Luật phá sản

 


Credit: tagg.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Từ ngàn xưa, các nền văn minh khác nhau trên thế giới đã đặt điều lệ ràng buộc trách nhiệm người vay phải trả nợ. Tại Anh quốc, quan hệ giữa chủ nợ (creditors) và con nợ (debtors) hình thành và phát triển theo thông luật (common law) từ thời Trung Cổ. Danh từ phá sản bắt nguồn từ chữ “banque ruptus”. “Banque” là một chữ Pháp có nghĩa là “bàn” và ruptus là chữ Latin có nghĩa là “đập bỏ”. “Bankruptcy” vì thế diễn đạt tình trạng thương gia đập bỏ bàn hoặc sạp và ngưng buôn bán vì không có tiền trả nợ. Mục đích nguyên thủy của luật phá sản là giúp đỡ chủ nợ đòi lại tiền cho vay và trừng phạt những người quỵt nợ để làm gương cho kẻ khác. Cho tới đầu thế kỷ 19, quỵt nợ là một tội hình sự và nhiều người không có tiền trả nợ thường phải ở tù. Thậm chí người thiếu nợ bị bắt quả tang tẩu tán tài sản có thể lãnh án tử hình bằng hình thức treo cổ. Khái niệm cho phép người thiếu nợ được thoát nợ để làm lại cuộc đời chỉ bắt đầu manh nha xuất hiện trong thời gian gần đây.

Trong thập niên 80s tình hình kinh tế thế giới trải qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn ảnh hưởng không ít đến số lượng cá nhân và công ty bị phá sản tại Úc. Từ 3600 vụ phá sản trong tài khóa 1985-1986 tăng lên 11,500 vụ trong tài khóa 1991-1992. Tới năm 1998-1999 thì có tới 26,400 vụ phá sản đa số là do các thương gia làm ăn thua lỗ và vỡ nợ. Con số này lên tới mức kỷ lục trong năm 2009-2010 khi có tổng cộng có tới 36,500 vụ phá sản hoặc thỏa thuận trả góp cho chủ nợ.

Luật phá sản tại Úc bắt nguồn từ Anh quốc khi đạo luật phá sản đầu tiên ra đời vào năm 1542. Hai năm sau, đạo luật Joint Stock Company Bankruptcy được ban hành để áp dụng cho các công ty không có khả năng trả nợ. Đạo luật phá sản được tu chính một vài lần để phân biệt hình phạt giữa giới thương gia và những người khác. Giới thương gia khi bị phá sản được xem như là không phải là do lỗi chính họ gây ra mà thường vì những lý do kinh tế thị trường hoặc thiên tai thiệt hại mất mùa ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong khi đó, những người không làm ăn mà bị phá sản thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sự thất bại về tài chánh của mình mà không thể đổ lỗi cho người khác hoặc vì những lý do đặc biệt không lường trước được. Mặt khác, thương gia thường được xem có nhiều nguy cơ phá sản và động lực dấu giếm hoặc tẩu tán tài sản hơn nên luật pháp cần có biện pháp ngăn chặn và trừng phạt đúng mức.

Thế kỷ 19 được xem như là giai đoạn cải tổ của luật phá sản. Cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh quốc dẫn đến nhiều biến động quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội. Chu kỳ “thăng và thủng” (boom and bust cycle) diễn ra thường xuyên hơn. Tầng lớp kinh doanh có cơ hội thành công vượt bực nhưng cũng dễ dàng thất bại và phá sản. Một mặt, trách nhiệm trả nợ vẫn được coi trọng không những chỉ về mặt luật pháp mà còn về mặt luân lý và đạo lý và người bị phá sản thường vẫn bị xã hội ruồng bỏ và xem thường. Mặt khác thì việc bỏ tù trừng phạt những người làm ăn cần cù nhưng thất bại vì nền kinh tế suy sụp dần dần được coi là không còn thích hợp và đúng đắn nữa. Đa số nạn nhân là những người nghèo túng. Có người ở tù tới 20 năm. Hiện tượng này ám ảnh văn hào nổi tiếng Charles Dickens qua những cuốn tiểu thuyết của ông vì chính cha ông phải ở tù vì thiếu nợ.   Tới năm 1861 thì hình phạt tù cho người phá sản bị hủy bỏ hoàn toàn.

Tại Úc, luật phá sản được các chính quyền tiểu bang áp dụng dựa trên luật của Anh quốc từ năm 1824 tới 1928. Điều 51(xvi) của Hiến pháp Liên bang Úc cho phép chính quyền liên bang ban hành luật phá sản và đạo luật Bankruptcy Act đầu tiên được ban hành vào năm 1924. Đạo luật này được duyệt xét lại và thay thế bằng Đạo luật Bankruptcy Act 1966. Riêng với công ty thì luật tiểu bang vẫn được áp dụng cho tới năm 1989 khi đạo luật liên bang The Corporations Act ra đời thống nhất luật công ty tại mỗi tiểu bang. Đạo luật này được tu chính và thay thế bởi The Corporations Act 2001 vẫn còn đang được áp dụng cho tới ngày nay.

Bankruptcy Act 1966

Đạo luật Bankruptcy Act 1966 chỉ áp dụng cho cá nhân chớ không đụng chạm tới công ty. Bất cứ ai cũng có thể bị ép hoặc tình nguyện đệ đơn khai phá sản nếu không trả nổi món nợ vượt quá mức ấn định (hiện tại là $5000). Người bị phá sản đánh mất chủ quyền và tài sản của họ theo luật định thuộc quyền sở hữu của nhân viên chưởng quản (Trustee). Nhân viên chưởng quản có thể là một kế toán gia hành nghề độc lập hoặc là một công chức (Official Trustee). Chưởng quản có trách nhiệm thu thập tất cả tài sản của người phá sản. Sau khi bán đi và trừ chi phí rồi sẽ phân phối số tiền còn lại đồng đều cho tất cả chủ nợ theo tỷ lệ của số tiền còn lại so với tổng số nợ. Nhân viên chưởng quản được xem như là một quan chức tư pháp (officer of the court) và có trách nhiệm hành xử công bằng, vô tư và thành thật.

Hậu quả của sự phá sản

So với trước đây, người bị phá sản bây giờ không bị coi thường như là những người thiếu đạo đức hoặc danh dự. Kể từ khi phá sản thì chủ nợ không được quyền truy tố, sách nhiễu hoặc khấn trừ nợ từ trương mục của con nợ. Sau 3 năm, ngoại trừ có sự phản đối của chưởng quản thì sẽ được mãn hạn và chấm dứt tư cách phá sản. Tất cả nợ nần trước đây sẽ tan biến và con nợ có cơ hội làm lại từ đầu.

Mặt khác, người bị phá sản buộc phải gánh chịu một số thiệt thòi. Trước hết là tất cả tài sản (ngoài những trường hợp ngoại lệ) sẽ bị tịch thu và bán đi để trả nợ. Chứng tích đã từng bị phá sản sẽ được lưu giữ mãi trong hồ sơ phá sản cá nhân (national personal insolvency index) và có thể được phổ biến đến công chúng. Các công ty kiểm chứng tín dụng (credit check companies) thường lưu giữ danh sách của những người bị phá sản tới 7 năm, có thể tạo khó khăn cho những người bị phá sản vay mượn tiền ngay cả sau khi đã mãn hạn phá sản. Trong lúc đang còn bị phá sản không được vay mượn trên mức ấn định (hiện tại là $5,496) mà không tiết lộ thân trạng phá sản. Người đang bị  phá sản không được điều hành hoặc quản lý công ty nếu không được tòa chấp thuận. Người bị phá sản khó cơ hội tìm được việc làm trong các cơ quan công quyền. Nếu đang làm dân biểu hoặc nghị sĩ thì sẽ bị mất ghế và không được tiếp tục hành nghề chuyên môn như là luật sư, kế toán. Và họ có thể bị chưởng quản lôi ra tòa để thẩm vấn bất cứ lúc nào. 

Chưởng quản có quyền tịch thu tất cả tài sản ngoại trừ dụng cụ nghề nghiệp trị giá không quá $3,600 và xe trị giá không quá $7,350. Với xe mắc tiền thì chưởng quản phải bán và trao lại $7,050 cho người bị phá sản. Chưởng quản không được đụng tới tiền bồi thường tai nạn cá nhân và tiền hữu bổng. Căn nhà đứng tên chung với người phối ngẫu sẽ được chia hai. Người phối ngẫu sẽ được quyền mua lại phân nửa cổ phần. Bằng không thì sẽ bán đi và chia phân nửa cho chưởng quản sau khi trừ nợ ngân hàng và chi phí tốn kém. Một cặp vợ chồng đứng tên chung căn nhà cũng được coi như mỗi người có phân nửa cho dù người phối ngẫu có bỏ tiền hoặc đóng góp nhiều hơn vô căn nhà đó.

Một số con nợ khi biết mình sắp phá sản tìm cách tẩu tán tài sản. Vì thế, luật pháp ấn định là những sự chuyển nhượng trong 5 năm trước khi bị phá sản dưới giá thị trường đều không có giá trị pháp lý đối với chưởng quản. Những sự chuyển nhượng nào diễn ra trước ngày bị phá sản với mục đích trốn nợ (không cần biết thời gian là bao lâu) đều trở thành vô hiệu. Chủ nợ nào nhận tiền trả nợ trước và đầy đủ sẽ phải trả lại tiền cho chưởng quản để phân phối đồng đều theo tỷ lệ cho tất cả mọi chủ nợ. Trong thời hạn phá sản 3 năm, người bị phá sản phải đóng góp 50% số thặng dư trên mức ấn định tùy theo có bao nhiêu con nhỏ hoặc lệ thuộc. Hiện tại, mức ấn định cho người bị phá sản không có con cái lệ thuộc là $50,332.10 (sau khi trừ thuế). Nếu có 2 đứa con thì mức ấn định tăng lên $59,391.88 và tiếp tục gia tăng nếu có nhiều con hơn. Thí dụ như một người phá sản có mức lương $70,000 (sau thuế) và 2 con sẽ phải đóng góp:

($70,000 - $59,031.70) x 50% = $5,484.15

Ngoài ra, người đang bị phá sản không được xuất ngoại. Điều 77(1) của Đạo luật Bankruptcy Act 1966 bắt người phá sản phải nộp giấy thông hành cho chưởng quản. Đây có thể là một hình phạt đáng kể trong thời đại ngày nay khi quyền tự do đi lại có thể được xem như là một hình thức nhân quyền.

Những sự chọn lựa khác

Con nợ có 3 sự lựa chọn khác nếu không muốn khai phá sản. Thứ nhất là đi đến một sự thỏa thuận không chính thức với chủ nợ. Con nợ có thể nhờ luật sư hoặc kế toán viết thư trình bày hoàn cảnh và xin thêm thời gian hoặc trả góp. Thứ hai là ký hợp đồng trả góp chính thức dưới Chương IX của Đạo luật. Điều này chỉ thích hợp cho các trường hợp có số nợ ít và con nợ có lợi tức thấp và không có tài sản. Sau cùng là ký hợp đồng trả một phần nợ dưới Chương IX của Đạo luật. Con nợ đưa ra đề nghị trả một phần nào cho chủ nợ. Sau khi đề nghị được chủ nợ đồng ý qua 75% phiếu thuận thì con nợ chỉ trả số tiền thỏa thuận và số nợ còn lại sẽ bị hủy bỏ.   

Mãn hạn

Người bị phá sản đương nhiên mãn hạn sau 3 năm. Nếu chưởng quản phản đối vì người phá sản không hợp tác hoặc tuân thủ trách nhiệm pháp lý thì thời hạn phá sản có thể tăng tới 5 năm hoặc 8 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Một hiện tượng đáng lo ngại là gần đây ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tình nguyện khai phá sản để thoát nợ đặc biệt là đối với giới làm ăn hoặc có công ăn việc làm hẳn hồi nhưng mắc nhiều nợ vì nghiện cờ bạc. Một phần cũng vì do lỗi của ngân hàng quá dễ dàng cho mượn tiền qua hình thức thẻ tín dụng với lãi suất cao. Càng trả lãi nợ càng cao vì ngàn hàng tính thêm tiền phạt. Thật ra khai phá sản cũng là một lối thoát cho những người lâm vào trường hợp này vì họ sẽ cơ hội làm lại cuộc đời với điều kiện là họ dứt được chứng bệnh nghiện cờ bạc.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng