Khi chết để...Facebook lại cho ai

Credit: thedrum.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Hồi tháng 8 năm 2014, diễn viên hài nổi tiếng Robin William tự tử để lại bao nhiêu thương tiếc cho nhiều người mến mộ. Mọi người con nhớ vai diễn để đời của ông trong bộ phim "Mrs Doubtfire" khi ông đóng vai giả một bà già ở thuê vì không nỡ xa con sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Với người Việt thì vai người lính hạ sĩ không quân đến Việt Nam làm xướng ngôn viên cho Đài Phát Thanh Quân Đội Hoa Kỳ trong phim “Good Morning Vietnam” để lại một vài ấn tượng sâu sắc. Tuy bộ phim có mang một thông điệp phản chiến nhưng với lối diễn xuất độc đáo tự ứng biến thì William đã nhận được giải Quả Cầu Vàng và được đề cử giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Đường đời thật không bao giờ bằng phẳng. Đệ nhất danh hài làm cho hàng triệu người không nhịn cười được lại mang chứng bệnh trầm cảm mà không ai biết. Mỗi động tác, lời nói khiến cho khán giả vui sướng say mê che dấu cả một thế giới đen ngòm của người diễn viên tài hoa bạc mệnh.

Đã thế cái chết cũng tạo ra điều không hay là có sự tranh chấp tài sản của ông giữa người vợ sau và mấy đứa con từ các đời vợ trước. Có một điểm đáng chú ý là trong di chúc, ông chỉ định là không cho phép bất cứ ai sử dụng hình ảnh và tên tuổi trong 25 năm sau khi qua đời. Có nghĩa là không có ai có quyền sử dụng tên, hình và phim của ông trong bất cứ đoạn phim hoặc clip quảng cáo nào cho tới năm 2039. Một trong những lý do được nêu ra là vì ông không muốn những người kế thừa phải bị đóng thuế quá nặng. Trong tháng 2 năm 2014, Sở Thuế Hoa Kỳ đã tiến hành kiện gia đình Michael Jackson đòi 500 triệu Mỹ Kim tiền thuế từ việc họ cho phép sử dụng đĩa nhạc và phim ảnh của ông hoàng nhạc pop.

Quyết định kỳ quặc này của Robin William cũng đưa ra câu hỏi: chuyện gì xảy ra với các trương mục Email, Facebook, Tweeter, Linked in, Itunes khi chúng ta qua đời? Mình có muốn các trương mục này được đóng lại không? Nhưng nếu không để lại mật mã thì làm sao đóng?

Theo ước lượng của các chuyên gia thì hiện nay đang có hơn 1.3 tỷ người sử dụng Facebook mà trong đó có khoảng 30 triệu đã qua đời. Dựa trên các con số này thì cứ mỗi phút có 3 người sử dụng Facebook từ trần. Cách đây vài năm, Facebook tiến hành áp dụng chính sách đối với người chết. Gia đình có hai sự lựa chọn. Một là đóng trương mục. Facebook sẽ xóa và đóng trương mục vĩnh viễn. Hoặc có thể chọn giữ nhưng không cho trương mục hoạt động. Công ty sẽ cho trương mục ngưng hoạt động và chỉ có những người thân quen truy cập được trương mục của người quá cố. Nhưng bạn bè và gia đình vẫn có thể gửi những lời chia buồn thương tiếc lên trang nhà. Nếu muốn, người quá cố có thể cho phép người thi hành di chúc tải xuống chi tiết và hình ảnh từ trương mục của họ nhưng người thi hành sẽ không truy cập vào được trương mục để đọc những tin nhắn riêng. Để làm những việc này thì công ty yêu cầu người thân cung cấp bằng chứng ví dụ như những lời phân ưu hoặc các bài báo xác nhận cái chết của người quá cố. Nhân viên của Facebook sẽ kiểm chứng xem trương mục có hoạt động gì trong thời gian qua hay không. Nếu mọi việc được chứng minh rõ ràng thì Facebook mới tiến hành với sự lựa chọn của gia đình.

Tương tự như vậy, người thân có thể yêu cầu Google đóng trương mục gmail của người quá cố. Phải cung cấp chứng từ gồm có giấy khai tử. Nhân viên Google sẽ duyệt xét đơn và cho biết kết quả cũng như những bước kế tiếp. Trong tháng 4 năm 2013, Google ban hành Inactive Account Manager để giúp những người sử dụng Gmail hoạch định tương lai cho cuộc sống “ảo” của họ sau khi họ từ trần. 

Thông thường thì khi làm di chúc, người ta chỉ lo để lại tài sản ở trần thế như nhà cửa, cổ phần, xe cộ, tiền bạc trong các tài khoản ở ngân hàng, tiền hưu bổng chớ không nghĩ tới tài sản trong thế giới ảo như Email, Facebook, hình ảnh điện toán (digital photos). Nhưng những chi tiết cá nhân được lưu giữ trên các trương mục truyền thông xã hội không chỉ gợi lại sự đau buồn, thương tiếc cho gia đình, bè bạn mà còn là cơ hội cho kẻ gian ăn cắp nhân thân (identity fraud). Ngoài ra, có một số người ác ý (trolls) chuyên để lại những lời bình phẩm tệ hại về người quá cố mà họ không có cơ hội giải thích hoặc đáp trả.

Nhưng cũng có người muốn tiếp tục “phát biểu ý kiến” sau khi qua đời. Cách đây không lâu, có một công ty đã giới thiệu một cái Twitter Ap mới gọi là LivesOn. Dịch vụ này sử dụng các công thức toán học để thẩm định tư duy của người quá cố qua sinh hoạt trên mạng của họ và tự động cho người chết 'đóng góp ý kiến' dựa trên các công thức toán học này. Châm ngôn của công ty là “Khi tim ngừng đập nhưng bạn vẫn tiếp tục lên tiếng” (When your heart stops beating, you’ll keep tweeting). Dịch vụ này tạo ra nhiều đề tài tranh luận về triết lý cũng như đạo lý. Người sống thì sân si đã đành, đến chết rồi mà vẫn còn muốn tiếp tục tranh cãi. Cứ thử tưởng tượng những người có vợ hoặc chồng thuộc loại hay cằn nhằn, nói dai. Tưởng đâu khi chết là hết bị tra tấn nhưng không phải như vậy. Mỗi khi mở máy lên thì lại bị nghe...cằn nhằn tiếp. Có nghĩa là người đã chết mà vẫn chưa hết chuyện! Và cũng mong là Tổng thống Trump không sử dụng dịch vụ này. Bằng không thì thế giới sẽ không có ngày nào yên ổn!

Theo một cuộc thống kê thì tại Úc có 9 trên 10 người là có trương mục truyền thông xã hội. Trong số này thì có tới 83% là không có nghĩ tới việc cho phép gia đình quản lý các trương mục khi họ qua đời. Chỉ có 3% số người lập di chúc có đề cập tới việc quản lý các trương mục truyền thông xã hội. Một vài luật sư chuyên môn về luật di chúc và kế thừa đã đề nghị là khi làm di chúc thì nên liệt kê hết tất cả các trương mục truyền thông xã hội cùng với tên sử dụng (username) và mật mã (password) và ủy thác cho một người nào đó quản lý các trương mục này. Nhưng đừng ghi những chi tiết này vào tờ di chúc mà nên để riêng trong một văn bản khác vì tờ di chúc cần phải nộp cho tòa trong đơn xin kế thừa. Hiện nay, luật pháp tại Úc không cho phép người thi hành di chúc có quyền quản lý tài sản ảo của người quá cố. Không chỉ các trương mục truyền thông xã hội mà ngay cả cơ sở kinh doanh trên mạng (online business) hoặc bitcoins của người quá cố sẽ bị gặp trở ngại nếu không có hoặc không ghi rõ trong di chúc.

Cách đây một năm, luật sư Pouyan Afshar thành lập công ty eClosure để giúp tư vấn cho thân nhân của người quá cố về đời sống mạng của họ. Khi còn sống thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mở ra trương mục truyền thông xã hội nhưng khi chết thì việc đóng lại vô cùng khó khăn. Ví dụ như có một gia đình ở Queensland có đứa con trai tự tử hồi năm ngoái muốn mở gmail của nó nhưng không được vì không có án lệnh của tòa án bên Mỹ. Google có trụ sở ở California. Nếu phải qua Mỹ để xin án lệnh của tòa thì lại quá tốn kém. Trong khi đó thì trương mục của người chết vẫn tiếp tục hoạt động. Bạn bè và thân nhân vẫn nhận được thông báo sinh nhật và những tin tức cập nhật khác của người quá cố làm cho gia đình rất là đau khổ.

Trong những trường hợp như vậy, gia đình hoặc thân nhân có thể sử dụng eClosure. Trả phí tổn $199 là công ty sẽ tiến hành đóng 5 trương mục căn bản gồm có Facebook, LinkedIn, Pinterest, Twitter và Google.

Tóm lại, sinh, lão, bệnh, tử không ai tránh khỏi nhưng trong thời đại này khi nhân loại văn minh vượt bực thì có viễn ảnh là con người có thể thoát khỏi kiếp luân hồi và trở thành trường sanh bất tử về mặt đời sống ảo. Nhưng không biết lúc đó thế giới ảo có đủ chỗ chứa hay không? Và liệu tham, sân, si trong cái thế giới đó có khác biệt gì ở nơi trần thế hay không?

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng