Luật ‘đẻ giùm’
Credit: dailymail.co.uk
Ls Nguyễn Văn Thân
Vào tháng 7 năm 2014, cả thế giới
xôn xao về vụ đẻ mướn tại Thái lan liên qua tới một cặp vợ chồng người Úc. Ông
bà David & Wendy Farnell sinh sống tại Tây Úc. Qua trung gian một trung tâm
cung cấp dịch vụ đẻ mướn tại Thái lan, ông bà Farnell nhờ cô Pattharamon
Chanbua 21 tuổi mang thai và đẻ hộ giùm. Cô Chanbua đã có hai đứa con 6 và 3 tuổi.
Theo một số nguồn tin thì cô Chanbua được trả số tiền khoảng $16,000. Đối với
cô, đây là một số tiền đáng kể có thể giúp cô trong cuộc sống và nuôi 2 đứa con
nhỏ.
Cô Chanbua hạ sinh hai đứa con
song sinh một trai và một gái trong tháng 12 năm 2013. Đứa bé gái tên Pipah thì
khỏe mạnh nhưng bé trai tên Gammy thì mang hội chứng Down (Down syndrome) và bị
bệnh tim bẩm sinh và viêm phổi. Ông bà Farnell mang bé gái về Úc nhưng để lại
Gammy cho cô Chanbua. Theo lời của cô Chanbua thì ông bà Farnell đã tới bệnh viện
chăm sóc bé gái nhưng không bao giờ nhìn mặt hoặc bế ẵm Gammy mặc dù hai đứa bé
nằm cạnh nhau. Cô cũng kể rằng sau khi mang thai được 4 tháng thì bác sĩ cho biết
về tình trạng bệnh tình của Gammy và ông bà Farnell đã yêu cầu cô phá thai
nhưng cô không chịu vì niềm tin Phật giáo của mình. Vì thế, cô quyết định giữ
và nuôi Gammy như chính con ruột của mình.
Sau khi câu chuyện của Gammy
được tung lên công luận thế giới thì một chiến dịch gây quỹ trên mạng đã được
thành lập và đã kiếm được trên $200,000 để giúp cô Chanbua trang trải chi phí y
tế cho Gammy. Nhiều người Úc cũng bày tỏ sự phẫn nộ của mình và theo lời tường
thuật của một số cơ quan truyền thông thì ông Farnell đã từng có tiền án xâm phạm
tình dục trẻ em. Một viễn ảnh đen tối là khi có những những tội phạm tình dục
trẻ em (pedophiles) bỏ tiền ra mướn những người phụ nữ ở những nước nghèo đẻ mướn.
Con cái sinh ra có được sống trong vòng tay bảo bọc an toàn của cha mẹ hay
không hay sẽ trở thành nạn nhân của những vụ xâm phạm tình dục? Một số người đã lên tiếng yêu cầu chính quyền
xem xét lại luật đẻ mướn để phòng tránh trường hợp này có thể xảy ra.
Trong cuộc phỏng vấn với
Chương trình "60 Phút" (60 Minutes) của Đài Truyền Hình số 9 được chiếu
vào tối chủ nhật 10/8/2014, ông bà Farnell phủ nhận cáo buộc của cô Chanbua
là họ đã bỏ rơi Gammy. Họ cũng phủ nhận là đã yêu cầu cô Chanbua phá thai vì bệnh
tình của Gammy nhưng nói rằng họ rất tức giận khi được thông báo trễ là Gammy
bị Down syndrome và họ đã yêu cầu trung tâm dịch vụ đẻ mướn bồi hoàn phí tổn mà
họ đã trả. Ông Farnell cũng nói là nếu biết sớm về tình trạng của Gammy thì chắc
chắn ông đã yêu cầu cô Chanbua phá thai vì không có cha mẹ nào mong muốn có một
đứa con trai bị tật nguyền cả. Ngoài ra, ông Farnell cũng thú nhận là ông đã từng
mang tội xâm phạm tình dục trẻ em nhưng bây giờ không còn thèm muốn làm chuyện ấy
với trẻ em nữa vì ông đã được tư vấn (counselling) trong lúc ở tù.
Luật
Đẻ Giùm
Đẻ giùm có hai loại: thông thường
(traditional surrogacy) và thai nghén (gestational surrogacy). Khi người vợ không
thể thụ thai và sinh con được thì có thể cấy tinh trùng của người chồng vào tử
cung của người phụ nữ đẻ thế. Sau khi sinh xong thì giao con cho cặp vợ chồng.
Trong trường hợp thứ hai (gestational) thì người vợ có thể thụ thai nhưng không
mang bào nhi được vì một chứng bệnh nào đó. Tinh trùng của người chồng và trứng
của người vợ được cấy trong một ống thí nghiệm đến khi trứng kết thai thì đem đặt
vào tử cung của người mẹ đẻ thế. Cặp vợ chồng là cha mẹ ruột và đứa con sẽ mang
vật liệu di truyền (DNA) của họ. Người mẹ
đẻ thế chỉ mang thai và sinh con hộ, rồi giao đứa bé lại cho cha mẹ ruột của
nó.
Đẻ giùm có thể vì mục đích
nhân đạo (altruistic) hoặc thương mại (commercial). Hiện nay thì tất cả các tiểu
bang và lãnh thổ của Úc (trừ Bắc Úc) đều có ban hành đạo luật đẻ giùm. Tiểu
bang NSW, ACT và Queensland cấm đẻ mướn (tức là thỏa thuận trả tiền giữa cặp vợ
chồng và một người phụ nữ khác đồng ý đẻ con giùm). Nếu phạm tội có thể bị phạt
tới $110,000 hoặc án tù hai năm. Luật Đẻ giùm của Tây Úc không có điều khoản
ngăn cấm hợp đồng đẻ mướn.
Đa số các đạo luật đẻ giùm tại
các tiểu bang vẫn còn rất mới mẻ, ví dụ như Đạo Luật Đẻ Giùm tại NSW chỉ mới được
ban hành vào năm 2011. Trong bài phát biểu lần thứ hai (second reading speech)
giới thiệu Dự luật tại Quốc hội Tiểu bang NSW, cựu Bộ trưởng Tư pháp NSW John
Hatzistergos cho biết mục đích của Dự luật Đẻ giùm là tạo điều kiện pháp lý rõ
ràng cho những người liên hệ trong việc thỏa thuận đẻ giùm và để bảo vệ những đứa
con chào đời qua hình thức này. Vào thời điểm đó thì dưới Đạo luật Tư cách Pháp
nhân của Trẻ con (Status of Children Act 1996), cha mẹ của đứa bé là người sinh
đẻ. Có nghĩa là cặp vợ chồng hoặc phối ngẫu (gồm có vợ chồng nam nữ hoặc một cặp
phối ngẫu đồng tính nam (homosexuals) hoặc nữ (lesbians) không phải là cha mẹ của
đứa bé được một người phụ nữ khác đẻ giùm và không có tư cách phụ huynh để xin
Medicare, ghi danh đi học, không xin được tiền phụ cấp (tiền sữa) hoặc passport
cho đứa bé. Trong khi đó, người mẹ đẻ giùm lại phải nhận lãnh mọi trách nhiệm pháp
lý của một phụ huynh. Thông thường thì đứa bé sinh ra sống với và được chăm sóc
bởi cặp vợ chồng hoặc phối ngẫu nhờ đẻ thế nhưng họ lại không có tư cách phụ
huynh trên mặt pháp lý. Mọi việc phải trông cậy vào người mẹ đẻ thế và vì vậy tạo
ta nhiều khó khăn và bất tiện. Nếu hai bên có quan hệ tốt thì không đến nỗi
nào. Bằng không thì đứa bé sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Tuy họ có thể đưa sự
việc rà Tòa án Gia đình nhưng án lệnh của Tòa án Gia đình chỉ có tính cách tạm
thời và sẽ không áp dụng khi đứa bé tới 18 tuổi. Nếu không chứng minh được quan
hệ mẫu tử hoặc phụ tử thì đứa bé có thể mất quyền thừa hưởng gia tài.
Đạo luật Đẻ giùm NSW 2011 cho
phép Tòa Thượng thẩm ban án lệnh chính thức trao quyền phụ huynh từ người mẹ đẻ
thế (surrogate mother) sang cha mẹ thực thụ (intended parents) của đứa bé với
điều kiện là các điều khoản yêu cầu của Đạo luật được tuân thủ triệt để. Thứ nhất,
cha mẹ thực thụ và người mẹ đẻ thế phải có sự thỏa thuận rõ ràng trước khi cấy
tinh trùng thụ thai. Thỏa thuận này phải dựa trên nguyên tắc nhân đạo. Tòa sẽ
không công nhận hợp đồng đẻ mướn. Người mẹ đẻ giùm phải trên 25 tuổi để bảo đảm
họ đủ trưởng thành khi đồng ý chấp nhận quyết định quan trọng này (theo Đạo luật
tương tự tại Victoria thì người mẹ đẻ phải trên 25 tuổi và đã từng sinh con qua).
Tất cả mọi người liên hệ đều phải được tư vấn về mặt tâm lý, tinh thần, tình cảm
và pháp lý. Đơn xin án lệnh phải được nộp lên tòa sau một tháng và trong vòng
sáu tháng từ ngày sinh của đứa bé và phải kèm theo một văn bản báo cáo của chuyên
gia cố vấn độc lập (independent counsellor’s report) là án lệnh chuyển quyền phụ
huynh thật sự có lợi cho đứa bé. Quan trọng nhất là sự đồng thuận của người mẹ
đẻ thế. Tòa sẽ không cấp án lệnh chuyển quyền phụ huynh nếu người mẹ đẻ không đồng
ý.
Đạo luật Đẻ giùm NSW không phải
là chìa khóa giải quyết hết tất cả mọi vấn đề liên quan tới khía cạnh phức tạp
này. Không có điều khoản nào ngăn cấm những người có tiền án xâm phạm tình dục
trẻ em nhờ người khác đẻ giùm. Thông thường thì người đẻ giùm và người nhờ đẻ
giùm là quen thân nhưng không có nghĩa là biết rõ được quá khứ của nhau. Còn
trong trường hợp đứa bé mang tật bẩm sinh và cả hai bên cha mẹ đều không muốn
nhận nuôi thì sao? Hoặc sau khi mang nặng đẻ đau thì người mẹ đẻ đổi ý phá vỡ hợp
đồng và quyết giữ và giành quyền nuôi con thì sao? Trên căn bản thì luật pháp sẽ
dựa vào nguyên tắc quyền lợi của đứa bé là trên hết (the child’s interest is
paramount). Nhưng làm sao để xác định được quyền lợi của đứa bé khi nó vừa mới
chào đời?
Trong thời đại bon chen hiện
nay, người ta có xu hướng kết hôn trễ và sinh con trễ. Đôi khi người vợ để quá
trễ thì khó sinh. Hơn nữa, hôn nhân đồng tính ngày càng được xã hội dễ dàng chấp
nhận. Nhiều cặp phối ngẫu đồng tính cũng thèm có con. Nói chung là nhu cầu đẻ
giùm ngày càng gia tăng. Không phải dễ kiếm người chịu đẻ giùm và luật đẻ giùm
cũng có chỗ sơ hở. Theo chiều hướng này thì sẽ có người sẵn sàng bỏ tiền thuê
những phụ nữ nghèo ở các quốc gia như Thái lan hoặc Ấn độ làm mẹ đẻ mướn. Một số
tiểu bang có luật cấm đẻ mướn nhưng ở nơi khác thì không có. Người nào muốn bỏ
tiền thuê mẹ đẻ mướn có thể dời chỗ ở đến những tiểu bang không cấm như Tây Úc,
Victoria, Nam Úc…Câu chuyện của bé Gammy dù sao cũng đã tạo một ấn tượng tiêu cực
về người Úc. Có lẽ đã đến lúc các nhà làm luật tại các tiểu bang tìm cách phối
hợp với nhau để có một hệ thống luật pháp thuần nhất để những trường hợp tương
tự như bé Gammy sẽ không tái diễn.
Comments
Post a Comment