Khi nào thì hợp đồng tiền hôn nhân mất giá trị pháp lý?

 

Credit: cartoonstock.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Không có cái gì giết chết tính lãng mạn của một đôi uyên ương dễ dàng bằng hợp đồng tiền hôn nhân. Đa số mọi người vẫn quan niệm rằng tình yêu là nền tảng của hôn nhân chớ không ai lấy nhau vì tiền bạc. Trên thực tế thì đa số những người muốn ký hợp đồng tiền hôn nhân là phái nam và với phái nữ thì đề nghị này có tính xúc phạm nặng nề đến danh dự và nhân phẩm của họ. Dĩ nhiên là theo họ thì quyết định kết hôn không phải là để chờ tranh giành tài sản của chồng và “nếu như không tin nhau thì cưới tôi làm gì”. Đây là một lối suy nghĩ bình thường và dễ hiểu. Trong một số trường hợp thì ý tưởng hoặc đề nghị ký hợp đồng tiền hôn nhân là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của những mối tình lâu năm.

 Hôn nhân là một sự nối kết và giao hợp về thể xác, tinh thần, tình cảm và tài chính. Theo các con số thống kê thì hơn một phần ba các cuộc hôn nhân lần thứ nhất sẽ đi đến đổ vỡ và gần hai phần ba các cuộc hôn nhân lần thứ hai cũng bị gãy gánh. Trong một vài trường hợp thì hợp đồng tiền hôn nhân là một công cụ thực dụng và chính đáng để giúp đôi tình nhân đạt sự đồng thuận rõ ràng ví dụ như khi cả hai người đều đã từng ly dị và có con và muốn gìn giữ tài sản của mình cho con cái. Hoặc khi con cái đứng tên tài sản giùm cha mẹ hoặc cho cả gia đình. Nếu không có hợp đồng tiền hôn nhân thì cha mẹ có thể bị đuổi ra khỏi nhà và mang cảnh màn trời chiếu đất. Hoặc khi hoàn cảnh tài chính giữa hai bên quá chênh lệch với nhau và khi chia tay thì sẽ có nhiều cơ hội tranh chấp tài sản phải đưa ra tòa giải quyết tốn kém về mặt tài chánh lẫn tinh thần. 

Tuy nhiên, nếu không được soạn thảo và sử dụng đúng đắn thì hợp đồng tiền hôn nhân có thể bị mất giá trị pháp lý. Trong vụ kiện gần đây tại Tòa án Liên bang Parkes & Parkes [2014], người chồng sinh năm 1979 và người vợ 1976. Họ bắt đầu quen nhau từ năm 2002. Họ đính hôn trong tháng 12 năm 2007 và định ngày cưới  trong tháng 11 năm 2008. Họ có với nhau hai đứa con sinh năm 2009 và 2011. Họ ly thân vào ngày 24 tháng 4 năm 2012.

Khoảng hai ba ngày trước khi cưới nhau, ông chồng đưa cho bà vợ một bản hợp đồng tiền hôn nhân mà ông đã ký. Bà vợ hỏi nếu bà không ký thì sao? Ông chồng trả lời là ông sẽ hủy bỏ đám cưới. Lúc đó thì cha mẹ của bà vợ đã trả hơn $40,000 cho tiệc cưới (theo đúng truyền thống của người Úc). Bà vợ cũng đã gửi thư mời họ hàng quan khách gồm có những người tới tham dự từ các tiểu bang khác.

Bà vợ miễn cưỡng đồng ý ký. Ông chồng hẹn sẵn một người luật sư mà ông quen biết rồi chở bà vợ đến văn phòng luật sư để ký. Mẹ ông cũng đi theo và hai người ngồi đợi ngoài xe. Bà vợ gặp luật sư khoảng 15 phút. Luật sư tóm tắt là nếu hai bên chia tay thì bà không được xin chia tài sản đã có của ông chồng. Luật sư cũng khuyên là đừng nên ký. Bà trả lời là bà không có sự lựa chọn vì ngày cưới đã được ấn định hai ngày sau đó.

Dưới Đạo Luật Gia đình thì toà có thể phán quyết hợp đồng tiền hôn nhân bất hợp pháp trong một vài trường hợp ví dụ như khi có một bên dấu giếm hoặc không khai báo tài sản đầy đủ, hoặc khi bên ký bị ép buộc (duress) hoặc khuyến dụ (undue influence), hoặc khi có một bên hành xử vô lương tâm (unconscionable conduct), hoặc kể từ khi ký hợp đồng thì hoàn cảnh đã thay đổi liên quan tới vấn đề chăm sóc cho con cái và có bên sẽ bị gian khổ (hardship) nếu tòa không phủ quyết tính hợp lệ của hợp đồng.

Trong trường hợp này, bà vợ nằm trong một hoàn cảnh “thiệt thòi đặc biệt” (special disadvantage). Khi cầm bản hợp đồng tiền hôn nhân trong tay thì bà đã quen ông chồng được 6 năm, đính hôn 11 tháng và đang bận rộn tổ chức tiệc cưới. Mọi thủ tục dàn xếp cho lễ cưới đã chuẩn bị xong. Cha mẹ của bà đã trả tiền tổ chức tiệc cưới đầy đủ cho nhà hàng. Nếu không ký thì lễ cưới sẽ bị hủy bỏ. Còn nỗi nhục nào hơn đối với cha mẹ, gia đình và bè bạn. Ông chồng biết và lợi dụng bà vợ ở thế kẹt khi ông đưa ra bản hợp đồng mà ông đã ký sẵn ba ngày trước tiệc cưới. Ông biết là bà vợ sẽ không có cơ hội hoặc thời gian để thương lượng các điều khoản hợp đồng một cách đúng đắn. Cung cách hành xử như vậy không đúng với lương tâm của một người chồng. Vì vậy, tòa tuyên bố hợp đồng tiền hôn nhân không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, hợp đồng này cũng không có giá trị pháp lý vì kể từ khi ký thì hoàn cảnh của bà vợ đã thay đổi đáng kể. Trước kia thì bà có việc làm toàn thời còn bây giờ thì bà phải chăm sóc cho hai đứa con nhỏ toàn thời và trông cậy vào tiền trợ cấp xã hội cũng như tiền phụ cấp child support của ông chồng. Bà không có tài sản gì. Ngay cả chiếc xe mà bà đang sử dụng cũng là ông chồng đứng tên. Nếu tòa không phủ quyết tính hợp lệ của bản hợp đồng tiền hôn nhân thì bà vợ sẽ bị gian khổ.

Trong một vụ kiện khác là Blackmore & Webber [2009], tòa cũng phủ quyết tính hợp lệ của hợp đồng tiền hôn nhân. Trong vụ kiện này thì bà vợ sinh năm 1971 tại Thái Lan. Ông chồng sinh năm 1970 là một cựu cảnh sát viên đã về hưu vì bị thương tật. Bà vợ tới Úc năm 2001 để học Anh văn. Hai bên sống chung với nhau từ năm 2002. Tới năm 2003 thì bà vợ trở về Thái Lan vì visa hết hạn. Hai bên đính hôn và ông chồng bảo lãnh bà vợ sang Úc vào giữa năm 2004 dưới dạng hôn thê. Đơn bảo lãnh bắt buộc hai người phải làm đám cưới trước tháng giêng năm 2005. Tới tháng 7 thì bà vợ mang thai. Hai người ấn định lễ cưới vào ngày 14 tháng 11 năm 2004. Trước đó ba ngày thì họ cùng ký một bản hợp đồng tiền hôn nhân. Bà vợ sinh đứa con trai trong năm 2005 và hai bên ly thân trong tháng 4 năm 2007.

Trong bản hợp đồng thì ông chồng liệt kê một số tài sản gồm có bất động sản nhưng không khai báo tiền hưu bổng. Ông chồng cãi rằng bà vợ biết rõ là ông đang lãnh tiền hưu và ông không cố tình giấu diếm tài sản. Nhưng tòa đã không chấp nhận lập luận này. Tòa phán rằng vì hợp đồng tiền hôn nhân loại bỏ vai trò tài phán của tòa nên cần phải tuân thủ triệt để mọi điều kiện mà Đạo Luật Gia đình đặt ra. Cho dù vô tình hay cố ý thì ông chồng đã không khai báo đầy đủ hoàn cảnh tài chánh trong hợp đồng tiền hôn nhân. Vì vậy nên luật sư của bà vợ không thể nào cho bà vợ lời cố vấn đúng đắn về hậu quả của việc ký vào hợp đồng.

Cũng theo lời kể của bà vợ thì sau khi biết mình có thai trong tháng 7 năm 2004 thì hai người đồng ý tiến hành đám cưới trong tháng 11. Ngay sau lễ cưới thì bà vợ sẽ trở về Thái Lan thăm gia đình và báo tin mừng. Nhưng chỉ có 5 ngày trước lễ cưới thì ông chồng mới đưa ra bản hợp đồng tiền hôn nhân và yêu cầu bà vợ ký. Lúc đầu thì bà giận dữ phản đối và không đồng ý ký. Ông chồng nói nếu không ký thì ông sẽ hủy bỏ đám cưới. Hai ngày sau thì bà vợ chịu ký. Ông chồng dẫn bà đến gặp một người luật sư mà ông đã hẹn sẵn để bà ký.

Tòa phán là hợp đồng không có giá trị pháp lý. Rõ ràng là ông chồng đã lợi dụng hoàn cảnh thất thế của bà vợ. Bà đến từ một quốc gia khác không có gia đình hoặc thân nhân hỗ trợ, lại phải đối phó với những khó khăn về văn hóa và ngôn ngữ. Bà cũng đang mang thai và chuẩn bị lễ cưới. Bà đã làm lễ đính hôn tại Thái Lan và nếu không chịu ký thì sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Úc. Làm sao bà có thể mang cái thai về Thái Lan để giải thích cho già đình và hàng xóm. Tòa cũng phán rằng tuy ông chồng có quyền đặt điều kiện ký hợp đồng tiền hôn nhân trước khi cưới nhưng phương cách mà ông đặt ra thì không chấp nhận được khi ông chỉ đưa hợp đồng một vài ngày trước lễ cưới trong một hoàn cảnh mà bà vợ đang mang thai và bị lệ thuộc vào ông về mọi mặt gồm có chỗ ăn, chỗ ở và cơ hội không bị trục xuất ra khỏi Úc. Ông đã lợi dụng thế cô của bà vợ và cách hành xử này được tòa phán là không có lương tâm. Kết quả là hợp đồng tiền hôn nhân không có giá trị pháp lý.


Việc ký hợp đồng tiền hôn nhân ngày càng phổ biến trong cộng đồng người Việt tại Úc. Nhưng đa số là những trường hợp liên quan tới người Việt (thường là đàn ông) ở Úc cưới vợ từ Việt nam sang. Chỉ một vài tuần hoặc một vài ngày trước khi tổ chức lễ cưới thì người chồng (hoặc thường là mẹ chồng) dẫn con dâu lên gặp luật sư để ký hợp đồng tiền hôn nhân. Các loại hợp đồng ký dưới hình thức hoặc trong hoàn cảnh này thường được coi là bất hợp pháp nếu sự việc được đưa ra tòa. Hợp đồng tiền hôn nhân là một khía cạnh luật pháp phức tạp chớ không phải đơn giản như “tôi chỉ nhờ luật sư làm chứng giùm thôi mà” theo suy nghĩ của nhiều người Việt. Nếu không thận trọng thì có thể dẫn đến tranh tụng với nhiều tốn kém và phiền phức

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng