Người đàn ông kiện Chúa

 


Credit: australianconstitutioncentre.org.au

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào ngày 20/6/2014, Tối cao Pháp viện Úc đã ban hành phán quyết trong vụ kiện Williams v Commonwealth of Australia 2014 xác nhận chương trình tài trợ dịch vụ cung cấp giáo sĩ (Chaplaincy Program) là vi hiến. Phán quyết này có tầm ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ và quyền hành của chính quyền và Quốc hội liên bang cùng với các tiểu bang và lãnh thổ.

Đây là vụ kiện đợt hai. Vụ kiện đầu tiên diễn ra vào năm 2012. Nguồn gốc vụ kiện xuất phát từ năm 2006 khi chính quyền Liên Đảng dưới thời của Thủ Tướng John Howard quyết định ban hành chương trình giáo sĩ. Dưới chương trình này, các trường học công cộng muốn có giáo sĩ đến trường sinh hoạt có thể làm đơn xin tài trợ với chính quyền liên bang. Tuy nhiên, chính quyền không có trình ra bất cứ đạo luật nào về chương trình này và yêu cầu Quốc hội thông qua. Từ trước đến giờ, mọi người cứ tưởng là chính quyền liên bang có thể tài trợ cho bất cứ chương trình hoặc dịch vụ gì theo ý muốn.

Thật ra, trước đây thì chính quyền các tiểu bang đã đưa chương trình giáo sĩ vào trường học. Victoria đi đầu vào năm 1954. Tây Úc, Nam Úc, ACT và Queensland làm theo trong thập niên 80 và 90.

Nguyên đơn vụ kiện là ông Ron Williams. Ông có 6 đứa con và 4 trong 6 đứa con này học trường tiểu học Darling Heights tiểu bang Queensland. Trong tháng 4 năm 2007 thì Trường Darling Heights làm đơn xin chính quyền lien bang tài trợ cho chương trình giáo sĩ. Đơn được chấp thuận và chính quyền ký hợp đồng tài trợ với Scripture Union Queensland (SUQ). SUQ là một tổ chức chuyên cung cấp giáo sĩ Thiên Chúa Giáo với mục đích là “rao giảng tin Chúa đến với trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình cũng như khuyến khích họ tìm gặp Thiên Chúa hàng ngày qua Kinh Thánh và những lời cầu nguyện”.

Ông Williams không muốn con mình trải nghiệm một hệ thống giáo dục hữu thần nên quyết định đệ đơn kiện chính quyền liên bang. Câu hỏi đầu tiên là ông có tư cách nguyên đơn hay không (standing)? Vì vụ kiện của ông được các tiểu bang yểm trợ và gia nhập nên Tòa phán rằng câu hỏi đó không còn quan trọng nữa. Dĩ nhiên là các tiểu bang có đủ tư cách nguyên đơn để thách thức chương trình giáo sĩ của chính quyền liên bang.

Lúc đầu thì luật sư của ông Williams tập trung vào luận cứ là chính quyền liên bang không được quyền thuê mướn giáo sĩ vì hiến pháp Úc không cho phép dựa trên nguyên tắc tự do tín ngưỡng gồm có quyền chọn lựa niềm tin tôn giáo cũng như quyền không tin vào bất cứ tôn giáo nào. Điều 116 của Hiến Pháp Úc quy định tiêu chuẩn tôn giáo không được đặt ra cho bất cứ chức vụ nào của nhà nước hoặc chính quyền liên bang. Nguyên đơn lập luận rằng chương trình giáo sĩ vi phạm điều 116 vì để được chọn làm giáo sĩ thì một cá nhân phải được thụ phong và chấp thuận bởi một tổ chức tôn giáo. Nhưng lập luận này đã bị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ vì các vị giáo sĩ không nắm bất cứ chức vụ nào với nhà nước hoặc liên bang. Các vị giáo sĩ có thỏa thuận riêng với SUQ và đồng ý nhận chi phí để cung cấp dịch vụ giảng đạo cho trường và làm việc dưới quyền hiệu trưởng. Có thể nói quan hệ giữa họ và SUQ là chủ nhân và đại lý hoặc nhà thầu. Chính quyền liên bang không ký hợp đồng thuê mướn nào và cũng không biết họ là ai. Hơn nữa, trong tài liệu hướng dẫn chương trình giáo sĩ không có quy định nào về tôn giáo và cũng có thể áp dụng cho trường hợp không dính líu tới tôn giáo (secular chaplains). Có nghĩa là trên lý thuyết, giáo sĩ bao gồm tất cả những người đã được huấn luyện và nhận lãnh chức vụ bởi một tôn giáo nào đó có thể gồm có giáo sĩ Công Giáo, Anh Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Hồi Giáo.

Một luận cứ khác mà nguyên đơn đưa ra là chính quyền liên bang vượt quá quyền hạn trong việc ký hợp đồng trả tiền cho SUQ mà không dựa vào một đạo luật cụ thể về chương trình giáo sĩ. Theo Hiến Pháp Úc thì chỉ có Quốc Hội (Lưỡng Viện) trong vai trò lập pháp mới có quyền ban hành luật và chuẩn thuận chi tiêu. Chính quyền (hành pháp) không thể tự ban cho mình quyền chi tiêu mà không thông qua Quốc Hội.

Trong vụ kiện Pape v Commissioner of Taxation (2009), ông Pape đệ đơn kiện Sở thuế vì chính quyền liên bang dưới thời Thủ Tướng Kevin Rudd đã quyết định “thưởng” cho mỗi người đóng thuế $900. Ông Pape lập luận rằng Hiến pháp Úc không cho phép chính quyền ban thưởng (gift) một cách vô cớ như vậy. Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ luận cứ này và phán rằng Hiến pháp cho phép chính quyền lien bang thi hành những biện pháp cần thiết khi quốc gia có biến cố. Trong giai đoạn này, thế giới phải đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng có thể làm sụp đổ cả nền kinh tế. Chính sách tặng thưởng của chính quyền nằm trong mục đích bảo vệ nền kinh tế quốc gia từ những hậu quả khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì vậy, quyết định khẩn cấp này của chính quyền hoàn toàn hợp pháp.

Nhưng luận cứ này không áp dụng được cho chương trình giáo sĩ. Quốc gia không có biến cố gì mà cần phải lập tức cung cấp dịch vụ giáo sĩ. Tối cao Pháp viện đã chấp nhận lập luận của ông Williams là chính quyền hành pháp liên bang đã vượt quá quyền hạn mà Hiến pháp cho phép và tuyên bố chương trình giáo sĩ là vi hiến.

Sau quyết định này, chính quyền (lúc đó dưới thời Thủ Tướng Julia Gillard) lập tức yêu cầu Quốc Hội thông qua một đạo luật chung chung cho phép chính quyền cung cấp tài trợ cho hơn 400 chương trình khác nhau trong đó có dịch vụ cung cấp giáo sĩ cũng như các chương trình tài trợ giáo dục, y tế, và cho hội đồng thành phố. Nhưng ông Williams đệ đơn kiện lần nữa với lý lẽ là chính quyền không thể dựa vào một đạo luật chung chung để chi tiền cho bất cứ chuyện gì mà muốn chi tiền cho chương trình giáo sĩ thì phải yêu cầu Quốc Hội thông qua một đạo luật cụ thể về chương trình giáo sĩ. Nhưng Hiến pháp không cho phép Quốc Hội thông qua một đạo luật như vậy vì nó không nằm trong phạm vi thẩm quyền của Quốc Hội Liên bang mà là thuộc các tiểu bang. Lý luận này đã được Tối Cao Pháp Viện đồng ý và chấp thuận. Thật ra tựa đề bài viết “Người đàn ông kiện Chúa” là không đúng mà chính thể ông Williams tiến kiện là chính quyền Liên bang Úc mà ông đã kiện hai lần và thắng cả hai lần.

Hậu quả của phán quyết này là nếu chính quyền liên bang muốn tiếp tục tài trợ cho chương trình giáo sĩ thì  phải hợp tác và tài trợ qua các tiểu bang chớ không được qua mặt các tiểu bang muốn làm gì thì làm. Đây là một khuyến cáo mà Tối cao Pháp viện gửi cho chính quyền liên bang. Đừng ỷ có tiền và độc quyền thu thuế lợi tức mà khinh thường các tiểu bang. Không có thế lực có thể đứng trên hiến pháp.

Một số chính trị gia thuộc trường phái bảo thủ đã phàn nàn là tại sao một người đàn ông bình thường mà lại có thể làm sụp đổ cả một chương trình tốn kém hàng trăm triệu đô la của chính quyền và Quốc Hội Liên bang cũng như ước muốn mang tôn giáo vào trường học của họ? Thật ra họ nên chấp nhận và chào đón một sự kiện như vậy vì nó cho thấy Úc Đại Lợi là một quốc gia và xã hội pháp quyền mà trong đó không có cá nhân nào, chính phủ nào hay quốc hội nào có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và đứng trên hiến pháp. Đây cũng là một bài học cho chính phủ và nhà nước Việt Nam cũng như cho ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam khi ông bị Ts Cù Huy Hà Vũ đệ đơn kiện vì đã cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây nguyên. Thay vì cứ khăng khăng áp dụng nguyên tắc ‘luật là Đảng, Đảng là luật” với những người yêu nước như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình và những blogger đang bị cầm tù chỉ vì bày tỏ thái độ phản kháng bá quyền Đại Hán thì ông Nguyễn Tấn Dũng và Đảng Cộng sản Việt Nam hãy nên áp dụng nguyên tắc pháp quyền cho chính họ trước khi hăm he kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng