Người Việt tại Úc với quốc tịch Việt nam
Credit: nhandan.com.vn
Ls Nguyễn Văn Thân
Theo truyền thống thì Luật Quốc tịch Việt Nam dựa trên nguyên tắc đơn tịch hay là một quốc tịch. Sau năm 1945 thì chính quyền Hồ Chí Minh tại miền Bắc Việt Nam đã ban hành Sắc Lệnh 53/SL quy định rằng những người Việt Nam đã vào quốc tịch Pháp sẽ được coi là công dân Việt Nam và phải đến khai bỏ quốc tịch Pháp cũng như những công dân Việt Nam đã nhập quốc tịch ngoại quốc thì sẽ mất quốc tịch Việt Nam (Điều 7).
Sau 1975 thì Đạo luật
Quốc tịch hoàn chỉnh đầu tiên ra đời vào năm 1988. Điều 3 của Đạo luật này
khẳng định nguyên tắc đơn tịch là “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt
Nam”. Nhưng Đạo luật này không ghi rõ là người nước ngoài xin và được nhập
quốc tịch Việt Nam có đương nhiên mất quốc tịch gốc của họ hay không và ngược
lại công dân Việt Nam nhập quốc tịch nước ngoài có đương nhiên mất quốc tịch
Việt Nam hay không. Tuy nhiên, công dân Việt Nam muốn nhập tịch nước ngoài có
thể xin thôi quốc tịch Việt Nam nếu quốc gia đó quy định (Nghị định 37/HĐBT
1990).
Tới năm 1998 thì Luật
Quốc tịch được tu chính. Điều 20 của Luật Quốc tịch 1998 quy định rằng người
nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam thì không còn giữ quốc tịch nước ngoài,
trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định (Điều 20.3). Thật ra, điều
khoản này chỉ áp dụng với Việt Nam còn việc người đó có mất quốc tịch nước
ngoài hay không là do luật của quốc gia đó. Điều khoản này một lần nữa đặt luật
quốc tịch Việt Nam trong khuôn khổ đơn tịch. Và nếu như áp dụng nguyên tắc đơn
tịch triệt để thì người Việt ra định cư và nhập tịch nước ngoài phải đương
nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Một số nhà bình luận cho rằng nhà cầm quyền CSVN
trong thời gian đầu khăng khăng cho rằng người Việt định cư và có quốc tịch
nước ngoài vẫn là người Việt Nam là vì nếu cần có thể bắt bớ, giam cầm hay truy
tố họ như một người Việt Nam và chối bỏ quyền công dân nước ngoài gồm có quyền
được lãnh sự quán nước ngoài hỗ trợ khi họ bị truy bắt hoặc giam cầm (Trần Bình
Nam - Luật Quốc Tịch Việt Nam).
Tới năm 2008 thì Luật
Quốc tịch lại được tu chính. Đặc biệt là Điều 4 trước đây quy định“Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”được
bổ sung “trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Tu chính này có
thể được diễn giải là truyền thống đơn tịch không còn áp dụng triệt để như
trước đây. Nếu như Luật Quốc tịch 1998 có ghi là “nguyên tắc một quốc
tịch” thì Luật năm 2008 đã bỏ bớt chữ “một” và chỉ còn là “nguyên
tắc quốc tịch”. Điều này cho thấy có sự mềm dẻo và linh hoạt hơn. Lý
do chính có sự thay đổi này là vì nhà cầm quyền muốn thu hút người Việt định cư
và có quốc tịch nước ngoài trở về đầu tư và làm ăn ở Việt Nam bằng cách tạo
điều kiện cho họ hồi phục quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ được quốc tịch nước
ngoài.
Nếu xin lại quốc tịch
Việt Nam thì có mất quốc tịch Úc không? Câu trả lời là “Không”. Úc Đại lợi cũng
có truyền thống đơn tịch bắt đầu với Đạo luật Quốc tịch đầu tiên từ năm 1903
(Naturalization Act 1903). Luật Quốc tịch Úc đã trải qua nhiều đợt tu chính nhưng
đến năm 2002 thì Đạo luật Tu chính Quốc tịch Úc (Australian Citizenship
Legislation Amendment Act 2002) gạch bỏ Điều 17 của Luật Quốc tịch. Điều 17 này
quy định công dân Úc đương nhiên mất quốc tịch Úc khi nhập quốc tịch của một
quốc gia khác. Có nghĩa là kể từ năm 2002 thì Luật Quốc tịch Úc công nhận tình
trạng song tịch hoặc đa tịch.
Theo luật Quốc Tịch mới của Việt Nam thì sau ngày 1/7/2014 những
"Việt Kiều" không đăng ký giữ lại quốc tịch Việt Nam thì không còn là
công dân Việt Nam nữa.
Điều 13.2 của Luật Quốc tịch 2008 ghi rõ là “Người Việt Nam định cư ở
nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam
trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn có quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn
5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.
Ngoài ra, Điều 26.3
khẳng định một trong những căn cứ mất quốc tịch Việt Nam là“Không đăng ký
giữ quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này”.
Người mất quốc tịch
Việt Nam vì không tiến hành thủ tục đăng ký vẫn có thể làm đơn xin trở lại quốc
tịch Việt Nam dưới những Điều 23, 24 và 25 của Luật Quốc tịch 2008. Tuy nhiên,
người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ
một số trường hợp và trong trường hợp đặc biệt, “nếu được Chủ tịch nước
cho phép”(Điều 23.5).
Nếu muốn xin giữ quốc tịch Việt Nam thì phải liên lạc với Tòa Đại sứ
hoặc Lãnh Sự quán Việt Nam để tiến hành thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam
trước ngày 1 tháng 7 năm 2014.
Nếu xin lại quốc tịch Việt Nam mà chính quyền Việt Nam buộc phải tuyên
thệ từ bỏ quốc tịch cũ thì không hẵn sẽ mất quốc tịch Úc vì việc đó tùy thuộc vào luật
pháp Úc chớ không phải luật pháp hoặc điều kiện nhập tịch của Việt Nam. Một
công dân Úc đương nhiên mất quốc tịch Úc nếu tuyên thệ nhập tịch với một quốc
gia khác trước ngày 4 tháng 4 năm 2002. Sau ngày này thì phải làm đơn xin thôi
quốc tịch Úc. Điều 33(1) của Đạo luật Quốc tịch Úc 2007 (Australian Citizenship
Act 2007) ghi rõ là người muốn thôi quốc tịch Úc phải gửi đơn đến Tổng trưởng
Di trú để duyệt xét. Tổng trưởng phải trả lời đơn bằng văn bản chấp thuận hoặc
từ chối và nguyên đơn chỉ mất quốc tịch Úc tính từ ngày có quyết định chấp
thuận.
Có lại quốc tịch Việt Nam thì có hai lợi điểm chính là có thể đi lại
dễ dàng giữa Úc và Việt Nam mà không cần xin visa. Thứ hai là có thể mua bán,
làm ăn, thành lập công ty, đứng tên thương vụ hoặc bất động sản tại Việt Nam mà
không cần thông qua các thủ tục xin phép dành cho người nước ngoài.
Dĩ nhiên thì bên cạnh
đó cũng có nhiều điều bất lợi. Thứ nhất là có thể phải thi hành nghĩa vụ quân
sự như các công dân Việt Nam khác. Kế tiếp là có thể phải khai và đóng thuế cho
cả Úc và Việt Nam.
Nhưng điều nguy hiểm
nhất là khi đụng chạm tới luật hình sự hoặc khi cần sự hỗ trợ của lãnh sự quán
Úc ví dụ như trong trường hợp của ông Ernst Harlacher, một người sinh ra tại
Thuỵ Sĩ nhưng đã di dân sống tại Melbourne trên 40 năm. Ông Ernst đi Thụy Sĩ để
thăm bạn trong năm 2012 nhưng bị cảnh sát bắt vì được chẩn đoán mang bệnh lẫn
(dementia). Theo luật Thụy Sĩ thì những người mang bệnh lẫn bị buộc phải giam
giữ trong bệnh viện. Lãnh sự Úc tại Thụy Sĩ không can thiệp được vì ông vẫn còn
giữ quốc tịch Thụy Sĩ. Ông qua đời trong bệnh viện một năm sau đó.
Một trường hợp khác là
Ben Zygier - một người có song tịch Úc-Do Thái. Ben Zygier sinh ngày 9 tháng 12
năm 1976 tại Melbourne. Sau khi học xong đại học thì Ben gia nhập quân đội Do
Thái và thi hành nghĩa vụ quân sự. Sau đó Ben làm việc cho tổ chức tình báo
Mossad của Do Thái.
Không biết vì lý do gì
mà Ben bị nhà nước Do Thái bắt giam và giữ trong một phòng giam bí mật vào năm
2010. Gia đình của Ben cũng như lãnh sự quán Úc hoàn toàn không được cho biết
bất cứ chi tiết gì. Mãi đến năm 2013 sau khi Ben tự tử trong tù thì vụ này mới
được đưa ra ánh sáng.
Những trường hợp gần
với Việt Nam nhất là những người Úc gốc Hoa khi về Trung Quốc làm ăn bị bắt và
tuyên án tù dài hạn. Nổi bật nhất là Stern Hu một giám đốc của đại công ty Rio
Tinto. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc không coi họ như là người Úc và Lãnh
sự cũng như Bộ Ngoại giao Úc cũng không làm gì được. Trong khi những người Úc
gốc Hoa đều nhận những bản án tù dài hạn nhiều năm thì một người Úc da trắng là
ông Chris Mather chỉ bị lưu giữ 6 tháng với những cáo buộc tương tự.
Riêng đối với người Úc
gốc Việt thì càng phải thận trọng hơn vì theo Điều 78 của Bộ Luật Hình sự Việt
Nam (đã được sửa đổi, bổ sung 2009) thì “công dân Việt Nam nào cấu kết
với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền..., chế độ xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 12 năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc
tử hình”. Tương tự như vậy, Điều 79 quy định người nào tham gia tổ chức
nhằm lật đổ“chính quyền nhân dân” thì bị phạt tù từ mười hai năm
đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Điều 88 quy định người nào “tuyên
truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm và trường hợp nghiêm trọng thì từ mười năm đến hai mươi năm”.
Trong thời gian gần đây
thì nhà cầm quyền lại đưa ra Điều luật 258 để buộc tội và bỏ tù những bloggers
và những người sử dụng facebook và internet. Điều 258 quy định người nào “lợi
dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự
do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà
nước... tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba
năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp nghiêm trọng thì phạt tù
từ hai năm đến bảy năm”.
Thế nào là “lợi
dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của Nhà nước”? Luật Việt Nam có
đặc điểm là lúc nào cũng rất mơ hồ dễ tạo điều kiện cho sự diễn giải tùy tiện
và những bản án bỏ túi. Một công dân Úc giữ quốc tịch Việt Nam khi nói chuyện
với bạn bè trong một quán cà phê ở Cabramatta hay Footscray lên án nhà cầm
quyền Việt Nam hèn nhát trước sức ép của Trung Quốc thì có “lợi dụng
quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của Nhà nước” hay không? Còn
nếu bày tỏ thái độ như vậy qua email hoặc trên facebook thì sao? Khi về Việt
Nam có thể bị bắt và truy tố hay không? Hoặc khi về Việt Nam làm ăn nhưng bị
công an bắt bỏ tù thì có được Lãnh sự quán Úc ân cần thăm hỏi, hỗ trợ và vận
động tích cực để được trả tự do hay không? Nếu nhà cầm quyền Việt Nam trả lời
là họ đang giam giữ và xét xử công dân của họ theo đúng luật pháp và yêu cầu
Lãnh sự Úc đừng xía vào thì Úc có làm được gì không? Mọi người nên suy nghĩ
thật kỹ trước khi có ý định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Comments
Post a Comment