Người bạn tốt
Ls Nguyễn Văn Thân
Trong tháng 2 năm 2014, Tòa
Thượng thẩm NSW ban hành phán xét cho một vụ kiện khá ly kỳ liên quan tới người
Li Băng và người Việt Nam. Họ là cư dân tại Bankstown, một thành phố đa văn hóa
ở miền tây nam Sydney. Việt Nam và Li Băng là 2 cộng đồng sắc tộc lớn nhất tại
Bankstown.
Nguyên đơn trong vụ kiện Helou
v Nguyen [2014] là một gia đình Hồi Giáo người Li Băng gồm có ông bà Helou và 5
đứa con: Suzanne sinh năm 1969, Halima sinh năm 1971, Mohammed 1972, Janine
1974 và Walid 1978. Bốn đứa con đầu đều an học thành đạt. Mohammed là một y sĩ
chỉnh xương (chiropractor). Riêng đứa con út Walid thì bị khuyết tật trí tuệ
(intellectually disabled). Có nghĩa là Walid mang bộ óc của một cậu bé trong
thân hình của một chàng thanh niên.
Cả gia đình sống chung nhà với
nhau. Bốn đứa con lớn đều có công ăn việc làm. Tất cả tiền lương đều mang về
đưa cho bà Helou cất giữ. Ông Helou, gia trưởng là một người sùng đạo. Sau khi
về hưu, ông đi hành hương Haj tại Thánh Dịa Mecca thì ông lại càng sùng đạo hơn
nữa. Ông không cho con cái để tiền trong trương mục ngân hàng vì có tiền lời.
Theo tín ngưỡng của ông, nhận hưởng tiền lời là một tội cấm kỵ. Mặc dù con ông
kết lời năn nỉ vì có đứa lập công ty làm ăn thì phải bỏ tiền trong trương mục.
Ông Helou nhất định không chịu và bắt tất cả các con phải sử dụng tiền mặt.
Gia đình Helou mua một căn nhà
ở đường Highland Bankstown vào năm 1971. Tới năm 1982 thì họ mua thêm một căn
nhà tại đường Pringle để đầu tư. Họ đập bỏ căn nhà cũ và cất 3 căn townhouse mới.
Căn đầu được dùng làm nhà ở tạm thời trong lúc họ để dành tiền cất căn nhà mới
tại đường Highland. Hai căn townhouse kia dùng để cho thuê.
Tới ngày 1 tháng 3 năm 2006, họ
để dành được $467,500 tiền mặt. Sau khi đếm tiền xong, bà Helou và cô con gái
Suzanne gói lại kỹ lưỡng và giấu số tiền trên cùng với một số nữ trang trên nóc
nhà.
Bị đơn, ông Nguyen sinh ra ở
Việt Nam và tới Úc năm 1984. Ông khai với tòa là ông cũng thuộc dân làm ăn gồm có
mua bán trái cây và lái xe truck. Ông cũng tự khai là thường sử dụng tiền mặt
và thường khai thấp lợi tức trong đơn khai thuế hàng năm.
Nhân chứng chính của nguyên
đơn là Walid. Walid là một thanh niên cô độc. Không hiểu vì sao mà Walid và ông
Nguyen lại quen biết nhau và đối với Walid thì bị đơn là một người bạn tốt và
là một “tri kỷ” (my best friend). Walid hứng hở khoe với bị đơn là biết được chỗ
bí mật mà gia đình đã giấu tiền và nữ trang.
Theo phán quyết của tòa, vào ngày
27 tháng 3 năm 2006, Walid dẫn bị đơn về nhà. Bị đơn mang theo một cái thang vô
nhà. Bị đơn trèo lên nóc nhà và lấy một ít tiền, mặc dù Walid phản đối. Sau đó
bị đơn chở Walid đi shop ở Bankstown.
Cũng theo phán quyết của tòa
thì Walid bỏ quên chìa khóa nhà trong xe của bị đơn và bị đơn đã quay lại mở cửa
vào nhà và lấy hết số tiền còn lại.
Sau khi gia đình phác giác tiền
và đồ vật quý giá bị mất, Walid mới cho biết là chính hắn đã chỉ chỗ giấu tiền
cho bị đơn. Theo lời yêu cầu của gia đình, Walid gọi điện thoại nói chuyện với
bị đơn: “Hello Jim (tên tục của bị đơn). Mau trả tiền và nữ trang lại ngay. Nó ở
đâu?"
Bị đơn trả lời là "anh của
mày đã mang nó qua căn nhà đỏ (tại đường Highland)”.
Sau đó, bị đơn đổi số điện thoại
và không cho Walid liên lạc nữa.
Gia đình Helou đi báo cảnh sát.
Nhưng sau khi điều tra thì cảnh sát quyết định không truy tố bị đơn dựa trên cơ
sở là không đủ bằng chứng để buộc tội. Cũng nên nói rõ là buộc tội hình sự đòi
hỏi công tố viên phải chứng minh tội trạng rõ ràng (beyond reasonable doubt).
Trong khi đó thì tố tụng dân sự chỉ đòi hỏi cán cân nhích về phía nguyên đơn
(on the balance of probabilities). Có lẽ cảnh sát lo ngại nhân chứng chính của
họ là một người khuyết tật khó có thể thuyết phục một bồi thẩm đoàn buộc tội bị
đơn lấy đi một số lượng tiền mặt lớn như vậy.
Một điểm khác nữa là cảnh sát
lúc đó cảnh sát không có bằng chứng bị đơn lưu trữ số lượng tiền mặt này ở đâu?
Sau này, bị đơn mới từ từ bỏ tiền vào ngân hàng để mua nhà đầu tư và cất nhà mới.
Nhưng nguyên đơn đã nhờ các chuyên viên tài chánh (financial analyst) chứng
minh là bị đơn đã dùng số tiền đó đầu tư vào bất động sản.
Thật ra, kết quả vụ kiện được
quyết định bởi vì tòa không thể nào tin được lời khai của bị đơn. Bị đơn khai
là không có qua lại với Walid, nhưng nguyên đơn đã trình ra được bằng chứng là
chính bị đơn rút tiền từ sổ băng của mình để trả lệ phí gia nhập câu lạc bộ
fitness club cho Walid. Ngoài ra, cũng có người nhìn thấy bị đơn chơi banh với
Walid. Bị đơn khai là không bao giờ tới nhà tại đường Pringle, nhưng hàng xóm
thấy bị đơn đậu xe van và khiêng một cái thang từ nhà đi ra. Bị đơn khai là có
lợi tức thấp nhưng lại gửi con học trường tư và có tiền đầu tư bất động sản.
Trong khi giữ hàng chục ngàn trong nhà thì bị đơn nói với cảnh sát là không có
nhiều tiền mặt. Nhưng sau đó bị đơn lại tìm cách bỏ tiền vào sổ băng mỗi lần một
chút qua một thời gian dài để qua mặt cảnh sát.
Trong khi đó thì lời khai của
Walid lại được tòa tin tưởng hoàn toàn. Walid tường thuật câu chuyện đơn giản,
tư lự như một đứa bé. Không thêm mắm thêm muối, không rào trước đón sau.
Trong khoảng thời gian 2 năm
sau sự việc xảy ra, bị đơn khai thất nghiệp hoặc không có lợi tức đều đặn. Thế
mà bị đơn lại có tiền để mua một căn nhà ở Dulwich Hill, mua một miếng đất ở
Bankstown và cất căn nhà mới trên đó. Rõ ràng là bị đơn có rất nhiều tiền mà
không giải thích được với tòa từ ở đâu ra.
Kết quả là tòa phán bị đơn phải
hoàn trả số tiền $467,500 lại cho nguyên đơn. Ngoài ra, tòa cũng bắt buộc bị
đơn trả tiền lời trên số tiền này là $322,162. Có nghĩa là bị đơn phải trả tổng
cộng $789,662 cho nguyên đơn cùng với 100% phí tổn án lý có thể lên đến vài
trăm ngàn đồng.
Có điều là khi tới phiên xử
thì ông Helou đã bị lẫn. Nếu còn minh mẫn thì không biết ông có đồng ý số tiền
lời $322,162 do tòa ban phát hay không?
Một bài học từ vụ kiện này là
phương cách đối xử với những người khuyết tật. Một người khuyết tật trí tuệ như
Walid thường hay bị khinh rẻ và cho là khờ khạo nhưng lại là những nhân chứng
khả tín nhất trước tòa.
Trong thời gian vừa qua, người
Úc Hồi giáo gặp phải nhiều khó khăn và đang trở thành nạn nhân của các hiện tượng
kỳ thị. Bây giờ cũng có một số người Việt đối xử phân biệt với người Hồi giáo
mà trước đây chính họ là nạn nhân. Kỳ thị chủng tộc lúc nào cũng sai, như cựu
Thủ hiến Barry O'Farrell đã từng nói. Vụ kiện này đã được đưa lên báo Sydney
Morning Herald vào ngày 12 tháng 2 năm 2014. Hy vọng là người Úc đọc bài báo
này không đi đến kết luận là người Li Băng thì trong sáng và thành thật còn người
Việt Nam mình thì không được như vậy.
Comments
Post a Comment