Luật phỉ báng


Credit: sbs.com.au 

Ls Nguyễn Văn Thân

Bất cứ cá nhân nào cũng có quyền đệ đơn thưa kiện xin được bồi thường nếu họ cảm thấy bị phỉ báng. Các tổ chức vô vị lợi, nghiệp đoàn và công ty nhỏ có dưới 10 nhân viên làm việc cũng có quyền kiện. Không chỉ tác giả của những bài viết hoặc lời nói có ý nghĩa phỉ báng mà tất cả mọi người dính líu tới việc phổ biến gồm có các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, chủ bút, trưởng nhiệm, các nhà xuất bản, những người chuyển tiếp hoặc lập lại bài viết hoặc lời nói phỉ báng đều có thể bị kiện. “Trích dẫn” không phải là một luận cứ biện hộ mà bị đơn có thể sử dụng.

Theo luật tố tụng phỉ báng, nguyên đơn trước hết phải chứng minh 3 điều. Thứ nhất, bài viết hoặc lời nói được phổ biến có ý nghĩa hoặc tính cách phỉ báng (defamatory imputation) –  làm tổn hại đến uy tín và danh dự của họ làm cho mọi người tránh né, không giao tiếp hoặc làm ăn với họ. Thư hai, bài viết hoặc lời nói phỉ báng liên quan trực tiếp tới nguyên đơn. Nhưng không cần phải nêu rõ tên mà nguyên đơn chỉ cần chứng minh rằng một người bình thường có thể hiểu được bài viết hoặc lời nói phỉ bang đó nói về nguyên đơn. Thứ ba, bài viết hoặc lời nói được phổ biến đến người khác. Nguyên đơn không thể kiện nếu bị đơn chỉ viết thư hoặc nói chuyện trực tiếp với nguyên đơn mà không có ai đọc hoặc nghe được cho dù nội dung có ý nghĩa phỉ báng thậm tệ thế nào đi nữa.

Các luận cứ biện hộ (grounds of defence)

Sau khi nguyên đơn chứng minh được 3 điều nêu trên, bị đơn sẽ bị thua kiện nếu bị đơn không thuyết phục được quan tòa là bị đơn có một luận cứ biện hộ chính đáng. Nếu thành công thì bị đơn sẽ thắng kiện.

Các luận cứ biện hộ gồm có:

1.         Sự thật (Truth)

Nếu bị đơn chứng minh được những bài viết hoặc lời nói có ý nghĩa phỉ báng là sự thật hoặc hầu như là sự thật (substantial/contextual truth) thì bị đơn sẽ thắng kiện. Trách nhiệm chứng minh (onus of proof) thuộc về bị đơn. Thông thường, bị đơn rất khó chứng minh một sự việc đã xảy ra khá lâu là sự thật vì khó tìm được bằng chứng, vật chứng và nhân chứng để đối chất trước tòa. Đối với những việc xảy ra gần hơn thì bị đơn phải thuyết phục nhân chứng đồng ý hợp tác và chịu ra tòa đối chất.

2.         Đặc quyền (Absolute Privilege)

Các dân biểu và nghị sĩ được đặc quyền miễn tố cho dù họ có phỉ báng bất cứ người nào khi phát biểu trong Quốc hội. Luật pháp ghi nhận quyền tự do ngôn luận tuyệt đối và cho phép các chính trị gia có quyền phát biểu thoải mái trong Quốc hội mà không lo ngại bị kiện về tội phỉ báng. Tương tự như vậy, các quan tòa, trạng sự, luật sư, nhân chứng đều được miễn tố cho dù họ có mạ lỵ bất cứ người nào trong các phiên xử tại tòa.

3.         Tường thuật công bằng (Fair reporting)

Luận cứ biện hộ này thường sử dụng để bảo vệ các cơ quan truyền thông khi họ thi hành trách nhiệm tường thuật những lời phát biểu trong các cuộc thảo luận tại nghị trường hoặc tranh luận tại tòa án hoặc các cơ quan có có quyền thẩm định pháp lý (Tribunal, Commision) với điều kiện là các bài tường thuật phải chính xác và công bằng.

4.         Cung cấp thông tin

Luận cứ biện hộ này thường được áp dụng trong những trường hợp mà bị đơn (người cung cấp thông tin được coi là phỉ báng) có mối quan hệ đặc biệt với người nhận thong tin ví dụ như giữa chủ nhân và nhân viên, giáo viên và phụ huynh,  dân biểu và cử tri…Trong những trường hợp này, bị đơn được coi như có trách nhiệm pháp lý, đạo lý hoặc xã hội cung cấp thông tin cho người nhận. Tuy nhiên, bị đơn phải chứng minh là đã hành xử đúng đắn và hợp lý. Để quyết định là bị đơn có hành xử đúng đắn và hợp lý hay không, quan tòa sẽ cứu xét những yếu tố sau đây:

(i)       Thông tin được phổ biến có liên quan tới công chúng hay không?

(ii)      Thông tin có liên quan tới công chức hoặc công quyền hay không? Mức độ phỉ báng nghiêm trọng như thế nào?

(iii)      Thông tin có nói rõ đâu là sự thật, đâu là nghi ngờ hoặc cáo buộc hay không?

(iv)      Có cần phải cung cấp thông tin mau chóng để đáp ứng nhu cầu của công chúng hay không?

(v)       Nghề nghiệp hoặc chức năng của bị đơn?

(vi)      Nguồn tin có đáng tin cậy hay không?

(vii)     Bị đơn có cho nguyên đơn cơ hội giải thích hoặc trình bày quan điểm của bị đơn hoặc bị đơn có nỗ lực liên lạc và yêu cầu nguyên đơn cho lời giải thích hoặc trình bày quan điểm hay không?  

(viii)    Bị đơn có tìm cách xác định mức độ khả tín của tin tức trước khi phổ biến hay không?

 

5.         Tự vệ (Reply to public attack)

Khi bị tấn công, bị đơn có quyền tự vệ, giải thích hoặc trình bày quan điểm với điều kiện là bị đơn không vượt quá đề tài hoặc cáo buộc mà nguyên đơn đưa ra.

Luận cứ biện hộ 3, 4 & 5 còn được gọi là đặc quyền tương đối (qualified privilege)  và sẽ không được tòa chấp thuận nếu bị đơn có một động cơ ác ý (motivated by malice).

6.         Ý kiến chân thật (honest opinion)

Để sử dụng luận cứ biện hộ này, bị đơn không cần chứng minh những điều phỉ báng là sự thật. Bị đơn chỉ cần chứng minh 3 điều. Thứ nhất, bài viết hoặc lời nói chỉ là ý kiến cá nhân chớ không phải là một sự kiện có thật. Ý kiến này liên quan tới một vấn đề của công chúng và bài viết hoặc lời nói dựa trên một sự kiện có thật hoặc một cơ sở hợp lý.

7.        Tranh luận chính trị

Trong một thể chế dân chủ, người dân phải được quyền tranh luận một cách thoải mái về các đề tài liên quan tới chính trị mà không sợ bị kiện về tội phỉ bang. Hiến pháp Úc bảo vệ quyền tranh luận chính trị. Nhưng quyền này hạn hẹp hơn nhiều so với Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) của Hiến pháp Hoa kỳ. Khác với bên Mỹ, luật pháp Úc không công nhận khái niệm ‘người của công chúng’ (public figure defence) mà chỉ chấp nhận quyền biện hộ dựa trên nguyên tắc những bài viết được coi là phỉ báng liên quan tới các cuộc thảo luận chính đáng về chính trị (genuine political debate defence). Nhưng quyền biện hộ này không được sử dụng để mạ lỵ người khác chỉ vì họ là những người có tiếng tăm (the defence of political debate cannot be used to defame people simply because they are in the public eye). Hơn nữa, bị đơn phải hành xử đúng đắn và hợp lý và phải chứng minh được là bị đơn có cơ sở hợp lý tin tưởng rằng bài viết hoặc lời nói phỉ báng là sự thật, đã kiểm chứng mức độ chính xác trước khi phổ biến bài viết hoặc lời nói phỉ bang và đã kèm theo lời giải thích hoặc trình bày quan điểm của người bị phỉ báng.

Nói chung, luận cứ biện hộ này hữu ích đối với các cơ quan truyền thông khi phổ biến bài viết hoặc lời nói phỉ báng liên quan tới một chính trị gia nào đó.

8.         Vô tình

Được sử dụng khi bị đơn vô tình phổ biến bài viết hoặc lời nói có ý nghĩa phỉ báng ví dụ như khi đánh vần sai tên hoặc phổ biến nhầm một bức hình.

9.         Chuyện không quan trọng

Bị đơn có thể lý luận là bài viết hoặc lời nói tuy có ý nghĩa phỉ báng nhưng thật ra không gây tổn hại gì cho nguyên đơn.

10.      Có sự đồng ý của nguyên đơn

Nguyên đơn không thể cho phép phổ biến bài viết hoặc lời nói phỉ báng rồi lại tiến hành thưa kiện đòi bồi thường.

11.      Nguyên đơn qua đời

Thân nhân không thể kiện giùm cho người chết. Nếu nguyên đơn đã bắt đầu vụ kiện nhưng qua đời trước khi vụ kiện kết thúc, vụ kiện sẽ kết thúc cùng với cuộc đời của nguyên đơn.

12.      Vấn đề đã được tòa phán xét

Một khi tòa đã xét xử về một bài viết hoặc lời nói nào rồi thì nguyên đơn không được quyền kiện lại lần nữa dựa trên bài viết hoặc lời nói đó. Nhưng nếu bị đơn tái phổ biến hoặc lập lại bài viết hoặc lời nói có ý nghĩa phỉ báng sau khi nguyên đơn tiến hành vụ kiện, nguyên đơn có thể xúc tiến một vụ kiện khác cho sự lập lại này.

13.      Đính chính và nhận lỗi

Nếu bị đơn là một cơ quan truyền thông, bị đơn có thể biện luận rằng bị đơn đã mau chóng đính chính hoặc đăng lời xin lỗi ngay sau khi có sự khiếu nại của nguyên đơn. 

14.      Đạo luật Giới hạn (Statute of Limitations)

Nguyên đơn phải tiến hành vụ kiện trong vòng 1 năm kể từ ngày bài viết hoặc lời nói phỉ báng được phổ biến. Nhưng tòa có thể gia hạn tới 3 năm nếu nguyên đơn chứng minh được lý do chính đáng cho sự đình trệ.

Bồi thường tài chánh

Nếu thắng kiện, nguyên đơn sẽ được bồi thường tài chánh. Hiện tại, số tiền tối đa tòa có thể thẩm định cho sự thiệt hại về uy tín và danh dự là $300,000 (non economic loss). Ngoài ra, nguyên đơn cũng được quyền xin bồi thường cho thiệt hại về tài chánh ví dụ như mất mát thương vụ, hợp đồng…

Nguyên đơn cũng có thể xin bồi thường phụ trội (aggravated damages) nếu nguyên đơn chứng minh được bị đơn có ác ý ví dụ như bị đơn vẫn phổ biến tài liệu phỉ báng khi biết là không đúng sự thật để câu độc giả/thính giả/khán giả.

Đơn kiện phỉ báng thường được xúc tiến tại Tòa Thượng thẩm và vì vậy có phí tổn pháp lý rất cao và thường tốn nhiều hơn số tiền bồi thường cho nguyên đơn khi thắng kiện. Nguyên đơn có thể được bồi thường vài chục ngàn nhưng phí tổn pháp lý có thể lên tới vài trăm ngàn.

Theo thông lệ thì bên thua kiện phải trả tiền phí tổn pháp lý cho bên thắng kiện. Tuy nhiên, nguyên tắc này sẽ không được áp dụng nếu tòa không hài lòng với hành vi thưa kiện của nguyên đơn. Ví dụ như nếu bị đơn chịu thỏa thuận và đồng ý phổ biến lời đính chính và xin lỗi kèm với một số tiền bồi thường mà nguyên đơn không đạt hơn được trong kết quả vụ kiện, tòa án có thể bắt buộc nguyên đơn bồi hoàn chi phí pháp lý cho bị đơn. Trong trường hợp này, nguyên đơn tuy thắng kiện nhưng sẽ thảm bại về mặt tài chánh.

Kết luận

Luật phỉ báng đối chọi với quyền tự do ngôn luận. Nó đòi hỏi mọi người thận trọng khi cáo buộc một cá nhân nào có thể làm tổn hại đến danh dự và uy tín của họ. Trong thời buổi internet hiện nay, bất cứ người nào cũng có thể là nhà xuất bản phổ biến bài viết, tài liệu và thông tin phỉ báng khắp nơi trên toàn thế giới. Quyền tự do ngôn luận có đôi lúc bị lạm dụng. Tất cả mọi người đều có bổn phận hành xử quyền tự do ngôn luận đúng đắn và tôn trọng danh dự và uy tín của người khác. Đặc biệt là trong sinh hoạt cộng đồng, bất cứ thành viên nào cũng có quyền phát biểu và đóng góp ý kiến thẳng thắn và trong tinh thần xây dựng. Nhưng mọi người cũng có trách nhiệm tránh né vu khống, cáo buộc hoặc tấn công cá nhân bất cứ ai. Những hình thức bôi nhọ hoặc chụp mũ chỉ tạo chia rẽ và làm suy yếu cả tập thể cộng đồng.

MỘT VÀI VỤ KIỆN TIÊU BIỂU LIÊN QUAN TỚI CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM

Nguyen v Nguyen & Vu Publishers Pty Ltd, Van Thang Nguyen & Thien Huu Nguyen [2006] NSWSC 550

Vụ kiện xuất phát từ hai bài viết đăng trên báo Tivi Tuần san mang tựa đề “Cử Bịp tái xuất giang hồ” đăng ngày 17.4.2002 và “Mượn đầu Lý Tống...nấu cháo!” đăng ngày 5.6.2002. Đây là vụ kiện kéo dài nhất, phức tạp và tốn kém nhiều nhất.

Điều đáng nói là cả hai bài báo đều không nêu đích danh tên của nguyên đơn. Sau khi nhận được thư đòi kiện, bị đơn trả lời là hai bài báo không ám chỉ nguyên đơn. Nhưng nếu có thì họ sẽ chứng minh những cáo buộc đó là sự thật.

Khi ra tới tòa, nguyên đơn dễ dàng chứng minh và đưa ra một số nhân chứng nhận diện được nguyên đơn là mục tiêu của hai bài báo.

Sau một phiên xử kéo dài 13 ngày, bồi thẩm đoàn kết luận là hai bài báo có 6 ám chỉ hoặc quy kết mạ lỵ:

1.    Nguyên đơn là một tay lừa đảo (fraudster)

2.    Nguyên đơn khoác lác là có bằng cử nhân trong khi trình độ học vấn thật sự thấp hơn 3 bậc

3.    Nguyên đơn là một tay dối gạt (deceiver)

4.    Nguyên đơn cóp nhặt chi tiết sách của người khác để vào sách của mình

5.    Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa lợi dụng Lý Tống để thủ lợi

6.    Nguyên đơn rao bán sách giá $40 và hứa tặng phân nửa giúp Lý Tống không phải vì thật sự tin vào chính nghĩa Lý Tống mà chỉ vì nếu không làm vậy thì sách bán $5 hoặc $10 vẫn không có ai mua.

Trách nhiệm của bị đơn là phải chứng minh 6 quy kết mạ lỵ này là sự thật hoặc hầu như là đúng với sự thật (substantial truth). Sau 3 tuần lễ xét xử, tòa phán quyết là bị đơn thành công với quy kết 2, 3 & 4 nhưng thất bại với quy kết 1, 5 & 6.

Thẩm phán Patten kết luận là nguyên đơn không chưng được bằng chứng là có bằng cử nhân. Tuy nhiên, nguyên đơn chứng minh đã từng là giáo viên và hiệu trưởng của hai trường trung học tư thục tại Việt nam trước 1975. Theo truyền thống thì giáo viên trường trung học tại Việt nam được gọi là giáo sư. Tuy là nguyên đơn dối gạt khi nhận mình co bằng cử nhân nhưng không phải là một tay lừa đảo vì nguyên đơn có học đại học ở Huế. Khái niệm lừa đảo thường có nghĩa là một cá nhân lường gạt gây thiệt hại cho người khác. Đàng này việc nguyên đơn có phóng đại bằng cử nhân thì cũng không có hại cho ai cả.

Thẩm phán Patten quyết định số tiền bồi thường là $60,000 cộng tiền lời 5% cho 4 năm là $12,000 tổng cộng là $72,000. Số tiền tốn kém cho cả hai bên có thể lên tới bạc triệu qua nhiều lần xử và bên nào cũng mướn QC đắt tiền nhất.

Vo v Nguyen CI-09-02193

Nguyên đơn cáo buộc là bị đơn đã tuyên bố trong một phiên họp cộng đồng nguyên đơn là Việt cộng, tay sai của Việt cộng, phá hoại sinh hoạt cộng đồng, tiếp tay cho cộng sản đánh phá chính nghĩa quốc gia.

Vụ kiện diễn ra trước bồi thẩm đoàn tại Melbourne County Court và kéo dài khoảng 2 tuần lễ và chấm dứt vào ngày 23/3/2010. Sau khi lắng nghe nhân chứng đôi bên thì bồi thẩm đoàn kết luận là bị đơn không có tuyên bố những lời mà nguyên đơn cáo buộc. Tòa ra lệnh nguyên đơn trả tiền tốn kém cho bị đơn dựa trên con số ấn định của tòa tính tới ngày 2/3/2010 và 100% tốn kém kể từ ngày đó.

Có điều khó hiểu là bị đơn có gửi thông báo liên quan tới nguyên đơn và một số báo chí và đài phát thanh có phổ biến thông báo này nhưng luật sư nguyên đơn không kèm theo (join) những cơ quan truyền thông này vào đơn kiện. Có lẽ bị đơn chỉ muốn nhắm vào cá nhân nguyên đơn mà không muốn đụng chạm tới các cơ quan truyền thông.

Bui v Huynh [2011] QDC 239

Vụ kiện diễn ra trước Thẩm phán McGill của Tòa Khu Vực Brisbane vào ngày 22/8/2011. Nguyên đơn là Chủ tịch CĐNVTD/QLD và bị đơn là Chủ tịch Hội Cựu Quân nhân QLVNCH/QLD. Đầu năm 2008, nguyên đơn đọc diễn văn trong Lễ Hội Chợ Tết mà trong đó có đoạn:

“Chúng ta thường nói Hội Cựu Quân nhân là xương sống của CĐ, nhưng Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH/QLD đã đứng ngoài những nỗ lực xây dựng cột cờ. CĐ và Ủy ban xây dựng cột cờ không nhận được sự đóng góp nào từ Hội Cựu Quân Nhân. Trong 10 năm qua sau nhiệm kỳ của Bs Trần Trung Hòa (1997-1999) và ông Trần Hưng Việt (1999-2005) thì Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH/QLD đã đứng ngoài tất cả các sinh hoạt xã hội, văn hóa, xây dựng và chính trị của CĐ. Đây là một việc đau lòng cần phải nói ra và hy vọng là Hội Cựu Quân Nhân sẽ thay đổi tình trạng này để xây dựng một cộng đồng vững mạnh và hỗ trợ cho cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ tại quê nhà được hữu hiệu hơn”.

Sau đó vài tuần, bị đơn phát tán một lá thư ngỏ khá dài nêu ra một số vấn đề mà nguyên đơn cho là có tính cách mạ lỵ nguyên đơn gồm có:

a.    Nguyên đơn là một tay giả dối và lừa gạt

b.    Nguyên đơn là một người vô trách nhiệm, hai mặt và tự phụ

c.    Nguyên đơn sử dụng ngân khoảng cộng đồng trái phép

d.    Nguyên đơn keo kiệt và lợi dụng người khác

e.    Nguyên đơn là một người không thành thật

f.     Nguyên đơn không phải là một người đáng tin

Bị đơn dựa vào luận cứ biện hộ “ý kiến chân thật” (honest opinion). Nhưng luận cứ này chỉ áp dụng khi bị đơn bày tỏ ý kiến (opinion). Còn đoạn văn trong thư ngỏ cáo buộc nguyên đơn dùng tiền quỹ của CĐ mua vé máy bay đi biểu tình tại Canberra là một câu văn nói về một sự kiện có thật (statement of fact) chớ không phải là ý kiến. Ngoài ra, ý kiến phải dựa trên một sự kiện có thật.

Luận cứ biện hộ thứ hai mà bị đơn sử dụng là quyền tự vệ. Đây là một hình thức đặc quyền tương đối (qualified privilege). Rõ ràng là bị đơn viết thư ngỏ để đáp lại bài diễn văn của nguyên đơn. Cả hai bài diễn văn và thư ngỏ đều nhắm vào người Việt cư ngụ tại Brisbane. Vấn đề đặt ra là phản hồi của bị đơn có ác ý hay không, có liên quan trực tiếp tới cáo buộc của nguyên đơn hay không hay là quá mức so với cáo buộc của nguyên đơn. Thật ra, bài diễn văn của nguyên đơn không có gì quá đáng, đại khái than phiền là Hội Cựu Quân nhân không đóng góp cho cộng đồng nói chung và cho công tác gây quỹ xây dựng hoặc sửa chữa cột cờ nói riêng. Bị đơn có quyền phản hồi và nhắm vào ut tín của nguyên đơn rằng những lời cáo buộc của nguyên đơn không đáng tin cậy. Tuy nhiên, những quy kết (b), (c) & (d) nói rằng nguyên đơn là người vô trách nhiệm, hai mặt, sử dụng ngân khoảng cộng đồng trái phép, keo kiệt hoặc lợi dụng người không có liên quan gì tới cáo buộc của nguyên đơn là Hội Cựu Quân nhân không đóng góp cho cộng đồng.

Bị đơn không được hưởng đặc quyền tương đối nếu có ác ý. Nguyên đơn cho rằng bị đơn có ác ý vì những lời lẽ trong thư ngỏ có tính cách tấn công cá nhân và chửi bậy. Nói có ác ý thì nguyên đơn phải chứng minh là bị đơn có một động cơ nào khác để tấn công nguyên đơn và bị đơn thật sự không tin vào quy kết mạ lỵ. Thẩm phán Martin cảm thấy đây là một việc khó khăn vì thư ngỏ viết bằng tiếng Việt và tòa chỉ xét xử dựa trên bản dịch tiếng Anh. Khó mà xác định được thế nào là những lời chửi bậy. Có một số bằng chứng cho thấy có thể có ác ý nhưng không đủ để nguyên đơn chứng minh là bị đơn có ác ý. Bị đơn thành công với luận cứ đặc quyền tương đối, nhưng chỉ một phần.

Tòa phán quyết nguyên đơn thắng và bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền $20,000.

Ettinghausen v Australian Consolidated Press (1991) 23 NSWLR 443

Nguyên đơn la cầu thủ rugby league nổi tiếng chơi cho đội tuyển Úc. Bị đơn là nhiếp ảnh gia đi theo đội bóng. Sau trận banh, bị đơn chụp hình nguyên đơn đứng tắm trần truồng và gửi cho tạp chí HQ đăng. Nguyên đơn viện dẫn là bức hình trần truồng làm cho mọi người nghĩ rằng mình không đàng hoàng và không xứng đáng là đại diện cho Liên đoàn Rugby League quảng cáo môn thể thao này với trường học và thiếu niên. Bị đơn thì cho rằng tấm hình không ảnh hưởng gì đến danh dự của bị đơn. Ngược lại, những hàng chữ khen thân hình hấp dẫn của nguyên đơn có thể làm tăng uy tín của bị đơn. Nhưng bồi thẩm đoàn không chấp nhận luận cứ biện hộ của bị đơn và phán bị đơn phải bồi thường $350,000 cho nguyên đơn. Bị đơn kháng án và số tiền này giảm xuống $100,000.

 

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc