Chơi hụi và giật hụi

 


Credit: mecash.com.vn

Ls Nguyễn Văn Thân

Theo bản tin đăng trên báo điện tử Dân Trí tại Việt nam vào ngày 16/7/2016 thì có hàng trăm người bị giật hụi mất đến hàng trăm tỷ đồng. Nạn nhân than thở là họ đã mất hết số tiền dành dụm mà họ vất vả tạo ra trong khi chủ hụi thì ung dung thoải mái dọn về nơi khác sống.

Hiện tượng vỡ hụi cũng thường xuyên xảy ra tại Úc. Có một số trường hợp lên tới vài triệu Úc kim. Chơi hụi là một thói quen của người Việt mình. Nó là một cách dành dụm đơn giản và thuận tiện vì vừa tiết kiệm được tiền mà vừa giúp cho người chơi hụi có một số vốn đáng kể khi cần thiết.

Vậy hụi được cứu xét thế nào trong hệ thống luật pháp của Úc? Vụ kiện đầu tiên và cũng là vụ kiện chính liên quan tới hụi diễn ra vào năm 1994 tại Nam Úc (Pham Van Thanh and Le Thu Nguyet v Nguyen Minh Hoang, Dieu Tuan Kiet, Vu Duc Lam, Nguyen Huu Ba and Dinh Thi Chung [1994] SASC 5161. Đây là 5 vụ kiện được gom lại và xử cùng một lúc. Cả 5 nguyên đơn là chủ hụi tiến hành kiện bị đơn tại tòa án khu vực. Bị đơn chơi hụi với họ. Nguyên đơn Hoang làm chủ 2 giây hụi: $300 một tháng bắt đầu từ tháng 6, 1990 với 65 con hụi và hụi $300 một tháng bắt đầu từ tháng 11, 1990 với 61 con hụi. Bị đơn chơi và hốt cả cả hai giây hụi. Số tiền hốt được đợt đầu là $10,940 vào tháng 10, 1990 và đợt hai là $10,000 vào tháng 11, 1990. Sau đó bị đơn không chịu đóng hụi chết. Giây hụi đầu kết thúc vào tháng 6, 1995 và giây hụi hai vào tháng 7, 1995. Nguyên đơn đã phải bỏ ra $19,500 đóng hụi chết cho bị đơn và sẽ phải tiếp tục đóng thêm $13,500 nữa cho những phần hụi chết còn lại của bị đơn. Thẩm phán tòa án khu vực ban lệnh bắt buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn tổng cộng $33,000.

Ngoài ra, bị đơn cũng chơi và hốt hụi do các nguyên đơn khác tổ chức và cũng không chịu đóng hụi chết. Tòa bắt bị đơn phải trả cho nguyên đơn nguyên đơn Kiet $33,000, nguyên đơn Lam $16,500, nguyên đơn Ba $9,000 và nguyên đơn Chung $11,700.

Thẩm phán tòa án khu vực phán rằng hụi là một hình thức hợp đồng giữa chủ hụi và các thành viên con hụi mà trong đó điều khoản quan trọng nhất là sau khi hốt hụi, con hụi có trách nhiệm đóng hụi chết cho hết khoản thời gian còn lại. Nếu không làm vậy thì chủ hụi có trách nhiệm đóng thế nhưng có quyền tiến kiện bắt buộc con hụi phải trả lại những phần đóng thế đó. Ngoài ra, tuy hợp đồng hụi có một vài điểm bất hợp pháp vì vi phạm Đạo luật Lô tô và Cờ bạc (Lottery and Gaming Act (SA) 1936), nhưng điều khoản nêu trên có thể tách rời khỏi hợp đồng và vẫn có giá trị pháp lý.

Bị đơn kháng cáo lên Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm Nam Úc. Bị đơn chấp nhận phán quyết của thẩm phán tòa án khu vực là có hợp đồng ràng buộc giữa nguyên đơn và bị đơn nhưng lập luận rằng vì hụi vi phạm Đạo luật Lô tô & Cờ bạc nên nguyên cả hợp đồng cho vay không có giá trị pháp lý.

Lô tô được định nghĩa là việc phân phát giải thưởng từ hình thức xổ số hoặc bốc thăm (distribution of prizes by lot or drawing). Có nghĩa là hoàn toàn tùy thuộc vào yếu tố hên xui may rủi. Khả năng và kinh nghiệm của những người chơi hoặc tham dự không có ý nghĩa gì. Điều 5 của Đạo luật này quy định rằng mọi hình thức lô tô đều bất hợp pháp. Mục đích là ngăn chặn tư nhân tổ chức xổ số, lô tô hoặc các hình thức cờ bạc khác mà chính quyền không kiểm soát được. Trạng sư của bị đơn lập luận rằng khi các con hụi bỏ hụi và bóc thăm hàng tháng thì sẽ có lúc có con số cao nhất bằng nhau. Nếu vậy thì phải bóc thăm lại giữa hai hoặc các hụi viên đó. Do đó hụi là một hình thức lô tô mà Điều 5 của Đạo luật ngăn cấm.

Nhưng lập luận này đã không được tòa chấp thuận. Người bỏ phiếu hốt hụi cũng như những người mua nhà đấu giá đều có tính toán và suy đoán ý định của đối thủ để giành phần thắng về mình. Người mua lô tô thì không ai làm vậy. Hơn nữa, việc có hai hoặc nhiều hụi viên bỏ phiếu hốt hụi với con số cao bằng nhau không có nhiều cơ hội xảy ra và không phải là một phần quan trọng nhất của trò chơi hụi. Mục đích của Đạo luật là ngăn cấm những hình thức lô tô và cờ bạc bất hợp pháp. Còn hụi là một tập quán dành dụm và cho vay. Tiến trình bốc thăm chỉ để ấn định số tiền lời và thứ tự con hụi nào được hốt và mượn tiền từ những thành viên khác.

Bị đơn xin phép kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện nhưng đơn xin phép bị từ chối. Có nghĩa là tính tới giờ phút này thì phán quyết của Tòa Kháng Cáo Thượng thẩm Nam Úc là án lệ được áp dụng cho hệ thống chơi hụi trên toàn nước Úc. Nói một cách khác thì chơi hụi hoàn toàn hợp pháp. Nhưng tốt nhất chủ hụi nên đặt ra điều lệ là trong trường hợp có hai hoặc nhiều lá phiếu có con số cao nhất bằng nhau thì người có lá phiếu được bóc thăm đầu tiên sẽ thắng và có quyền hốt hụi.

Một vụ kiện khác liên quan tới hụi diễn ra tại Tòa Thượng Thẩm Victoria là Huynh v Phan [2004] VSC 151 (3/5/2004). Nguyên đơn tố bị đơn làm chủ hụi và đang tìm cách lẩn trốn không trả nợ cho nguyên đơn. Vì vậy nên nguyên đơn xin án lệnh Mareva trong lúc tiến hành kiện bị đơn. Án lệnh Mareva là lệnh của tòa cấm đương sự không được chuyển nhượng, bán hoặc tẩu tán tài sản với mục đích trốn trách nhiệm trả nợ. Thẩm phán Cummins của Tòa Thượng Thẩm đồng ý ban án lệnh Mareva vì nguyên đơn thỏa mãn được 2 điều kiện đó là vụ kiện của nguyên đơn có cơ sở thành công và có nguy cơ bị đơn sẽ tìm cách tẩu tán tài sản. Nói vậy không có nghĩa là nguyên đơn nhất thiết sẽ thắng kiện vì vụ kiện này còn tùy thuộc vào nhiều bằng chứng khác nữa. Nhưng ít ra chúng ta cũng có thể kết luận được nợ hụi sẽ được tòa công nhận là một món nợ hợp pháp.

Một vụ kiện khác là Dinh v Dang [2007] QSC 3 (11/1/2007) diễn ra tại Tòa Thượng Thẩm QLD. Nguyên đơn là chủ một căn nhà ở miền tây Brisbane. Bị đơn tố nguyên đơn làm chủ hụi và phải bảo đảm tiền hụi cho họ. Trong lúc đang tiến hành kiện nguyên đơn tại tòa án khu vực thì bị đơn cũng nộp giấy niêm phong (caveat) nhà của nguyên đơn. Nhưng Tòa Thượng Thẩm QLD đã phán giấy niêm phong của bị đơn là bất hợp pháp vì cho dù bị đơn chứng minh được nợ hụi thì cũng không có cơ sở siết nhà trừ khi nguyên đơn đồng ý đưa nhà ra bảo đảm và thế chấp khi làm chủ hụi.

Tóm lại, luật Úc công nhận hụi là một hình thức hợp đồng cho vay hợp pháp. Khi chủ hụi hoặc người chơi hụi không trả nợ thì có thể bị kiện. Đó là lý thuyết. Nhưng trên thực tế thì hụi là một trò chơi đầy nguy hiểm. Khi chủ hụi không có tiền trả nợ ví dụ như vì làm ăn thua lỗ hoặc cờ bạc, cùng lắm là họ bị phá sản. Hoặc họ cũng có thể tự khai phá sản. Không có dính líu tới luật hình sự. Không có việc bị đuổi bắt hoặc bỏ tù như tại Việt nam. Một khi đã chính thức khai phá sản thì chủ nợ không được quyền theo đuổi đòi nợ hoặc quấy nhiễu người bị phá sản. Sau thời hạn 3 năm thì tình trạng phá sản chấm dứt và họ có thể trở lại làm ăn. Một số người chơi hụi vì hoàn cảnh nào đó không giải thích được số lượng tiền mặt của mình vì không có khai thuế hoặc vì nhận lãnh tiền trợ cấp. Muốn tiến kiện hoặc khai báo số nợ với viên chức thụ thác phá sản (bankrupt trustee) có thể dẫn đến nhiều sự rắc rối khác.  Vậy trước khi quyết định có chơi hụi hay không thì mọi người nên nghĩ tới trường hợp tệ nhất có thể xảy ra và tự hỏi là mình sẵn sàng chịu mất bao nhiêu tiền nếu chủ hụi vỡ nợ và không có khả năng để trả.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng