Phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ về hôn nhân đồng tính

 


Credit: library.law.howard.edu

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào ngày 26 tháng 6 năm 2015, Tòa Thượng Thẩm Liên Bang (US Federal Supreme Court) tức Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã ban hành phán quyết hợp thức hóa hôn nhân đồng tính. Trong vụ kiện Obergefell v Hodges, Tòa phán rằng luật của các tiểu bang ngăn cấm hôn nhân đồng tính vi phạm Tu Chính Án 14 và do đó bất hợp pháp. Phán quyết này là một thắng lợi lớn của phong trào ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Theo hệ thống liên bang, luật pháp liên quan tới tình trạng hôn nhân phần lớn thuộc về quyền hạn của các tiểu bang. Trước năm 1996, luật liên bang không cung cấp định nghĩa "hôn nhân" là gì và bất cứ cuộc hôn nhân nào hợp pháp dưới luật của tiểu bang thì cũng được chính quyền liên bang công nhận.

Vụ kiện đầu tiên liên quan tới hôn nhân đồng tính diễn ra vào năm 1971. Trong vụ Baker v Nelson, Tòa Thượng Thẩm Minnesota phán rằng người đồng tính không được quyền kết hôn vì họ không thể sinh đẻ và có khả năng nuôi con như là những cặp vợ chồng khác mà đó là hai yếu tố cần thiết trong nền tảng hôn nhân. Nhưng tới năm 1993 thì Tòa Thượng Thẩm Hawaii trong vụ kiện Baehr v Lewin phán rằng luật cấm hôn nhân đồng tính có thể vi phạm hiến pháp vì lý do kỳ thị hoặc đối xử phân biệt với các cặp đồng tính.  Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trong năm 2004.

Trong vụ kiện United States v Windsor trong năm 2013, nguyên đơn bà Edith Windsor sinh năm 1929 thành hôn hợp pháp với bà Thea Spyer vào năm 2007 tại Ontario Canada. Hôn nhân này được tiểu bang New York nơi họ cư ngụ công nhận vào năm 2008. Thea qua đời trong tháng  2 năm 2009 và để lại tài sản cho Edith. Nhưng Edith bị bắt phải đóng thuế vì dưới Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân Liên Bang (Defence of Marriage Act) 1996, hôn nhân được định nghĩa là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một phụ nữ. Sở thuế bắt Edith phải đóng thuế thừa kế lên tới $363,053.

Edith kháng cáo và Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán rằng Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defence of Marriage Act) vi hiến vì xâm phạm Tu Chánh Án 5 của Hiến Pháp bảo vệ "quyền sống, quyền tự do và sở hữu tài sản không bị tước đoạt tùy tiện".

Trước vụ kiện Obergefell thì hôn nhân đồng tính đã được hợp thức hóa ở nhiều mức độ khác nhau tại 37 tiểu bang trên toàn nước Mỹ. Chỉ có 14 tiểu bang là có luật cấm cấp hôn thú cho hôn nhân đồng tính. Sau vụ kiện này thì tất cả các tiểu bang phải cung cấp hôn thú các cuộc hôn nhân đồng tính.

Đa số những người phản đối hôn nhân đồng tính dựa trên lý do sinh lý học và tín ngưỡng. Họ viện dẫn rằng vợ chồng cần phải sinh đẻ được để duy trì loài người. Con cái phải được sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ thì mới trưởng thành một cách "trọn vẹn". Một số khác lý luận rằng hôn nhân đồng tính đi ngược lại giáo lý tôn giáo của họ. Ngoài ra, chấp nhận hôn nhân đồng tính có nghĩa là thay đổi bản chất của cuộc hôn nhân và có thể dẫn đến tình trạng đa hôn (polygamy) trong tương lai.

Trong khi đó, phong trào ủng hộ hôn nhân đồng tính lập luận rằng luật cấm hôn nhân đồng tính mang tính kỳ thị một nhóm thiểu số trong xã hội như luật cấm hôn nhân khác chủng tộc (interracial marriage). Trong vụ Loving v Virginia (1967), nguyên đơn là Mildred Loving một phụ nữ da đen. Ông Richard Long một người đàn ông da trắng. Họ kết hôn và bị tuyên án tù 1 năm vì vi phạm luật cấm hôn nhân giữa những người da trắng và 'da màu' (colored) của tiểu bang Virginia. Tối Cao Pháp Viện nhất trí phán quyết luật cấm đó là bất hợp pháp vì vi phạm quyền được xét xử theo đúng trình tự pháp lý (due process) và quyền được đối xử bình đẳng trước luật pháp (equal protection).

Về các vấn đề sinh lý học thì nhóm ủng hộ hôn nhân đồng tính trưng dẫn bằng chứng khoa học từ các Hội Bác Sĩ Tâm Thần, Hội Bác Sĩ Tâm Lý, Nhân Viên Xã Hội, Y tá...là các cặp hôn nhân đồng tính cũng thương yêu chung thủy và có khả năng chăm sóc và nuôi con khoẻ mạnh nên người như các cặp vợ chồng khác tính. Trong thời đại y học hiện nay, vấn đề sinh sản bằng phương pháp thụ thai nhân tạo không có gì quá khó khăn. Không có lý do gì phủ nhận các quyền lợi y tế và an sinh xã hội cho các gia đình đồng tính chỉ vì họ là những người đồng tính. Chính vì có sự kỳ thị trong xã hội mà có một số cá nhân và gia đình đồng tính phải chịu nhiều sức ép và trong một số trường hợp dẫn đến hậu quả quyên sinh vì họ không được xã hội chấp nhận.

Trở lại với vụ Obergefell, phán quyết của Tòa là một quyết định đa số với 5 vị thẩm phán đồng ý và 4 vị khác phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Tòa tuyên bố luật cấm hôn nhân đồng tính vi phạm Tu Chính Án 14. Tu Chính Án 14 được thông qua vào ngày 7 tháng 7 năm 1868 và dưới Điều khoản 1 của Tu Chính án này thì không có tiểu bang nào có quyền làm hay áp dụng luật tước đoạt quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản của công dân mà không theo đúng trình tự pháp lý hoặc phủ nhận quyền bình đẳng trước luật pháp đối với công dân.

Thẩm Phán Kenedy nhấn mạnh quyền kết hôn là một quyền căn bản được Hiến Pháp Hoa Kỷ bảo vệ. Đây là một sự lựa chọn cá nhân giữa hai con người tình nguyện cam kết ràng buộc với nhau. Không có sự kết hợp ràng buộc nào cao cả hơn hôn nhân và hôn nhân biểu tượng cho tình yêu tuyệt đối, lòng trung thành và sự hy sinh. Khi hai người kết hôn, họ trở thành một cặp trọn vẹn và có cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn là hai người đơn độc. Họ chỉ muốn được đối xử công bằng như những cặp vợ chồng khác. Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do kết hôn đó của họ. Trong cốt lõi thì hôn nhân đồng tính dựa trên khái niệm bình đẳng trước luật pháp. Gia đình và con cái của các cặp hôn nhân này không bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội cũng như khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Họ có trách nhiệm đóng thuế và được miễn thuế như các cặp vợ chồng khác.

Chánh Án Roberts đại diện cho nhóm bất đồng. Họ cho rằng khái niệm hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một phụ nữ đã có từ thời tiền sử và áp dụng nhất quán khắp mọi nơi và trong mọi văn hóa. Nếu có sự thay đổi để bao gồm các cặp đồng tính thì đó là vai trò của lập pháp chớ không phải của Tòa. Khi thay mặt Quốc Hội làm luật thay đổi định nghĩa hôn nhân có ảnh hưởng đến xã hội thì tòa đã vượt quá quyền hạn tư pháp. Quyền kết hôn không phải là một quyền căn bản được ghi rõ trong Hiến Pháp khi Tu Chính Án 14 được ban hành.

Sự chia rẽ của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho thấy đề tài hôn nhân đồng tính sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi. Một số công chức Hoa Kỳ đã lên tiếng là họ sẽ không tuân thủ cấp hôn thú cho các cặp đồng tính vì điều này trái với lương tâm và tín ngưỡng của họ. Một số ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa cũng đã phát biểu lên án quyết định của Tòa. Dù sao đi nữa thì phán quyết này mang tính lịch sử và sẽ có ảnh hưởng sâu rộng về khái niệm hôn nhân và gia đình trên phương diện quốc tế.

Hôn nhân đồng tính cũng đang là đề tài nóng tại Úc. Đảng Lao Động đã công khai ủng hộ việc công nhận hôn nhân đồng tính. Khác với Hoa Kỳ, Hiến Pháp Úc không có các điều khoản về quyền tự do của công dân nên Tối Cao Pháp Viện Úc không có nhiệm vụ áp dụng hiến pháp trong việc bảo vệ quyền tự do và bình đẳng của các nhóm thiểu số trong xã hội. Vấn đề này sẽ do Quốc Hội Liên Bang quyết định. Lãnh Tụ Đối Lập Bill Shorten đã trình dự luật ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và kêu gọi Thủ Tướng Abbott cho các dân biểu và nghị sĩ Tự Do được biểu quyết 'tự do' (conscience vote). Christine Forster, em gái của Tony Abbott là một người đồng tính và đang vận động cho hôn nhân đồng tính nhưng cho tới bây giờ thì không có dấu hiệu gì cho thấy Thủ Tướng Abbott hoặc chính quyền Liên Đảng sẽ tạo điều kiện cho hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa trong thời gian gần sắp tới.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng