Anh nghèo chỉ tặng em nhẫn cỏ, để lỡ có gì khỏi phải kiện đòi lại!

 

Credit: hoganlegal.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Khi nào phải trả lại nhẫn đính hôn không phải là một câu hỏi mới mẻ. Hồi đầu năm 2016, tỷ phú James Packer ngỏ lời cầu hôn với ca sĩ Mỹ nổi tiếng Mariah Carey với chiếc nhẫn kim cương trị giá 16 triệu. James Packer ước lượng sở hữu tài sản lên tới 3.9 tỷ Mỹ kim và Mariah Carey thì chỉ có khoảng 500 triệu. Đối với họ, chiếc nhẫn đính hôn 16 triệu không phải là một món đồ quá lớn nhưng nếu hôn nhân không tiến tới thì không thể loại bỏ trường hợp tranh chấp hoặc kiện cáo vì bên nào cũng phải 'giữ mặt mũi'.

Một số nguyên tắc liên quan đến việc tranh chấp về nhẫn đính hôn được luật pháp ban hành trong vụ kiện Cohen v Sellar vào năm 1926. Nếu người phụ nữ nhận lời cầu hôn nhưng sau đó đổi ý thì phải trả lại nhẫn đính hôn. Nhưng nếu người đàn ông từ chối không tiến tới hôn nhân mà không có một lý do chính đáng được luật pháp công nhận thì ông ta không có quyền đòi lại nhẫn. Nếu cả hai đồng ý hủy hôn ước thì nhẫn cưới phải được trả lại trừ khi có sự đồng ý khác của người trao tặng. Ngoài ra, người phụ nữ cũng có thể từ chối kết hôn mà không cần trả nhẫn nếu có lý do chính đáng ví dụ như khi bị bạo hành hoặc khi vị hôn phu tiếp tục có một mối quan hệ tình dục với một người phụ nữ khác. Tóm lại, hôn nhân trên căn bản là một hợp đồng, thỏa thuận giữa hai bên. Nhẫn có thể được coi như là tiền đặt cọc bảo đảm rằng người đàn ông giữ lời hứa hoàn tất hợp đồng kết hôn. Nếu thất hứa thì phải mất tiền đặt cọc. Ngược lại, người phụ nữ không giữ lời hứa thành hôn phải trả lại tiền cọc.

Xã hội đã có nhiều biến đổi từ năm 1926. Rất hiếm còn những cặp nam nữ giữ đúng truyền thống chỉ sống chung với nhau sau khi thành hôn. Ngày nay, đa số họ sống thử chung với nhau trước. Nếu được thì tiến tới đính hôn rồi thành hôn. Cũng có những cặp vợ chồng không đính hôn nhưng sống chung và có con với nhau. Có người có con với nhau rồi mới đính hôn. Có thể họ sẽ tiến tới hoặc không kết hôn. Nói chung, khái niệm "tiền cọc" thế chân để giữ lời hứa thành hôn trong bối cảnh ngày nay lỏng lẻo hơn nhiều so với trước đây. Các nguyên tắc của vụ kiện Cohen v Sellar từ năm 1926 cũng phải được áp dụng một cách uyển chuyển để thích ứng với đời sống xã hội tân tiến theo thời đại mới.

Tại NSW thì có vụ kiện liên quan đến nhẫn đính hôn vào năm 2007. Trong vụ Papathanasopoulos v Vacopoulos [2007], Andrew Cavopoulos kiện hôn thê cũ Vicki Papathanasolpolos tại Tòa án Địa Phương để đòi bồi thường $15,250 là giá trị của chiếc nhẫn đính hôn. Vào một buổi tối ngày 16/8/2005 tại nhà của ba má mình, Vicki nói với Andrew rằng: "Lễ cưới hủy bỏ, anh lấy nhẫn lại đi. Tôi không muốn đeo chiếc nhẫn này nữa". Nói xong thì Vicki tháo nhẫn và đặt nó trên bàn trước mặt Andrew. Andrew đáp lại rằng: "Anh không muốn lấy lại vì đây là món quà tặng cho em, em hãy giữ lấy nó". Sau đó Andrew bỏ ra về.

Khoảng một tuần sau, Vicki mang tất cả hình ảnh, nữ trang, quà cáp nhắc tới kỷ niệm cuộc tình của hai người bỏ vào một cái hộp gồm có chiếc nhẫn. Vicki gọi điện thoại và kêu Andrew tới nhà lấy lại cái hộp đó. Hơn một tháng sau, Andrew gọi điện thoại Vicki van xin cô hãy lấy anh ta. Nhưng Vicki trả lời là anh đừng liên lạc với cô nữa và cho biết là cha cô đã vứt thùng đồ kỷ niệm gồm có chiếc nhẫn đính hôn vào thùng rác. Tức tối với lời nói bạc bẽo như như vậy nên Andrew khởi kiện đòi Vicki bồi thường giá tiền của chiếc nhẫn.

Luật sư của Vicki lập luận rằng Vicki đã có ý trả nhẫn nhưng Andrew không muốn lấy lại. Có nghĩa là chiếc nhẫn đã trở thành món quà vô điều kiện và Vicki có thể làm gì với nó cũng được chẳng hạn như cho, bán hoặc vứt vào thùng rác. Nhưng tòa không chấp nhận lời giải thích đó. Tòa cho rằng những lời nói của Andrew vào ngày 16/8 tại nhà cha mẹ của Vicki chỉ nhằm mục đích cứu vãn quan hệ tình cảm giữa hai người để tiến tới hôn nhân. Nó không thay đổi bản chất của chiếc nhẫn đính hôn là món quà "đặt cọc" có điều kiện. Kết quả là Vicki thua kiện phải bồi thường tiền của chiếc nhẫn và trả tiền án phí cho Andrew.

Một vụ kiện khác là HAX v TV diễn ra vào năm 2009 tại Queensland. Nguyên đơn làm ăn trong ngành địa ốc ở Queensland. Bị đơn là một vũ nữ hộp đêm ở Melbourne. Đầu năm 2006, họ quen nhau và nguyên đơn rủ bị đơn dọn lên Gold Coast sống chung với nhau. Tới tháng 9 thì bị đơn hạ sinh một đứa con.  Nhưng chỉ một năm sau thì họ ly thân.

Nguyên đơn đòi lại nhẫn đính hôn mà nguyên đơn tặng bị đơn vào năm 2006. Nhưng tòa phán rằng bị đơn không cần trả lại nhẫn vì chính nguyên đơn là người hủy hôn mà không có lý do chính đáng. Sau nhiều lần tranh cãi vì bị đơn cho rằng nguyên đơn không chung thủy với bà, hai người quyết định dọn từ Gold Coast lên Cairns để làm lại từ đầu vào tháng 8 năm 2007. Nhưng chỉ một tháng sau thì nguyên đơn rời bỏ hai mẹ con bà và quay về Gold Coast. Bị đơn cũng phải xin AVO nhờ tòa bảo vệ bà. Chính nguyên đơn là người quyết định chấm dứt quan hệ với bị đơn. Do đó nguyên đơn không có quyền đòi lại nhẫn đính hôn.

Gần đây nhất vào ngày 28 tháng 6 vừa qua, Tòa Thượng Thẩm NSW đã ban hành phán quyết trong vụ kiện Loumbos v Ward. Nguyên đơn John Loumbos kiện bị đơn Jane Ward để đòi lại chiếc xe BMW trị giá $87,000 và 3 chiếc nhẫn đính hôn kim cương và nhẫn cưới trị giá $61,721. Ngoài ra, nguyên đơn cũng đòi lại căn nhà trị giá 1.3 triệu mà nguyên đơn bỏ tiền mua cho bị đơn đứng tên. Vào tháng 2 năm 2011, John gặp và yêu Jane mãnh liệt. John lớn hơn Jane 21 tuổi. Khi gặp nhau thì John đã 65 còn Jane chỉ mới 43 tuổi. Ông là một thương gia giàu có lúc đó đang say men hạnh phúc với một người tình trẻ. Jane là một bà mẹ đơn thân. John mua sắm rất nhiều quà tặng cho người yêu. John liên tục đưa Jane đi holiday ở Gold Coast, Mauritius và Ấn độ. Chỉ vài tuần sau khi quen biết, John đã mua tặng Jane vòng chuỗi hạt ngọc trai trị giá tới $10,000. Vào tháng 6, John bỏ ra $87,000 mua tặng một chiếc xe BMW để ăn mừng sinh nhật 44 tuổi của Jane. Tới tháng 7 thì John trả 1.3 triệu mua đứt căn nhà ở Lilyfield mà Jane đang thuê và cho Jane đứng tên. Ngoài Jane và đứa con gái khuyết tật của Jane còn có một người đàn ông khác tên là Rivadavia ở ngay trong một granny flat đằng sau nhà. Vào ngày 19/12/2011, John trao cho Jane 3 chiếc nhẫn đính hôn và nhẫn cưới trị giá $61,721.

Tới giữa tháng 2, John dùng tiền công ty trả lương cho Jane $2,500 mỗi hai tuần cho "các dịch vụ tư vấn". Thật ra Jane chẳng tư vấn gì cho công ty cả ngoài việc làm người tình của John. Nhưng chỉ một vài tháng sau thì business của John xuống dốc. Hai người bắt đầu gây gỗ. John nghi ngờ là Jane có qua lại với ông Rivadavia. Jane thú nhận là trước đây hai người đã từng có quan hệ tình dục nhưng đã chấm dứt lâu rồi. Nhưng John đã mất hết lòng tin và quyết định cắt đứt quan hệ tình cảm giữa hai người.

Tòa phán rằng chiếc xe BMW là món quà sinh nhật vô điều kiện. John đã cho rồi thì không đòi lại được. Còn 3 chiếc nhẫn cưới thì trên nguyên tắc đó là quà tặng có điều kiện và Jane phải trả lại. Nhưng khi quyết định chấm dứt quan hệ thì John có gửi email đồng ý là Jane có thể giữ hoặc bán 3 chiếc nhẫn đó. Email đó biến các chiến nhẫn từ món quà có điều kiện trở thành vô điều kiện. John không thể đổi ý và đòi lại.

Riêng cái nhà ở Lilyfield thì ý định của John rõ ràng là mua cái nhà này để hai người sống chung trong một mái ấm gia đình. Việc cho Jane đứng tên là để Jane an tâm cưới John để được hưởng một đời sống tài chánh thoải mái và có nơi cư ngụ ổn định. Đây là món quà có điều kiện và John chưa bao giờ từ bỏ điều kiện kết hôn gắn liền với món quà. Do đó, Jane phải trả căn nhà lại cho John.

Tóm lại, nhẫn cưới nói riêng hay quà cưới nói chung thường là những món quà có điều kiện. Nếu điều kiện không được thỏa mãn thì người nhận phải trả lại quà. Nhưng nếu người tặng không thận trọng thì có thể biến những món quà từ có trở thành vô điều kiện. Đối với những ông không thích kiện cáo thì có lẽ giải pháp tốt nhất là thay vì tặng nhẫn kim cương đắt tiền thì hãy chịu khó đan nhẫn cỏ để lỡ có chia ly thì bỏ nhẫn luôn cho tiện.


Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng