Luật chống kỳ thị tại Úc
Ls Nguyễn Văn Thân
Vào đầu năm
2017, dư luận xôn xao về dự án tu chính Luật Chống Kỳ thị Chủng tộc của chính
quyền Liên bang. Dự án này xuất phát từ lời hứa trước khi tranh cử của Đảng Tự
do là nếu đắc cử thì họ sẽ hủy bỏ Điều luật số 18C của Đạo luật Chống Kỳ thị Chủng
tộc (Racial Discrimination Act). Điều luật này ngăn cấm những hành động có tính
sỉ nhục hoặc lăng mạ bất cứ ai vì lý do chủng tộc của họ. Tưởng cũng nên nhắc lại
là trước đó, ông Andrew Bolt - một nhà báo có khuynh hướng bảo thủ đã bị Tòa án
Liên bang buộc tội kỳ thị dưới Điều 18C vì những bài viết của ông cáo buộc một
số người gốc Thổ dân lợi dụng màu da của họ để tiến thân. Ông Bolt cho rằng những
người này là những người Thổ dân Trắng (fair-skinned Aborigines) nhưng đã lợi dụng
các chính sách giúp người Thổ dân của chính quyền để xin tài trợ cho các công
trình nghiên cứu của họ. Ông Bolt cho rằng Điều 18C vi phạm quyền tự do ngôn luận
của ông. Vụ kiện này cho thấy sự mâu thuẫn giữa hai hình thức nhân quyền quan
trọng là quyền tự do ngôn luận và quyền nhân phẩm của mọi người được tôn trọng
cho dù dưới bất cứ màu da hay sắc tộc nào.
Vậy kỳ thị là gì và luật chống
kỳ thị tại Úc có những đặc điểm gì? Kỳ thị là khi có người bị đối xử bất công
vì họ thuộc một nhóm người nào đó (thường là thiểu số) có những đặc điểm khác
biệt ví dụ như là người sắc tộc, đồng tính hoặc khuyết tật. Kỳ thị thường xuất
phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc có thành kiến hoặc cảm giác bị đe dọa từ những
sự khác biệt.
Tại Úc thì mỗi tiểu bang và
lãnh thổ đều có luật chống kỳ thị riêng. Ngoài ra, chính quyền Liên bang cũng
có một vài Đạo luật Chống Kỳ thị gồm có Đạo luật Chống Kỳ thị Chủng tộc (Racial
Discrimination Act 1975), Đạo luật Chống Kỳ thị Giới tính (Sex Discrimination
Act 1984), Đạo luật Chống Kỳ thị Khuyết tật (Disability Discrimination Act
1992) và Đạo luật Chống Kỳ thị Tuổi tác (Age Discrimination Act 2004). Chính
quyền thành lập Ủy Hội Nhân quyền Úc (Australian Human Rights Commission) để thực
thi các Đạo luật Chống Kỳ thị này. Ủy Hội Nhân quyền có nhiệm vụ điều tra và hòa
giải những vụ khiếu nại của nạn nhân bị kỳ thị và quảng bá các chương trình hướng
dẫn để bài trừ vấn nạn kỳ thị trong xã hội Úc.
Tại tiểu bang NSW thì từ năm
1977 đã có riêng một đạo luật chống kỳ thị gọi là Anti Discrimination Act 1977.
Bộ Chống Kỳ thị (Anti Discrimination Board) được thành lập dưới Đạo luật này để
điều tra và xét xử các vụ khiếu kiện của nạn nhân kỳ thị. Cũng như Ủy hội Nhân
quyền Úc, Bộ Chống Kỳ thị NSW cũng thi hành những chương trình giáo dục và hướng
dẫn để xóa bỏ vấn nạn kỳ thị trong một xã hội đa văn hóa. Bộ có nhiệm vụ báo
cáo và đề nghị với chính quyền có những biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các hiện
tượng kỳ thị diễn ra trong xã hội ví dụ như là vụ bạo loạn ở Cronulla giữa một
số thanh niên Úc da trắng và thanh niên Hồi giáo.
Đạo luật Chống Kỳ thị liệt kê
nhiều loại kỳ thị gồm có kỳ thị giới tính, chủng tộc, tuổi tác, khuyết tật, sống
ngoại hôn hoặc ly hôn, đồng tính, chuyển đổi giới tính, mang thai, cho con bú sữa
mẹ...Nạn nhân kỳ thị thường bị sỉ nhục, hiếp đáp, hành hung, cô lập, quấy nhiễu
gồm có quấy nhiễu tình dục. Tất cả những hình thức kỳ thị nêu trên đề bất hợp
pháp. Luật chống kỳ thị cũng bảo vệ một người công nhân hoặc đang tìm việc làm
có trách nhiệm chăm sóc cho con nhỏ hoặc thân nhân khuyết tật không bị kỳ thị.
Ngoài ra, luật cũng ghi rõ là không được hành hung hoặc nhạo báng người khác
nơi công cộng vì lý do sắc tộc, đồng tính hoặc vì họ là bệnh nhân HIV/AIDS.
Hành vi công cộng (public act) gồm có các bài viết hoặc diễn văn phát biểu nơi
công cộng hoặc được phổ biến trên các cơ quan truyền thông hoặc các biểu ngữ,
poster được dán nơi công cộng. Những bài viết hoặc dự án có tính khoa học hoặc
nghiên cứu hoặc tại đại học thì được miễn.
Kỳ thị có thể diễn ra dưới
hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Kỳ thị trực tiếp là khi có người bị đối xử
bất công vì họ thuộc về một nhóm nào đó. Ví dụ như khi có nhà hàng hoặc cửa tiệm
treo bảng “Không đón tiếp người Việt nam” hoặc khi nhân viên địa ốc quyết định
không cho người Thổ dân hoặc phụ nữ mang thai thuê mướn nhà ở. Kỳ thí gián tiếp
diễn ra ví dụ khi các công ty hoặc cơ quan bộ sở đăng quảng cáo tuyển người phải
có chiều cao từ 180 cm trở lên mà công việc này không đòi hỏi chiều cao. Đây là
một hình thức kỳ thị phụ nữ và thành viên của một số cộng đồng sắc tộc có thân
hình nhỏ và thấp.
Kỳ thị bất hợp pháp có thể diễn ra ở 5 lĩnh vực: giáo dục, cung cấp hàng hóa hay dịch vụ, việc làm, chỗ ở và những câu lạc bộ có đăng ký (registered clubs). Tất cả Trường công phải tuân thủ luật chống kỳ thị. Trường tư thì chỉ cần tuân thủ Đạo luật Chống Kỳ thị Giới tính và Đạo luật Chống Kỳ thị Khuyết tật Liên bang và các điều khoản ngăn cấm kỳ thị tuổi tác liên quan tới việc làm, kỳ thị chủng tộc và quấy nhiễu tình dục của Đạo luật Chống Kỳ thị NSW. Luật Chống Kỳ thị áp dụng trong tất cả mọi trường hợp mua bán hàng hóa và dịch vụ gồm có các dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan bộ sở chính quyền, hội đồng thành phố, bệnh viện, khách sạn, nhà thầu hoặc cửa tiệm.
Trong khía cạnh việc làm thì
luật áp dụng trong mọi trường hợp xin việc và tại nơi làm việc. Luật cũng áp dụng
trong những trường hợp thầu khoán độc lập (independent subcontractors) và đối
tác (partnership). Đa số các công ty và bộ sở đều có chính sách tuyển dụng công
bằng (equal employment opportunity). Một số áp dụng chính sách kỳ thị tích cực
(affirmative action) ví dụ như khi chính quyền khuyến khích hoặc đặt chỉ tiêu
cho các cơ quan bộ sở hoặc tài trợ để các công ty thuê mướn người lớn tuổi, người
sắc tộc thiểu số hoặc khuyết tật cho họ có công ăn việc làm. Quan trọng nhất là
các công ty hoặc chủ nhân phải bảo đảm là không có vấn nạn kỳ thị diễn ra tại
nơi làm việc.
Về chỗ ở thì luật áp dụng
trong mọi trường hợp thuê mướn và mua bán nhà, flat, chung cư, khách sạn,
caravan và shop hoặc hãng xưởng. Với các câu lạc bộ có đăng ký thì luật áp dụng
khi có người muốn trở thành hội viên, ra vào và sử dụng phương tiện. Các câu lạc
bộ đơn tính (single-sex clubs) có thể tiếp tục hoạt động với điều kiện là khi họ
chấp nhận thành viên có giới tính khác thì phải cung cấp dịch vụ cho tất cả hội
viên. Các câu lạc bộ dành riêng cho các thành viên sắc tộc vẫn có thể tiếp tục
hoạt động như vậy.
Các
trường hợp được miễn hoặc có thể xin miễn
Đạo luật Chống Kỳ thị Liên
bang có ghi một vài trường hợp được miễn tuân thủ ví dụ dựa trên như những cầu
đặc biệt của công việc đó. Các tổ chức từ thiện, tôn giáo và giáo dục được quyền
phân biệt và trợ giúp những nhóm người dựa trên yếu tố tuổi tác hoặc khuyết tật
ví dụ như một số tổ chức tôn giáo có thể quyết định không nhận những nhân viên
hoặc thiện nguyện viên người đồng tính, đang sống trong tình trạng ngoại hôn hoặc
đã ly hôn.
Các quỹ hưu bổng và công ty bảo
hiểm có quyền đối xử phân biệt dựa trên các con số thống kê ví dụ như công ty bảo
hiểm có quyền tính nhiều hơn hoặc bớt giá bảo hiểm dựa trên tuổi tác của người
lái xe. Ủy hội Nhân quyền Úc cũng có thể cho miễn tạm thời một số điều kiện dưới
các Đạo luật Chống Kỳ thị Tuổi tác, Giới tính và Khuyết tật với thời hạn không
quá 5 năm.
Tương tự như vậy, Đạo luật Chống
Kỳ thị NSW cũng cho phép những trường hợp miễn tuân thủ ví dụ như khi quảng cáo
tìm đàn ông nam làm vệ sinh toilet nam và đàn bà cho toilet nữ. Nhưng khi giới
tính không là điều kiện bắt buộc thì không được ví dụ như chủ nhân không có quyền
từ chối không nhận phụ nữ làm thợ sửa xe hoặc đàn ông làm nhân viên chăm sóc trẻ
con (child care worker). Nếu cần thì phải làm đơn xin miễn và nêu ra lý do đặc
biệt. Tương tự như vậy, khi đồn cảnh sát địa phương cần mướn một nhân viên liên
lạc với cộng đồng Việt nam thì có thể quảng cáo thuê mướn người Úc gốc Việt để
làm cầu nối ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng không được làm vậy nếu thuê mướn một
nhân viên hành chính chỉ vì trong vùng đó có đông người Việt cư ngụ. Về việc
làm thì chủ nhân có quyền quảng cáo thuê mướn thanh thiếu niên dưới 21 tuổi “juniors”.
Nhưng không được quyền từ chối nhận đàn ông hoặc những người trên 50 tuổi làm
thư ký.
Khiếu
kiện
Tuỳ theo trường hợp kỳ thị mà
nạn nhân có thể khiếu kiện với Ủy hội Nhân quyền Úc, Bộ Chống Kỳ thị NSW, Ủy hội
Quan hệ Lao tư NSW hoặc Fair Work Australia. Nếu một vấn đề liên quan tới hai
hoặc nhiều trường hợp vi luật thì nguyên đơn phải chọn một chớ không thể cùng
lúc nộp đơn đến nhiều tổ chức khác nhau. Thông thường thì các đơn khiếu kiện
liên quan tới kỳ thị đồng tính hoặc chuyển tính thì nên được nộp với Bộ Chống Kỳ
thị NSW. Ủy hội Nhân quyền Úc chỉ cứu xét khi hình thức kỳ thị này diễn ra tại
nơi làm việc và chỉ có thể đề nghị hòa giải chớ không có thẩm quyền phán quyết
và đưa ra án lệnh. Các vụ kỳ thị liên quan tới chủng tộc, tuổi tác hoặc khuyết
tật thì có thể liên lạc với Bộ hoặc Ủy hội. Luật chống kỳ thị liên bang và tiểu
bang tương tự nhau nhưng cũng có một vài điểm khác biệt. Tốt nhất là nên liên lạc
và hỏi thăm với cả hai bên trước khi quyết định chính thức khiếu kiện với bên
nào. Các vấn đề liên quan tới điều kiện lao động nơi làm việc thì thích hợp nhất
là Ủy hội Quan hệ Lao tư NSW hoặc Fair Work Australia.
Đơn khiếu kiện gửi Bộ Chống Kỳ
thị NSW hoặc Ủy hội Nhân quyền Úc có thể viết bằng bất cứ ngôn ngữ nào và có thể
gửi qua bưu điện, fax hoặc email. Nạn nhân cũng có thể nộp đơn trên mạng. Đơn
không cần viết dài, chỉ tóm tắt sự việc và không cần kèm theo bằng chứng. Nếu cần,
bằng chứng có thể cung cấp sau. Nếu sự việc có tính khẩn cấp ví dụ như sắp bị
đuổi việc với lý do kỳ thị thì nên nói rõ để đơn có thể được duyệt xét gấp. Thời
hạn nộp đơn khiếu kiện là 12 tháng kể từ khi nạn nhân bị kỳ thị.
Bộ Chống Kỳ thị hoặc Ủy hội sẽ
cố gắng đề nghị phương pháp hòa giải. Nếu không thành công thì họ có thể đưa sự
việc ra Đơn vị Bình đẳng Cơ hội của Tòa Tài phán Hành chính (Equal Opportunity
Division of the Administrative Decisions Tribunal) hoặc Tòa án Liên bang. Tòa
Tài phán Hành chính NSW có quyền ra lệnh bị đơn bồi thường cho nguyên đơn số tiền
tối đa là $100,000. Với Tòa án Liên bang thì số tiền không có giới hạn. Tòa
cũng có thể ra lệnh cá nhân, tổ chức, công ty hoặc cơ quan phải có biện pháp
ngăn ngừa những hành vi kỳ thị để không bị tái phạm.
Khi tranh luận về dự án tu
chính luật kỳ thị trong Quốc hội thì Thượng Nghị sĩ và Bộ trưởng Tư pháp George
Brandis đã tuyên bố là người Úc có quyền độc đoán và có thành kiến và có quyền
phát biểu những lời lẽ mà người khác cho là sỉ nhục hoặc thóa mạ (Australians
have a right to be bigots and in a free country people do have rights to say
things that other people find offensive or insulting or bigoted). Theo chiều
hướng này thì người Úc có quyền tuyên bố là người Việt nam chuyên buôn lậu xì
ke, ma túy hoặc người Hồi giáo thuộc toàn dân khủng bố. Nếu vậy thì vấn nạn kỳ
thị có nguy cơ gia tăng và nạn nhân chắc chắn sẽ gồm có những nhóm người sắc tộc
trong đó có người Việt nam. Tất cả mọi người nên cảnh giác và trang bị cho mình
những kiến thức căn bản về luật chống kỳ thị để đối phó khi trở thành nạn nhân
của các vụ kỳ thị chủng tộc.
Comments
Post a Comment