Những bức thư ‘tẩm độc’ của Man Haron Monis


Credit: businessinsider.com.au 

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào ngày 15/12/2014, nước Úc và cả thế giới bàng hoàng về vụ bắt con tin trong tiệm cà phê Lindt giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại trung tâm thành phố Sydney trong lúc có nhiều người đang bận rộn mua sắm chuẩn bị đón Lễ Giáng Sinh. Kết cuộc thì có có hai nạn nhân và thủ phạm bị chết. Thủ Tướng Tony Abbott tuyên bố là chính quyền liên bang sẽ tiến hành gấp rút điều tra vụ án để tìm xem có thiếu sót gì trong hệ thống luật pháp hay không. Trong thời buổi khủng bố đe dọa thường trực hiện nay thì vụ bắt con tin vừa qua đã làm chấn động tâm lý của nhiều người về tình trạng an ninh tại nơi công cộng.

Monis sinh năm 1964 tại Ba Tư. Ông tới Úc và xin tỵ nạn vào năm 1996. Monis cho biết ông tin Đạo Hồi Giáo cấp tiến nên nhà cầm quyền Ba Tư đã bắt giữ vợ con ông và đang tìm truy bắt ông. Nhưng theo một số nguồn tin khác cho biết thì Monis lấy bỏ túi riêng khoảng $200,000 Úc kim từ một công ty du dịch mà ông điều hành và đào tẩu bỏ lại vợ và 2 con.

Đơn xin tỵ nạn của Monis được Bộ Di Trú Úc chấp thuận vào năm 2001 và từ đó thì Monis tự xưng là Sheik Ayatollah Manteghi Boroujerdi. Năm 2003, Monis bắt đầu sống với bà Nolene Hanson Pal và có với nhau 2 đứa con. Họ chia tay vào năm 2011. Cũng trong khoảng thời gian này thì Monis dựng lên một dịch vụ chữa bệnh bằng chiêm tinh học và và ma thuật. Vào giữa năm 2011, Nolene Hanson Pal than phiền với cảnh sát là bà bị Monis hăm dọa và lo ngại cho sự an toàn của mình. Cảnh sát xin tòa ban án lệnh AVO và tố Monis với tội theo dõi và hăm dọa nhưng Monis được trắng án vì cảnh sát không trưng dẫu đủ bằng chứng buộc tội.

Từ 2007 tới 2009, Monis để ý tới sự tham gia của Úc vào cuộc chiến tại A Phú Hãn và viết thư gửi cho thân nhân của một số lính Úc tử trận tại đó. Nội dung của những bức thư bắt đầu bằng hình thức chia buồn nhưng sau đó thoá mạ quân nhân Úc thậm tệ như là những kẻ khát máu giết hại phụ nữ và trẻ em Hồi Giáo cũng như so sánh họ với tội phạm diệt chủng Hitler. Trong tháng 4 năm 2011, Monis bị truy tố dưới Điều 471.12 của Bộ Luật Hình Sự Liên Bang về tội sử dụng hệ thống bưu chính có tính lăng mạ hoặc xúc phạm đến người khác với hình phạt tối đa la 2 năm tù. Sau các nỗ lực kháng cáo xin án lệnh tòa tuyên bố Điều 472.12 vi hiến bị thất bại, Monis nhận tội và bị phạt làm 300 tiếng đồng hồ công tác cộng đồng trong năm 2013.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2013, Nolene Hanson Pal bị đâm 18 nhát dao và bị đốt cháy ngay tại cầu thang trong dãy nhà chung cư nơi bà cư ngụ ở Werrington. Amirah Droudis bạn gái của Monis bị tố tội giết người và Monis thì bị tố là tòng phạm trong vụ án mạng này. Cả hai được tại ngoại hầu tra trong lúc chờ ngày xét xử.

Trong tháng 4 năm 2014 thì Monis lại bị truy tố tội hãm hiếp và tấn công tình dục một số phụ nữ khi họ tìm đến dịch vụ chữa trị của Monis. Tòa cho Monis được tại ngoại với điều kiện là phải tới trình diện với cảnh sát hàng ngày.

Rõ ràng là Monis có một lý lịch hình sự đáng quan tâm. Câu hỏi cần được đặt ra là hệ thống pháp lý có những lỗ hổng nào không và các nhà chức trách đã có thiếu sót gì trong vụ án này không? Tại sao đơn xin tỵ nạn của Monis lại được chấp thuận? Với những cáo trạng nghiêm trọng như vậy thì tại sao Monis lại được tại ngoại hầu tra? Tại sao Monis lại có súng shotgun để uy hiếp con tin?

Trở lại với các bức thư mà Monis gửi cho than nhân của những người lính Úc tử trận tại A Phú Hãn, Monis nộp đơn kháng cáo lên Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm NSW trong năm 2011 với lý do là Điều 472.12 của Bộ Luật Hình Sự Liên Bang vi phạm Hiến Pháp Úc. Điều 472.12 quy định người nào phạm tội sử dụng hệ thống bưu chính hoặc tương tự qua hình thức hoặc nội dung mà một người bình thường có thể xem là có tính đe dọa, quấy nhiễu hoặc xúc phạm thì sẽ bị tuyên án 2 năm tù. Luật sư của Monis lập luận rằng điều này vi hiến vì nó ngăn cấm quyền tự do chính luận. Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm NSW xác nhận nguyên tắc pháp lý qua 2 vế: thứ nhất, Điều Luật 472.12 có hạn chế quyền tự do chính luận hay không và thứ hai, nếu có thì điều luật này có tương xứng với một mục đích chính đáng hay không? Cả 3 vị thẩm phán của Tòa Kháng Cáo phán rằng Điều 472.12 có ảnh hưởng giới hạn quyền tự do chính luận nhưng vẫn không vi hiến vì nó tương xứng với mục đích chính đáng là bảo vệ uy tín của và niềm tin vào hệ thống bưu chính là một dịch vụ cần thiết trong đời sống hàng ngày.

Monis kháng cáo quyết định này của Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm NSW và Tối Cao Pháp Viện ban hành phán quyết trong năm 2013. Thông thường thì Tối Cao Pháp Viện có 7 vị thẩm phán nhưng trong thời điểm này thì có một vị vừa về hưu mà chính quyền chưa kịp bổ nhiệm thẩm phán khác thay thế. Ba vị thẩm phán nam của Tòa đồng ý với lập luận của Monis là Điều 472.12 vi hiến vì chính luận có lúc mang tính xúc phạm. Họ viện dẫn ví dụ của những cuộc tranh luận gay gắt trong Quốc Hội Úc khi chính giới có lúc cố ý hạ nhục và xúc phạm đối phương để thắng phiếu. Tranh luận trong một hệ thống chính trị tự do không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng và lịch sự. Vì vậy, Điều 472.12 đi ngược lại với một hệ thống chính trị đại nghị dân cử. Trong khi đó thì ba vị thẩm phán nữ trong phán quyết chung (joint judgment) lại đồng ý với quyết định của Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm NSW là Điều 472.12 không vi hiến vì tuy có hạn chế quyền tự do chính luận nhưng tương xứng với mục đích chính đáng bảo vệ uy tín của hệ thống bưu chính. Vì Tối Cao Pháp Viện bị bế tắc nên phán quyết của Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm được áp dụng và có hiệu lực.

Không biết vì sao Monis lại có địa chỉ riêng của thân nhân lính Úc tử trận tại A Phú Hãn? Cũng nên nói rõ là Điều 472.12 chỉ áp dụng khi bị cáo sử dụng hệ thống bưu chính. Ví dụ trong trường hợp này, nếu Monis phổ biến nội dung các bức thư “tẩm độc” qua email, facebook hoặc các trang mạng thì không có vấn đề. Thân nhân có thể lập luận rằng họ có thể chọn không tìm đọc. Nhưng khi nhận thơ từ bưu điện thì họ không có sự chọn lựa đó.

Trong năm nay, Monis đã nộp đơn xin Tối Cao Pháp Viện xin cứu xét lại vấn đề vì kết quả bế tắc 3-3 không đưa ra một tiền lệ rõ ràng. Vào ngày Thứ Sáu đó 12 tháng 12, hai vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Úc đã bác đơn khiếu nại của Monis. Cũng trong ngày này, họ đã bác bỏ đơn kháng cáo về bản án tù chung thân của ông Ngô Cảnh Phương và đóng lại trang cuối của vụ án nhiều tai tiếng này. Theo hệ thống kháng cáo tại Úc thì đơn kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện thường đi qua hai giai đoạn. Giai đoạn sơ thẩm do một hoặc hai vị thẩm phán xem xét đơn kháng cáo có luận cứ pháp lý đúng đắn hay không? Nếu có thì tòa mới thụ lý ấn định ngày xử để các bên trong vụ kiện có cơ hội trình bày lập luận trước tất cả 7 vị thẩm phán. Bằng không thì tòa sẽ bác đơn kháng cáo ngay tại chỗ.

Chỉ 3 ngày sau đó thì Monis tiến hành bắt con tin gây ra cái chết của hai thường dân vô tội. Một số người trong đó có một số ký giả hoặc bình luận gia thiếu hiểu biết hoặc thiếu trách nhiệm đã vội vàng đổ lỗi cho tòa và cho các vị thẩm phán. Ngay cả Thủ Tướng Tony Abbott cũng bày tỏ sự bực tức với Legal Aid vì đã tài trợ đơn kháng cáo của Monis. Một số thẩm phán đã bị đe dọa tới tính mạng vì danh tanh của họ được phổ biến một cách lầm lẫn trong khi họ không có dính líu gì tới các vụ xử Monis.

Có thể hiểu được là có nhiều người tức giận sau biến cố này. Nhưng trong cương vị của một người lãnh đạo thì sự cẩn trọng và điềm tĩnh là cần thiết. Thủ Tướng Abbott đã sai phạm khi vội vã tuyên bố là Monis có bằng sở hữu súng. Điều này trái với sự thật và đã làm tổn thương đến uy tín của chính quyền và cảnh sát tiểu bang NSW.

Các vị thẩm phán chỉ có thể ra phán quyết dựa vào bằng chứng trưng dẫn trước tòa. Khi cho phép Droudis và Monis được tại ngoại hầu tra, tòa nhận xét rằng hồ sơ truy tố của công tố viên không có cơ sở vững chắc và dựa vào chứng cứ gián tiếp hoặc suy đoán (circumstantial evidence). Cả hai bị cáo đều có chứng cứ vắng mặt (alibi) và cả hai đều không có tiền án bạo động.

Chắc chắn là sự thật sẽ được phanh phui trong những ngày tháng tới. Mọi người đều khôn ngoan hơn sau khi sự việc đã xảy ra. Trong khi chờ đợi bản báo cáo về vụ án này thì cũng nên đặt ra câu hỏi Monis là một tay khủng bố hay là một tên khùng? Dù sao đi nữa thì đáng khen nhất là Thủ Hiến NSW Mike Baird. Trong suốt và sau biến cố này, tình cảm chân thật của ông dành cho nạn nhân và thân nhân của họ đã làm ấm lòng nhiều người. Sự điềm tĩnh và cẩn trọng không vội vàng chỉ tay đỗ lỗi cho người này, người nọ hoặc tìm cách lấy điểm hoặc lấy phiếu biểu lộ tầm vóc của một người lãnh đạo đứng đắn. Khi trả lời câu hỏi của Báo Daily trong cuộc phỏng vấn gần đây là Monis có đáng được tha thứ hay không, Thủ Hiến Baird đã nói rằng “nhìn từ bất cứ góc cạnh nào, quyền lực của sự tha thứ lúc nào cũng mạnh hơn lòng thù hận và chúng ta phải tìm cách tha thứ nhưng phải ghi nhớ những người đã hy sinh và thay vì sống với thù hận và tuyệt vọng thì thành phố chúng ta đang sống với niềm tin và tình thương”. Chỉ với câu nói này thì ông cũng xứng đáng tiếp tục làm Thủ Hiến thêm một nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử Quốc Hội Tiểu Bang NSW trong tháng 3 năm tới.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng