Hợp đồng bồ nhí có giá trị pháp lý hay không?


 Credit: dailymail.co.uk

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào tháng 9 năm 2016, dư luận xã hội Việt nam xôn xao về vụ hoa hậu Phương Nga bị truy tố về tội lừa đảo. Đại gia Garry Cao Toàn Mỹ Tổng Giám đốc CTCP Tin học Không gian ảo VinaCyber – công ty chuyên cung cấp dịch vụ kết mạng trên mạng và “hẹn tốc độ” tại TP.HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Sáng lập VinaGame, tố rằng bà Nga đã gạt lấy của ông 16.5 tỷ đồng (tức khoảng 100,000 Úc kim) qua một vài thương vụ mua bất động sản. Theo cáo trạng, bà Nga quen biết với ông Mỹ và nói với ông rằng bà có nhiều mối quan hệ có thể mua nhà với giá rẻ hơn so với thị trường, khi bán lại sẽ kiếm được lời. Tin lời, ông Mỹ đưa cho bà Nga tổng cộng số tiền 16.5 tỷ  đồng để mua một vài căn nhà. Sau sáu tháng không thấy bà mua được căn nhà nào mà không trả tiền lại cho mình, ông Mỹ đã làm đơn tố cáo bà chiếm đoạt số tiền trên với cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, bà Nga biện bạch là bà không có phạm tội lừa đảo vì giữa ông Mỹ và bà đã có một hợp đồng 'tình ái'. Theo thông tin trên mạng, ông Mỹ bị cho là đã gửi điện thư đưa ra điều kiện hợp đồng mà theo đó, bà Nga phải “’qua lại’’ với ông trong 7 năm. Nếu trước 7 năm mà bà bỏ ông thì phải hoàn trả đủ số tiền này.

Nếu lời khai này là đúng với sự thật thì bà Nga không phạm tội hình sự gì cả. Tức là không có việc lừa đảo. Cùng lắm là bà không thi hành đúng điều kiện hợp đồng. Có nghĩa là ông Mỹ có thể tiến hành một vụ kiện dân sự đòi trả lại số tiền này dựa theo thỏa thuận giữa hai bên. Cơ sở của vụ kiện phải là hợp đồng 'ăn bánh, trả tiền'’ trong 7 năm. Tiền thì ông đã trả đủ nhưng bánh thì ông chưa ăn hết thời hạn. Vấn đề là tòa sẽ công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng này hay không. Theo ý kiến của một số luật sư thì hợp đồng dưới hình thức này sẽ không được tòa công nhận vì vi phạm đạo đức và chế độ ‘một vợ, một chồng’’ vì ông Mỹ đã có vợ. Nếu vậy thì ông Mỹ sẽ không thể nào thắng kiện. Không biết có phải vì vậy mà ông đã chọn không tiến kiện về mặt dân sự mà quyết truy tố về mặt hình sự hay không?

Vụ kiện theo thể loại hợp đồng nay cũng đã từng xảy ra tại Úc. Vào năm 2011, Madison Ashton kiện Jeanne Pratt vợ và là người thi hành di chúc của tỷ phú Richard Pratt đòi bồi thường 10 triệu Úc kim vì ông đã không thi hành đúng cam kết trong một hợp đồng 'vợ bé' (mistress contract).

Richard Pratt từng là người giàu nhất nước Úc với gia tài trị giá hơn 5 tỷ Úc kim. óng làm chủ công ty Visy sản xuất thùng giấy có trụ sở tại Melbourne nhưng ông thường xuyên ghé Sydney vì vấn đề làm ăn. óng qua đời vào năm 2009 thọ 74 tuổi. Vào năm 1990, ông gặp và quen với bà Shari-lea Hitchcock tại Sydney. Lúc đó, Richard đã 56 tuổi, có vợ và 4 đứa con trưởng thành. Trong khi đó, Shari-lea đang còn là một cô sinh viên luật 21 tuổi. Shari-lea chấp nhận làm vợ bé của Richard và hạ sinh một đứa con gái đặt tên Paula vào năm 1998.

Jeanne vợ của Richard cũng như gia đình biết rõ và cũng chấp nhận mối quan hệ này. Trước khi qua đời, Richard có làm di chúc và để lải 23 triệu cho Paula. Sharie- lie cũng có phần những cho là không xứng với vai vế vợ nhỏ nên đã nộp đơn kiện với tòa. Jeanne đồng ý đàm phán và sau cùng hai bên đạt thỏa thuận nhưng Sharie-lie cam kết là phải bảo mật chi tiết.

Trở lại vụ kiện của Madison Ashton, bà Madison là một kỹ nữ cao cấp chuyên nghiệp. Thù lao có thể lên tới $1,500 Úc kim một giờ. Bà có phục vụ cho ông Richard từ năm 1995 tới 1997 khi ông ghé Sydney. Sau đó bà lấy chồng nhưng hôn nhân đổ vỡ và bà trở lại nghề cũ. Vào tháng 10 năm 2003, bà gặp lại Richard và ông cho biết là ông rất cô độc vì Sharie-lie đã bỏ ông. Ông cũng cho biết là 'chức vụ' vợ bé (mistress position) hiện đang bỏ trống và đề nghị Madison thế vào. Đổi lại, ông sẽ dựng ra ủy tín thác (trust) cho hai đứa con bà mỗi đứa 2.5 triệu. Ủy tín thác là một hình thức giữ và đầu tư giùm tiền cho hai đứa bé cho tới khi chúng tới tuổi vị thành niên có thể thừa hưởng. Về phần Madison thì ông sẽ trả lương mỗi năm $500,000. Ngoài ra, ông cũng sẽ bao $36,000 cho tiền thuê nhà và $30,000 chi phí đi lại hàng năm. Tổng cộng là $566,000 một năm.

Ông đặt điều kiện là bà phải bỏ nghề gái bao và có mặt phục vụ cho ông mỗi khi ông có mặt tại Sydney thông thường là mỗi thứ ba và thứ bảy hàng tuần. Nhưng theo lời khai của Madison thì ông không đặt điều kiện 'độc quyền'. Có nghĩa là Madison vẫn có quyền quan hệ tình dục với những người khác trong những ngày ông không có mặt tại Sydney. Bằng chứng là vào tháng 2 năm 2004 tức chỉ vài tháng sau khi có thỏa thuận với Richard, Madison đã bắt đầu có quan hệ tình dục với Sean Bowman là cận vệ của Richard với sự chấp thuận của Richard.

Từ tháng hai đến tháng 10 năm 2004, Richard trả cho Madison tổng cộng là $330,000. Nhưng tới tháng 12 năm 2004 thì Richard cho Madison biết là ông đã hàn gắn và trở lại với Sharie-lea. Lý do chính là vì Paula. Ông thương con và muốn có nhiều cơ hội ở gần con. Madison liền hỏi "còn chuyện của chúng mình thì sao?’’. Richard trả lời "Em đừng lo. Anh vẫn thương em và sẽ làm đúng những gì đã hứa. Anh sẽ tiếp tục viện trợ tài chính cho em vì anh là Richard Pratt, một trong những người giàu nhất nước Úc’’.

Vào ngày 19/1/2005, Madison fax một lá thư cho Richard nhắc lại thỏa thuận giữa hai bên gồm có ủy tín thác cho hai đứa con trị giá 5 triệu, tiền mướn nhà $36,000 và di chuyển $30,000 mỗi năm. Nhưng bà không nhắc tới số tiền lương $500,000. Theo lời khai của Madison, bà đã nói chuyện điện thoại với Richard sau đó và hỏi là bà có nên fax một lá thư khác để thêm phần $500,000 hay không? Richard trả lời là không cần vì ông đã ghi xuống con số này.

Trong phán quyết ban hành vào ngày 16/1/2012, Thẩm Phán Brereton của Tòa Thượng Thẩm NSW phán rằng các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên có mức độ đầy đủ và rõ ràng để tạo thành hợp đồng nhưng kết luận rằng những lời hứa của Richard không có ý tạo ra quan hệ pháp lý có tính ràng buộc. Thông thường thì thỏa thuận trong gia đình không có ý nghĩa ràng buộc trừ khi có bằng chứng ngược lại. Ví dụ như trong vụ kiện Balfour v Balfour [1919], tòa phán rằng lời hứa của ông chồng chu cấp cho bà vợ trong 30 tháng trong lúc họ sống xa nhau không có giá trị ràng buộc. Tương tự như vậy, bà vợ không thể thưa kiện khi ông chồng nuốt lời hứa là sẽ cho tiền mua sắm quần áo (Cohen v Cohen 1929).

Trong trường hợp này, tòa cho rằng điểm chính của thỏa thuận là Madison từ bỏ nghề gái bao và làm ‘’bồ nhí’’ thay thế cho Sharie-lea. Tòa không tin là Richard không đòi hỏi điều kiện 'độc quyền'. Cũng có thể là sau khi biết Madison  'ăn vụng' với Bowman, Richard mới quay trở về với Sharie-lea. Nhưng ông vẫn tiếp tục trả lương cho Madison. Dù sao đi  nữa, nếu Madison vi phạm hợp đồng và trở lại nghề gái bao thì không có cách nào để Richard xin án lệnh của tòa ngăn cản điều đó.

Cho dù hai bên có ý định tạo ra quan hệ pháp lý đi nữa thì tòa cũng sẽ không thi hành lời hứa của Richard vì hợp đồng loại này vi phạm thuần phong mỹ tục và làm xâm hại đến ý nghĩa và đời sống hôn nhân. Ví dụ như trong vụ kiện Girady v Richardson (1793), tòa phán hợp đồng cho kỹ nữ thuê phòng hành nghề không có giá trị pháp lý. Tương tự như vậy, hợp đồng cho kỹ nữ thuê xe ngựa di chuyển trong lúc hành nghề là bất hợp pháp (Pearce v Brooks 1866). Trong vụ kiện Upfill v Wright [1911], nguyên đơn cho một cô vợ bé thuê nhà trong thời hạn 3 năm. Nguyên đơn biết về chuyện này vì ông chồng là người đứng ra trả tiền nhà. Khi ông chồng ngưng trả thì nguyên đơn kiện bà vợ bé. Tòa phán rằng nguyên đơn không có quyền kiện với lý do là hợp đồng thuê mướn không có giá trị pháp lý vì mục đích là tạo điều kiện cho một người đàn ông ngoại tình trái với luân thường đạo lý.

Tư tưởng xã hội đã thay đổi rất nhiều và ngày nay, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân không còn được coi như là trái với luân thường đạo lý nữa. Trong vụ kiện Andrews v Parker [1973] tại Queensland, hai bên sống chung với nhau như vợ chồng (de facto). Nguyên đơn đồng ý sang tên nhà cho bị đơn với điều kiện là bị đơn sẽ trả nhà lại hoặc bằng tiền nếu bà quay về với ông chồng có giá thú.  Sau đó bà làm vậy và đồng ý trả 4,000 cho nguyên đơn sau khi ông dọn ra nhưng sau đó bà lại nuốt lời không trả. Nguyên đơn tiến kiện và thành công. Tòa phán rằng thỏa thuận giữa hai bên không dẫn đến vấn nạn ngoại tình vì cả hai đã ngoại tình với nhau rồi. Hơn nữa, luật pháp đã được điều chỉnh để công nhân thực tế là có nhiều cặp vợ chồng sống chung với nhau ngoài giá thú.

Tuy nhiên, Thẩm Phán Brereton cho rằng dựa vào án lệ đã được thành lập, hợp đồng cung cấp dịch vụ tình dục là trái với đạo đức và sẽ không được tòa công nhận. Hợp đồng giữa Madison và Richard thuộc về dạng đó, khác với quan hệ của Richard và Sharie-lea. Có nghĩa là theo thỏa thuận giữa hai bên thì Madison chỉ cung cấp dịch vụ tình dục cho Richard  ‘’độc quyền’’ hay không ‘độc quyền’’. Đó là mối quan hệ hòa toàn xác thịt. Không có phương diện tình cảm hoặc xã hội. Trong khi đó, Sharie-lea trong vai vợ nhỏ được gia đình cả hai bên gồm có cha mẹ của Sharie-lea ghi nhận. Hay nói một cách khác, hợp đồng vợ bé thì có nhiều cơ hội được tòa chấp nhận còn hợp đồng bồ nhí thì không có giá trị pháp lý.


 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng