Luật biểu tình
Credit: freeassembly.net
Ls Nguyễn Văn Thân
Biểu tình là một hình thức tự
do ngôn luận được luật pháp bảo vệ. Nhưng có lúc quyền này ảnh hưởng hoặc gây
tác hại đến các quyền khác ví dụ như quyền riêng tư hoặc quyền tự do đi lại và
sinh hoạt mà không bị ngăn cản hoặc quyền được hưởng sự an toàn cho bản thân
trong sinh hoạt hàng ngày. Khi có xung đột thì luật pháp phải tìm cách quân
bình giữa quyền biểu tình và các quyền này.
Vậy Luật Biểu tình được áp dụng
thế nào tại Úc đặc biệt là tại NSW? Thật ra, so với các cộng đồng sắc tộc khác
thì Cộng đồng Người Việt Tự do NSW tổ chức
biểu tình khá nhiều và vì vậy các thành viên trong cộng đồng cũng nên nắm vững
một vài điểm căn bản của luật pháp hầu khi gặp trở ngại với cảnh sát khi tham
gia biểu tình do cộng đồng tổ chức.
Điều 23 của Bộ luật Tiểu hình
(Summary Offences Act 1988) quy định là bất cứ người nào cũng có thể gửi thông
báo đến cảnh sát khi tổ chức tụ họp hoặc biểu tình, cho biết chi tiết ngày giờ
và mục đích của cuộc biểu tình, có diễn hành hoặc tuần hành hay không cùng với
và những chi tiết quan trọng khác. Thông báo này còn được gọi là mẫu đơn số 1
(Form 1). Đa số các thành viên trong các ban chấp hành cộng đều quen thuộc với
mẫu đơn này. Nếu đơn được nộp với cảnh sát 7 ngày trước cuộc biểu tình mà cảnh
sát không phản đối thì xem như cuộc biểu tình đã được chấp thuận (authorised
public assembly). Theo Điều 24 thì những người tham dự cuộc biểu tình đã được
chấp thuận sẽ được miễn tố về tội tham dự biểu tình bất hợp pháp hoặc gây rối
trật tự công cộng hoặc cản trở lưu thông nếu như họ tuân thủ đúng các điều kiện
ghi rõ trong đơn xin biểu tình.
Theo Điều 25 của Đạo luật thì
sau khi nhận được đơn xin biểu tình, cảnh sát có thể đệ đơn xin án lệnh của tòa
“cấm” không cho biểu tình. Lý do chữ “cấm” được viết trong ngoặc kép là vì nó
không có ý nghĩa thông thường. Nói một cách khác, khi tòa ban hành án lệnh “cấm”
biểu tình dưới Điều 25 thì không có nghĩa là cuộc biểu tình đó mặc nhiên trở
thành bất hợp pháp hoặc ban tổ chức không được tổ chức mà chỉ có nghĩa là ban tổ
chức hoặc các thành viên tham dự cuộc biểu tình sẽ không được hưởng sự bảo vệ
và đặc quyền miễn tố của Điều 24. Có nghĩa là họ có thể bị truy tố nếu có chuyện
gì không hay xảy ra trong cuộc biểu tình.
Một trong những vụ xử đầu tiên
liên quan tới Điều 25 của Đạo luật là vụ Commissioner of Police v Rintoul
[2003]. Bị đơn, ông Rintoul thông báo với cảnh sát là ông sẽ tổ chức biểu tình
phản đối chính sách giam giữ người tỵ nạn của chính phủ tại đường Britannia
Pennant Hills. Cảnh sát phản đối và yêu cầu tòa ban lệnh cấm dưới Điều 25 viện
dẫn lý do là cuộc biểu tình diễn ra gần nhà của Tổng trường Di trú thời đó là
ông Philip Ruddock (một chính khách quen thuộc với cộng đồng Việt nam). Một lý
do khác mà cảnh sát đưa ra là địa điểm biểu tình nằm ngay trong công viên vào
ngày thứ bảy mà có rất nhiều người tới chơi thể thao và có nhiều xe cộ ra vào.
Thẩm phán Simpson của Tòa Thượng
thẩm NSW nhận xét mục đích của Đạo luật là tạo thế quân bình giữa các quyền tự
do quan trọng trong một xã hội dân chủ, pháp quyền. Một bên là quyền tự do ngôn
luận và tụ họp. Bên kia là quyền riêng tư và tự do đi lại hoặc sinh hoạt không
bị cản trở.
Cũng theo Thẩm phán Simpson
thì hầu như cuộc biểu tình nào cũng có gây cản trở hoặc tạo bất tiện cho việc
giao thông, đi lại và sinh hoạt hàng ngày của cư dân. Nhưng công viên cũng như
các phương tiện công cộng khác thì tất cả mọi người đều được sử dụng chớ không
ai hưởng độc quyền. Riêng về việc cuộc biểu tình diễn ra gần nhà ông Ruddock
thì trên nguyên tắc, các vị bộ trưởng hoặc dân biểu phần nào chấp nhận hy sinh
quyền riêng tư khi tham gia chính trường. Có thể làm như vậy thì không lịch sự
cho lắm nhưng cảnh sát không đưa ra bằng chứng nào cụ thể cho thấy là sẽ có bạo
động. Vì vậy, tòa từ chối không ban lệnh cấm và yêu cầu cảnh sát trả án phí cho
bị đơn.
Thẩm phán Simpson cũng nói
thêm là thật ra sự bảo vệ của Điều 24 rất là giới hạn. Ban tổ chức cũng như các
tham dự viên chỉ được miễn tố nếu họ tuân thủ các điều kiện ôn hòa đặt ra trong
đơn xin. Người nào quậy phá hoặc bạo động vẫn bị truy tố như thường cho dù cảnh
sát đã cho phép biểu tình.
Một vụ khác là Commissioner of
Police v Bainbridge [2007] cũng diễn ra tại Tòa Thượng Thẩm NSW. Bị đơn báo với
cảnh sát là sẽ tổ chức biểu tình bắt đầu tụ họp từ Sydney Town Hall và dự đoán
sẽ có hơn 10000 người tham dự. Sau đó là cuộc tuần hành đi qua các con đường
chính của thành phố gồm có đường George, Bridge, Macquarie và dừng lại tại
Opera House. Mục đích là phản đối Tổng thống Bush về cuộc chiến Iraq nhân dịp
ông tham dự Hội nghị APEC. Cảnh sát đệ đơn xin Tòa Thượng thẩm ngăn cấm cuộc biểu
tình này. Trong thời điểm này, chính quyền cũng ban hành đạo luật đặc biệt nới
rộng quyền lực của cảnh sát với mục đích bảo vệ an ninh cho các yếu nhân gồm có
các nguyên thủ quốc gia đến Sydney tham dự APEC cũng như để bảo đảm Hội nghị được
diễn ra suôn sẻ.
Cảnh sát cho biết là họ đã quyết
định dựng rào cản chặn đóng những con đường chính trong suốt thời gian Hội nghị
APEC diễn ra tại Sydney và đề nghị bị đơn chọn một lộ trình tuần hành khác cũng
bắt đầu từ Town Hall nhưng đi qua đường Park rồi dừng lại ở một công viên lớn
trong thành phố. Bị đơn không đồng ý vì làm như vậy thì không tiến đến Opera
House và thu hút dư luận tối đa được.
Tòa đồng ý ban án lệnh cấm tuần
hành theo sự yêu cầu của cảnh sát vì có nhiều nguy cơ bạo động và thương tích
khi có một số lượng lớn đoàn người biểu tình tuần hành trong những con đường nhỏ
hẹp mà lại bị rào cản. Thật ra, cuộc biểu tình tuần hành vẫn có thể diễn ra
nhưng phải qua một lộ trình khác nên án lệnh của tòa không ngăn cản quyền tự do
ngôn luận. Cũng nên nhắc tới là Cộng đồng Người Việt Tự do cũng có tổ chức biểu
tình trong thời điểm này để phản đối sự hiện diện của lãnh tụ CSVN tham dự Hội
nghị APEC. Cuộc biểu tình của cộng đồng diễn ra suôn sẻ tại Moore Park và hầu
như không thấy bóng dáng của một người cảnh sát nào.
Một vụ tuần hành khác là
Commissioner of Police v Langosch [2012]. Bị đơn thông báo cho cảnh sát là sẽ tổ
chức tuần hành vào ngày 15 tháng 5 năm 2012 từ 5.30 chiều bắt đầu từ Town Hall
rồi đi qua các con đường chính gồm có George, Market, Pitt và King. Mục đích là
để tưởng niệm ngày Al-Nakba. Al Nakba là ngày 15 tháng 5. Người Do Thái lập Quốc
vào ngày 14 tháng 5 năm 1948. Hàng năm, người Palestine tưởng niệm Al Nakba như
là Ngày Tang Tóc (Catastrophe Day).
Cảnh sát phản đối với lý do
đây là giờ cao điểm và sẽ có rất nhiều người và xe cộ tới lui ra vào trên các
đoạn đường này. Tuần hành như vậy thì cảnh sát có thể phải dựng rào cản đóng đường
lại cản trở lưu thông. Cảnh sát đề nghị đổi thành ngày cuối tuần nhưng bị đơn
không chịu.
Tòa cũng không chấp nhận đề
nghị của cảnh sát. Mục đích cuộc tuần hành là để tưởng niệm “Ngày Tang Tóc” 15 tháng 5. Cũng như diễn
hành Ngày ANZAC phải vào ngày 25 tháng 4 dù đó là ngày thường hay là ngày cuối
tuần, hoặc Ngày Quốc Khánh Úc phải đúng vào 26 tháng giêng dù đó là thứ tư hay
là thứ bảy. Ngày 15 tháng 5, 2012 là ngày thứ ba. Trong trường hợp này, cảnh
sát không trưng dẫn bằng chứng nào cho thấy có nguy cơ bạo động hoặc thương
tích mà chỉ là cản trở lưu thông. Bất tiện là một cái giá đáng trả trong một xã
hội tự do mà quyền tự do ngôn luận được tôn trọng.
Mới tháng rồi lại có thêm một
vụ kiện liên quan tới người Palestine và người Do thái là Commissioner of
Police v Ridgwell [2014]. Nhóm Palestine Action Group báo với cảnh sát là họ sẽ
tổ chức biểu tình phản đối chương trình khai mạc Lễ hội Phim ảnh Do thái
(Israeli Film Festival) ngay trước cửa Rạp hát Verona trên đường Oxford
Paddington từ 5 tới 8.30 tối. Họ sẽ dựng một màn ảnh lớn và trình chiếu một số
phim ảnh phản đối chính sách của Do thái đối với người Palestine.
Cảnh sát phản đối đơn xin biểu
tình mặc dù họ biết là nhóm Palestine Action Group đã từng tổ chức biểu tình
ôn hòa và không có vấn đề gì. Nhưng lần này họ tụ họp đồng người tại một địa điểm
chật hẹp mà có nhiều người qua lại. Nguy cơ tai nạn xảy ra khá cao. Tòa đã chấp
thuận yêu cầu của cảnh sát vì cuộc biểu tình diễn ra trong lúc cuộc chiến giao
tranh giữa Do thái mà Hamas đang diễn ra tại Gaza. Hình ảnh các em bé và phụ nữ
bị chết bằng bom đạn làm nhiều người tức giận và uất ức. Nguy cơ bạo động xảy
ra rất cao. Nếu co bạo động thì cảnh sát không ngăn chặn được vì có cả ngàn người
tụ tập trước cửa rạt hát nhỏ hẹp. Trong trường hợp này thì cán cân công lý
nghiêng về phía cảnh sát.
Tóm lại, luật pháp cho phép
người dân được quyền biểu tình bày tỏ thái độ một cách ôn hòa. Bất tiện là một
cái giá đáng trả. Chỉ có khi nào có nguy cơ bạo động thì tòa mới can thiệp. Một
điều mà chúng ta đáng hãnh diện là các cuộc biểu tình do cộng đồng tổ chức gồm
có các cuộc biểu tình phản đối giàn khoan HD 981 trong thời gian vừa qua đều rất
ôn hòa không gây phiền hà gì cho cảnh sát. Biểu tình ôn hòa không chỉ chứng
minh tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn bảo vệ được chính nghĩa của thông điệp
mà cộng đồng và đồng hương tham dự muốn gửi đến công luận tại Úc.
Comments
Post a Comment