Con và con ghẻ trong di chúc
Credit: probatestars.com
Ls Nguyễn Văn Thân
Trong một vụ kiện tại Tòa Thượng
thẩm NSW trong tháng 4 năm 2014 (Warton v Yeo [2014] NSWSC 494), tòa đã nhắc lại
tầm quan trọng về việc sử dụng từ ngữ rõ ràng trong di chúc để tránh kiện tụng
không cần thiết. Justin Callaghan mất ngày 30 tháng 12 năm 2011. Ông làm di
chúc sau cùng vào ngày 25 tháng 8 năm 1994.
Ông có một người chị gái tên
là Ailsa. Ailsa lấy James Lamond vào năm 1963. Họ có chung với nhau một đứa con
là David Lamond sinh năm 1965. Trước khi lấy nhau thì James Lamond đã có 4 đứa
con riêng là Mark Lamond sinh năm 1953, Gregory Lamond sinh năm 1954, Vincent
Lamond sinh năm 1956 và Veronica Lamond sinh năm 1957. James Lamond qua đời vào
năm 2007 và Ailsa mất trong năm 2010.
Đoạn 6(b) của tờ di chúc ghi rằng
Justin Callaghan muốn để lại 25% tài sản cho Ailsa nhưng nếu bà mất trước ông
thì các con (children) của bà sẽ được hưởng phần đó và nếu bà có nhiều hơn một
đứa con thì sẽ được chia đều. Câu hỏi được đặt ra là 25% phần tài sản chỉ được
chia cho David Lamond mà thôi hay phải chia làm 5 cho David và 4 đứa con riêng
của James Lamond? Nói một cách khác, chữ “con” trong đoạn 6(b) của tờ di chúc
có bao gồm con ghẻ hoặc con riêng hay không?
Sau khi lấy James Lamond thì
Ailsa sống chung và nuôi 4 đứa con riêng của chồng như là con bà. Trong di chúc
thì Ailsa để lại toàn bộ tài sản cho “5 đứa con của tôi”. Không có sự phân biệt
giữa con riêng hoặc con chung.
Lúc sinh thời thì Justin
Callaghan có mối quan hệ tốt với cả 5 đứa cháu. Không có dấu hiệu hoặc bằng chứng
gì cho thấy có sự phân biệt đối xử giữa cháu ruột hoặc cháu ghẻ (step- nephews
& step-nieces).
Nguyên đơn lập luận rằng chữ
“các con” trong đoạn 6(b) nên được hiểu là gồm có con riêng hoặc con ghẻ. Thứ
nhất, khi Justin Callaghan làm di chúc vào năm 1994 thì Ailsa đã 71 tuổi và
không thể sinh thêm con. Nếu Justin không muốn 4 đứa cháu ghẻ được hưởng thì
ông chỉ cần ghi là cho “con” chớ không phải “các con” hoặc cho “David Lamond” nhưng Justin đã không
làm vậy.
Trong đoạn 6(b) có phần ghi rằng
nếu có nhiều hơn một đứa con còn sống khi người làm di chúc qua đời thì chia đều
cho mấy đứa con đó. Điều này cho thấy ý định của Justin là không muốn loại bỏ 4
đứa cháu ghẻ.
Ngoài ra, trong trường hợp
này, chữ “con” hoặc “các con” nên được hiểu theo quan hệ gia đình hơn là máu mủ.
Trong một tờ di chúc trước mà Justin làm vào năm 1977, ông gọi 4 đứa cháu ghẻ
là cháu. Khi Justin lập di chúc sau cùng vào năm 1994 thì Ailsa đã 71 tuổi và
đã nuôi cả 5 đứa con khôn lớn nên người. Đứa nhỏ nhất đã 30 và lớn nhất 41.
Ailsa lập di chúc vào năm
1997, có nghĩa là 3 năm khi Justin lập di chúc. Di chúc của Ailsa nói đến “5 đứa
con của tôi”. Rõ ràng là không có sự phân biệt giữa 4 đứa con riêng của chồng
và David Lamond. Nếu như Ailsa không có phân biệt đối xử với các con mình thì
không có lý do gì Justin lại làm như vậy đối với mấy đứa cháu.
Khi lấy James thì Ailsa đã được
39 tuổi và James đã có 4 đứa con riêng từ 2, 4, 5 tới 7 tuổi. Ailsa phải lập tức
chăm sóc và quán xuyến cho một gia đình non trẻ. Sau đó thì mới sinh David. Mọi
bằng chứng cho thấy Ailsa nuôi 4 đứa con riêng của chồng như con ruột của bà.
Nguyên đơn trưng dẫn bằng chứng gồm có hình gia đình chụp chung trong dịp Lễ
Giáng Sinh và tiệc sinh nhật 80 tuổi của Ailsa. Mọi thứ cho thấy một gia đình hạnh
phúc và gắn bó. Điều quan trọng nữa là David không phản đối đơn xin thừa hưởng
của anh chị ghẻ của mình. David không đưa ra bằng chứng gì ngược lại và cũng
không có ý kiến gì về đơn kiện.
Nhưng mà những lập luận trên
đã không được tòa chấp thuận. Thứ nhất, chữ “con” hoặc “các con” theo nghĩa
thông thường là con hoặc các con ruột chớ không phải con ghẻ. Khi diễn giải một
văn kiện pháp lý thì tòa phải bắt đầu từ ý nghĩa thông thường của một chữ hoặc
một cụm từ. Chừng nào sự diễn giải này đưa đến một kết quả vô lý thì lúc đó tòa
mới có thể xem xét lại.
Hơn nữa, tuy là Ailsa không
phân biệt giữa con và con ghẻ, nhưng Justin ghi rõ trong đoạn 5 của di chúc là
ông cho cháu ruột David Lamond số tiền $3,000.00 và 4 đứa cháu ghẻ mỗi đứa $2,000.00.
Vậy thì không thể nói là không có sự phân biệt từ cái nhìn của Justin. Justin
cũng không thể nào biết được Ailsa sử dụng từ ngữ thế nào khi nói đến con ruột
và con ghẻ. Dù sao đì nữa, Ailsa có thể không phân biệt nhưng Justin thì có quyền
phân biệt.
Khi Justin lập di chúc vào năm
1994 thì Ailsa đã 71 tuổi và không thể sinh thêm con. Nhưng tòa không loại được
cơ hội bà sẽ nhận con nuôi dù cho không có bằng chứng gì cho thấy bà có ý định
này. Còn việc nguyên đơn trình bày bằng chứng hoặc hình ảnh của một gia đình gắn
bó và hạnh phúc thì cũng không thay đổi được quan hệ máu mủ hoặc huyết thống.
Nhiều lắm thì nó chứng minh một gia đình mà cha mẹ gồm các con ruột và ghẻ yêu
thương và đùm bọc lẫn nhau.
Vì những lý do trên, tòa phán
rằng chỉ có David Lamond được hưởng phần tài sản 25% trong đoạn 6(b) của di
chúc.
Có thể là Justin chỉ muốn cho
David Lamond mà thôi. Nhưng cũng có thể đây chỉ là một sự sơ ý khi không ghi rõ
tên họ của từng đứa cháu hoặc ghi rõ là người thừa hưởng gồm có “cháu” và “cháu
ghẻ”.
Có điều là cũng từ một chữ
“các con” mà được áp dụng dẫn đến hai kết quả khác nhau. Có nghĩa là “các con”
trong di chúc của Ailsa thì gồm có con ghẻ nhưng trong di chúc của Justin thì
chỉ là con ruột.
Đó là vì Ailsa nói đến “5 đứa
con của tôi”. Nếu chỉ hiểu như là con ruột thì cụm từ này trở thành vô nghĩa.
Trong thời đại hiện nay, việc
các cặp vợ chồng trải qua một hoặc vài lần ly di rồi lại lập gia đình hoặc sống
chung với người phối ngẫu và con ghẻ là chuyện bình thường. Vụ kiện này nhắc
cho chúng ta bài học là nên thận trọng khi sử dụng từ ngữ trong các văn kiện
pháp lý để tránh gặp rắc rối hoặc kiện tụng không cần thiết.
Comments
Post a Comment