Chương cuối trong vụ án John Newman?

 


Credit: abc.net.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào năm 2014, luật sư của ông Ngô Cảnh Phương nộp đơn lên Tối Cao Pháp Viện kháng cáo phán quyết của Tòa Kháng Cáo NSW được ban hành hồi tháng 6 năm 2013. Trạng sư của ông Phương là Michael Lee SC, người từng đại diện cho James Ashby trong vụ kiện quấy nhiễu tình dục với Peter Slipper Cựu Dân Biểu và Chủ Tọa (Speaker) Hạ Viện Quốc Hội Úc.

Tưởng cũng nên nhắc lại là John Newman Dân Biểu Cabramatta bị bắn chết ngay tại nhà vào ngày 5 tháng 9 năm 1994. Ông Ngô Cảnh Phương bị bắt và truy tố với tội cố sát ông Newman vào ngày 13 tháng 3 năm 1998. Phiên xử đầu tiên diễn ra trong tháng 6 năm 1999 nhưng bị hủy bỏ. Phiên xử thứ hai kết thúc trong tháng 2 năm 2000 nhưng bồi thẩm đoàn không đạt được đồng thuận. Phiên xử thứ ba bắt đầu từ tháng 3 năm 2001. Tới tháng 6 năm 2001 thì bồi thẩm đoàn ra phán quyết là ông Phương phạm tội giết chết John Newman. Tuy nhiên, hai tòng phạm cùng bị truy tố là có mặt tại hiện trường và nổ súng bắn chết John Newman thì lại được trắng án.

Vào ngày 25 tháng 7 năm 2001 thì ông Phương nộp đơn kháng cáo. Tới ngày 14 tháng 11 năm 2001 thì Thẩm Phán Dunford tuyên án tù chung thân với ông Phương. Khi bàn hành bản án này thì Thẩm Phán Dunford phán rằng động cơ phạm tội của ông Phương là vì “tham vọng chính trị trần trụi tráo và nóng lòng” muốn trở thành dân biểu Cabramatta (naked political ambition and impatience). Vì vậy, tội trạng của ông Phương thật quá nghiêm trọng mà các yếu tố công lý, bảo vệ quyền lợi của công chúng, trừng phạt và răn đe chỉ có thể đạt được qua một bản án chung thân.

Vaà ngày 5 tháng 8 năm 2002, ông Phương (qua luật sư đại diện) sửa và nộp đơn kháng cáo dựa trên 17 điểm trong đó có việc kháng cáo về tội trạng lẫn cả bản án chung thân. Cũng nên nói rõ là có hai loại kháng cáo trong luật hình sự. Một là kháng cáo về tội trạng (conviction appeal). Hai là kháng cáo về bản án quá mức (excessive sentence appeal). Nhưng tới ngày 7 tháng 11 năm 2002 thì ông Phương (cũng qua luật sư đại diện) lại thông báo hủy bỏ đơn kháng cáo về bản án quá mức (có lẽ vì đơn kháng cáo không có cơ hội thành công theo ý kiến của luật sư). 

Tới ngày 3 tháng 4 năm 2003 thì Tòa Kháng Cáo Thượng Thẩm NSW bác đơn kháng cáo của ông Phương về tội trạng. Ông Phương đệ đơn lên Tối Cao Pháp Viện nhưng đơn cũng bị bác vào ngày 28 tháng 5 năm 2004.

Trong năm 2008 và 2009, Chánh Án Tòa Thượng Thẩm yêu cầu Cựu Thẩm Phán David Patten duyệt lại toàn bộ vụ án Ngô Cảnh Phương. Ông Patten tiến hành cuộc điều trần và mời một số nhân chứng xuất hiện và cung cấp bằng chứng. Ông Phương cũng làm nhân chứng, khai báo và bị thẩm vấn trong cuộc điều trần. Trước đây thì ông chọn không làm nhân chứng trong phiên xử. Trong luật hình sự, bị cáo có quyền chọn không làm chứng vì công tố viên mang trách nhiệm trưng dẫn bằng chứng buộc tội bị cáo chớ bị cáo không cần phải chứng minh mình vô tội. Tới ngày 14 tháng 4 năm 2009, ông Patten phát hành một văn bản báo cáo với kết luận là ông không tìm thấy có điều gì đáng nghi vấn về tội trạng của ông Phương. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần này thì có nhân chứng thuộc giới lãnh đạo guồng máy Đảng Lao Động cho biết là họ có y định thu xếp đưa ông Phương vào Thượng Viện NSW. 

  lẽ  vịn vào cớ này mà tới ngày 2 tháng 8 năm 2012 thì ông Phương nộp đơn kháng cáo về bản án chung thân. Vì đơn kháng cáo nộp quá thời hạn quá lâu nên ông cũng xin tòa gia hạn thời gian nộp đơn kháng cáo.

Công tố viên trưng dẫn bằng chứng trước tòa là ông Phương đã yêu cầu hai nhân viên của Câu Lạc Bộ Mekong mà ông làm Chủ Tịch Danh Dự (Honorary President) mua súng và tìm sát thủ. Họ không tìm được sát thủ hoặc sát thủ không dám nhận vì chức vị dân biểu của ông Newman. Rồi chính hai người này có ý định hạ thủ John Newman. Lần đầu là trước cửa một nhà hàng. Lần hai tại một Câu Lạc Bộ Đua Chó (Greyhound Club) và lần thứ ba là ngay tại nhà John Newman. Họ đều thất bại trong 3 lần này vì những lý do khác nhau. Sau đó, một trong hai nhân vật này dàn xếp để mua một khẩu súng bán tự động có hiệu Ruger và mướn sát thủ thi hành vụ án. Nhưng tới giờ chót thì sát thủ này đổi ý và rút lui và sau đó thì khẩu Ruger bị mất. Kế tiếp thì nhân vật này mua khẩu Beretta và gắn ống hãm thanh. Vào ngày 5 tháng 9 năm 1994, sau khi tham dự phiên họp chi bộ Đảng, John Newman lái xe về nhà và đậu trong driveway vào khoảng 9.30 tối. Bà Lucy hôn thê của ông, ra đón và trong lúc ông đang phủ tấm bạt (tarpaulin) lên xe thì có một người đàn ông tiến tới nổ súng và bắn 4 phát. Hai viên đạn xuyên ngực John Newman giết chết ông ngay tại chỗ. Sát thủ nhảy lên xe tẩu thoát. Quyết định của bồi thẩm đoàn có nghĩ là công tố viên đã thành công trong việc chứng minh vượt qua mọi nghi vấn hợp lý (beyond reasonable doubt) theo đúng tiêu chuẩn của luật hình sự chính ông Phương là chủ mưu trong việc ám sát John Newman. Khi ban hành án chung thân, Thẩm Phán Dunford phán rằng ông Phương có ước muốn thay thế John Newman đại diện cho Đảng Lao Động tại Cabramatta. Nhưng ông đã hứa với guồng máy của Đảng là ông sẽ không tranh giành với John Newman trong tiến trình tuyển chọn ứng viên tranh cử (preselection). Vậy thì ông phải tìm cách loại bỏ John Newman. Tội phạm này không những cố ý, có kế hoạch và không chỉ sát hại một mạng người mà còn tấn công trực tiếp vào hệ thống chính trị dân chủ đại nghị và vào nền tảng của một xã hội dân chủ và pháp quyền của Úc mà trong đó tất cả mọi người đều có quyền tự do ứng cử tham gia chính trường mà không bị đe dọa tới tính mạng. Hệ thống chính trị tại Úc không có chỗ cho bất cứ hình thức hăm dọa hoặc bạo động nào cả.

Trong tiến trình tuyên án thì tòa thường đi qua hai giai đoạn. Thứ nhất là liệt kê những yếu tố khách quan dựa trên bằng chứng trưng dẫn trước tòa. Sau đó là cứu xét các yếu tố chủ quan ví dụ như hoàn cảnh cá biệt của bị cáo gồm có tuổi tác, hạnh kiểm, sức khoẻ về thể chất lẫn tâm thần. Thẩm Phán Dunford ghi nhận là ông Phương sinh năm 1958 tại Việt Nam. Ông đến Úc với tư cách là một người tỵ nạn vào năm 1982 với một người em trai. Ông bắt đầu đi làm với một công ty lắp ráp cửa sổ (flyscreen company) và sau đó trở thành một thương gia thành công và từng làm chủ một tờ báo Việt ngữ. Ngoài ra, ông cũng sáng lập và là chủ tịch Câu Lạc Bộ Mekong. Tòa ghi nhận là ông đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng Cabramatta ví dụ như ông đã chủ động thành lập Trung Tâm Phòng Ngừa Ma Túy tại Fairfield (Drug Prevention Centre). Trong tù thì ông là một tù nhân gương mẫu lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác đặc biệt là các tù nhân trẻ gốc Á Châu và khuyến khích họ theo đuổi việc học hành trong tù để tạo dựng một tương lai sáng sủa sau này. Khi vụ án xảy ra thì ông Phương mới 36 tuổi và lúc tòa tuyên án thì mới 43 (tức tuổi đời của ông còn khá dài). Tuy nhiên, vì tội trạng quá nghiêm trọng nên tòa không có sự lựa chọn nào khác ngoài bản án chung thân. Thẩm Phán Dunford tin rằng bản án chung thân là đúng đắn nhưng không có nghĩa là ông Phương phải ở trong tù cho hết cuộc đời và cho biết luật pháp không cho phép ông ấn định một bản án tù cố định (non parole period). Nếu có thì ông sẽ ấn định một bản án rất dài.

Đơn kháng cáo về bản án quá mức của ông Phương dựa trên 3 điểm. Thứ nhất, Thẩm Phán Dunford đã phạm lỗi khi tuyên án chung thân dưới Điều Khoản 61(1) của Đạo Luật Hình Sự (Thủ Tục Tuyên Án) 1999. Thứ hai, tòa đã kết luận sai lầm là ông Phương phạm tội vì có động cơ tham vọng chính trị và sau cùng Thẩm Phán Dunford đã không cứu xét hoàn cảnh cá nhân của ông Phương khi ban hành bản án chung thân. Nếu đơn kháng án của ông Phương thành công thì có thể tòa phải ấn định thời hạn tù non parol (25 hoặc 30 năm). Và nếu tòa chấp thuận ông Phương phạm tội không vì lý do chính trị thì có thể sẽ phạt nhẹ hơn nữa. Ông Phương đã bị bắt và ở tù từ năm 1998 (tính tới nay là 16 năm). Nếu tòa ấn định thời hạn non parol là 20 năm thì ông có thể ra tù trong vài năm tới. 

Trở lại với điểm kháng cáo thứ nhất của ông Phương thì luật sư của ông lập luận rằng Thẩm Phán Dunford đã phạm lỗi khi áp dụng Điều Khoản 61(1) vì Điều Khoản này chỉ được Quốc Hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 3 tháng 4 năm 2000, mà vụ án xảy ra trước đó vào năm 1994. Có nghĩa là nếu Thẩm Phán Dunford không áp dụng Điều Khoản 61(1) thì có lẽ ông Phương không lãnh bán án chung thân mà sẽ là một bản án tù cố định. Nhưng Tòa Kháng Cáo không chấp nhận lập luận này mà phán rằng nguồn luật tuyên án cho tội cố sát là Điều Khoản 19 của Đạo Luật Hình Sự 1989. Điều Khoản này quy định tội phạm giết người có thể lãnh án chung thân và chung thân có nghĩa là tù nhân ở tù cho tới hết cuộc đời.  Điều Khoản 19 đã có hiệu lực từ tháng 1 năm 1990 trước khi xảy ra vụ án. Điều Khoản 61(1) chỉ nhấn mạnh là tòa phải ban án tù chung thân cho tội phạm giết người trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.

Về điểm thứ hai là động cơ hạ sát John Newman có liên quan tới tham vọng chính trị hay không thì Tòa Kháng Cáo phán rằng vấn đề này đã được tranh cãi khá kỹ lưỡng trong phiên xử. Việc có thêm một nhân chứng trong Đảng Lao Động khai báo trước cuộc điều trần của ông Patten là một số nhân vật trong guồng máy Đảng Lao Động có ý định đưa ông Phương vào Thượng Viện không phải là bằng chứng mới. Nhiều lắm là việc này chỉ ủng hộ lập trường của ông Phương là việc hạ sát John Newman không dựa vào động cơ chính trị. Vì vậy, điểm thứ hai cũng bị tòa bác bỏ.

Sau cùng, Tòa Kháng Cáo phán rằng Thẩm Phán Dunford đã ghi nhận hoàn cảnh cá nhân có nhiều mặt thuận lợi của ông Phương nhưng đã đi đến kết luận là vụ án John Newman thuộc trong trường hợp nghiêm trọng nhất và chỉ có bản án chung thân mới thực thi công lý một cách đúng mức.

Tóm lại, có thể nói là vụ án John Newman là một trong những vụ án gây nhiều tranh cãi nhất. Cho tới nay thì vẫn chưa biết thủ phạm bóp còi nổ súng là ai? Ông Phương chắc là phải ăn ở có tình nghĩa thế nào đó mà nhóm thân hữu đã không bỏ rơi ông. Vụ án này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đối với tiến trình hội nhập chính trường của người Việt tại Úc. Phiên xử và phán quyết sắp tới của Tối Cao Pháp Viện chắc chắn sẽ được nhiều người theo dõi. Đã hơn 20 năm kể từ khi John Newman gục ngã trong vòng tay của vị hôn thê. Hy vọng là thời gian cũng là liều thuốc xoa dịu nỗi đau cho mọi người trong cuộc cũng như những sự thay đổi và sắc thái mới trên đường phố Cabramatta chứng minh là Cộng Đồng Việt Nam đã vượt qua được một giai đoạn khó khăn nhất để mong là sẽ sớm có một dân biểu gốc Việt xuất hiện tại nghị trường trong một tương lai gần sắp tới.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng