Bản quyền
Credit: businessinsider.com.au
Ls Nguyễn Văn Thân
Mục đích chính của luật bản
quyền là cho phép tác giả gồm có nhà văn, nghệ sĩ, họa sĩ, người làm phim ảnh…được
độc quyền sử dụng hoặc bán lại tác phẩm xuất phát từ công sức lao động và sáng
tạo của chính họ. Vì vậy, bản quyền căn bản là một quyền kinh tế chú trọng vào
việc khai thác sản phẩm trí tuệ hoặc sáng tạo để kiếm tiền và vì vậy chẳng những
tác giả mà cả nhà xuất bản hoặc công ty sản xuất cũng được luật pháp bảo vệ quyền
lợi trong lĩnh vực này.
Mặt khác, luật bản quyền tại
Âu châu không chỉ bảo vệ quyền lợi kinh tế mà còn bảo vệ “quyền đạo lý” (moral
rights) cho phép tác giả kiểm soát việc sử dụng sản phẩm của họ ngay cả đối với
nhà xuất bản trong tiến trình quảng bá và rao bán. Những quyền lợi này cũng được
bắt đầu áp dụng tại Úc từ năm 2000 gồm có quyền được ghi nhận tên tác giả và
quyền ngăn cản người khác sửa đổi sản phẩm có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của
tác giả.
Khái niệm về bản quyền xuất
phát từ Anh quốc từ thế kỷ 16 khi các nhà in được độc quyền in sách. Thật ra
thì đây là một chính sách kiểm duyệt của nhà vua nhằm bảo vệ uy tín của hoàng
gia và ngăn cấm sự phổ biến sách vở tài liệu được coi là phỉ báng hoàng gia hoặc
tôn giáo. Kế tiếp là sự ra đời của Đạo luật Anne 1709 (Statute of Anne) cho
phép tác giả được độc quyền sử dụng và khai thác tác phẩm của họ tới 28 năm. Dĩ
nhiên là tác giả có quyền chuyển nhượng lại cho nhà xuất bản. Luật bản quyền tiếp
tục được nới rộng để bảo vệ tác giả của những tác phẩm nghệ thuật khác nhau như
tranh ảnh, kịch bản, lời nhạc, âm thanh nhạc, phim ảnh và cả những màn trình diễn
trên sân khấu. Tới năm 1886 thì thỏa ước Berne, Thụy sĩ (Berne Convention) ra đời
và chính thức nâng cấp bảo vệ tác quyền lên tầm vóc quốc tế.
Luật bản quyền Anh được du nhập
vào Úc từ giữa thế kỷ 19. Đạo luật Copyright thứ nhất ra đời vào năm 1905. Đạo
luật này được thay thế vào năm 1968 để giải quyết vấn đề bản quyền liên hệ tới
các thư viện và trường học. Gần đây hơn, kỹ thuật điện số bùng nổ trong thế kỷ
20 và Đạo luật Copyright lại được tu chính để áp dụng cho các hệ thống truyền
thông và truyền tin điện số cũng như các chương trình điện toán.
Luật bản quyền bảo vệ 4 loại
tác phẩm: văn học, kịch nghệ, nghệ thuật và âm nhạc. Tác phẩm văn học bao gồm
thi văn, sách vở, tiểu thuyết, bài viết, lời nhạc, lời phỏng vấn, thư từ, điện
thư, bản hướng dẫn, thời khoá biểu và chương trình điện toán. Tác phẩm kịch nghệ
gồm có kịch bản, đoạn phim, cảnh trí, màn trình diễn. Âm nhạc bao gồm thu âm,
thu hình và lời nhạc và nghệ thuật gồm có các tác phẩm tranh họa, điêu khắc,
hình chụp, hình vẽ, họa đồ, kiến trúc.
Để có bản quyền thì tác phẩm
phải được ghi chép hoặc diễn đạt qua một hình thức cụ thể và hữu hình. Luật bản
quyền không bảo vệ ý kiến, thông tin hoặc khái niệm trừu tượng cho dù nó có
nguyên thủy thế nào đi nữa.
Điều kiện thứ hai là tác phẩm
phải có tính cách nguyên thủy do sức lao động và sáng tạo của chính tác giả. Có
nghĩa là không chỉ là một sự sao chép từ một tác phẩm khác. Nguyên thủy ở đây
không bắt buộc phải là một sáng kiến chưa từng ai nghĩ ra mà chỉ cần hình thức diễn
đạt này chưa từng được sử dụng hoặc phổ biến. Ví dụ như nếu có 2 họa sĩ cùng đi
đến một địa điểm và vẽ lên hình ảnh của chỗ đó thì cả hai đều được bản quyền với
tác phẩm của họ. Cũng không có ai có thể cấm người khác đến chỗ đó vẽ miễn là không
có sao chép lại.
Tại Úc, tác giả đương nhiên có
bản quyền. Khác với bằng sáng chế (patents), thương hiệu (trademark) và thiết kế
(designs), tác giả không cần phải thông báo hoặc đăng ký với ai trước. Miễn là
tác giả hội đủ một số điều kiện gồm có là công dân hoặc thường trú nhân Úc và
tác phẩm được đầu tiên phổ biến tại Úc hoặc tại một quốc gia có ký kết hiệp ước
bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, tác giả cũng có thể sử dụng dấu hiệu bản quyền © để
thông báo cho mọi người biết là tác giả tự ghi nhận tác quyền. Tác giả nên lưu trữ ngày tháng và bản
sao của tác phẩm. Ít có khi nào có sự tranh cãi ai là tác giả nhưng nếu sự việc
này ra tòa thì tòa sẽ cứu xét bằng chứng gồm có bằng chứng của các nhân chứng
liên hệ như nhà bạn bè, những người đã được tác giả cho xem bản thảo hoặc xuất
bản để quyết định ai chính là tác giả của tác phẩm.
Chủ
nhân bản quyền
Thông thường thì tác giả làm
chủ bản quyền trong các tác phẩm văn học, kịch nghệ, nghệ thuật và âm nhạc. Nếu
có nhiều tác giả cùng hợp tác tạo ra tác phẩm thì tất cả được coi như làm chủ
chung bản quyền của tác phẩm đó. Người sản xuất phim ảnh làm chủ bản quyền cuộn
phim bào gồm hình ảnh và âm thanh. Người thu âm làm chủ bản quyền của phần thu
âm. Chủ nhân TV, radio và trang mạng làm chủ tác phẩm và tài liệu phổ biến trên
làn song và trang mạng của họ. Nhà xuất bản làm chủ phiên bản của tác phẩm. Sở
hữu bản quyền các tác phẩm do công nhân làm ra trong lúc làm việc thuộc về chủ
nhân của họ trừ khi hợp đồng thuê mướn lao động ghi khác. Khi tác giả được thuê
mướn tạo ra tác phẩm cho một mục đích nào đó, tác giả làm chủ bản quyền nhưng
người thuê trả tiền được phép sử dụng tác phẩm cho mục đích đó. Ví dụ khi chủ
nhà thuê kiến trúc sư thực hành bản vẽ, chủ nhà có quyền dùng bản vẽ để cất nhà
của họ nhưng không được sử dụng cho mục đích khác. Tất cả các điều lệ tổng quát
này đều có thể được thay đổi bằng văn bản hợp đồng.
Chủ nhân bản quyền có quyền
sao lại, phổ biến tác phẩm, trình diễn tác phẩm trước công chúng hoặc cho phép
người khác sử dụng tác phẩm có hoặc không có trả lệ phí. Một trong những hình
thức bản quyền quan trọng là quyền phỏng tác (adaptation rights). Ví dụ như tác
giả của một bộ truyện tiểu thuyết (Harry Potter) có quyền kiểm soát hoặc được
trả lệ phí khi tác phẩm của họ được dịch lại hoặc được phỏng theo để làm phim,
làm kịch…
Bản quyền là một loại tài sản
có thể cho thuê, mua bán hoặc sang nhượng như bất cứ tài sản nào khác ngoại trừ
những quyền hạn không có tính tài chính của tác giả gồm có quyền được ghi nhận
tên tác giả và quyền bảo quản tác phẩm được trọn vẹn. Với những tác phẩm đã được
phổ biến, bản quyền thông thường sẽ kéo dài tới 70 năm tính từ ngày chết của
tác giả. Với những tác phẩm chưa được phổ
biến khi tác giả còn sống, bản quyền sẽ hết hạn sau 70 năm kể từ ngày tác phẩm
được phổ biến.
Vi
phạm bản quyền
Khi sử dụng tác phẩm của người
khác mà không được phép thì sẽ vi phạm bản quyền. Sử dụng một phần của tác phẩm
cũng có thể vi phạm bản quyền nếu đó là một phần lớn hoặc quan trọng của tác phẩm.
Cho phép người khác sử dụng tác phẩm mà không có phép của tác giả cũng là một
hình thức vi phạm bản quyền ví dụ nhu khi chủ nhà cho hàng xóm mượn bản vẽ mà
kiến trúc sư của họ đã làm để cất nhà của người hàng xóm. Nhập cảng sản phẩm vi
phạm bản quyền cũng phạm luật.
Để quân bình bản quyền với quyền
được sử dụng tác phẩm của quần chúng, luật pháp đề ra một số trường hợp ngoại lệ
cho phép sử dụng tác phẩm mà không vi phạm bản quyền. Thứ nhất là sử dụng công
bằng (fair dealing). Đây là những trường hợp khi có người sử dụng tác phẩm với
mục đích nghiên cứu hoặc học vấn, để chỉ trích hoặc phê bình tác phẩm, để tường
thuật tin tức, để diễu cợt hoặc trong tiến trình cố vấn cho thân chủ của luật
sư hoặc chuyên viên sở hữu trí tuệ (IP attorney). Mỗi trường hợp sẽ dựa trên một
vài yếu tố cụ thể ví dụ như việc sử dụng có cần thiết cho mục đích nghiên cứu
hoặc tư vấn hay không? Người sử dụng có tạo thiệt hại hoặc ảnh hưởng tài chính
bất lợi cho tác giả hay không?
Thứ hai là điều lệ 10%. Sao
chép hoặc sao chụp (photocopy) 10% của tác phẩm thường được xem là không có trở
ngại. Trong tiến trình nghiên cứu thì có thể sao chép hoặc sao chụp một chương
sách cho dù một chương này có số trang nhiều hơn 10%. Ngoài rà, có thể sao chụp,
đổi dạng ví dụ từ video qua DVD, thu lại đĩa nhạc với mục đích sử dụng riêng tư
và trong nhà. Các thư viện và trường học cũng có quyền hạn đặc biệt được sử dụng
sách vở và tài liệu thoải mái mà không cần xin phép từng tác giả.
Khi có người vi phạm bản quyền,
tác giả có thể xin án lệnh của tòa ngăn cản bị đơn không được tiếp tục vi phạm
và trả tiền bồi thường hoặc bắt buộc bị đơn phải trao hết số tiền lợi nhuận kiếm
được từ sự vi phạm. Vi phạm bản quyền cũng có thể là một tội phạm hình sự có thể
bị cảnh sát và viên chức hải quan truy tố.
Tóm lại, luật bản quyền giới hạn
quyền thông tin và giải trí qua việc cấm đoán sử dụng tác phẩm không được phép
của tác giả và nhà xuất bản nhưng nó cũng là nền móng bảo đảm cho sự phát triển
văn học, văn hóa và nghệ thuật. Nếu không có luật bản quyền thì các nhà văn,
tác giả, nghệ sĩ, ca sĩ…sẽ không có đất sống. Khi chúng ta chỉ muốn hoặc vui vẻ
trả 1 đồng cho một tác phẩm hoặc đĩa nhạc mới ra do các nhà sản xuất ví dụ như
Trung tâm Asia, Thúy Nga… thì có nghĩa là chính mình cũng đang góp phần tiêu diệt
nền nghệ thuật âm nhạc Việt nam tại hải ngoại.
MỘT
VÀI VỤ KIỆN VỀ LUẬT TÁC QUYỀN LIÊN QUAN TỚI TÁC QUYỀN VÀ TRUYỀN THÔNG
The
Commonwealth of Australia v John Fairfax & Sons Ltd (1980) 147 CLR 39
Nguyên đơn là Úc Đại lợi và bị
đơn là nhà công ty truyền thông xuất bản các tờ nhật báo lớn tại Úc gồm có
Sydney Morning Herald tại Sydney và The Age tại Melbourne. Vào tháng 10, 1980,
bị đơn đồng ý trả một số tiền cho nhà xuất bản quyển sách mang tựa đề “Văn kiện
về Chính sách Quốc phòng và Ngoại giao Úc 1968-1975” để đăng tải một vài chương
của quyển sách này trên báo The Age và SMH. Nội dung quyển sách gồm có các tài
liệu mật như điện thư, báo cáo ngoại giao liên quan tới Cuộc Khủng hoảng Đông
Timor, căn cứ quân sự của Mỹ tại Úc, sự hiện diện của hải quân Xô viết trong Ấn
độ dương, Hiệp Ước ANZUS giữa Úc, Tân Tây lan và Hoa kỳ. Nguyên đơn xin tòa
ngăn cấm bị đơn đăng tải các tài liệu này. Một trong những lý do nêu ra là
nguyên đơn là tác giả của các tài liệu đó và không đồng ý cho bị đơn phổ biến.
Bị đơn nhìn nhận nguyên đơn là
tác giả nhưng lập luận rằng Đạo luật Tác quyền cho phép bị đơn sử dụng công bằng
(fair dealing) trong tiến trình phân tích, phê bình và tường thuật tin tức. Thẩm
phán Mason của Tối cao Pháp viện phán rằng sử dụng tài liệu mật thì khó mà được
coi như công bằng vì tác giả không muốn phổ biến. Có nghĩa là khi nào tác giả
phổ biến tác phẩm thì truyền thông mới có thể đặt vấn đề sử dụng công bằng
trong tiến trình phê bình và tường thuật tin tức. Hơn nữa, không thể đăng lại đầy
đủ tài liệu muốn phê bình để phê bình.
Tuy nhiên, Mason cũng phán là
“tin tức” không cần phải “đang diễn ra” (current). Có nghĩa là truyền thông có
thể sử dụng công bằng tác phẩm của người khác khi tường thuật tin tức cho dù nội
dung của tác phẩm đó không có thời gian tính.
Re Brian Kelvin De Garis and Matthew Moore
v Neville Jeffress Pidler Pty Limited [1990] FCA 218
Nguyên đơn là ký giả và tác giả
của một số bài báo. Bị đơn cung cấp dịch vụ thông tin (press clipping). Người
nào muốn tìm thông tin về một đề tài nào đó có thể liên lạc với bị đơn. Bị đơn
sẽ tìm lục các bài báo về đề tài này, photocopy rồi bán cho người đặt hàng,
trong đó có bài viết của nguyên đơn.
Bị đơn dựa vào luận cứ sử dụng
công bằng trong tiến trình phân tích, phê bình và tường thuật tin tức. Luận cứ
này không được tòa chấp thuận. Phân tích và phê bình đòi hỏi sức lao động trí
tuệ nhận xét và phê bình nội dung của bài báo. Tường thuật tin tức phải cung cấp
thông tin thông thường nhưng không nhất thiết là mới. Đàng này bị đơn chỉ tìm
kiếm tựa bài cho đúng đề tài và góp nhặt lại. Hình thức làm ăn này không liên
quan gì tới việc tường thuật tin tức.
Nine Network Australia Pty Ltd v
Australian Broadcasting Corporation (1999) 48 IPR 333
Nguyên đơn là Đài Truyền hình số 9 và bị đơn là Đài ABC.
Nguyên đơn ký hợp đồng trả $450,000 cho Hội Đồng Thành phố Sydney để làm Đài
Truyền Hình Chính thức trong chương trình đón mừng thiên niên kỷ mới vào đêm
31/12/1999 tại Sydney. Chương trình gồm có trình diễn pháo bông và âm nhạc tại
Harbour Bridge. Mười tám chiếc xuồng lớn chở lồng đèn mang hình của nhiều động
vật sống dưới biển sẽ đi vòng quanh harbour. Sự kiện này sẽ được quay phim và
trình chiếu khắp nơi trên toàn thế giới. Chi phí tổ chức lên tới 3 triệu Úc
kim.
Nguyên đơn được độc quyền quay phim tất cả các màn trình diễn,
pháo bông và chương trình văn nghệ và trình chiếu trên toàn nước Úc và Papua
New Guinea.
Bị đơn thỏa thuận với một nhóm đài truyền hình của một số quốc
gia là sẽ luân phiên trình chiếu cảnh đón mừng thiên niên kỷ mới ở khắp mọi nơi
trên toàn thế giới. Chương trình truyền hình trực tiếp của bị đơn sẽ được điều
khiển bởi hai danh hài nổi tiếng là Roy Slaven và H.G Nelson (nghệ danh).
Nguyên đơn xin tòa ngăn cản bị đơn không được trình chiếu những
cảnh bắn pháo bông, xuồng chở lồng đèn và những hình ảnh tại Harbour Bridge viện dẫn lý do là nguyên đơn có độc quyền trình chiếu những cảnh này.
Đây không phải là một phiên xử
toàn diện mà chỉ tạm thời. Nguyên đơn đã biết bị đơn có ý định trình chiếu từ
tháng 8 nhưng tới ngày 13 tháng 12, 1999 mới bắt đầu thủ tục xin tòa ngăn cấm bị
đơn tiến hành ý định. Thẩm phán Hill của Tòa Liên bang không khẳng định nguyên
đơn thật sự có tác quyền của những hình ảnh này hay không nhưng cho rằng bị đơn
có quyền sử dụng công bằng trong tiến trình phân tích, phê bình và tường thuật
tin tức.
Thật ra thì những cảnh đón mừng
năm mới thuộc về giải trí nhiều hơn. Nhưng giải trí cũng là một phần của tin tức.
Người điều khiển chương trình là danh hài sử dụng ngôn ngữ hài hước không có
nghĩa là họ không tường thuật tin tức về những gì diễn ra trong ngày cuối trước
thiên niên kỷ mới. Đón mừng Năm mới là sự kiện quan trọng có tầm vóc quốc gia
và quốc tế. Tường thuật sự kiện này rõ ràng là tường thuật tin tức liên quan tới
công chúng mà nhiều người muốn biết.
Ngoài ra, Điều 65 và 67 của Đạo
luật Tác quyền cũng cho phép sử dụng hình ảnh của các tòa nhà (buildings) nếu
như vị6c sử dụng này chỉ có tính cách phụ hoặc ngẫu nhiên. Sydney Harbour
Bridge lại là một cấu trúc công cộng mà bất cứ ai cũng có quyền chụp hình và
quay phim mà không cần xin phép.
TCN Channel
Nine Pty Limited v Network Ten Pty Limited (No 2) [2005] FCAFC 53
Nguyên đơn là đài truyền hình số 9 và bị đơn là đài số 10. Trong
chương trình "The Panel của đài số 10 thì bị đơn sử dụng các đoạn phim
ngắn từ 8-42 giây của một số chương trình của nguyên đơn với mục đích thảo luận
và chế giễu. Nguyên đơn kiện vá tố rằng bị đơn vi phạm tác quyền khi trình
chiếu lại 20 đoạn phim do nguyên đơn làm ra. Thẩm phán Conti của Toà Liên bang
cho rằng bị đơn không vi phạm bản quyền vì không chiếu lại một đáng kể chương
trình của nguyên đơn (substantial part). Hơn nữa, bị đơn có mục đích khác khi
chiếu lại các đoạn phim này và việc làm này không gây thiệt hại tài chánh cho
nguyên đơn.
Nguyên đơn kháng cáo và Tòa Kháng cáo liên bang phán rằng trong 20
đoạn phim thì có 9 đoạn được coi như là sử dụng công bằng trong tiến trình phân
tích, phê bình và tường thuật tin tức, 5 đoạn không vi phạm và 6 đoạn vi phạm.
Để vi phạm thì bị đơn được xem như đã chiếu lại một phần đáng kể
chương trình của nguyên đơn. Tiêu chuẩn "đáng kể" ám chỉ "phẩm
chất" chớ không phải "số lượng". Các yếu tố được tòa cứu
xét gồm có:
·
Mức độ quan trọng của đoạn phim chiếu lại?
·
Đoạn phim này có phải là điểm chính (highlights) hay không?
·
Đoạn phim đó nói lên ý nghĩa của nguyên chương trình hay không?
·
Đoạn phim có phải là trọng tâm của toàn chương trình hay không?
Vấn đề nguyên đơn có hay không bị thiệt hại tài chánh thì không
quan trọng, cũng như bị đơn không có quyền vi phạm tác quyền của nguyên đơn chỉ
vì bị đơn có mục đích khác khi chiếu lại phim do nguyên đơn làm ra.
Tới năm 2006 thì Luật Tác quyền được tu chính và cho phép luận cứ
biện hộ nhái diễu và châm biếm. Nếu như vụ kiện này lập lại thì luận cứ biện hộ
mới này có thể bảo vệ bị đơn với điều kiện là những yếu tố khác ví dụ như ghi
nhận đầy đủ nguồn tin và tác giả của tác phẩm hoặc đoạn phim được trình chiếu
lại.
Comments
Post a Comment