Truyện giả, tình thật và tổn hại tâm thần

 


Credit: businessinsider.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào tháng 4 năm 2015, Thẩm Phán McGill của Tòa Án Khu Vực Queensland ban hành phán quyết liên quan tới một vụ kiện của một giáo viên và ông cai tại một trường tiểu học ở Brisbane. Nguyên đơn kiện Bộ Giáo Dục Queensland đòi bồi thường thiệt hại tâm thần và tài chánh vì họ cho rằng Bộ đã không làm đúng chức năng bảo vệ công nhân tại sở làm vì đã cho phép quảng cáo quyển tiểu thuyết về mối tình giữa một cô giáo và ông cai ngay trong trường học nơi họ làm việc.

Trong vụ kiện Lee & Another v State of Queensland [2015], nguyên đơn bà Lee là một giáo viên và Swindles là ông cai tại một trường tiểu học. Ông Swindles đã ly dị và có 3 đứa con gái sống chung với ông. Mấy đứa này cũng đi học tại trường. Ông cố tình xin làm cai vì công việc này có thể giúp ông chăm sóc con dễ dàng. Ông có thể đưa chúng đi học và sau giờ tan học, ông lại đứa chúng về sau khi hoàn tất công việc dọn dẹp quanh trường.

Bà Lee và ông Swindles trở thành bạn rồi tình nhân trong năm 2006. Tới tháng 9 năm 2006 thì họ chính thức xuất hiện như một cặp tại hội chợ ở trường. Họ mua một căn nhà trong năm 2007 và sống chung với nhau tới khi họ chia tay trong năm 2010.

Cuộc tình của họ cũng trải qua nhiều sóng gió. Trong năm 2006 thì ông Swindles phát hiện một trang giấy được gắn trên cây quạt nước xe của bà Lee. Ông đưa cho bà Lee đọc. Trang giấy diễn tả ước muốn của ông Swindles được làm tình với bà Lee ngay trong giờ học tại kho chứa đồ trong trường và nói rằng bà có thân hình nóng bỏng hơn cả một thiếu nữ mà ông ưa thích. Cả ông Swindles lẫn bà Lee đều không biết ai là tác giả vì trang giấy được đánh máy bằng máy đánh chữ cũ (typewriter). Cả hai đều rất giận dữ và bà Lee báo cáo việc này với hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng báo cáo lại cho Bộ Giáo Dục và tường thuật câu truyện cho cảnh sát.

Sau đó, có một vài cú điện thoại nặc danh hoặc tin nhắn điện thoại di động cáo buộc hai người làm tình ngay tại trường học. Họ nói lại với hiệu trưởng là chỉ có nhà trường mới có số điện thoại của họ. Hiệu trưởng báo lại với cảnh sát để điều tra nhưng cũng không có kết quả gì. Có người nghi ngờ thủ phạm là người vợ cũ của ông Swindles muốn trả thù vì ông đã tìm được người tình mới. Nhưng ông thì không cho là vậy vì theo ông, bà vợ cũ không biết viết lách.

Trong một lần khác, khi họ đi shop mua đồ thì xe của ông Swindles bị gạch và trên mui xe có người gạch một vài chữ thô tục. Ông cho rằng có người theo dõi và muốn chọc phá ông vì mối quan hệ giữa ông và bà Lee. Vì những chuyện này, bà Lee bị căng thẳng tinh thần và phải nghỉ bệnh hết bốn tuần. Khi trở lại làm việc, mấy cô giáo bạn lại ôm an ủi bà làm bà nghĩ là những chuyện riêng tư của bà đã bị tiết lộ cho mọi người biết.

Trong tháng 8 năm 2008, bố của bà Lee qua đời. Bà rất đau buồn và xin nghỉ việc một thời gian. Chứng bệnh "ăn uống bất thường" (eating disorder) của bà tái phát và kéo dài tới năm 2009.

Trong lúc bà Lee nghĩ bệnh, một giáo viên khác bắt đầu quảng cáo một quyển tiểu thuyết do chồng bà viết nói về một mối tình giữa cô giáo và ông cai tại một trường học ở Brisbane. Bà gắn một tờ quảng cáo (flyer) về quyển sách trong phòng nhân viên (staff room) ở trường. Bà cũng nói với những giáo viên khác là họ nên tìm đọc quyển tiểu thuyết này vì một số nhân vật trong sách có liên quan tới họ. Sau khi quyển sách xuất bản, một vài giáo viên mua đọc và có người gọi điện thoại nói với bà Lee là bà cũng nên tìm đọc. Bà Lee mượn quyển sách về đọc. Ông Swindles cũng nhờ mẹ ông mua giùm ông một cuốn.

Bà Lee cho biết là bà rất giận khi đọc quyển sách vì nó nói về một mối quan hệ ngoại tình lén lút giữa một cô giáo và ông cai. Cũng có đoạn ngụ ý là hai nhân vật này làm tình với nhau ngay tại trường học. Bà Lee và ông Swindles cho rằng quyển sách ám chỉ họ. Nhưng họ đã nhiều lần phủ nhận là họ không có làm gì bậy bạ trong sân trường. Họ cũng không ngoại tình lén lút.

Theo Thẩm Phán Gill thì quyển sách viết rất dở. Cốt truyện không có gì nguyên thủy, hay ho. Nhân vật trong sách không được phát triển đúng mức và nội dung tương đối khá nghèo nàn. Tuy có một vài đimn tương tự nhưng nếu đọc hết quyển sách thì thấy có nhiều khác biệt giữa các nhân vật trong sách so với bà Lee và ông Swindles.

Có lẽ là khi việt cuốn tiểu thuyết này, tác giả đã nhiều lần trò chuyện với vợ ông và bà đã kể lại những câu chuyện xảy ra tại trường bà dạy. Ông đã thêm thắt tình tiết từ những câu chuyện này để làm cho sách thêm hấp dẫn.

Sau khi bà Lee trở lại làm việc, bà khiếu nại về cuốn tiểu thuyết cũng như việc người đồng nghiệp tiết lộ những câu chuyện xảy ra tại trường cho chồng bà viết thành sách. Sau đó, sách được quảng cáo trong tạp chí giáo viên do nghiệp đoàn giáo viên phát hành. Một số giáo viên khác cũng không hài lòng về tình trạng này. Sau một vài cuộc họp thì bà giáo viên có chồng là tác giả đồng ý chuyển sang trường khác.

Cũng trong năm 2009 thì quan hệ tình cảm giữa bà Lee và ông Swindles bắt đầu xuống dốc và có lúc bà phải vào bệnh viện tâm thần. Bà xin nghỉ bệnh và lãnh tiền bồi thường lao động. Tới tháng 9 năm 2009 thì bà dọa là sẽ uống thuốc tự tử. Ông Swindles  kêu xe cứu thương thì tìm thấy bà lang thang ngoài nghĩa địa. Bà Lee ngưng làm việc cho tới tháng Giêng năm 2010. Chỉ một ngày trước khi bà trở lại dạy, có người bỏ tờ truyền đơn vào hộp thư nhà bà và của những người hàng xóm nói về cuốn tiểu thuyết và xác nhận các nhân vật giáo viên và ông cai trong quyển sách đó là bà Lee và ông Swindles. Bà thông báo cho cảnh sát nhưng cũng không tìm ra được thủ phạm. Tới tháng 5 năm 2010 thì bà Lee và ông Swindles chia tay. Ông hiệu trưởng gửi điện thư cho mọi giáo viên và nhân viên trong trường biết là họ không còn sống chung với nhau nữa. 

Bà Lee và ông Swindles đệ đơn kiện Bộ Giáo Dục đòi bồi thường. Họ cho rằng cuốn tiểu thuyết dựa trên quan hệ của họ làm mọi người nhạo báng họ và trường học không có biện pháp ngăn chặn việc quảng bá cuốn tiểu thuyết này. Do đó họ đã bị tổn hại về mặt tâm thần mà trường học và Bộ Giáo Dục phải chịu trách nhiệm.

Nhưng Thẩm Phán Gill không đồng ý và đã phán rằng nhà trường cũng như Bộ Giáo Dục không có trách nhiệm gì về cuốn tiểu thuyết này. Bị đơn không thể ngăn cản tác giả đừng viết và nhà xuất bản không phổ biến tiểu thuyết. Nhà trường cũng không ngăn cản giáo viên xầm xì bàn tán với nhau về quan hệ cá nhân của nguyên đơn. Khi bà giáo viên vợ của tác giả dán tấm giấy quảng cáo trong phòng nhân viên thì nhà trường không thể nào biết được nội dung quyển sách thế nào. Nhà trường không thể nào biết được là cho phép nhân viên làm vậy sẽ gây thương tích tổn hại đến tâm thần của nguyên đơn. Không chỉ có tấm giấy này thôi mà quyển sách cũng được quảng cáo trong tạp chí giáo viên của nghiệp đoàn giáo viên. Nhà trường không thể ngăn chận cũng như không chịu trách nhiệm cho những cú điện thoại và tin nhắn nặc danh cùng với những tờ truyền đơn bỏ vào hộp thư.

Tóm lại, nhà trường trong cương vị chủ nhân có trách nhiệm tạo điều kiện và môi trường làm việc an toàn không chỉ về mặt thể xác mà về cả tinh thần. Nhưng trong trường hợp này, nguyên nhân gây gây ra thương tích tinh thần nằm ngoài vòng kiểm soát của bị đơn và vì vậy nguyên đơn đã thua kiện.

Nếu nguyên đơn thật sự đau khổ vì quyển sách thì tại sao không kiện tác giả cùng với bà vợ cung cấp những tình tiết ly kỳ mà chỉ có bà mới biết? Có lẽ luật sư của nguyên đơn nghĩ tới những sự khó khăn khi kiện tác giả vì luật pháp chủ trương bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tác. Nếu tác giả dễ dàng bị kiện thì chắc khó có nhiều tiểu thuyết được xuất bản và phát hành trên thị trường. Đời sống văn hóa, nghệ thuật của nhân loại cũng sẽ nghèo nàn hơn. Có lẽ vì đây là câu chuyện tình giữa một cô giáo và ông cai nên mới có điều dị nghị. Và  chính nguyên đơn cũng nhạy cảm về thân phận của họ. Nếu câu chuyện liên quan tới hai giáo viên thì chắc vấn đề sẽ khác. Xem ra thì tình trạng "môn đăng hộ đối" không chỉ áp dụng trong văn hóa Việt Nam mà cũng hiện hữu ngay trong xã hội Úc này.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng