án địa phương để xin bồi thường vì bị đơn
không trả lệ phí franchise cho cả hai cửa tiểm tại Hazelbrook và Katoomba. Bị
đơn kiện ngược lại viện dẫn lý do là nguyên đơn đã vi phạm hợp đồng franchise
và trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ độc quyền vì đã cho phép hai công ty con là
Blockbuster và EzyDVD hoạt động qua mạng và phục vụ khách cư ngụ trong vùng độc
quyền Hazelbrook và Katoomba của bị đơn.
Tòa án địa phương phán rằng
nguyên đơn đã vi phạm điều khoản hợp đồng franchise và trách nhiệm bảo vệ lãnh
thổ độc quyền của bị đơn và bắt buộc nguyên đơn phải bồi thường cho bị đơn số
tiền là $56,248.39. Trừ đi lệ phí franchise $12,656.58 mà bị đơn còn thiếu thì
nguyên đơn phải trả $43,591.81 cho bị đơn. Nguyên đơn không đồng ý với phán quyết
này và kháng cáo lên Tòa Thượng thẩm NSW.
Một trong những lý do kháng
cáo là hợp đồng franchise tại Katoomba có thời hạn 10 năm từ 2003. Bị đơn đóng
cửa và ngưng trả lệ phí từ năm 2010. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả nốt 3 năm
còn lại. Nhưng bị đơn cãi rằng vào năm 2008, luật sư của nguyên đơn đã gửi thư
cho bị đơn đồng ý chấm dứt hợp đồng franchise trước thời hạn với điều kiện bị
đơn trả lệ phí franchise cho 2 năm. Dựa vào lá thư này, bị đơn thương lượng với
agent và giảm thời hạn hợp đồng thuê mướn shop (lease) tới năm 2010 khi bị đơn
quyết định đóng cửa tiệm.
Nguyên đơn lập luận rằng điều
kiện trên chỉ áp dụng nếu bị đơn trả trước lệ phí franchise cho 2 năm (upfront
payment). Đằng này bị đơn chỉ trả bình thường theo hàng tháng. Hơn nữa, bị đơn không
có đáp trả bằng văn bản là đồng ý và chấp nhận điều kiện đưa ra trong lá thư.
Những lý luận này đã không được
tòa chấp thuận. Trong lá thư đề ngày 15 tháng 8 năm 2008, luật sư của nguyên
đơn không có đặt điều kiện là phải trả trước lệ phí 2 năm cũng như bị đơn phải
đáp trả chấp thuận đề nghị này bằng văn bản. Một tiểu thương gia bình thường có
thể hiểu được là họ chỉ cấn tiếp đục điều hành cửa tiệm franchise cho 2 năm nữa
mà thôi. Vì vậy mà bị đơn mới thương lượng với agent và rút ngắn thời hạn thuê mướn
shop.
Còn về lãnh thổ độc quyền thì
nguyên đơn lập luận rằng họ chỉ có trách nhiệm không mở hoặc không cho phép một
cửa tiệm video ezy khác mở cửa hoạt động trong vùng Hazelbrook và Katoomba cạnh
tranh với bị đơn. Ngoài ra, cả hai công ty Blockbuster và EzyDVD đều không có
ký hợp đồng nào với bị đơn và vì vậy hợp đồng franchise mà Video Ezy ký với bị
đơn hoặc điều khoản lãnh thổ độc quyền trong hợp đồng này không nên áp dụng với
hai công ty đó.
Tòa không chấp nhận những lập
luận này. Blockbuster và EzyDVD đã tích cực cạnh tranh với bị đơn và Video Ezy
có thể bị coi là tòng phạm. Cả 3 công ty Video Ezy, Blockbuster và EzyDVD đều nằm
trong quyền điều hành của một cá nhân là ông Paul Uniackle. Trong cương vị là
giám đốc điều hành của các công ty này thì ông Uniackle nắm rõ chi tiết của người
mua và thuê sản phẩm của Blockbuster và EzyDVD gồm có tên và địa chỉ mà trong
đó có người tiêu thụ trong khu vực lãnh thổ độc quyền của bị đơn. Nếu muốn, ông
có thể ngăn chặn những chuyến giao dịch mua bán này hoặc tìm cách thương lượng
phân chia tiền lời với bị đơn. Nhưng ông có làm gì hết. Hình thức cạnh tranh
không quan trọng. Cho dù Blockbuster và Ezy DVD có hay không mở cửa tiệm hoặc
thuê một sạp lưu động hoặc bán hàng từ sau lưng xe van hoặc xe truck trong khu
vực lãnh thổ độc quyền thì cũng không có gì khác biệt. Kinh doanh trên mạng
cũng là một hình thức cạnh tranh. Bị đơn đã trả một số tiền khá nhiều cho
nguyên đơn để hưởng độc quyền làm ăn mua bán với người tiêu thụ trong vùng. Việc
nguyên đơn vừa thu tiền lệ phí franchise có điều khoảnh lãnh thổ độc quyền vừa
cạnh tranh giành khách với bị đơn qua mạng là không đúng đắn và bị đơn phải chịu
hậu quả pháp lý.
Trong một vụ kiện khác RPR Maintenance Pty Ltd v Marmax Investments
Pty Ltd (2004), Tòa án Liên bang cũng đã phán là franchisor có trách nhiệm
ngăn chặn franchisee "hàng xóm" (neighboring franchisee) xâm phạm
lãnh thổ độc quyền của franchisee khác. Trong vụ kiện này, bị đơn làm chủ công
ty thiết kế, sản xuất và bán granny flats và những sản phẩm hoặc hình thức nới
nhà khác. Nguyên đơn là franchisee đã nhiều lần than phiền với bị đơn về việc một
franchisee cạnh bên cứ “ăn cắp” khách trong khu vực độc quyền của nguyên đơn.
Franchisor hứa là sẽ ngăn chặn việc này nhưng lại có thỏa thuận ngầm với
franchisee cạnh bên là họ được quyền cạnh tranh miễn là đừng mở showroom hoặc
đăng quảng cáo trong lãnh thổ độc quyền của nguyên đơn. Nhưng bị đơn không cho
nguyên đơn biết hoặc xin sự đồng ý của nguyên đơn về thỏa thuận này. Tòa án
Liên bang phán rằng dưới hợp đồng franchise thì nguyên đơn có độc quyền mua bán
và cung cấp sản phẩm của bị đơn trong phạm vi lãnh thổ độc quyền và bị đơn có
trách nhiệm tích cực ngăn chặn những franchisee hàng xóm xâm phạm và cạnh tranh
tranh với franchisee trong lãnh thổ độc quyền. Bị đơn franchisor đã không hoàn
thành trách nhiệm và phải bồi thường cho nguyên đơn franchisee cho những thất
thoát hoặc thất thu vì sự cạnh tranh bất hợp pháp này cho dù bị đơn không hưởng
thêm được đồng nào ngoại trừ lệ phí franchise.
Franchise là một hình thức
kinh doanh ngày càng phổ biến nhưng cũng có thể dẫn đến những tranh tụng rắc rối.
Đa số những người hoạt động dưới hình thức franchise là tiểu thương gia không
có phương tiện và khả năng tài chánh so với công ty chủ franchise trong các cuộc
tranh chấp. Có lẽ vì vậy mà tòa thường diễn giải và áp dụng luật pháp khắt khe
đối với công ty chủ franchise. Tuy nhiên, những người nào có ý định làm ăn dưới
dạng franchise cũng nên thận trọng và nếu cần thì hãy đúc kết rõ ràng và đầy đủ
trách nhiệm và quyền hạn trong hợp đồng franchise hầu có thể né tránh các vụ kiện
tụng tốn kém thời gian và tiền bạc.
Comments
Post a Comment