Khi 25 triệu chỉ là tiền lẻ


Credit: willshub.com.au 

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào ngày 26/2/2015, Tòa Thượng Thẩm Tây Úc đã ban hành phán quyết cho một cô gái 19 tuổi được thừa hưởng 25 triệu từ gia tài của người cha quá cố. Đây là số tiền lớn nhất mà tòa ấn định trong lịch sử các vụ kiện chia gia tài tại Úc.

Nguyên đơn là Olivia Mead. Cô là đứa con rơi của ông Michael Wright một tỷ phú ở Perth. Ông Wright chết trong năm 2012 thọ 74 tuổi. Bố của ông là Peter Wright, đối tác của Lang Hancock. Cả hai người trở thành tỷ phú sau khi hợp tác làm ăn chung khai thác quặng mỏ trong khu vực “đất đỏ” Pilbara tại Tây Úc.

Michael Wright có tổng cộng 4 người vợ và cả 4 người đều còn sống. Ông đã ly dị với 3 bà vợ trước. Cho tới khi ông mất thì mọi người chỉ biết ông có 3 đứa con với bà vợ thứ hai là Leonie 43 tuổi, Alexandra 41 tuổi và Myles 36 tuổi.  Sau đó người ta mới biết là ông cũng có một đứa con rơi là Olivia. Sau khi ly dị người vợ thứ ba, ông có một cuộc tình ngắn với nhạc sĩ Elizabeth Mead. Olivia chào đời trong năm 1996. Khi cô 5 tuổi thì có thử DNA xác nhận cô là con gái của Michael.

Gia tài của Michael khi ông chết trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trong di chúc, ông để lại một số tài sản cho cho bà vợ thứ tư nhưng hình như không đủ nên bà đã đệ đơn lên tòa kiện người thi hành di chúc của ông. Nhưng hai bên điều đình thành công và chắc là bà đã được trả thêm một số tiền để ngưng vụ kiện. Myles, con trai duy nhất của ông là một nhạc sĩ thích có một đời sống tự lập và theo di chúc thì chỉ được hưởng khoảng 18 triệu. Hai người chị là Leonie và Alexandra theo ông làm ăn nên mỗi người được hơn 400 triệu. Riêng Olivia thì được hưởng quyền lợi dưới dạng ủy thác (trust) trị giá khoảng 3 triệu. Cô cho rằng số tiền này không đủ cho cuộc sống của cô và xin tòa ban cho 12 triệu. Cô liệt kê nhu cầu đời sống gồm có cô muốn mua một căn nhà khoảng 2.5 triệu, đàn dương cầm “pha lê” trị giá khoảng 1.5 triệu, đàn bass guitar nạm vàng và kim cương khoảng 250 ngàn. Cô có ý định lập gia đình và có 4 đứa con. Chi phí tổ chức đám cưới dự trù khoảng 100 ngàn. Mỗi năm cô cần 40 ngàn để đi du lịch, 20 ngàn để nuôi thú vật như chó, thỏ, chim và cá, 10 ngàn để sắm quần áo theo mốt thời trang, 5 đôi giày hiệu mỗi đôi tốn 5 ngàn và 20 đôi giày thường mỗi đôi tốn 300 đô. Dĩ nhiên cô cũng cần tiền mua một chiếc xe Audi A4 và Toyota Tarago chở mấy đứa nhỏ sau khi cô sanh con.

Theo lời kể của Olivia thì cha cô tuy là tỷ phú nhưng lại rất keo kiệt với mẹ con cô. Mỗi năm ông đóng tiền phụ cấp khoảng 20 ngàn (tức chưa tới 400 đô một tuần). Tuy là ông có trả tiền học phí cho cô nhưng mẹ con cô nghèo phải đi thuê nhà dọn tới dọn lui mà ông không bao giờ nghĩ tới việc mua một căn nhà cho mẹ con cô ở. Cô lớn lên trong gia đình của một bà mẹ đơn chiếc thiếu hẳn tình thương và vắng bóng người cha. Thỉnh thoảng ông mới ghé thăm cô. Ông cố tình không muốn dành thời gian nhiều với cô. Khó mà ai có thể ngờ được cô là đứa con gái của một tỷ phú giàu nhất nhì tại Tây Úc.

Câu hỏi đặt ra là tài sản trị giá 3 triệu đô dưới dạng ủy thác mà Michael Wright để lại cho Olivia có đầy đủ hay không? Để trả lời câu hỏi này thì tòa phải cứu xét một số yếu tố chẳng hạn như tổng giá trị tài sản của người quá cố để lại là bao nhiêu, mối quan hệ giữa người quá cố và nguyên đơn là như thế nào cùng với hoàn cảnh và những nhu cầu chính đáng của nguyên đơn. Ngoài ra nguyên đơn có làm chuyện gì bậy bạ hay không có thể dẫn đến hậu quả là mất quyền thừa hưởng.

Trong trường hợp này, tòa phán rằng tài sản trị giá khoảng 3 triệu để lại cho Olivia không đạt đủ tiêu chuẩn pháp lý. Thứ nhất là số tài sản này nằm dưới dạng ủy thác và nhân viên thụ thác có quyền quyết định cho hay không cho trước khi Olivia tới 30 tuổi. Hơn nữa, dưới các điều khoản ủy thác, nhân viên thụ thác có quyền tước đoạt quyền thừa hưởng nếu Olivia phạm tội uống rượu lái xe, hoặc hút cần sa, hoặc giao du với những thành phần như vậy, hoặc bị nghi ngờ là có quan hệ với những thành phần đó mà không cần chứng minh gì cả. Ngoài ra, Olivia sẽ mất quyền thừa hưởng nếu cô cải đạo theo một tôn giáo khác ví dụ như Phật Giáo hoặc Hồi Giáo.

Kết cuộc, tòa phán cho Olivia được hưởng 25 triệu, tức nhiều hơn gắp đôi con số 12 triệu mà cô đòi hỏi. Tòa nhấn mạnh đây là một trường hợp bất thường vì số tài sản của người cha quá cố quá to lớn. Từ 3 đến 25 triệu nghe có vẻ nhiều nhưng đối với hai cô con gái mỗi người hưởng hơn 400 triệu thì con số này chỉ là tiền lẻ mà thôi. Hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tài sản của họ. Tòa cũng không đặt tiêu chuẩn công bằng trong phán quyết này vì nếu công bằng thì tài sản nên được chia đều cho 4 đứa con mỗi đứa 250 triệu. Nhưng tòa không làm được việc đó mà chỉ có thể điều chỉnh theo đúng luật pháp. Câu hỏi là trong trường hợp này, một người làm di chúc công minh và sáng suốt sẽ quyết định thế nào? Có thể là họ sẽ quyết định cho một phần tài sản đáng kể để bảo đảm cho con gái của mình không cần phải lo lắng về vấn đề tiền bạc hay không? Ngoài ra, con số 25 triệu trong trường hợp này có quá đáng hay không từ cái nhìn của công chúng? Tuy nó là một con số to lớn nhưng tính ra thì chỉ có 2.5% tổng giá trị tài sản của người quá cố. Kết quả thực tế của phán quyết này là nó không ảnh hưởng chút xíu nào đến số gia tài khổng lồ mà Leonie và Alexandra thừa hưởng nhưng bảo đảm là đứa em gái cùng cha khác mẹ với họ sẽ có một tương lai tài chính vững vàng.

Leonie và Alexandra đã quyết định kháng cáo phán quyết này. Trước đây, họ đã hứa là sẽ cố gắng giải quyết vấn đề nội bộ một cách êm đẹp khi nhìn thấy cảnh gia đình bà tỷ phú Gina Rinehart tranh chấp và phơi bày mọi thứ trước pháp đình. Không hiểu sao chỉ có mười mấy triệu mà họ lại nhất quyết chiến đấu tới cùng? Họ nói vấn đề không phải là tiền bạc mà vì họ muốn thực thi ý nguyện của người cha quá cố. Ho khai rằng Michael Wright là một nhà kỷ luật cứng rắn. Ông muốn con cái phải tự lập. Khi ông triệu tập các phiên họp gia đình thì đều có chương trình nghị sự và biên bản hẳn hòi để không ai có thể lôi thôi nói đi nói lại. Khoảng một năm trước khi qua đời, Michael tham dự một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền thanh ABC tại Perth. Khi được hỏi là nếu có thể thay đổi được cuộc đời của mình thì ông sẽ làm việc gì, ông trả lời rằng là “tôi sẽ thay đổi cha mẹ tôi”. Ông nói cha ông là một người mánh khoé còn mẹ ông là một bà mẹ hung hãn mà ông không bao giờ thương yêu. Ông đổi thừa cha mẹ cho sự thiếu sót trong vai trò phụ huynh của chính mình. Ông biện bạch là ông không bao giờ ngồi đọc sách cho con cái vì cha mẹ ông không bao giờ làm vậy đối với ông.

Không biết Olivia nghĩ sao? Cô có muốn thay đổi cha hay không? Liệu số tiền 25 triệu có phần nào giảm đi nỗi buồn thiếu vắng người cha hay không? Đâu có ai lựa chọn được cha mẹ hay con cái. Michael là một tỷ phú có thể mua bất cứ thứ nào. Đáng tiếc là ông không mua được người thay thế cha mẹ của ông.

Cách đây không lâu, báo chí Việt ngữ có tường thuật về vụ ông tỷ phú Trần Đình Trường qua đời ở Mỹ để lại gia tài hơn 100 triệu Mỹ kim. Ông có tổng cộng 5 người vợ và 16 người con nhưng không để lại di chúc. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Hà Tĩnh. Năm 1950, ông lấy bà vợ đầu và có 4 mặt con. Sau 1954, ông bỏ vợ con di cư vào Nam và lấy thêm 4 bà khác. Tới cuối tháng 4 năm 1975 thì ông mang cả đoàn bầu thê tử di tản và định cư tại Hoa Kỳ với mấy cái vali tiền và vàng. Theo báo chí tường thuật thì hồ sơ tranh chấp đang được luật sư các bên thụ lý. Cho tới bây giờ thì tất cả mọi người liên quan tới vụ kiện tranh chấp tài sản đều từ chối trả lời phỏng vấn với báo chí dù họ đã nộp cả núi tài liệu với tòa. Không biết kết quả sẽ như thế nào? Nghĩ ra thì giàu quá cũng không hẳn là tốt. Người giàu của thường hay nghèo lòng vì lúc nào cũng sợ có kẻ khác hoặc người thân chiếm đoạt tài sản của mình. Có người không dám lấy vợ hoặc chồng vì sợ bị chia của. Bằng không thì khi qua đời cũng thường hay để lại nhiều hệ lụy tranh chấp cho thân nhân và gia đình.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng