Quốc tịch, khủng bố và vai trò của truyền thông

 


Credit: aspistrategist.org.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Sau nhiều cuộc tranh luận về quyền tước quốc tịch của bộ trưởng, Tổng Trưởng Di Trú Peter Dutton đã đệ trình dự luật thay đổi luật quốc tịch mà trong đó, công dân song tịch Úc sẽ mất quốc tịch trong một số trường hợp. Trước đây, chính quyền muốn trao quyền tước quốc tịch cho tổng trưởng di trú. Nhưng sau khi nhận được lời can từ Tổng Luật Sư (Solicitor General) Justine Gleeson là đề nghị này có thể vi hiến vì xâm phạm quyền tài phán của tòa án, chính quyền quyết định áp dụng điều luật mới là công dân Úc song tịch sẽ đương nhiên mất quốc tịch Úc nếu họ tham gia khủng bố, huấn luyện, tuyển mộ, tài trợ khủng bố ở trong hay ngoài nước Úc.

Điều 35 của Đạo Luật Quốc Tịch hiện hành quy định công dân song tịch sẽ đương nhiên mất quốc tịch Úc nếu họ phục vụ cho quân đội đang có chiến tranh với Úc. Điều 35 này sẽ được nới rộng và bao gồm cả khi công dân song tịch tham gia hoặc phục vụ cho một tổ chức nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố, hoặc khi tham chiến tại ngoại quốc, hoặc khi họ phạm tội phản quốc hoặc các tội phạm liên quan tới tình báo và an ninh quốc phòng. Con cái của họ cũng có thể mất quốc tịch theo họ.

Dự luật này sẽ được Ủy Ban An Ninh và Tình Báo của Quốc Hội Úc xem xét trước khi đưa ra Quốc Hội để biểu quyết. Ủy Ban cũng sẽ nghiên cứu xem dự luật nên có hiệu lực hồi tố hay không. Hiện nay, có một số công dân song tịch đang ở tù vì phạm tội khủng bố. Câu hỏi đặt ra là luật mới có áp dụng cho những người này khi họ mãn hạn tù hay không?

Không rõ là luật mới sẽ được áp dụng trong thực tế một cách cụ thể thế nào? Dưới Điều 35 hiện hành thì công dân song tịch sẽ đương nhiên mất quốc tịch Úc khi họ tham gia vào quân đội đang đánh với Úc. Nhưng chưa có trường hợp nào xảy ra dưới Điều 35. Theo một số người dự đoán thì Tổng Trưởng Di Trú sẽ gửi thư thông báo cho cá nhân liên hệ là họ đã mất quốc tịch Úc dưới điều luật mới. Cá nhân đó nếu muốn, có quyền nộp đơn lên tòa xin xét xử là họ không có vi phạm luật quốc tịch. Bộ Di Trú sẽ là bị đơn. Sau khi xét xử thì tòa sẽ ban hành phán quyết. Quyền tài phán vẫn thuộc về tòa theo đúng Hiến Pháp. Nhưng nếu cá nhân liên hệ đang ở nước ngoài thì làm sao họ có thể đệ đơn trong thời hạn quy định? Nói chung là sẽ còn nhiều chi tiết cần được làm sáng tỏ.

Cũng có người lo ngại là trong một số trường hợp, công dân song tịch có thể mất quốc tịch khi họ không làm gì liên quan tới khủng bố hoặc phản bội nước Úc. Ví dụ như khi họ phạm tội gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, thăm viếng gia đình và bị kẹt lại trong vùng chiến, hoặc khi đi làm ăn, thăm viếng thân nhân hay đi hành hương tại nơi có xung đột vũ trang ở Trung Đông. Kêu gọi hoặc cổ xúy cho thánh chiến cũng vi phạm luật khủng bố có thể dẫn đến việc mất quốc tịch.

Ước lượng có khoảng 120 người Úc đang tham gia với Nhà Nước Hồi Giáo (IS) tại Trung Đông và 160 người tại Úc đang yểm trợ họ qua các hình thức tài trợ và tuyển mộ. Trong số 120 người tại Trung Đông thì có khoảng phân nửa thuộc dạng đơn tịch. Có nghĩa là họ chỉ có quốc tịch Úc. Việc gì sẽ xảy ra khi họ trở về Úc thì vẫn chưa rõ ràng.

Không ai phủ nhận là chúng ta đang sống trong thời đại khủng bố và mọi người chấp nhận là chính quyền cần phải có những biện pháp thích đáng đòi hỏi người dân hy sinh một ít nhân quyền gồm có các quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử theo đúng tiến trình công lý. Mặt khác, chính quyền cũng có trách nhiệm giải thích và lắng nghe những quan ngại chính đáng một cách nghiêm túc. Đáng tiếc là Thủ Tướng Abbott không đóng đúng vai trò của một vị lãnh đạo trong khía cạnh này. Khi Bộ Trưởng Tư Pháp Đối Lập Mark Dreyfus phát biểu ý kiến là cứ để cho công dân Úc tham chiến tại Trung Đông trở về để chính quyền bắt giữ và truy tố họ thì Abbott lập tức xuyên tạc rằng Đảng Lao Động "muốn trải thảm đỏ đón mừng quân khủng bố trở về". Đây là một hình thức tranh luận theo kiểu chụp mũ rẻ tiền làm giảm giá trị của một vị thủ tướng. Chẳng lẽ Abbott muốn bắt chước cách hành xử cao bồi "không là bạn tao thì là kẻ thù của tao" của George Bush khi quyết định tấn công Iraq, rồi để lại một đống hệ quả khủng bố và Nhà Nước Hồi Giáo bây giờ?

Tương tự như vậy, Abbott đã phản ứng nóng nảy và vội vả khi tấn công Đài ABC. Trong chương trình ăn khách Q & A vào tối thứ hai ngày 22 tháng 6 vừa qua, Zaky Mallah đã được tham dự và mời đặt câu hỏi. Mallah đã tham dự chương trình Q & A hết 4 lần nhưng đây là lần đầu tiên được mời đặt câu hỏi. Zaky Mallah là người gốc Li băng nhưng sinh đẻ tại Úc vào năm 1984. Mallah là công dân Úc đầu tiên bị truy tố dưới luật chống khủng bố vào năm 2003. Sau khi bị giam giữ trong tù gần 2 năm, Mallah được trắng án về tội khủng bố nhưng nhận tội hăm giết một viên chức an ninh ASIO và bị tuyên án 2.5 năm tù. Khi bị một số nữ ký giả chỉ trích, Mallah chửi họ là "mấy con đĩ đáng bị hiếp tập thể".

Khi đề tài thảo luận trong chương trình Q & A liên quan đến đề nghị trao quyền cho tổng trưởng di trú tước quốc tịch, Mallah phát biểu rằng "trong quá khứ tôi đã làm một số việc dại dột gồm có hăm dọa bắt cóc và giết người nhưng trong năm 2005 thì tôi được trắng án về tội khủng bố. Nhưng kết quả sẽ ra sao nếu vụ án của tôi được quyết định bởi tổng trưởng di trú thay vì quan tòa?". Thứ Trưởng và Dân Biểu Tự Do Steve Ciobo đáp trả là "theo tôi hiểu thì anh được trắng án vì lý do kỹ thuật là luật khủng bố không có giá trị hồi tố. Nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái nhìn thẳng mặt anh mà nói là anh nên bị đuổi ra khỏi quốc gia này". Mallah liền trả đũa: "Rác rưởi. Là một công dân Úc, tôi muốn ông nên rời khỏi quốc gia này. Chính vì có những người bộ trưởng như ông mà nhiều thanh niên Hồi Giáo cảm thấy đi Syria và tham gia Nhà Nước Hồi Giáo là một việc làm chính đáng". Một tràng pháo tay của khán giả vang lên sau đó. Ngay lập tức, Tony Jones Điều Hợp Viên chương trình Q & A tuyên bố câu cuối của Mallah là bậy bạ không thể chấp nhận được và xin lỗi mọi người.

Thật ra, Mallah trắng án không phải vì lý do kỹ thuật mà vì bồi thẩm đoàn phán xét là không có đủ bằng chứng buộc Mallah phạm tội khủng bố. Dù sao đi nữa, câu hỏi Mallah đặt ra hoàn toàn bình thường và không có gì sai trái. Đúng ra trong trong cương vị của một thứ trưởng thì Ciobo nên bình tĩnh trả lời và giải thích không chỉ cho người đặt câu hỏi, mà cho công chúng biết luật quốc tịch mới sẽ được áp dụng thế nào thay vì đấu khẩu 'hàng tôm hàng cá' với một kẻ như Mallah. Nhưng sau đó thì Abbott giận dữ cáo buộc khán giả tham dự chương trình Q & A là một "đám thiên tả" (lefty lynch mob) và đặt câu hỏi "Đài ABC đứng về phe nào?" Khi chương trình Q & A được chiếu lại vào tối thứ tư thì Abbott lồng lộn đòi phải "có đầu rơi" (heads should roll) và công bố là chính quyền sẽ tiến hành điều tra Đài ABC.

Rõ ràng là quyết định cho một tên cuồng tín như Mallah tham dự và đặt câu hỏi trong một chương trình truyền hình trực tiếp là một sai lầm. ABC đã chấp nhận và xin lỗi cho sai lầm này và sẽ tiến hành một cuộc điều tra nội bộ. Nhưng ông Mark Scott Giám Đốc Đài ABC cũng trả lời là ABC đứng về phía nước Úc và người Úc. Trong một đội ngũ thì mỗi thành viên đều có một vai trò riêng. ABC đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là về mặt phản biện. Đài ABC là một cơ quan truyền thông công cộng độc lập chớ không phải là đài truyền hình của nhà nước hoặc là công cụ tuyên truyền của nhà nước như các đài truyền hình ở Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn. Chắc chắn là người Úc cũng không muốn Đài ABC trở thành công cụ của chính quyền. Trong một xã hội dân chủ lành mạnh thì có lúc chúng ta phải tạo điều kiện cho một vài thiểu số cực đoan được phát biểu ý kiến thay vì bịt miệng họ. Tiếng nói của đa số có thể đáp trả bằng những lập luận bình tĩnh và vững chắc. Đúng ra trong cương vị của một lãnh tụ thì Abbott không nên trực tiếp ra tay ăn thua đủ với Đài ABC. Chính thái độ hung hăng của Abbott tấn công vào một cơ quan truyền thông độc lập và cả tập thể khán giả với những lời lẽ khiếm nhã đã làm giảm mất danh dự của một vị thủ tướng.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng