Sở Mậu dịch Công bằng (Fair Trading NSW)

Credit: thecomplaintpoint-au.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Sở Mậu dịch Công bằng là một cơ quan của tiểu bang NSW có một vài chức năng. Chính yếu nhất là bảo vệ người tiêu thụ qua việc cố vấn, quảng bá và cung cấp thông tin về luật bảo vệ người tiêu thụ. Thứ hai, Sở cấp môn bài cho một số giới thương gia gồm có nhân viên địa ốc, thợ xây cất, thợ điện, thợ ống nước, thợ máy. Thứ ba, Sở cung cấp thông tin về tính cách an toàn sản phẩm và các tiêu chuẩn bảo đảm hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu thụ. Thứ ba, Sở giúp đỡ và tư vấn về quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của những người thuê nhà và người cho thuê cũng như mối quan hệ của những người ở cùng trong một chung cư. Ngoài ra, Sở cũng là cơ quan cho tất cả các tổ chức thiện nguyện và cộng đồng muốn đăng ký tư cách pháp nhân và sinh hoạt dưới dạng hiệp hội có đăng ký. Nói chung, Sở Mậu dịch Công bằng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của mọi người và nhất là người tiêu thụ.

Bảo đảm luật định

Mỗi khi chúng ta mua một món hàng hoặc dịch vụ nào đó là chúng ta đã đồng ý và chấp thuận một hợp đồng mua bán. Hợp đồng không bắt buộc phải bằng văn bản mới có giá trị pháp lý. Theo luật bảo vệ người tiêu thụ, người cung cấp bắt buộc phải bảo đảm là sản phẩm có phẩm chất, phù hợp với mục đích sử dụng thông thường và an toàn không gây nguy hiểm cho người sử dụng. Nếu sản phẩm không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm, người bán phải sửa chữa, thay thế hoặc bồi hoàn thoả đáng. Người bán không được tránh né hoặc đổ lỗi cho nhà sản xuất.

Luật bảo vệ người tiêu thụ áp dụng cho bất cứ sản phẩm nào trị giá tới $40,000. Với những sản phẩm có giá trị cao hơn thì luật chỉ áp dụng khi sản phẩm được mua để dùng riêng cho cá nhân hoặc gia đình (không có tính thương mại). Luật sẽ không áp dụng cho những trường hợp khi chính người người sử dụng làm hư hoặc dùng không đúng cách, hoặc đã biết là sản phẩm bị hư, hoặc mua từ garage sale hoặc chợ trời, hoặc mua để bán lại hoặc sửa rồi bán lại kiếm lời.

Ngoài những bảo đảm luật định bắt buộc phải có thì người bán cũng có thể bán bảo hành (warranties) ví dụ như khi chúng ta mua một máy chụp hình có thể mua thêm warranties. Những điều khoản bảo hành này thường có thời gian cố định (1 năm hoặc 2 năm). Trách nhiệm của người bán sẽ tùy theo văn bản bảo hành có thể gồm có sửa chữa, thay thế hoặc bồi thường cho người tiêu thụ.

Nên suy nghĩ và chọn lựa kỹ lưỡng trước khi quyết định mua vì không phải lúc nào cũng đổi ý lấy tiền lại được. Người mua chỉ có quyền trả đồ và lấy tiền lại nếu sản phẩm bị hư, không đúng như mô tả hoặc không giống với hàng mẫu. Không thể đòi lấy tiền lại chỉ vì mình đổi ý hoặc lựa không đúng màu hoặc không đúng kích thước. Những cửa tiệm lớn có thể cho trả lại hàng dễ dàng vì họ chiều khách nhưng luật pháp không bắt buộc họ phải làm vậy.

Tiền cọc

Có rất nhiều người hiểu lầm về ý nghĩa của tiền cọc. Chớ cứ cho rằng chỉ mới đặt cọc thì chưa có gì hết. Thật ra, khi người mua ký vào văn bản và đặt cọc thì có nghĩa là giữa người mua và người bán đã có một hợp đồng ràng buộc. Tùy theo điều khoản của hợp đồng nhưng thông thường thì người mua phải trả hết số tiền còn lại và nhận hàng trước một thời hạn nào đó. Bằng không thì người mua sẽ vi phạm hợp đồng và phải gánh chịu hậu quả pháp lý và bồi thường cho người bán. Số tiền thiệt hại của người bán có thể nhiều hoặc ít hơn tiền cọc.

Điều khoản bất công

Luật cấm người hoặc các công ty thương mại sử dụng hợp đồng với những điều khoản bất công ví dụ như các hợp đồng thuê xe, mua đồ trả góp hoặc là các bản hợp đồng đã được in sẵn không cho người tiêu thụ có cơ hội sửa đổi hay thương lượng. Một điều khoản được coi như bất công nếu hội đủ 3 yếu tố. Thứ nhất, điều khoản tạo ra thế thiếu cân bằng giữa hai bên. Thứ hai là nó không cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho một bên và nếu áp dụng sẽ tạo thiệt hại cho phía bên kia. Nói cách khác, hợp đồng chỉ có lợi một chiều cho người bán hoặc cung cấp. Điều kiện đặt ra quá đáng và không cần thiết và sẽ gây thiệt hại cho người tiêu thụ. Ví dụ của những điều khoản bất công này gồm có người bán hoặc cung cấp có quyền tự động tăng giá hoặc thay đổi sản phẩm mà không cho phép người tiêu thụ chấm dứt hợp đồng, điều khoản tránh né hoặc giới hạn trách nhiệm của người cung cấp hoặc nhân viên, đại diện của họ hoặc các điều khoản bắt buộc người tiêu thụ phải bồi thường nhiều hơn số tiền thiệt hại thật sự của người cung cấp. Đặc điểm của những điều khoản này là thường được in với hàng chữ rất nhỏ và khó hiểu và thường thì chỉ áp dụng một chiều có lợi cho người cung cấp. Nếu vi phạm luật định, tòa án có thể phán quyết là điều khoản bất công không có giá trị pháp lý. Người tiêu thụ cũng có thể khiếu nại với Sở Mậu dịch Công bằng để điều tra và nếu cần thiết tiến hành đưa sự việc ra tòa.

Quảng cáo lường gạt hoặc tạo ngộ nhận

Quảng cáo phải tuân thủ luật mậu dịch công bằng. Quảng cáo là một hình thức cần thiết để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu thụ. Dĩ nhiên là nội dung quảng cáo có thể gồm có những từ ngữ hoa lá nhưng không được lường gạt hoặc gây ngộ nhận về phẩm chất của sản phẩm. Một lời giới thiệu hoặc quảng cáo cho dù đúng sự thật vẫn có thể bị coi là lường gạt ví dụ như khi nói rằng sản phẩm đã giúp cho người tiêu thụ X nhưng X chưa bao giờ sử dụng sản phẩm này. Sau khi sử dụng sản phẩm X có thể cảm thấy thoải mái nhưng lời giới thiệu hoặc quảng cáo vẫn mang tính lường gạt vì X chưa sử dụng sản phẩm bao giờ. Tương tự như vậy, thương vụ sử dụng lời cảm ơn của những thân chủ phải chứng minh sự việc có thật. Bằng không có thể vi luật.

Nếu khi quảng cáo có hứa là sẽ cho quà hoặc bớt giá thì phải làm đúng như vậy. Có một số thương vụ sử dụng hình thức quảng cáo cò mồi khi biết mình không có sản phẩm để cung cấp. Ví dụ như có một công ty bán lẻ đồ điện quảng cáo trên toàn quốc là mọi người có thể mua TV 50 inch với giá rẻ $799. Mỗi tuần họ bán được 30 cái nhưng chỉ chứa trong tiệm có 2 cái. Khách hàng vào mua thì được cho biết là hàng đã bán hết và khuyên nên mua TV mắc hơn tới $999.

Người hoặc công ty bán cũng không được mạo nhận là sản phẩm xuất phát hoặc được sản xuất từ quốc gia nào. Muốn quảng cáo sản phẩm được làm hoặc chế biến tại một quốc gia thì tất cả tiến trình sản xuất hoặc chế biến cùng với những vật liệu quan trọng và cần thiết phải xuất xứ từ quốc gia đó.

Lay-by

Lay- by là một hình thức hợp đồng mua hàng trả góp. Hợp đồng lay-by phải bằng văn bản và phải có các điều khoản gồm có thời hạn đóng tiền và lệ phí hủy bỏ hợp đồng. Lệ phí này không được vượt quá phí tổn chính đáng của nhà cung cấp. Nhà cung cấp không được quyền hủy hợp đồng trừ khi người tiêu thụ vi phạm hợp đồng (ví dụ như không đóng tiền trả góp), hoặc họ không còn mở cửa làm ăn hoặc là hàng hóa không còn được bán vì một lý do nào đó ngoài tầm kiểm soát của họ.

Lừa đảo (scams)

Có lẽ ai cũng đã từng nhận được những điện thư có nội dung đại khái là người gửi hoặc thân nhân của họ hiện đang có hàng chục triệu Mỹ kim nhưng đang bị giam lỏng ở một quốc gia nào đó bên Phi châu. Họ kêu gọi mình hợp tác cho chi tiết cá nhân để chuyển số tiền này vào trương mục của mình rồi sẽ cho mình một tỷ lệ phần trăm huê hồng. Đơn giản như vậy mà cũng có khá nhiều người Úc mắc mưu và mất rất nhiều tiền. Cũng có những điện thư gửi tới cho biết mình đã trúng số và yêu cầu cho biết chi tiết trương mục để họ gửi tiền thưởng vào. Tất cả đều là những hình thức lừa đảo vì những vấn đề liên quan đến tiền bạc hàng triệu như vậy thì không có ai tự động làm việc qua điện thư. Đơn giản hơn nữa là mình không thể nào trúng số nếu chưa bao giờ mua vé số hoặc tham dự xổ số.

Vai trò của Sở Mậu dịch Công bằng

Sở Mậu dịch Công bằng có trách nhiệm bảo đảm giới thương gia tuân thủ luật pháp và tôn trọng quyền hạn của người tiêu thụ. Như vậy thì những người làm ăn đàng hoàng cũng không bị thiệt thòi. Để đạt mục đích này, Sở cung cấp thông tin rộng rãi đến quần chúng để mọi người hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm trong việc mua bán. Khi có sự tranh chấp, Sở có thể đóng vai trò hòa giải giữa người mua và người bán. Nhưng khi nhà cung cấp vi phạm luật bảo vệ tiêu thụ trắng trợn và rõ ràng, Sở có thể truy tố và yêu cầu tòa phạt vạ để làm gương cho người khác. Biện pháp trừng phạt nặng nhẹ tùy theo mỗi trường hợp. Bắt đầu bằng sự hướng dẫn. Tiếp theo là cảnh cáo. Nặng hơn là công bố chi tiết gồm có danh tánh và sai phạm của thương gia để mọi người đều biết. Hơn nữa là xin tòa phạt vạ. Trong trường hợp nghiêm trọng, Sở có thể truy tố dưới dạng hình sự, xin tòa tuyên án phạt, kỷ luật và hủy bỏ hoặc đình chỉ môn bài.

Consumer, Trader & Tenancy Tribunal (CTTT)

Khi có sự tranh chấp mà không có bằng chứng rõ ràng là nhà cung cấp vi phạm luật bảo vệ người tiêu thụ để bị truy tố, người mua có thể đệ đơn thưa kiện với CTTT. Đây là một cơ quan tư pháp có mục đích tạo điều kiện dễ dàng và ít tốn kém cho người tiêu thụ khiếu nại và xin bồi thường. Đơn kiện có thể được nộp trên mạng. CTTT chú trọng vào hình thức hòa giải để giải quyết vấn đề nhẹ nhàng và mau chóng. Đương sự không có quyền mướn luật sư đại diện trừ khi được CTTT chấp thuận trong những trường hợp liên quan đến các vấn đề pháp lý phức tạp.

Tóm lại, khi người tiêu thụ không hài lòng với sản phẩm mà họ bỏ đồng tiền khó nhọc để chi tiêu, họ có thể tìm đến Sở Mậu dịch Công bằng để xin giúp đỡ thay vì mướn luật sư và đi qua hệ thống tòa án tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc. Cách tốt nhất để tránh rắc rối khi mua bán là chịu khó tìm hiểu quyền hạn và trách nhiệm của mình qua các tài liệu thông tin từ Sở Mậu dịch Công bằng và khi gặp khó khăn thì lập tức liên lạc với Sở để được cố vấn và giúp đỡ.


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng