Không phải đàn ông, chẳng phải đàn bà nhưng cũng không phải là bán nam bán nữ

 

Credit: alvinday.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào tháng 4 năm 2014, Tối cao Pháp viện Úc ban hành một phán quyết quan trọng từ vụ kháng cáo của Sở Hộ tịch NSW (Registry of Births, Deaths and Marriages). Vụ kiện xuất phát từ một người tên là Norrie khi sinh ra ở Tô Cách lan vào năm 1961 là một đứa bé trai. Tới năm 1989 (tức là khi 27 tuổi) thì Norrie tiến hành giải phẫu cắt bỏ dương vật và cho phép bác sĩ tạo ra một âm đạo bán năng (semi functioning vagina) vì Norrie muốn làm rõ ràng giới tính của mình. Tuy nhiên sau khi giải phẫu xong thì Norrie vẫn không cảm thấy mình là “nam” hay “nữ”. Vào ngày 26 tháng 11 năm 2009, Norrie nộp đơn với Sở Hộ tịch NSW xin phép đổi giống thành “Không Xác định” (Non Specific). Lúc đầu thì Sở đồng ý và cấp Chứng chỉ Đổi giống (Certificate of Sex Change) nhưng sau đó rút lại viện dẫn lý do là Sở chỉ có thể cấp giấy đổi giống từ “Nam” qua “Nữ” hoặc ngược lại. Norrie khiếu nại lên Tòa Tài phán Kháng cáo Hành chính NSW (Administrative Appeals Tribunal) nhưng bị Tòa bác đơn. Sau đó Norrie kháng cáo với Tòa Kháng cáo Thượng thẩm NSW và được Tòa Thượng thẩm chấp thuận. Cả 3 vị thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm NSW đều phán rằng giới tính không nhất thiết phải là “nam” hay “nữ”. Sở Hộ tịch không chấp nhận quyết định này và đệ đơn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện là Tòa án cao nhất của Úc. Phán quyết của Tối cao Pháp viện phải được tất cả mọi tòa án liên bang và tiểu bang triệt để tuân thủ.

Trạng sư của Sở Hộ tịch lập luận rằng Đạo luật Hộ tịch 1995 chỉ cho phép Sở ghi nhận và cấp Chứng chỉ Đổi giống trong một trong hai trường hợp: một người nam tiến hành phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục để trở thành một người nữ hoặc ngược lại. Không thể có giống “thứ ba”. Nói một cách khác, giới tính chỉ có hai đó là nam và nữ dưới Đạo luật Hộ tịch. Bằng không thì sẽ tạo ra ngộ nhận và gây nhiều khó khăn cho Sở. Dưới Điều 32A của Đạo luật Hộ tịch, phẫu thuật chuyển đổi giới tính được định nghĩa là một tiến trình y khoa thay đổi bộ phận sinh dục để giúp đương sự được đối xử như là thành viên của một người có giới tính đối nghịch hoặc loại bỏ những đặc điểm không rõ ràng về giới tính của họ. Điều luật này ám chỉ giới tính phải là một trong hai. Cụm từ “giới tính đối nghịch” (opposite sex) ám chỉ khái niệm lưỡng cực hoặc nhị phân. Tuy rằng danh từ “giới tính” (sex) không được định nghĩa rõ ràng trong Đạo luật, nhưng ý nghĩa thông thường của nó là “nam” hoặc “nữ”. Không có chỗ cho giới tính thứ ba. Nếu như Quốc hội muốn ghi nhận sự hiện hữu của giới tính thứ ba thì đã ghi rõ trong Đạo luật. Trong vụ án In the Marriage of C and D (1979), Thẩm phán Bell của Tòa án Gia đình phán quyến rằng một người bán nam bán nữ (hermaphroditus) không phải là đàn ông mà cũng phải đàn bà. Vì vậy, cuộc hôn nhân giữa họ và một người khác không có giá trị pháp lý. Trạng sư của Sở lý luận rằng tạo ra thể loại thứ ba có thể đưa đến tình trạng là những thành phần này sẽ đứng ngoài hệ thống luật pháp. Chứng chỉ Đổi giống không chỉ ghi nhận giới tính riêng biệt của người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến tư cách pháp nhân cũng như quyền hạn và trách nhiệm của người đó trong mối quan hệ với cộng đồng và xã hội.

Trạng sư của Sở Hộ tịch ghi nhận là tình trạng “bán nam bán nữ” được đề cập tới trong Đạo luật Hộ tịch. “Bán nam bán nữ” được hiểu là những người sinh ra với nhiễm sắc thể (chromosomes) không hoàn toàn phù hợp với hai thể loại nam nữ rõ rệt.  Luật Hộ tịch được tu chính trong năm 1996 để ghi nhận tư cách pháp nhân của những người đã tiến hành phẫu thuật đổi giống cũng như cấp giấy khai sinh mới với giới tính mới cho người đó.  Tuy nhiên, luật tu chính này không tạo ra giới tính thứ ba mà chỉ áp dụng cho những trường hợp chuyển đổi giới tính thành “nam” hay “nữ” hoặc ngược lại.

Về phía Norrie thì trạng sư lập luận rằng mục đích và vai trò của Sở Hộ tịch là ghi nhận và đăng bạ ngày tháng năm sinh, ngày chết, ngày thành hôn cũng như giới tính một cách chính xác và trung thật về cá nhân đó. Một sự kiện không ai có thể chối bỏ là hầu hết người ta sinh ra thuộc giống nam hoặc nữ. Nhưng cũng có một thiểu số bán nam bán nữ ví dụ như những người sinh ra là nữ nhưng lại có dương vật hoặc những người sinh ra là nam nhưng lại phát triển nhũ hoa. Đạo luật Hộ tịch ghi nhận là có những trường hợp giới tính con người khi sinh ra không được rõ ràng và vì vậy không có định nghĩa giới tính là nam hoặc nữ. Có những trường hợp sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì người đó sẽ nhận ra mình thuộc về giới tính mới. Nhưng cũng có những trường hợp là sau khi phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục thì người đó vẫn không nhận ra được giới tính của mình. Và họ chỉ muốn Sở ghi nhận giới tính của họ là không xác định vì điều này hoàn toàn chính xác và đúng với sự thật. Một khi Đạo luật đã được tu chính để ghi nhận những người không thuộc vào hai thể loại nam nữ thì không có lý do gì Tòa lại bắt buộc giới tính phải là nam hoặc nữ. Còn nếu bắt buộc giới tính phải là nam hoặc nữ thì dữ kiện lưu trữ của Sở Hộ tịch về giới tính của Norrie sẽ là điều không đúng với sự thật. Cũng nên nói rõ là đơn xin ghi nhận giới tính “Không Xác định” của Norrie có kèm theo chứng chỉ y khoa của hai bác sĩ xác nhận là Norrie không cảm nhận mình thuộc giới nam hay giới nữ. Nếu Sở Hộ tịch cảm thấy lo ngại là việc này sẽ tạo tiền lệ và dẫn đến nhiều trường hợp rắc rối tương tự thì Sở có thể nhờ bác sĩ của Sở để kiểm chứng. Vì Đạo luật Hộ tịch có tính lợi ích (beneficial legislation) nên sự diễn giải các danh từ và cụm từ cũng nên thông thoáng chớ không đặt ra những giới hạn dựa trên thành kiến hoặc định kiến.

Lập luận của Norrie đã được Tối cao Pháp viện chấp thuận. Phán quyết này được đưa ra trong lúc hôn nhân đồng tính đang là một đề tài nóng gây nhiều tranh cãi. Kết quả cụ thể của phán quyết này là luật pháp ghi nhận có người không phải đàn bà cũng chẳng phải đàn ông, nhưng cũng không phải là bán nam bán nữ.

 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng