Luật chống khủng bố tại Úc
Ls Nguyễn Văn Thân
Vào tháng 9 năm 2014, toàn nước Úc chấn
động trước tin hơn 800 nhân viên cảnh sát và an ninh bố ráp một số nơi tại NSW
và Queensland để ngăn chặn một âm mưu khủng bố ngay tại Úc. Theo tin tức cho biết
thì nhóm khủng bố có ý định bắt cóc một thường dân Úc, dùng dao chặt đầu rồi
đưa lên youtube. Cảnh sát lục soát 25 căn nhà, bắt giữ 15 người và truy tố 2
người về các tội trạng liên quan tới khủng bố. Thủ Tướng Tony Abbott lạnh lùng
tuyến bố là trong thời buổi này, muốn thi hành khủng bố thì chỉ cần “một con
dao, một cái iphone và một nạn nhân”.
Có 10 người Úc bị thiệt mạng
trong cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại Nữu Ước. Thủ Tướng John Howard lúc
đó đang viếng thăm Mỹ phải trú ẩn dưới hầm Tòa Đại Sứ Úc tại Washington.
Khoảng một năm sau, cuộc đánh
bom khủng bố ở Bali giết chết 88 công dân Úc và gây thương tích cho hàng trăm
người Úc khác. Có lẽ vì trực tiếp trải nghiệm hậu quả nặng nề của hai cuộc khủng
bố này mà Thủ Tướng John Howard đã hăng hái tham gia và yểm trợ Tổng Thống Bush
trong cuộc chiến tấn công Iraq trong tháng 3 năm 2003.
Nhưng phải chờ tới ngày 7
tháng 7 năm 2005 khi một nhóm khủng bố gồm có những thanh niên gốc Hồi Giáo
sinh trưởng tại Anh đánh bom trên xe lửa và xe bus công cộng giết chết 52 thường
dân vô tội và gây trọng thương cho hơn 700 người thì chính quyền Úc mới bừng tỉnh
với cơn ác mộng là khủng bố không ở đâu xa mà ở ngay trong nhà của ta. Từ đó,
luật chống khủng bố ra đời để đương đầu với mối đe dọa mới và nhằm ngăn chặn
các cuộc khủng bố xảy ra ngay trên đất Úc.
Theo luật, tội phạm khủng bố
là những hành động hoặc ý định thi hành việc gì với mục đích đe dọa hoặc ảnh hưởng
đến chính sách nhà nước hầu đạt một mục tiêu về tôn giáo, chính trị hoặc ý thức
hệ và việc này tạo ra tử vong, thương tích đến thường dân hoặc tài sản của công
chúng hoặc phá hoại các hạ tầng cơ sở cung cấp điện lực hoặc thông tin liên lạc.
Bất cứ người nào liên can tới việc thi hành, tổ chức, phác họa kế hoạch, tham
gia huấn luyện, yểm trợ tài chánh, thu thập tài liệu hoặc tin tức liên quan tới
khủng bố đều phạm tội dù là cố ý hay bất cẩn. Chỉ hoạch ra kế hoạch nhưng không
thực hiện thì cũng đủ để phạm tội khủng bố. Án tù tối đa cho tội phạm khủng bố
là chung thân.
Luật cũng cho phép chính quyền
liệt kê và chỉ định tổ chức nào thuộc loại khủng bố. Tổ chức nào trực tiếp hoặc
gián tiếp khuyến khích các hành động khủng bố, hướng dẫn cách thức thi hành khủng
bố hoặc khen ngợi hành động khủng bố sẽ bị đưa vào danh sách. Cứ mỗi 3 năm thì
duyệt lại. Hiện nay có 19 tổ chức trong
danh sách gồm có Al-Qaeda, Ansar al-islam, Hamas’s Izz al-Din al-Qassam
Brigades, Hezbollah External Security Organisation, Islamist Movement of
Uzbekistan, Islamic State, Jemaah Islamiyah. Nói chung là các tổ chức khủng bố
Hồi Giáo tại Trung Đông. Người nào là thành viên, lôi kéo người khác gia nhập,
tham gia huấn luyện, yểm trợ tài chánh hoặc hỗ trợ tinh thần cho các tổ chức khủng
bố trong danh sách đều phạm luật. Án tù tối đa cho tội phạm có quan hệ với tổ
chức khủng bố là 3 năm. Nếu là thành viên thì 10 năm. Nếu phạm các tội khác như
là lôi kéo người khác gia nhập, tham gia huấn luyện hoặc yểm trợ tài chánh thì
án tù có thể lên tới 25 năm. Ngoài ra, bị cáo cũng có thể bị phạm tội mặc dù
chính quyền chưa đưa tổ chức khủng bố vào danh sách nếu bị cáo biết tổ chức đó
trực tiếp hoặc gián tiếp có kế hoạch tiến hành hoặc khuyến khích hành động khủng
bố.
Một vũ khí ngăn chặn khủng bố
khác mà luật cho phép là cảnh sát và nhân viên an ninh có quyền bắt giữ bất cứ
người nào tới 14 ngày mà không cần truy tố gọi là lệnh bắt giữ phòng ngừa
(preventative detention orders). Nhân viên tình báo ASIO có quyền thẩm vấn và
nghi phạm bắt buộc phải trả lời những câu hỏi theo lệnh của trác tòa. Có nghĩa
là từ chối trả lời câu hỏi của ASIO là một tội phạm và có thể lãnh án tù. Nghi
phạm phải trả lại passport và không được cho ai biết là mình đang bị ASIO điều
tra. Ngoài ra, nghi phạm không được tiết lộ cho bất cứ ai về việc mình bị bắt
và điều tra trong thời hạn 2 năm tính từ ngày của trác tòa. Nếu vi phạm thì có
thể lãnh án tù tới 5 năm.
Một khía cạnh khác là ASIO có
quyền xin lệnh kiểm soát (control orders). Có nghĩa là ASIO có thể xin trác tòa
kiểm soát toàn bộ đời sống của một nghi phạm khủng bố, bắt họ phải cư ngụ và
làm việc ở đâu, không được giao tiếp với ai, có được sử dụng internet hoặc
facebook hay không, có được lại gần những hạ tầng cơ sở quan trọng như là sân
bay, tòa nhà quốc hội, trạm điện hoặc đập nước hay không...Dưới lệnh kiểm soát,
nghi phạm có thể bị quản thúc tại gia, buộc phải mang thiết bị giám sát
(tracking device) hoặc phải báo cáo thường xuyên với nhân viên an ninh hoặc cảnh
sát.
Có thể nói quyền lực dành cho
ASIO là không bình thường trong một xã hội dân chủ, pháp quyền. Có lẽ vì vậy mà
Quốc Hội Úc đặt thời hạn 10 năm cho các điều luật này. Nó sẽ tự mất hiệu lực
ngoại trừ Quốc Hội đồng ý gia hạn.
Cũng may là ASIO chưa bao giờ
phải bắt giữ, thẩm vấn điều tra hoặc sử dụng lệnh bắt giữ phòng ngừa. Lệnh kiểm
soát thì chỉ được sử dụng 2 lần liên quan tới Jack Thomas và David Hicks.
Nhưng chính quyền của Thủ Tướng
Abbott đã cho biết là sẽ xin Quốc Hội gia hạn các điều luật này thêm 10 năm nữa. Chẳng những thế, chính quyền
cũng xin Quốc Hội tăng thêm quyền lực cho các cơ quan an ninh gồm có quyền kiểm
duyệt hoặc theo dõi hệ thống internet, ban đặc quyền miễn tố cho nhân viên an
ninh trong tiến trình điều tra, truy tố ký giả nếu họ tiết lộ về các cuộc điều
tra khủng bố và đảo ngược trách nhiệm chứng minh đối với những người đi du lịch
tại một số địa điểm ở Trung Đông. Có nghĩa là thay vì công tố viên trưng dẫn bằng
chứng buộc tội bị cáo đi nước ngoài để tham gia vào các cuộc chiến tại Trung
Đông thì bị cáo phải chứng minh là họ vô tội và có lý do chính đáng để có mặt tại
những nơi đó.
Một trong những quan ngại lớn
là dự luật mới của chính quyền có thể bật đèn xanh cho nhân viên ASIO tra tấn
nghi phạm nếu họ nghĩ rằng chỉ có cách đó mới ngăn chặn được một cuộc tấn công
khủng bố. Thượng Nghị Sĩ David Leyonhjelm của Đảng Tự Do Dân Chủ đã nhận xét là
các dự luật này “thật đáng xấu hổ. Quốc Gia của chúng ta phải tốt hơn thế. Nước
Úc đang chống lại chủ nghĩa man rợ, nhưng không có nghĩa là mình cũng phải trở
thành man rợ”.
Điều 35K của Dự Luật An Ninh
Quốc Gia qui định là nhân viên an ninh "hưởng đặc quyền miễn tố hình sự và
dân sự trong lúc thi hành nhiệm vụ với điều kiện là họ không gây ra án mạng hoặc
đả thương trầm trọng hoặc xâm phạm tình dục”.
Như vậy thì những hình thức
tra vấn như không cho ngủ, đánh bom nước (water bombing) tạo cảm giác chết đuối,
sỉ nhục (ví dụ như bắt tù nhân Hồi Giáo ăn thịt heo và uống rượu), hoặc cho điện
giật nhẹ thì sao? Những hình thức này không làm chết người, không gây ra thương
tích nặng hoặc để lại dấu vết thì không phải là tra tấn?
Vào ngày 22 tháng 7 năm 2011
thì Quốc gia Na Uy hiền hòa trải qua một nạn tấn công khủng bố. Anders Breivik,
một tay cuồng tín 32 tuổi đánh bom và nổ súng giết chết 77 người dân vô tội.
Anders bị tuyên án 21 năm tù, có thể gia hạn mỗi kỳ thêm 5 năm nếu hắn vẫn còn
là mối đe dọa cho xã hội. Các vị lãnh đạo Na Uy phát biểu mục đích chính của tội
phạm khủng bố là muốn hủy diệt các giá trị và văn hóa dân chủ và nhân quyền bằng
hình thức khủng bố. Nhưng Na Uy sẽ phản ứng bằng cách tăng thêm dân chủ và nhân
quyền để cho đám khủng bố biết là họ sẽ không bao giờ thành công trong việc đạt
được mục tiêu mà họ mong muốn.
Cũng còn quá sớm để đánh giá
phương thức chống khủng bố của Na Uy có phải là biện pháp tốt nhất hay không.
Đây là một vấn đề phức tạp. Làm sao để quân bình quyền hạn của nhân viên an
ninh trong nỗ lực ngăn chặn khủng bố và quyền con người trong một xã hội văn
minh. Thật khó mà tưởng tượng người Úc sẽ phản ứng thế nào nếu việc chặt đầu
người thật sự diễn ra ngay tại trung tâm thành phố Sydney và được quay chiếu
trên hệ thống internet.
Comments
Post a Comment