Khi nào vợ chồng không phải vợ chồng?
Credit: brainfall.com
Ls Nguyễn Văn Thân
Một đôi nam nữ có phải là vợ
chồng hay không thì thông thường không gì tranh cãi. Nhưng có lúc lại không đơn
giản như vậy. Trong vụ kiện Benedict v
Peake (2014), bà Benedict là nguyên đơn muốn xin tòa ban án lệnh phân chia
tài sản gia đình với ông Peake. Bị đơn phản đối và cho rằng hai người không phải
vợ chồng không có giá thú, tuy có sống chung với nhau dưới một mái nhà. Thẩm
phán Joe Harman đã phán là hai người tuy sống chung với nhau và có một đứa con,
có làm ăn và mua nhà đứng tên chung và cùng nhau đi du lịch nhưng không phải là
một cặp vợ chồng không có hôn thú (de facto couple). Vì vậy, nguyên đơn không
được quyền xin chia tài sản dưới Đạo luật Gia đình.
Theo lời khai của nguyên đơn
thì bà đã sống chung với bị đơn từ năm 1992 đến 2010. Họ mua nhà đứng tên chung
vào năm 1994. Bà mang thai và sanh đứa con gái năm 1995. Sau khi mua nhà, họ mượn
tiền từ bố của bị đơn để sửa chữa và xây cất thêm biến căn nhà thành hai phần:
phần ở gồm có căn nhà hai tầng và phần kinh doanh cũng có hai tầng. Nguyên đơn
kể rằng sau khi cất xong, họ dọn vào ở chung với nhau từ năm 1997 đến năm 2010.
Từ năm 1994 thì hai người đã lập công ty làm ăn nhưng tới năm 2001 thì nguyên
đơn rút tên ra khỏi công ty. Nguyên đơn cho mọi người biết bị đơn là cha của đứa
bé. Cũng theo lời khai của nguyên đơn thì từ năm 1995 đến 2006, hai bên đi
holiday chung với nhau tổng cộng hết 12 lần. Khi bố của nguyên đơn qua đời vào
đầu năm 2010 thì bị đơn có đi dự đám tang. Trong suốt thời gian sống chung với
nhau thì hai người nhiều lần tham dự tiệc tùng sinh nhật, Lễ Phục Sinh và Giáng
sinh với gia đình và bè bạn.
Lời khai của bị đơn thì hoàn
toàn khác hẳn. Bị đơn cho rằng hai người chưa bao giờ xem nhau như vợ chồng. Họ
mua nhà đứng tên chung là vì muốn con được ở gần với cha mẹ và được sự thương
yêu chăm sóc của cả hai người. Sau khi mua và cất nhà xong, họ dọn vào nhưng
nguyên đơn và con sống trong phần cư ngụ còn bị đơn ngủ ở phần kinh doanh. Thỉnh
thoảng hai người có quan hệ thể xác nhưng không có quan hệ tình cảm. Họ có đi
holiday chung nhưng không ngủ chung. Bị đơn giải thích là hai người muốn tạo một
phong cảnh gia đình ấm cúng cho con. Họ tham dự tiệc tùng chung cũng vì mục
đích đó.
Cả hai bên đều kêu nhân chứng
khai báo hỗ trợ lập trường của họ trước tòa.
Phán
quyết của tòa
Tòa án không tin vào lời khai
của nguyên đơn vì một vài lý do. Thứ nhất, từ khi sinh con thì nguyên đơn đã
không đề tên của bị đơn là cha của đứa bé vào giấy khai sinh. Nguyên đơn giải thích
là vì lúc đó bà không mấy tỉnh táo sau khi sinh mổ. Không có gì nghi ngờ bị đơn
là cha của đứa bé. Lúc đó hai người sống chung với nhau và không có người thứ
ba nào cả. Bị đơn cùng tham dự các khoá học trước khi sinh con với nguyên đơn
và có mặt tại bệnh viện khi bà chuyển bụng và sinh sau khi bác sĩ quyết định tiến
hành phẫu thuật cấp cứu.
Tuy nhiên, tòa phán rằng có sự
khác biệt quan trọng giữa người "cha" và người "chồng". Bị
đơn không bao giờ phủ nhận ông là cha của đứa bé. Vai trò của người cha và chồng
tuy có lúc lẫn lộn nhưng là hai phần riêng biệt. Trong xã hội thời nay, thống
kê cho thấy là có gần phân nửa con cái có cha mẹ không có sống chung với nhau
như vợ chồng. Quyết định không ghi tên bị đơn là cha của đứa bé vào giấy khai
sinh cho thấy giữa hai người không có một mối quan hệ tình cảm thương yêu gắn
bó của một cặp vợ chồng như mọi người khác.
Nguyên đơn cũng đăng ký xin thẻ
Medicare với con dưới dạng độc thân. Hành động này phù hợp với việc hai người
không coi nhau như là một cặp vợ chồng.
Nghiêm trọng nhất là ngay sau
khi sinh con, nguyên đơn đã đệ đơn xin tiền trợ cấp "phụ huynh đơn chiếc"
từ Centrelink. Trong suốt thời gian lãnh tiền trợ cấp, nguyên đơn đã có rất nhiều
cơ hội nhưng đã không đính chính hoàn cảnh của mình. Điều này phù hợp với mối
quan hệ lỏng lẻo giữa hai người. Nguyên đơn nói rằng việc khai gian với
Centrelink có sự đồng lõa của bị đơn. Chò dù là vậy nhưng nguyên đơn vẫn không
trốn tránh được trách nhiệm khai báo thành thật với các cơ quan công quyền gồm
có Centrelink, Sở Thuế và Văn phòng Medicare.
Tòa tin vào lời khai của bị
đơn là hai người không có ngủ chung với nhau. Thỉnh thoảng họ có quan hệ tình dục
với nhau vì nhu cầu sinh lý chớ không phải vì yêu thương nhau như là một cặp vợ
chồng. Toà cũng chấp nhận lời khai của bị đơn là họ thu xếp để cư ngụ gần nhau,
đối xử với nhau như bạn bè, đi holiday và dự tiệc chung với nhau là vì con. Việc
bị đơn tham dự đám tang bố của nguyên đơn cũng không ngoài mục đích đó.
Trong khoảng thời gian hai người
sử dụng cùng nơi cư ngụ, bị đơn ngủ ở phòng riêng, tự nấu ăn hoặc mua take
away, tự giặt dũ và sinh hoạt riêng biệt. Bị đơn thường làm ca đêm và ngủ ban
ngày. Hai người không có chung đụng tiền bạc. Thỉnh thoảng họ có quan hệ tình dục
nhưng khi thân nhân hoặc bạn bè đề nghị kết hôn thì cả hai đều từ chối.
Tuy hai người đứng tên chung
nhưng chỉ có bị đơn trả tiền nhà. Lý do chính là vì bị đơn sợ mất quan hệ với
con gái nếu không làm như vậy.
Có điều là nguyên đơn đã khai
báo trước tòa là sẽ chịu trách nhiệm với sự khai báo gian lận lãnh tiền trợ cấp
với Centrelink. Nếu nguyên đơn thắng kiện (có nghĩa là chứng minh được mối quan
hệ de facto với bị đơn) thì nguyên đơn sẽ được quyền xin chia tài sản dưới Đạo luật
Gia đình. Có thể nguyên đơn sẽ được nhiều hơn phân nửa căn nhà cũng như một phần
tài sản khác của bị đơn. Mặt khác, nguyên đơn phải hoàn trả tất cả số tiền trợ
cấp nhận lãnh cùng với tiền lời trong suốt một thập niên. Tính ra có thể nhiều
hơn phần tài sản chia được. Đó là chưa kể việc khai gian lãnh tiền trợ cấp là một
tội phạm hình sự và trong thời gian gần đây thì tòa thường ban hành bản án tù để
trừng phạt nghiêm khắc và cảnh cáo những trường hợp vi phạm gian lận tiền đóng
thuế của người dân.
Một khi nguyên đơn đã nhận
khai báo gian lận thì khó mà được tòa tin tưởng, cho dù lời khai của bị đơn
đúng là sự thật.
Trường hợp này có lẽ cũng có
diễn ra trong cộng đồng người Việt khi những cặp vợ chồng sống chung với nhau
không có hôn thú. Khi sinh con thì bà mẹ không ghi tên cha vào giấy khai sinh.
Mua nhà thì chỉ có ông chồng đứng tên. Người vợ thì lãnh tiền trợ cấp mẹ đơn
chiếc. Đến khi lục đục thì vợ muốn chia tài sản và lấy căn nhà để nuôi con nhỏ.
Nhưng họ sẽ ở một thế rất khó xử. Khai báo thành thật với tòa thì có thể nhận bản
án tù và hoàn trả tiền trợ cấp. Bằng không thì không được xin chia tài sản.
Nhưng nếu trường hợp của họ
tương tự như vụ kiện trong bài viết này thì không có vấn đề. Có nghĩa là nếu
hai người chỉ có quan hệ tình dục nhưng không phải là một cặp vợ chồng thì họ vẫn
có thể đứng tên mua nhà chung theo cổ phần 50/50 hay là 60/40 gì đó. Vấn đề là
họ có giữ được như vậy hay không? Nếu không thì sẽ rất rắc rối vì khi ra tới
tòa thì ngọn đuốc công lý sẽ phơi bày tất cả mọi việc riêng tư và thầm kín nhất.
Comments
Post a Comment