Công dân Úc tham chiến ở nước ngoài sẽ bị mất Quốc tịch?
Credit: en.wikipedia.org
Ls Nguyễn Văn Thân
Cơ quan tình báo Úc ASIO ước
đoán là tính tới tháng 2 năm 2015 thì có khoảng 100 công dân Úc đã tham gia vào
các cuộc chiến tại Syria và Iraq. Trong số này thì có 30 người đã quay về Úc và
khoảng 20 chết trận. Một vài người xuất hiện trong các đoạn phim tuyên truyền của
các tổ chức khủng bố ví dụ như Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State) và Jabhat
al-Nusra. Một vài người khác đã đánh bom tự sát. Thậm chí, có người còn hăm dọa
là sẽ trừng phạt nước Úc.
Những người Úc quyết định tham
chiến ở nước ngoài này thường tự xưng là "thánh chiến quân"
(jihadists). Mối lo ngại cho chính quyền là khi trở về Úc thì họ sẽ ứng xử thế
nào? Nếu họ có ý định khủng bố thì hậu quả sẽ khó lường. Trong tháng 5 năm
2014, một tay súng đã từng tham gia huấn luyện quân sự với Nhà Nước Hồi Giáo đã
nổ súng giết chết 4 người trong một Nhà Thờ Do Thái tại Bỉ. Tại Châu Âu, có khoảng
10 trường hợp âm mưu khủng bố có liên quan tới một số thánh chiến quân trở về từ
Syria. Charlie Hedbo là một thí dụ khác. Một trong những tay khủng bố trong vụ
này đã từng được al-Qaeda huấn luyện tại Yemen. Chiến thuật của al-Qaeda là sử
dụng chính công dân của các nước tây phương thi hành những vụ khủng bố ngay tại
quốc gia của họ.
Chính quyền Úc xem hiện tượng
"thánh chiến quân" như là một trong những mối đe dọa an ninh quốc gia
hàng đầu. Để đối phó với hiểm họa này, chính quyền quyết định chi thêm 630 triệu
trong 4 năm tài trợ cho cảnh sát liên bang và ASIO thi hành các cuộc điều tra,
theo dõi một số cá nhân và tổ chức đáng nghi ngờ, sử dụng biện pháp tạm giam
phòng ngừa (preventive detention orders) và lệnh kiểm soát (control orders)
cùng với hủy bỏ giấy thông hành của một số nghi phạm. ASIO đã hủy 46 giấy thông
hành trong tài khóa 2014, so với 18 trong tài khoá trước đó.
Dưới luật hình sự liên bang,
tham chiến ở nước ngoài là một tội phạm nghiêm trọng có thể thọ án tới 25 năm
tù. Chiêu mộ, khuyến dụ người khác làm vậy cũng là một tội phạm với hình phạt tối
đa là 10 năm tù. Không những thế, chính quyền cũng có thể cấm công dân Úc đi đến
một địa điểm đang có chiến tranh. Vi phạm sẽ bị truy tố.
Một vấn đề gần đây gây nhiều
tranh cãi là đề nghị cho phép Bộ Trưởng Di Trú quyết định hủy bỏ quốc tịch của
thánh chiến quân. Mục đích chính là không cho họ có cơ hội trở lại Úc để phòng
ngừa hậu hoạn. Trong lúc họ tham chiến tại Syria hay Iraq, nhân viên đại sứ hoặc
lãnh sự quán Úc cũng không có trách nhiệm quan tâm hoặc giúp đỡ họ nếu họ đã bị
mất quốc tịch. Biện pháp này cũng là một hình thức răn đe cho những người nào
có ý định ra nước ngoài tham chiến. Họ sẽ biết trước hậu quả là một khi đã ra
đi thì không còn đường trở lại.
Thật ra, đề nghị này không có
gì mới mẻ. Trước đây đã từng có người đề nghị chính quyền hủy bỏ quốc tịch của
những kẻ bị nghi ngờ phạm tội diệt chủng trong chiến tranh để tống họ ra khỏi
nước Úc. Đây là một quyết định hành chính của bộ trưởng di trú, không cần phải
đi qua một phiên xử trước tòa vì khó mà thu thập được bằng chứng. Nhưng đề nghị
này không được nhiều người ủng hộ.
Cách đây không lâu, luật pháp
Anh Quốc cũng thay đổi cho phép bộ trưởng bộ nội vụ hủy quốc tịch của công dân
Anh Quốc tham chiến hoặc tham gia với các tổ chức khủng bố tại Trung Đông. Khoảng
20 nghi phạm bị mất quốc tịch vì lý do này. Trong số này, có khoảng 5 người là
sinh đẻ tại Anh Quốc. Có một vài người trong nhóm này nắm vai trò lãnh đạo
trong các nhóm khủng bố và sau đó trở thành mục tiêu ám sát của quân đội Mỹ.
Theo Điều 34 của Đạo Luật Quốc
Tịch hiện hành thì chính quyền không thể hủy quốc tịch của một công dân sinh đẻ
tại Úc hoặc sau khi tuyên thệ trở thành công dân Úc trừ khi đơn xin gia nhập quốc
tịch của họ có liên quan tới sự gian lận. Điều 35 quy định là những người song
tịch sẽ bị mất quốc tịch Úc nếu gia nhập quân đội của quốc gia đang có chiến
tranh với Úc. Nhưng hồi năm ngoái, ông Brett Walker SC Giám Sát Viên Luật An
Ninh Quốc Gia đệ trình một bản báo cáo đề nghị nới rộng quyền của Bộ Trưởng Di
Trú hủy bỏ quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia. Nhưng ông nói thêm là chính
sách này chỉ nên áp dụng đối với những người song tịch (dual citizens) vì Úc là
một thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc Giảm thiểu Tình trạng vô Quốc Gia (UN
Convention of the Reduction of Statelessness 1961). Trong số 100 người Úc đang
tham chiến tại Syria và Iraq thì có khoảng phân nửa là song tịch. Ông Walker
cho rằng khái niệm song tịch dẫn đến việc lòng trung thành với tổ quốc bị phân
chia và chính quyền nên xem xét lại chính sách này. Ông cũng chia sẻ mối lo ngại
của cựu Tư Lệnh Peter Leahy là "lính Úc tham chiến tại Syria theo lệnh của
quân đội Úc có thể đối đầu với chính công dân Úc".
Tuy nhiên, đề nghị này đã gặp
phải chống đối từ một số chuyên gia nghiên cứu về nạn khủng bố. Thứ nhất, quốc
tịch của một công dân là một quyền hạn thiêng liêng và chỉ nên bị tước đoạt sau
một phiên tòa xét xử với đầy đủ chứng cứ. Trao quyền sinh sát trong tay Bộ Trưởng
Di Trú có thể dẫn đến những quyết định sai lầm mang tính chính trị để thỏa mãn
thị chúng hoặc để làm hài lòng mấy tay xướng ngôn viên (talk back radio hosts)
chuyên sách động quần chúng. Thứ hai, làm thế nào để định nghĩa chính xác tiêu
chuẩn an ninh quốc gia? Câu trả lời có thể rõ ràng khi công dân Úc sang Trung
Đông hoặc Phi Châu huấn luyện với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda. Nhưng còn
trường hợp của ông Matthew Gardiner thì sao? Ông Gardiner là Chủ Tịch Đảng Lao
Động tại Bắc Úc. Đầu năm nay, ông sang Syria gia nhập vào nhóm Kurdish YPG để
đánh lại Nhà Nước Hồi Giáo. Có nghĩa là từ một cái nhìn nào đó, ông thuộc về
"phe ta" và chống lại tổ chức khủng bố. Nhưng Kurdish YPG cũng nằm
trong danh sách khủng bố của Mỹ, Châu Âu và Úc. Ông trờ về Úc trong tháng 4 và
bị bắt giữ tại phi trường nhưng sau đó được thả ra. Nếu áp dụng đề nghị tước quốc
tịch thì Bộ Trưởng Di Trú có nên hủy quốc tịch của ông không? Nếu ông không có
một quốc tịch khác thì sao? Hãy thử so sánh với một người khác ví dụ như một
thanh niên sinh đẻ tại Úc nhưng có cha mẹ gốc Trung Đông di dân hoặc tỵ nạn định
cư tại Úc và còn giữ quốc tịch gốc của họ. Có lẽ Bộ Trưởng sẽ không ngần ngại hủy
quốc tịch của chàng thanh niên này. Có nghĩa là luật pháp sẽ được áp dụng không
đồng đều và mang tính phân biệt đối xử. Chàng thanh niên sinh đẻ tại Úc gốc
Trung Đông sẽ là công dân hạng hai? Làm sao chính quyền kêu gọi giới thanh thiếu
niên Hồi Giáo sinh đẻ tại Úc hội nhập vào xã hội và phủ nhận lý thuyết khủng bố
cực đoan khi họ chỉ được xem là những công dân ở mức thấp hơn?
Hoặc giả như những người song
tịch biết được chính sách này và tự hủy quốc tịch thứ hai mà chỉ giữ Quốc tịch
Úc không thì sao? Nếu hủy quốc tịch của họ thì Úc sẽ vi phạm Công Ước Giảm thiểu
Tình trạng Vô Quốc Gia mà Úc đã ký. Thật ra, nếu Úc không muốn họ trở về thì chỉ
cần hủy giấy thông hành mà hiện nay luật pháp đã cho phép ASIO làm việc đó. Hủy
bỏ quốc tịch chỉ có tính biểu tượng. Tại sao không cho họ trở về để điều tra,
khai thác tin tình báo, truy tố rồi bỏ tù họ? Nếu họ biết là không còn đường trở
về thì họ có trở thành những tên khủng bố nguy hiểm và cuồng tín hơn không? Hậu
quả như vậy có tốt cho an ninh của Úc hay không?
Trong đầu năm nay, có hai thiếu
niên từ Sydney lên đường đi Syria. Họ bị mê hoặc bởi những tài liệu tuyên truyền
trên mạng của Nhà Nước Hồi Giáo. Có người chuẩn bị vé máy bay đưa họ qua Nam
Phi và Ai Cập rồi tới Syria và hứa là sẽ trả lương cho họ hàng tuần. Nhưng khi
đến nơi thì họ mới nhận ra thực tế không phải như vậy. Sau đó không lâu thì họ
tìm cách bỏ trốn. Nếu bị bắt là sẽ bị chém đầu. Cuộc trốn chạy thật là nguy hiểm
nhưng rốt cuộc họ cũng về được lại Úc. Nếu ASIO biết được thì chắc chắn đã hủy
giấy thông hành của họ như ASIO đã làm với 100 người Úc khác đang tham chiến tại
Syria. Và đây cũng là một thách thức đối với chính quyền. Làm sao giành phần thắng
trên mặt trận tuyên truyền trên mạng để ngăn ngừa thanh thiếu niên Hồi Giáo có
những quyết định ngu dốt như vậy.
Comments
Post a Comment