Thắng làm vua, thua đi kiện

 

Credit: princess.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào tháng 7 năm 2017, văn phòng luật sư Maurice Blackburn cho biết là họ sẽ tiến hành kiện các công ty sản xuất máy đánh bài (poker machines), casino và các câu lạc bộ vì máy đánh bài được thiết kế gian lận và vi phạm luật bảo vệ người tiêu thụ. Cụ thể là âm thanh, ánh sáng và hình ảnh của máy được sử dụng để tập trung sự chú ý của người đánh bài. Lý do luật sư cho là gian lận là khi người chơi bị thua nhưng máy tạo cho họ có cảm giác là họ thắng. Ví dụ như khi người chơi mất 1 đồng để đánh nhiều đường và họ chỉ trúng lại có 20 xu, nhưng máy tạo ra âm thanh và ánh sáng làm người chơi có cảm giác là họ đang thắng tiền. Cảm giác này đi sâu vào bộ phận tưởng thưởng của não tạo ra bệnh ghiền mà người chơi không biết.

Maurice Blackburn cho rằng nếu công ty sản xuất cố tình chế ra máy đánh bài gian lận tạo ra ảo tưởng là người chơi thắng trong lúc họ thua thì đó là một hành vi bất hợp pháp. Trong quá khứ, các vụ kiện tụng liên quan tới cờ bạc chú trọng tới cung cách hành xử của người đánh bài và chủ sòng bài (casino hoặc club), nhưng vụ kiện sắp tới sẽ mổ xẻ máy móc đánh bài, kỹ thuật thiết kế cũng như tiểu xảo tạo ra cảm giác ảo tưởng mang tính gian lận trái với luật pháp.

Điều 18 của Đạo Luật Người Tiêu Thụ quy định là bất cứ cá nhân hoặc công ty nào không được áp dụng hình thức gian lận trong lúc điều hành doanh nghiệp. Nếu thắng kiện, luật sư có thể xin tòa ban hành án lệnh cấm các loại máy có thiết kế gian lận hoặc chủ sòng bài phải phổ biến những lời cảnh báo rõ ràng trên máy tương tự như luật về bao thuốc lá. Trong khi đó, Hiệp Hội Kỹ Thuật Máy Đánh Bài (Gaming Technologies Association) cho biết là tất cả các loại máy đánh bài đều được giới chức trách kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cho ra thị trường.

Trong thập niên 90, công ty sản xuất máy đánh bài Aristocrat chế ra loại máy mà tất cả mọi sòng bài đều ham muốn. Thay vì người chơi chỉ trúng một đường, họ có thể đánh đường thẳng, đường ngang và chéo. Cứ đánh 1 đồng thì trúng lại 60 xu, 2 đồng trúng lại 1 đồng 2 xu...Có nghĩa là lúc nào cũng trúng nhưng rốt cuộc lại thua hết tiền. Cứ mỗi lần trúng như vậy thì âm thanh, ánh sáng và hình ảnh hỗn hợp trên máy kích thích vào não bộ.

Theo ước lượng của Ủy Hội Năng Suất Úc (Australian Productivity Commission), dân Úc hàng năm bỏ ra 20 tỷ Úc kim để cờ bạc mà trong đó 12 tỷ là để đánh máy. Có khoảng 200,000 máy đánh bài trên toàn quốc. Hơn 600,000 người Úc đánh máy mỗi tuần ít nhất một lần. Trong số này, có khoảng 250,000 được coi là nghiện đánh máy và khoảng 300,000 có nguy cơ trở thành con nghiện. Vấn nạn này tốn nền kinh tế khoảng 5 tỷ mỗi năm qua những hình thức tội phạm, gian lận tài chính, gia đình đổ vỡ, bệnh trầm cảm, quyên sinh, phá sản và làm giảm năng suất lao động. Mỗi một người nghiện đánh máy ảnh hưởng tới đời sống của thân nhân trong gia đình của họ. Theo số liệu từ Office of Liquor, Gaming and Racing, Fairfield và Bankstown hai vùng có đông người Việt cư ngụ là những nơi đánh máy nhiều nhất.

Trong năm 2012, chính quyền Gillard đồng ý ban hành dự luật sử dụng giao kết số tiền thua tối đa cho những người đánh máy. Có nghĩa là trước khi chơi, mỗi người đánh máy sẽ bỏ một số tiền cố định vào thẻ đánh máy. nếu thua hết số tiền đó thì phải ngưng. Dự luật này là một cái giá mà chính quyền thiểu số của bà Gillard phải trả cho sự ủng hộ từ một vài dân biểu độc lập. Nhưng sau các cuộc vận động mạnh mẽ của các câu lạc bộ, chính quyền Lao Động phải từ bỏ ý định này. Do đó, các nhóm liên minh chống cờ bạc không đặt nhiều hy vọng vào chính quyền các tiểu bang vì họ thu hàng tỷ tiền thuế từ các câu lạc bộ đánh máy.

Vì con đường hành pháp và lập pháp không mấy sáng sủa, nên các nhóm liên minh chống cờ bạc muốn sử dụng tòa án. Trước đây cũng có một vài vụ kiện liên quan tới cờ bạc. Trong vụ kiện Preston v Star City (1999), nguyên đơn đánh bài thua hết 3 triệu. Sau đó ông tiến hành kiện Star City Casino và nói rằng casino dụ dỗ ông bằng cách cho chỗ ở và rượu uống miễn phí để ông thoải mái đánh bài. Cho tới năm 2007 thì hai bên luật sư vẫn tranh luận trước tòa về những văn kiện cần được trưng dẫn ví dụ như chi tiết những người đánh bài hạng sang (high rollers) và hình thức khuyến dụ gồm có những gì. Không biết đã có sự điều đình bí mật nào chưa mà không thấy vụ kiên được nhắc tới.

Trong vụ kiện Reynolds v Katoomba RSL All Services Club Ltd [2001], Reynolds là thành viên của Katoomba RSL Club từ năm 1992 tới 1994. Trong khoảng thời gian này, ông hùn mua một business giao sữa với bố của ông. Ông là người lái xe đi giao sữa và nhận chi phiếu. Ông thường đưa chi phiếu cho club để đổi lấy tiền mặt đánh máy. Trong 2 năm ông thua hết $250,000. Club biết ông là một tay nghiện nhưng tiếp tục nhận chi phiếu và đưa tiền mặt cho ông đánh máy mặc dù gia đình ông đã nhiều lần yêu cầu đừng làm vậy. Ông tiến hành kiện club đồi bồi thường viện dẫn lý do là club có trách nhiệm tích cực ngăn cản ông đánh máy vì biết ông là một tay nghiện. Nhưng tòa phán rằng club không có trách nhiệm đó. Chính nguyên đơn tự nguyện vào club đánh máy, một hình thức hên xui may rủi có thể thắng và cũng có thể thua. Chỉ khi nào club cố ý và có hành vi lợi dụng nhược điểm của tay nghiện thì mới chịu trách nhiệm với luật pháp.

Trong vụ kiện Foroughi v Star City [2007], nguyên đơn là một tay nghiện cờ bạc. Năm 2004, ông tự nguyện điền đơn yêu cầu Star City cấm ông bước vào casino. Tuy nhiên, trong 2 năm liên tiếp sau đó, ông vẫn tiếp tục thường xuyên vào casino đánh bài và thua hết $600,000. Luật sư của nguyên đơn lập luận rằng có 5000 máy camera theo dõi trong casino và bị đơn có trách nhiệm nhận dạng nguyên đơn và đuổi ông ra khỏi casino một khi ông đã tình nguyện ký vào đơn cấm. Star City khai rằng họ cũng có mướn nhân viên "nhận dạng" những người có lệnh cấm và mời họ ra khỏi casino nhưng không thể nào nhớ hết mặt của những người bị cấm. Tòa phán rằng trên căn bản, một người tự đi vào casino trái với lệnh cấm thì không thể than phiền khi họ bị thua được. Và nếu lỡ họ có thắng thì casino cũng không bắt họ trả tiền lại được.

Một vụ kiện khác liên quan tới casino lên tới Tối Cao Pháp Viện Úc là Kakavas v Crown Ltd and John Williams trong năm 2013. Kakavas kiện Crown casino đồi bồi thường khoảng 30 triệu. Ông bắt đầu đánh bài tại Crown casino từ năm 1994 lúc 27 tuổi. Ông thua hơm $100,000 tiền của gia đình và lường gạt một công ty tài chính hết $286,000 để đánh bài. Ông tự ban lệnh cấm mình vào casino (self exclusion order). Sau khi ra tù, ông trưng dẫn một bản báo cáo của tâm lý gia cho là ông không còn nghiện cờ bạc và yêu cầu Crown hủy lệnh cấm. Từ năm 2004 đến 2006, ông luân chuyển tổng cộng 1.48 tỷ Úc kim trong 14 tháng tại casino và thua trên 20 triệu. Ông lập luận là Crown casino lợi dụng ông là một tay nghiện và khuyến dụ ông bằng cách cho ông sử dụng máy bay riêng khoảng 30 lần để bay từ Gold Coast lên Melbourne, tặng quà trị giá hàng ngàn đông mỗi khi ông tới khách sạn của casino và cho ông mượn tiền lên tới 1.5 triệu để đánh bài.

Nhưng tòa đã không chấp nhận lập luận của nguyên đơn. Quyết định đánh bài hay không là hoàn toàn do nguyên đơn chủ động. Như mọi doanh nghiệp khác, Crown có chính sách ưu đãi khách quý (VIP hoặc valued customers) là một chuyện bình thường. Có lúc, chính nguyên đơn là người đòi hỏi Crown cung cấp những điều kiện hoặc phương tiện này.

Tóm lại, những vụ kiện nhắm vào chủ sòng bài cho tới nay đều thất bại hoặc không đi tới đâu. Do đó, nhóm liên minh chống cờ bạc đổi hướng và tấn công máy móc. Trong bất cứ xã hội hoặc văn hóa nào, cờ bạc lúc nào cũng là một vấn nạn nhức nhối gây nhiều tổn thất cho xã hội và cho chính nạn nhân và gia đình. Không cần phải sử dụng nhiều biện pháp liên quan tới hành pháp, lập pháp hoặc tư pháp mà đơn giản mỗi cá nhân nên luôn ghi nhớ là không có môn cờ bạc nào mà họ có thể thắng cả. Do đó mới có câu "cờ bạc là bác thằng bần". Chỉ cần họ nhớ rõ và áp dụng câu nói này thì may ra mới không bị tán gia bại sản.

 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng