Hợp đồng tài chính hôn nhân

Credit: culshawmiller.com.au
 

Ls Nguyễn Văn Thân

Bắt đầu từ ngày 27 tháng 12 năm 2000 thì các cặp vợ chồng được quyền thỏa thuận ký hợp đồng tài chính quyết định cách thức phân chia tài sản hoặc trợ cấp cho người phối ngẫu. Trước đó thì tất cả mọi việc phải đi qua hệ thống Tòa án Gia đình. Ngay cả khi cặp vợ chồng đã đạt đồng thuận thì cũng phải đệ đơn xin án lệnh đông thuận (consent orders). Tòa không đương nhiên ban hành án lệnh đồng thuận nếu các điều khoản không tuân thủ những nguyên tắc phân chia tài sản theo Đạo luật Gia đình (Family Law Act 1975).

Theo các con số thống kê thì trong năm 2005 có tổng cộng 52,400 vụ ly dị trên toàn nước Úc so với 55,300 vụ trong năm 2001. Người Úc ngày kết hôn trễ hơn. Trong năm 2005 thì tuổi trung bình thành hôn của đàn ông là 30 và phụ nữ là 28. Người ta cũng ly dị ở tuổi già hơn trung bình là 43.5 tuổi cho đàn ông so với 40.8 đối với phụ nữ. Các cuộc hôn nhân lần đầu ước lượng kéo dài khoảng 14 năm so với 11 năm trong thập niên 80. Khoảng 56% số đàn ông sau khi ly dị lại tái hôn so với 46% đối với phụ nữ.

Trong thập niên 70 và 80 thì có nhiều người đề nghị luật pháp nên thay đổi và cho phép các cặp vợ chồng được quyền ký kết và thỏa thuận hình thức phân chia tài sản trước, trong và sau cuộc hôn nhân để họ có thể chủ động tự giải quyết vấn đề và giảm thiểu tác hại tâm lý và tốn kém khi phải đưa sự việc ra Tòa án Gia đình.

Hiện nay, có 4 loại hợp đồng tài chính mà các cặp vợ chồng có thể ký kết. Thứ nhất là hợp đồng tiền hợp nhân (prenuptial agreement) có thể ký khi hai người có ý định hoặc sắp sửa thành hôn. Thứ hai là hợp đồng trong hôn nhân nhưng trước khi ly thân để có sự chắc chắn nếu như hôn nhân đổ vỡ. Thứ ba là hợp đồng sau khi ly thân và sau cùng là hợp đồng sau khi ly dị. Kể từ ngày 1 tháng 3 năm 2009 thì các cặp vợ chồng ngoại hôn (de facto couples) cũng được quyền ký kết hợp đồng tài chính như là các cặp vợ chồng có giá thú.

Những điều kiện cần thiết

Hợp đồng tài chính phải tuân thủ triệt để điều kiện pháp lý. Bằng không thì sẽ không có giá trị. Trước hết thì hợp đồng phải bằng văn bản. Cặp vợ chồng phải có 2 luật sư đại diện khác nhau chớ không dùng chung được một luật sư. Hai vợ chồng (hoặc hôn phu/hôn thê) cùng hai luật sư làm chứng phải ký vào mỗi trang của văn bản hợp đồng. Trước khi ký chứng, luật sư phải giải thích là hợp đồng có lợi hay bất lợi cho thân chủ và so sánh những điều đồng thuận với kết quả có thể đạt được nếu sự việc được đưa ra tòa xử. Một số người hiểu lầm là luật sư chỉ cần nhắm mắt làm chứng là đủ vì họ đã đồng ý trước với nhau rồi. Sự thật thì không đơn giản như vậy. Nếu luật sư không tuân thủ đúng các điều kiện luật pháp đặt ra thì hợp đồng tài chánh có thể mất giá trị. Chỉ cần có chút sơ hở thì cũng đủ dễ dàng đưa đến kiện tụng tốn kém vì tòa rất gắt gao là hợp đồng tài chính phải triệt để tuân thủ mọi điều kiện pháp lý.

Hợp đồng tài chính nên ghi lại chi tiết lịch sử của cuộc hôn nhân gồm có sự đóng góp về tài chính và công sức cũng như vai trò phụ huynh của hai người. nên liệt kê những sự kiện bất thường trong cuộc hôn nhân ví dự như có ai nhận được một số tiền bồi thường tai nạn xe cộ hoặc lao động hay không. Có ai trúng số hoặc được thừa hưởng gia tài đáng kể hay không? Hoàn cảnh của hai người hiện tại thế nào? Có ai đã tái hôn và có con nhỏ hay không? Sức khỏe ra sao có ảnh hưởng đến khả năng tìm việc hoặc làm việc hay không?

Trong thời gian gần đây thì có một số người Úc gốc Việt về Việt nam lập gia đình nhưng muốn ký hợp tiền hôn nhân với người phối ngẫu ở Việt nam. Vậy luật sự ở Việt nam có thể ký chứng được không? Câu trả lời là không. Đạo luật Gia đình ghi rõ luật sư phải là người có chứng chỉ hành nghề tại Úc do các hiệp hội luật sư tại các tiểu bang hoặc lãnh thổ cấp cho (practising certificate). Trong vụ Ruane & Bachman-Ruane (2009), tòa phán là hợp đồng tài chính được ký chứng bởi một luật sư người Anh quốc không có giá trị mặc dù hệ thống luật gia đình giữa hai quốc gia tương đối khá giống nhau. Trong vụ Murphy v Murphy (2009), tòa cũng phán là các giảng viên luật tại Úc tuy có kiến thức và hiểu biết về luật gia đình nhưng nếu không đăng ký hành nghề luật sư thì cũng không có quyền chứng ký hợp đồng tài chính.

Lợi ích của hợp đồng tài chính

Hợp đồng tài chính có nhiều lợi ích. Thứ nhất, hai người chủ động tự quyết định tài sản sẽ được phân chia thế nào khi họ chia tay mà không đụng tới tòa án. Văn bản hợp đồng có thể ghi rõ chi tiết và hoàn cảnh của hai người trước khi thành hôn hoặc ly thân dễ dàng cho mọi người nhìn thấy điều kiện hoặc tỷ lệ phân chia là hợp tình và hợp lý. Với hợp đồng tiền hôn nhân thì người có nhiều tài sản có thể “loại” (quarantine) phần lớn tài sản đã có trước khi thành hôn và chỉ có những tài sản nào mua sắm sau khi thành hôn thì mới bị phân chia. Phí tổn luật sư soạn thảo hợp đồng tài chính ít hơn nhiều so với việc nếu phải đưa vấn đề ra tòa xử. Quy chế miễn thuế con niêm và những loại thuế khác áp dụng cho hợp đồng tài chính giống như án lệnh đồng thuận của tòa. Trong nhiều trường hợp, hai người trong cuộc có tài sản hoặc hoàn cảnh riêng tư mà họ không muốn tiết lộ ra. Nếu sử dụng án lệnh đồng thuận thì phải nộp đơn với tòa kê khai đủ chi tiết. Hợp đồng tài chánh giữ kín được những bí mật này. Ngoài ra với án lệnh đồng thuận, nếu điều kiện phân chia quá chênh lệch và bất thường thì tòa có thể từ chối chuẩn y hoặc sẽ triệu tập luật sư hoặc cả hai bên ra tòa để hỏi cho ra lẽ. Đối với những người vợ làm thêm may vá ở nhà không có khai thuế thì sẽ tạo khó khăn.

Hợp đồng tài chính rất hữu dụng trong những trường hợp ví dụ như khi một người đã có sẵn nhiều tài sản hoặc sắp sửa thừa hưởng gia tài đáng kể, hoặc những người đã có con và muốn để lại tài sản cho con trước khi tái hôn, hoặc để bảo quản doanh nghiệp của gia đình. Hãy thử tưởng tượng nếu những tay tỷ phú như Rupert Murdoch hoặc James Packer không ký hợp đồng tài chính thì làm sao giữ được gia sản khi người nào cũng lấy và ly dị tới mấy người vợ? Trong trường hợp một trong hai người làm ra rất nhiều tiền thì hợp đồng tiền hôn nhân có thể ghi nhận điểm này và đặt điều kiện phân chia được công bằng hơn. Hợp đồng tiền hôn nhân phần nào bắt buộc hai bên phải thẳng thắn đối thoại và cởi lòng với nhau. Nếu cả hai người đang có việc làm với lương cao nhưng muốn có con thì ai sẽ là người hy sinh sự nghiệp và lỡ như hôn nhân đổ vỡ thì tài sản sẽ được phân phối ra sao? Với những người đã từng ly dị và kiện tụng với Tòa án Gia đình thì hợp đồng sẽ giúp họ tránh được quá khứ đau buồn và tốn kém lập lại nếu cuộc hôn nhân kế tiếp cũng không thành công.

Dĩ nhiên thì hợp đồng tài chính cũng có những mặt tiêu cực của nó nhất là hợp đồng tiền hôn nhân. Nhiều người cho rằng trước khi cưới nhau mà đặt vấn đề tiền bạc thì coi như đã không tin tưởng nhau hoặc không tin là cuộc hôn nhân có thể kéo dài. Chiếc nhẫn cưới cầu hôn mất đi hết tính lãng mạn của nó khi đi kèm theo là một văn bản giao kèo. Thông thường thì hai người ở hai hoàn cảnh mạnh yếu khác nhau. Một phụ nữ trẻ tuổi từ một quốc gia nghèo nàn xa lạ về ngôn ngữ và văn hóa Úc thường ở thế yếu kèm và phải chịu thiệt thòi. Họ không có cơ hội thương lượng các điều khoản hợp đồng một cách công bằng và hợp lý.

Khi nào thì hợp đồng có thể trở thành vô hiệu

Hợp đồng tài chính có thể trở thành vô hiệu khi có sự gian dối gồm có việc không kê khai tài sản đầy đủ. Nếu có người cố tình dàn xếp để cho người khác đúng tên tài sản của mình thì có thể được coi là gian lận. Còn có tài sản mà không kê khai dù vô tình hay cố ý cũng có thể làm hợp đồng trở thành vô hiệu. Hoặc khi hợp đồng có mục đích tẩu tán tài sản gây thiệt hại cho chủ nợ ví dụ như trong trường hợp của ông Jodee Rich cựu giám đốc công ty điện thoại bị phá sản One.Tel. Ông Rich ký hợp đồng phân chia tài sản trước khi ly thân với vợ ông nhưng tòa cho rằng hợp đồng này có mục đích tẩu tán tài sản chớ không thật sự để bảo đảm cuộc sống cho vợ con ông trong trường hợp hôn nhân sụp đổ.

Vì hợp đồng tài chánh là một hình thức hợp đồng nên luật hợp đồng áp dụng như bất cứ hợp đồng nào khác. Hợp đồng không rõ ràng, không đầy đủ, hoặc được ký trong trường hợp bị ép buộc về mặt thể chất lẫn tinh thần có thể sẽ không có hiệu lực. Hoặc khi có người lợi dụng hoàn cảnh đơn cô thế yếu của vị hôn thê hoặc hôn phu ví dụ như khi đưa ra hợp đồng vào giờ chót và hăm dọa hủy bỏ hôn nhân cũng như bảo trợ visa cho người phối ngẫu thì có thể sẽ bị tòa vô hiệu hóa vì cung cách hành xử không có lương tâm như vậy. Sau khi thành hôn, nếu hoàn cảnh thay đổi ví dụ như người vợ sanh tới mấy đứa con và có đứa mang bệnh hoặc tật nguyền thì tòa có thể phán là hợp đồng không có giá trị.

Tóm lại, hợp đồng tài chính là một công cụ thuận tiện cho nhiều cặp vợ chồng trong vấn đề phân chia tài sản vì họ có thể tự giải quyết vấn đề một cách mau chóng và ít tốn kém cũng như bảo vệ được những chi tiết riêng tư. Hợp đồng tiền hôn nhân có thể hữu dụng trong một số trường hợp đặc biệt cho những người đã từng ly dị và chuẩn bị bước đến cuộc hôn nhân thứ hai hoặc thứ ba cũng như khi tài sản và doanh nghiệp gia truyền cần được bảo vệ. Tuy nhiên, hợp đồng tiền nhân có nhiều điểm tiêu cực và có nguy cơ bị phán là không có giá trị nếu như không được soạn thảo đúng đắn và có chừng mực. Trong cộng đồng người Việt thì ngày càng có nhiều cha mẹ khi sắp đến tuổi về hưu thì để con cái đứng tên làm chủ tài sản. Nhưng họ lo ngại là khi lập gia đình thì tài sản này có nguy cơ bị mất nếu hôn nhân của con họ đổ vỡ. Đây là một mối lo ngại chính đáng và hợp đồng tiền hôn nhân có thể giúp bảo quản tài sản của cha mẹ và chỉ có những phần tài sản mà hai vợ chồng mua sắm sau khi thành hôn mới bị phân chia. Suy ra thì trong xã hội nào cũng vậy, tiền và tình mãi là hai thứ làm cho người ta nhức đầu. Có câu “có tiền mua tiên cũng được” nhưng lại có khá nhiều người có tiền mà không mua được tình yêu và hạnh phúc.


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng