Nhiều tiền nhưng ít tình thương
Credit: lawanswers.com.au
Ls Nguyễn Văn Thân
Tòa Thượng thẩm Queensland đã
ban hành phán quyết trong vụ kiện Darveniza v Darveniza & Drakos as
Executors of the Estate of Bojan Darveniza vào ngày 18/3/2014.
Trong vụ kiện này, Steven Darveniza kiện Xiao Hong là người mẹ kế trong vai trò
người thi hành di chúc của bố là Bojan Darveniza. Bojan qua đời vào ngày 29
tháng 3 năm 2010 hưởng thọ 78 tuổi. Tài sản của Bojan trị giá khoảng 27 triệu
Úc kim nhưng trong di chúc thì ông không để lại phần nào cho Steven là con trai
trưởng và ba đứa con khác từ mấy đời vợ trước. Thẩm phán Martin của Tòa Thượng
thẩm Qld quyết định chia cho Steven 3 triệu. Đây là số tiền lớn nhất trong lịch
sử các vụ kiện đòi chia gia tài tại Úc.
Thẩm phán Martin mở đầu bài
phán quyết bằng những hàng chữ của văn hào Leo Tolstoy “Tất cả các gia đình có
hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh thì đều có hoàn cảnh bất hạnh
khác nhau”. Bojan sinh năm 1932, kết hôn lần đầu với Lindsay vào năm 1960 và có
với nhau hai đứa con là Steven sinh năm 1961 và Tania sinh năm 1963. Họ ly dị
năm 1967. Sau đó, Bojan sống chung không có giá thú với Jenny Morgan từ 1968 tới
1985 và có ba mặt con: Andre sinh năm 1979 (qua đời năm 1991), Jonathan sinh
năm 1969 và Natasha 1971. Tới năm 1990 thì Bojan tái hôn với một người vợ gốc
Hoa kém ông hơn 30 tuổi là Xiao Hong (Jane) và có thêm ba đứa con với Xiao
Hong. Bojan qua đời năm 2010 và theo di chúc để lại toàn bộ tài sản cho Xieu
Hong. Bốn đứa con của hai đời vợ trước không được hưởng phần nào cả.
Cả bốn người tiến hành nộp đơn
thưa kiện xin chia số gia tài khổng lồ 27 triệu này. Ba người đạt được thỏa thuận
với Xieu Hong và Jonathan đồng ý nhận 3.2 triệu, Tania $2.7 triệu và Natasha
2.85 triệu. Các cuộc thương lượng giữa Steven và Xieu Hong không có kết quả và
vụ kiện diễn ra trong một tuần lễ tại Tòa Thượng thẩm QLD.
Theo Đạo luật Kế thừa QLD thì
thân nhân hoặc những người phụ thuộc có quyền đệ đơn xin chia gia tài nếu họ
không được hưởng bất cứ phần nào tài sản theo di chúc của người quá cố. Tất cả
các tiểu bang khác cũng có luật kế thừa tương tự như vậy. Theo luật thì quan
tòa phải trả lời hai câu hỏi: người quá
cố có để lại tài sản đầy đủ cho thân nhân hoặc người phụ thuộc hay không và nếu
không thì bao nhiêu là đầy đủ?
Để trả lời hai câu hỏi nêu
trên thì tòa phải cứu xét những yếu tố gồm có tình trạng tài chánh của nguyên
đơn, tổng số tài sản của người quá cố, mối quan hệ tổng thể giữa người quá cố
và nguyên đơn, mối quan hệ giữa người quá cố và những thân nhân khác cũng như
những nhu cầu trước mắt và trong tương lai của những người này. Người quá cố
không chỉ có trách nhiệm bảo đảm là thân nhân sẽ có đủ tiền sinh sống mà còn phải
yểm trợ duy trì tiêu chuẩn và mức độ cuộc sống mà họ đang có. Mối quan hệ tổng
thể gồm có những hy sinh đóng góp về tinh thần lẫn thể chất của nguyên đơn để
phục vụ cho đời sống tình cảm, tinh thần và tài chánh của người quá cố.
Theo lời khai của Steven thì bố
mẹ ông ly dị khi ông mới 6 tuổi. Ông ở với mẹ một thời gian ngắn nhưng sau đó
được gửi đi học nội trú. Khi tới 13 tuổi thì Steven bỏ học đi bụi đời và làm những
việc lặt vặt cho một số hãng xưởng. Tới năm 1979 khi đúng 18 tuổi thì Steven trở
về làm việc cho bố. Tuy không có lương nhưng được ăn ở miễn phí. Trong khoảng
thời gian làm việc cho Bojan thì Steven cũng học thêm và lấy bằng phi công dân
sự vào năm 1984. Ông làm phi công cho một số hãng bay nhỏ tới năm 1990. Steven
có nộp đơn xin việc với các công ty lớn như Qantas, Ansett, Cathay Pacific
nhưng đều bị từ chối vì trình độ văn hóa quá kém. Tuy cố gắng học thêm để lấy bằng
tú tài nhưng không thành công. Tới năm 2004 thì Steven bị tai nạn xe cộ và mất
đi 30% khả năng thể chất (whole person impairment). Điều này có nghĩa là Steven
không còn cơ hội theo đuổi giấc mộng làm phi công. Sau khi được bồi thường tai
nạn $700,000, Steven trở thành một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp.
Cũng theo lời kể của Steven
thì Bojan là một nhà kỷ luật khắc nghiệt. Khi lên 7 tuổi thì Steven bị bố đánh
bằng dây lưng vì chạy chơi trên đống cây vụn làm cắt chân. Steven cũng bị bố cầm
viết chì đâm vào đầu vì không biết làm bài học toán. Khi lên 8 thì Steven đã biết
hút thuốc. Bojan áp dụng hình phạt cạo đầu nhưng trong lúc cạo đã lỡ cầm dao cắt
vào cổ của Steven. Ngoài ra thì Bojan thường xuyên đánh đập Steven bằng dây điện,
khúc cây, nhánh cây hoặc cán chổi. Nếu Steven cố tránh né thì càng bị đánh mạnh
hơn. Khi Steven trưởng thành thì Bojan không còn sử dụng nhục hình nhưng vẫn tiếp
tục mắng nhiếc, hạ nhục và khủng bố tinh thần con trai trưởng của mình. Dẫu vậy
nhưng mối quan hệ cha con giữa hai người không hoàn toàn đứt đoạn như dự đoán.
Theo Thẩm phán Martin thì quan hệ tình cảm gia đình và cha con vô cùng phức tạp
mà người ngoài không dễ dàng hiểu thấu.
Rõ ràng là Steven có quyền được
chia gia tài. Vấn đề là nên được chia bao nhiêu vì Steven cũng là một triệu
phú. Khi Bojan qua đời thì tổng số tài sản của Steven trị giá tới $9,785,000 với
số nợ là $5,900,000. Có nghĩa là Steven vẫn có gần 4 triệu. Nói cần tiền để
sinh sống thì Steven không cần và có đủ tài sản để nuôi sống bản thân và gia
đình. Nhưng tòa quyết định chia cho Steven 3 triệu. Có lẽ Thẩm phán Martin đã dựa
vào con số trung bình mà Xiao Hong đã đồng ý trả cho Jonathon, Tania và
Natasha. Hơn nữa tuy tài sản của Steven không nhỏ nhưng nợ cũng quá cao. Nếu thị
trường bất động sản sụp đổ thì số tài sản này có nguy cơ giảm thiểu rất nhiều.
Số tiền 3 triệu không giúp Steven trả hết nợ nhưng sẽ hạ thấp nó ở một mức độ dễ
kiểm soát.
Vụ kiện này kết thúc 4 năm sau
khi Bojan qua đời. Phí tổn pháp lý cho tất cả mọi người trong cuộc có lẽ cũng
lên tới hàng triệu đồng. Đó là chưa kể những câu chuyện thầm kín trong gia đình
phải đưa ra công luận. Không biết ở dưới ba tất đất thì Bojan sẽ nghĩ thế nào
vì ông không có cơ hội trả lời những cáo buộc đưa ra trước tòa. Bài học cho tất
cả mọi người là nên cẩn trọng khi làm di chúc. Ai cũng có thể soạn ra được tờ
di chúc nhưng nếu không tuân thủ theo đúng luật pháp thì có thể dẫn đến tranh tụng
phiền phức và tốn kém cho những người thân của mình.
Comments
Post a Comment