Giấy ủy quyền và giám hộ

 


Credit: luchetti.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Trong đời sống của người cao niên thì có 3 văn kiện pháp lý quan trọng là di chúc, giấy ủy quyền và giấy giám hộ. Khi làm di chúc thì chúng ta đề cử người đại diện pháp lý thu thập và phân chia tài sản theo đúng ý nguyện của mình sau khi qua đời. Di chúc chỉ có hiệu lực khi người làm di chúc mãn phần. Trong khi đó thì giấy ủy quyền và giấy giám hộ chỉ có giá trị pháp lý khi người làm còn sống. Giấy ủy quyền cho phép người thụ ủy (attorney) được quyền ký kết hoặc quyết định mọi vấn đề tài chánh (financial affairs) thay mặt cho người ủy thác (principal). Mặt khác, giấy giám hộ (appointment of guardian) đề cử người giám hộ quyết định mọi việc liên quan tới đời sống và sức khỏe của người đề cử. Cả hai loại văn kiện này đều mất hiệu lực khi người ủy thác hoặc đề cử qua đời. Các văn kiện này cũng mất giá trị pháp lý khi người làm mất khả năng nhận thức trừ khi họ làm giấy ủy quyền dài hạn (enduring power of attorney) hoặc giấy giám hộ dài hạn (enduring appointment of guardian).

Theo các con số thống kê thì dân Úc ngày càng lão hóa và có nhu cầu sử dụng giấy ủy quyền và giám hộ dài hạn. Tuổi trung bình của người Úc tăng từ 32.7 trong năm 1992 tới 37.4 trong năm 2012. Cũng trong khoảng thời gian này thì số người ở tuổi 65 tăng từ 11.5% tới 14.2% dân số. Chỉ trong 12 tháng từ 30/6/2011 tới 30/6/2012 thì số người ở tuổi trên 65 tăng hơn 134,700 người lên tới 3,250,000 người. Con số này được phỏng đoán là sẽ tăng gấp đôi tới 6,500,000 người trong năm 2042 và tương đương với một phần tư dân số. Xu hướng không sinh đẻ nhiều con và con cái không sống chung với cha mẹ trong tuổi già vẫn tiếp tục. Những người lớn tuổi, nhất là từ 80 trở lên có nhiều nguy cơ bị lẫn, mất trí nhớ hoặc tai biến mạch máu não.  Nhìn từ góc cạnh nào thì cũng không thể chối cãi được là tỷ lệ người cao niên ngày càng gia tăng và đòi hỏi sự hỗ trợ về mặt quản lý tài chánh và đời sống sức khoẻ. Cộng đồng người Việt cũng không ngoại lệ.

Giấy ủy quyền

Giấy ủy quyền là một văn kiện khá đơn giản được ký bởi người ủy thác cho phép người thụ ủy quản lý và điều hành tài sản hoặc có những quyết định tài chính thay mặt cho ngưởi ủy thác. Khi ký giấy ủy quyền thì người ủy thác phải còn khả năng nhận thức. Người ký phải hiểu được ý nghĩa pháp lý của giấy ủy quyền. Nếu không chắc chắn là có khả năng nhận thức hay không thì cần phải có chứng chỉ của bác sĩ. Giấy ủy quyền có thể giới hạn ví dụ như chỉ chỉ thị thi hành một công tác nào đó hoặc chỉ có hiệu lực trong lúc người ký vắng mặt ở nước ngoài hoặc trong một khoảng thời gian cố định. Giấy ủy quyền không có giới hạn cho phép người thụ ủy ký kết và làm tất cả chuyện gì người ủy thác có thể làm được. Nếu đụng chạm tới bất động sản ví dụ như mua bán hoặc thuê mướn thì cần phải đăng ký giấy ủy quyền với Sở Nhà đất. Đối với những người lớn tuổi mang bệnh đi lại khó khăn, họ có thể ký giấy ủy quyền cho phép người thân thay mặt liên lạc với Centrelink, rút tiền ở ngân hàng, trả bill điện, điện thoại và làm tất cả mọi việc liên quan tới tài chánh.

Người ủy thác có thể hủy bỏ giấy ủy quyền bất cứ lúc nào ngoại trừ trong một vài trường hợp đặc biệt khi họ ký giấy ủy quyền không thể thu hồi (irrevocable) cho phép ngân hàng hoặc chủ đất được quyền thay thế ký giấy bán hoặc sang nhượng tài sản khi người vay hoặc thuê vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này thì người thụ ủy có thể hành động ngược lại với quyền lợi hoặc chỉ thị của người ủy thác.

Tổng quát mà nói thì người thụ ủy có trách nhiệm thi hành đúng chỉ thị và hành xử vì quyền lợi tối ưu cho người ủy thác. Người thụ ủy không được quyền sử dụng giấy ủy quyền để hưởng lợi riêng trừ khi giấy ủy quyền cho phép. Không được dùng giấy ủy quyền để làm hoặc ký di chúc. Nếu muốn, người ủy thác có thể cho phép người thụ ủy được quyền tặng quà hoặc tiền cho các quỹ từ thiện trong một mức độ hợp lý  so với tài sản của người ủy thác.

Người ủy thác có thể cho phép người thụ ủy được quyền chi trả những phí tổn căn bản trong tiến trình thi hành công tác thụ ủy. Nhưng nếu người thụ ủy tự trả cho mình quá nhiều thì có thể vi luật. Trong vụ Re R (2000), người thụ ủy quyết định cho chính họ mượn 4 triệu đồng không lãi, viện dẫn lý do là họ chỉ tiếp tục kế hoạch giảm thiểu thuế cho người ủy thác. Nhưng Thẩm phán Young của Tòa Thượng thẩm NSW đã phán quyết là hành vi này đi ngược lại quyền lợi tối ưu của người ủy thác. Trong vụ Moylan v Rickards (2010), mấy đứa con của người ủy thác dùng giấy ủy quyền dài hạn bán đi căn nhà ở của người ủy thác. Sau khi đóng tiền phí tổn cho viện dưỡng lão, họ tự tặng cho họ số tiền còn lại viện dẫn lý do là bằng không thì người ủy thác có thể mất tiền trợ cấp người già và trợ cấp phí tổn thuốc men. Lý lẻ này không được tòa chấp thuận vì họ không bao giờ liên lạc hoặc đặt câu hỏi với Centrelink về tiền trợ cấp.

Người thụ ủy phải làm đúng chỉ thị và không được vượt quá quyền hạn cho phép. Trong vụ Watson v Watson (2002), người thụ ủy tự bán căn nhà ở cho chính mình. Việc này đi ngược lại ý nguyện của người ủy thác là tất cả con cái được quyền tiếp tục ở trong căn nhà và sau khi bán thì phải chia đồng đều cho mấy đứa con của họ.

Theo thông luật thì giấy ủy quyền đương nhiên hết hiệu lực khi người ủy thác mất khả năng nhận thức. Đạo luật Ủy quyền (Power of Attorney Act) cho phép người ủy thác ký giấy ủy quyền có hiệu lực ngay cả khi họ mất khả năng nhận thức nếu hội đủ 3 điều kiện. Thứ nhất là giấy ủy quyền ghi rõ là nó sẽ vẫn còn hiệu lực sau khi người ủy thác mất khả năng nhận thức. Thứ hai là giấy ủy quyền phải được chứng nhận bởi một nhân chứng có thẩm quyền gồm có luật sư, trạng sư, nhân viên chuyển nhượng có đăng ký môn bài (licenced conveyancer), dự thẩm tòa án địa phương hoặc nhân viên của NSW Trustee & Guardian. Thứ ba là nhân chứng nêu trên phải ký một chứng chỉ xác nhận là họ đã giải thích ý nghĩa của giấy ủy quyền dài hạn cho người ủy thác và người ủy thác hiểu được văn kiện này trước khi quyết định ký.

Tòa Tài phán Giám hộ (Guardianship Tribunal) và Tòa Thượng Thẩm có thể duyệt xét mọi giấy ủy quyền dài hạn và nếu cần sẽ ra án lệnh truất phế người thụ ủy, đề cử người thụ ủy mới hoặc yêu cầu người thụ ủy cung cấp chi tiết hoặc kế hoạch quản lý tài chính. Ngoài ra trong trường hợp có người thình lình mất khả năng nhận thức ví dụ như vì vừa trải qua một cơn tai biến mạch máu não thì tòa cũng có thể ra án lệnh cho phép người thân hoặc NSW Trustee & Guardian (một cơ quan thụ thác của chính quyền) đứng ra quản lý tài sản cho người ủy thác.

Giấy giám hộ

Bất cứ ai cũng có thể ký giấy giám hộ đề cử người đại diện quyết định mọi vấn đề về đời sống và sức khỏe cho mình sau khi mất khả năng nhận thức. Tương tự như giấy ủy quyền, giấy đề cử giám hộ dài hạn sẽ vẫn còn hiệu lực ngay cả khi người trao quyền giám hộ mất khả năng nhận thức ví dụ như vì bị lẫn hoặc mất trí nhớ hoặc bị chấn thương sọ não. Giấy đề cử giám hộ chỉ có hiệu lực khi người ký mất khả năng về cơ thể hoặc tri thức và không tự lo được cho đời sống và sức khoẻ của họ. Bác sĩ chuyên môn về thần kinh tâm lý sẽ quyết định khi nào người đề cử mất khả năng nhận thức.

Người giám hộ có quyền đồng thuận chữa bệnh hoặc chữa răng để bảo vệ sức khỏe cho người đề cử. Ngược lại, người giám hộ cũng có quyền từ chối các hình thức điều trị mà họ cho là không tốt cho người đề cử. Tuy nhiên, bác sĩ không cần có sự đồng thuận khi phải cứu mạng bệnh nhân hoặc để giải cứu  bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Người giám hộ có quyền quyết định chỗ ở của người đề cử gồm có quyết định có đưa vào viện dưỡng lão hay không. Có mướn y tá hoặc người tới nhà dọn dẹp vệ sinh hoặc đi chợ giùm hay không? Hình thức giải trí thế nào? Hình thức trị bệnh thế nào kể cả hình thức chăm sóc cuối đời. Sinh hoạt hàng ngày ra sao kể cả nhu cầu tâm linh và văn hóa.

Người đề cử có thể đề cử một hoặc nhiều người giám hộ, đại diện và hành xử chung (jointly) hoặc riêng (severally) hoặc dự bị (alternate). Nếu đề cử nhiều người đại diện chung thì tất cả phải đồng thuận với nhau. Việc này có thể tạo khó khăn nếu cần có quyết định khẩn cấp ngay trong bệnh viện vào lúc 3 giờ sáng. Nếu riêng thì cũng có thể tạo ra nhiều vấn đề ví dụ như người thứ nhất mới vừa có một quyết định quan trọng thì người thứ hai lại làm hoàn toàn ngược lại. Nếu đề cử người dự bị thì họ chỉ được quyền đại diện sau khi người giám hộ đầu tiên từ chức hoặc qua đời.

Giấy ủy quyền giám hộ sẽ bị hủy bỏ khi người đề cử (trong lúc còn khả năng nhận thức) quyết định hủy, hoặc khi người đề cử thành hôn, hoặc khi người giám hộ từ chức hoặc khi Tòa tài phán ra án lệnh đình chỉ hoặc hủy bỏ giấy ủy quyền giám hộ. Tòa án cũng có quyền tái duyệt thường xuyên xem người giám hộ có làm đúng trách nhiệm hay không. Toà có thể truất phế và đề cử người giám hộ mới cùng với những chức năng cụ thể cho người giám hộ mới. Thông thường thì thời hạn lúc đầu sẽ là 1 năm. Sau đó có thể gia hạn mỗi 3 năm hoặc 5 năm.

Tóm lại, giấy ủy quyền và giấy đề cử giám hộ cùng với di chúc là các văn kiện pháp lý quan trọng đối với người cao tuổi. Mỗi người đều có hoàn cảnh và đời sống khác nhau. Có thể có người không cần có tờ giấy nào hoặc chỉ một hoặc cả 3 văn kiện. Điều quan trọng là chỉ có thể ký các văn kiện này khi còn khả năng nhận thức. Một khi mất khả năng nhận thức (ví dụ như qua một cơn tai biến mạch máu não) thì không làm được nữa. Muốn có người giám hộ thì phải đưa sự việc ra tòa để xin án lệnh đề cử. Nếu không có sự đồng thuận của tất cả con cái hoặc thân nhân trong gia đình thì có thể dẫn đến tranh tụng với nhiều tốn kém và xung đột không cần thiết.

 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng