Quyền riêng tư
Ls Nguyễn Văn Thân
Vụ bê bối nghe lén điện thoại của
tờ báo News of the World vào năm 2011 làm chấn động dư luận thế giới. Nạn nhân của các vụ nghe lén gồm có một số
tài tử và cầu thủ đá banh nổi tiếng, một nữ sinh bị bắt cóc và giết chết, thân
nhân của những chiến sĩ Anh tử trận trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và
A Phú hãn và nạn nhân của cuộc khủng bố tại Thủ đô Luân đôn vào ngày 7 tháng 7
năm 2005 gây tử thương cho 52 thường dân và lạm trọng thương cho hơn 700 nạn
nhân vô tội khác. Chẳng những thế, tờ báo còn thuê mướn thám tử tư theo dõi và
điều tra cuộc sống riêng tư của một số dân biểu Anh xem họ có những cuộc tình vụng
trộm hoặc cuộc sống bê tha hay không để làm áp lực hoặc đe dọa họ. Sau vụ xì
căng đan này, chủ nhân và tài phiệt Rupert Murdoch phải chi hàng chục triệu bảng
Anh đề bồi thường cho các nạn nhân và đình bản tờ báo lá cải này sau 168 năm
phát hành. Một số nhà báo gồm có cả chủ bút đang bị truy tố. Hai cha con
Murdoch Rupert và James bị lôi ra thẩm vấn trong cuộc điều trần do Quốc hội Anh
thành lập. Tham vọng của Rupert mua lại đài truyền hình BSkyB để thâu tóm thị
trường truyền thông Anh quốc bị đốt cháy.
Sau sự kiện này thì nhiều người
bắt đầu quan tâm tới quyền hạn hoặc đời sống riêng tư và bảo toàn chi tiết cá
nhân. Vậy quyền hạn riêng tư cụ thể là gì. Quyền hạn này có thể chia thành 3 phần:
quyền được giữ khoảng cách với người khác và không bị xâm phạm. Ví dụ như khi bị
khám xách tay, bi khám xét người, body scanning, bị chụp hình, lấy dấu tay hoặc
lấy nước miếng hoặc tóc để thử DNA là cơ thể hoặc một phần của cơ thể đã bị xâm
phạm. Thứ hai, quyền giữ kín chi tiết cá nhân và quyết định cung cấp cho ai.
Không có ai chấp nhận các cơ quan công quyền ví dụ như bệnh viện hoặc bộ giao
thông cung cấp tên tuổi, địa chỉ của mình cho các công ty quảng cáo thương mại.
Và thứ ba là và quyền tự chủ và bảo quản danh dự cá nhân. Không ai ai muốn mình
cứ bị chụp hình hoặc quay phim cả ngày từ nơi làm việc cho đến chỗ công cộng đến
nỗi không dám ho hoặc hỉ mũi.
Khác với Anh quốc và các quốc
gia trong Khối Liên Âu, Úc không có luật cho phép nạn nhân khởi kiện vì quyền hạn
hoặc đời sống riêng tư bị xâm phạm. Hồi năm ngoái, Hoàng Gia Anh đã khởi kiện tạp
chí Closer một tờ báo Pháp vì đã đăng hình ngực trần của Kate Middleton đang tắm
nắng trong nhà nghỉ riêng. Tại Úc, một số trường hợp vi phạm quyền hạn riêng tư
gồm có: sau khi chia tay, ông A gửi DVD quay cảnh làm tình với bạn gái cho cha
mẹ, thân nhân, bạn bè, hàng xóm và nơi làm việc của cô. Gia đình và cô rất đau
khổ nhưng không làm được gì hết. Dĩ nhiên là không ai dám lại gần anh chàng tồi
bại này. Chuyện tương tự này cũng đã xảy ra ở Việt nam khi những cảnh quay phim
sinh hoạt phòng the của một số nữ diễn viên được người tình cũ tung lên mạng.
Trong một vài trường hợp khác, ông B gắn máy thu phim quay lén trong phòng vệ
sinh nữ tại nơi làm việc rồi đưa lên mạng và một cô y tá biết được có một cầu
thủ nổi tiếng đang trị bệnh nghiện ma túy đã bán tin này cho một tờ báo đưa lên
trang nhất. Tất cả những nạn nhân trong cuộc đều bị ảnh hưởng và thiệt thòi nặng
nề nhưng không có quyền truy tố can phạm để đòi công đạo và bồi thường thích
đáng. Một trong những lý do chính mà Úc không có luật cho phép nạn nhân khiếu
kiện là do sự phản đối của hầu hết tất cả các cơ quan truyền thông. Họ cho rằng
nếu nạn nhân được kiện thì khó mà ký giả có thể điều tra đời sống và sinh hoạt
của các nhân vật của công chúng và sẽ giới hạn quyền tự do thông tin gồm có quyền
tiết lộ đời sống cá nhân của những chính trị gia, thương gia, tỷ phú, diễn
viên, các nhà thể thao và các nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến quần
chúng.
Trong năm 1988, chính quyền
liên bang ban hành Đạo luật Quyền hạn Riêng tư (Privacy Act). Đạo luật này bao
gồm 4 khía cạnh chính. Thứ nhất, hầu hết các cơ quan công quyền liên bang và
ACT phải tuân thủ 11 tiêu chuẩn được gọi là Nguyên tắc Thông tin Riêng tư
(Information Privacy Principles) khi thu thập và sử dụng thông tin riêng tư hoặc
chi tiết cá nhân. Thứ hai, các công ty tư nhân bao gồm các tổ chức y tế và phi
vụ lợi phải tuân thủ 10 Nguyên tắc Riêng tư Quốc gia (National Privacy
Principles) khi sử dụng chi tiết cá nhân. Thứ ba, các co quan tín dụng phải
tuân thủ các điều lệ đặt ra nhằm bảo vệ tin tức cá nhân và thứ tư, bất cứ ai sử
dụng Tax File Number phải tuân thủ các điều lệ do Sở Thuế đặt ra. Ngoài ra, một
Ủy viên Thông tin Úc châu (Australian Information Commissioner) cũng được thành
lập có nhiệm vụ điều tra các trường hợp vi phạm, theo dõi và kiểm soát các cơ
quan công quyền để bảo đảm họ tuân thủ luật pháp và quảng bá luật và các điều lệ
bảo vệ đời sống riêng tư rộng rãi đến mọi người.
Nguyên tắc Thông tin Riêng tư
quy định là các cơ quan công quyền có trách nhiệm thu thập và sử dụng chi tiết
cá nhân một cách hợp pháp và hợp lý và phải bảo quản thông tin không bị thất
thoát hoặc lạm dụng. Khi được yêu cầu, cơ quan phải cho cá nhân liên hệ biết là
đang giữ thông tin gì của họ và phải bảo đảm là thông tin chính xác và cập nhật.
Cơ quan chỉ được quyền sử dụng thông tin cá nhân với mục đích mà cá nhân cho
phép hoặc trong trường hợp cần phải cứu mạng sống hoặc trong những trường hợp
được luật pháp cho phép ví dụ như để bảo vệ an ninh và tài chính quốc gia.
Nguyên tắc Riêng tư Quốc gia
quy định là các công ty hoặc tổ chức phi chính phủ phải thông báo cho cá nhân
liên hệ biết khi thu thập chi tiết cá nhân của họ là để cho mục đích gì, ai có
quyền sử dụng chi tiết cá nhân đó và sẽ có hậu quả gì nếu họ từ chối cung cấp
chi tiết. Khi thu thập chi tiết hệ trọng (sensitive information) ví dụ như những
chi tiết liên quan đến nguồn gốc sắc tộc, tín ngưỡng tôn giáo hoặc chính trị, hồ
sơ hình sự hoặc thành viên của các tổ chức chuyên nghiệp hoặc nghiệp đoàn thì
phải có sự đồng ý chính thức của cá nhân đó. Các tổ chức thu thập thông tin hoặc
chi tiết cá nhân phải bảo đảm tính chính xác và cập nhật và không để bị lạm dụng.
Tổ chức phải soạn thảo chính sách riêng tư (privacy policy) bằng văn bản và
cung cấp cho bất cứ ai khi được yêu cầu. Khi có người nào xin coi hồ sơ của họ
thì tổ chức phải cho phép và nếu chi tiết sai sót thì phải nhanh chóng sửa lại
cho đúng.
Nhưng có một số tổ chức được
miễn tuân thủ Nguyên tắc Riêng tư Quốc gia. Những thương vụ có doanh thu dưới 3
triệu mỗi năm thì được miễn vì bằng không thì giới tiểu thương phải gánh nặng tốn
kém chi phí tuân thủ. Những chi tiết của công nhân gồm có sức khoẻ, thời hạn
làm việc, tiến trình huấn luyện, kỷ luật, từ chức, điều kiện hợp đồng lao động,
hiệu năng hoặc hành vi làm việc cũng được miễn. Các đảng phái chính trị và ký
giả cũng không cần tuân thủ với lập luận là truyền thống sinh hoạt dân chủ và tự
do thông tin chính trị sẽ bị giới hạn nếu họ không được miễn.
Đạo luật Riêng tư cũng áp dụng
đối với các công ty cho vay và các báo cáo tín dụng (credit reporting
agencies). Công ty cho vay không được quyền tiết lộ chi tiết cá nhân của người
mượn tiền cho công ty khác trừ khi có sự đồng ý của họ. Thông thường thì sự đồng
ý này đã được in sẵn trong các đơn xin mượn tiền. Các công ty báo cáo tín dụng
chỉ được lưu giữ các chi tiết gồm có số tiền mượn, chi tiết công ty cho vay và
hồ sơ nợ xấu (bad debts history). Cá nhân liên hệ có quyền bắt buộc các công ty
báo cáo tín dụng điều chỉnh hồ sơ cho chính xác. Những chi tiết lưu giữ chỉ được
sử dụng với mục đích là duyệt xét đơn xin mượn tiền của đương sự. Khi công ty
cho vay từ chối đơn thì phải thông báo lý do và cho biết chi tiết của công ty
báo cáo tín dụng đề người mượn tiền có thể khiếu kiện nếu chi tiết cung cấp
không chính xác.
Tóm lại, trong thời đại thông
tin điện số hiện hay với internet, email, face book, paparazzi...chi tiết cá
nhân và đời sống riêng tư ngày càng bị đe dọa. Nếu không cẩn thận thì những khí
cạnh riêng tư thầm kín nhất của cuộc sống có thể được đưa lên màn ảnh youtube
cho tất cả mọi người trên giới chiêm ngưỡng. Bất cứ ai cũng có thể bảo vệ đời sống
riêng tư bằng cách áp dụng một vài hình thức đơn giản. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi
cung cấp chi tiết cá nhân qua mạng, có thể nào gửi thư hoặc sử dụng fax được
không? Nên thường xuyên kiểm soát trương mục nếu có xài internet banking. Nên hủy
bỏ những bank statements, thẻ tín dụng hoặc các văn kiện có chi tiết cá nhân cũ
để tránh rớt vào tay người lạ. Và khi cảm thấy quyền hạn riêng tư của mình bị
xúc phạm thì hãy mau chóng liên lạc với các văn phòng bảo vệ quyền hạn riêng tư
tiểu bang hoặc liên bang để nhờ họ can thiệp và giúp đỡ.
Comments
Post a Comment