Luật chống can thiệp vào nội tình nước Úc
Ls Nguyễn Văn Thân
Vào
ngày 7/12/2017, chính quyền Liên Bang đã trình bày dự luật chống các hình thức
hoạt động tình báo và lũng đoạn chính trường cũng như xã hội Úc bởi các thế lực
ngoại bang. Dự luật này có 4 mục tiêu chính. Thứ nhất là siết chặt các điều
khoản ngăn cấm hoạt động tình báo và phản quốc gồm có ban hành án tù chung thân
cho các tội phạm nghiêm trọng. Thứ hai là ban hành luật mới nhắm vào các hoạt
động thu thập tin tức tình báo cho các thế lực ngoại bang gồm có tình báo kinh
tế. Thứ ba là bắt buộc mọi cá nhân và tổ chức làm việc cho các thế lực ngoại
bang chính thức đăng ký để nhà nước dễ kiểm soát. Và thứ tư là cấm cá nhân và
công ty ngoại quốc hiến tặng cho các chính đảng và các tổ chức hoạt động chính
trị.
Tuy
không nói ra nhưng ai cũng biết lý do mà chính quyền ban hành dự luật này là để
đối phó với các hoạt động lũng đoạn chính trường và xã hội Úc của Bắc Kinh trong
thời gian qua. Không chỉ khống chế cộng đồng người Hoa tại Úc bằng cách mua
chuộc các hội đoàn và cơ quan truyền thông Hoa ngữ, Bắc Kinh còn muốn mua luôn
cả giới học giả, ký giả và chính khách Úc. Trong thời gian qua, hai nhà tài
phiệt gốc Hoa là Châu Trắc Vịnh (Chau Chak Wing) và Hoàng Hướng Mặc (Huang
Xiangmo) đã hiến tặng hơn 40 lần cho cả hai Đảng Tự Do và Lao Động với tổng số
tiền lên tới hơn 6 triệu Úc kim.
Ngoài ra, ông Mặc cũng bỏ tiền
thành lập Viện Nghiên cứu Quan hệ Úc - Trung (Australia China Relations
Institute) và chính tay chọn cựu Thủ Hiến và Ngoại Trưởng Bob Carr làm chủ tịch
của viện nghiên cứu này. Trước
cuộc bầu cử liên bang vào tháng 7 năm 2016, ông hứa tặng $400,000 cho Đảng Lao Động. Nhưng trong một buổi nói
chuyện tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc gia trước ngày bầu cử, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đối Lập TNS Stephen Conroy phát biểu là Trung Quốc đang gây bất ổn tại Biển Đông với
những hành động xây cất đảo nhân tạo và kêu gọi hải quân Úc tiến hành các cuộc
tuần tra tự do theo
lời kêu gọi của Hoa Kỳ. lập tức, ông Mặc rút lại lời hứa tặng tiền cho Đảng Lao Động. Sau đó,
Sam Dastyari đã họp báo chung với ông và tuyên bố trái với chính sách của
Đảng Lao Động là vấn đề Biển Đông không có liên quan tới Úc cũng như Úc
đừng phản đối quyết định áp dụng vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc tại
Biển Hoa Đông. Quan hệ giữa các nhà tài phiệt Trung Quốc với các chính Đảng tạo
ra nhiều quan ngại đến nỗi Giám Đốc cơ quan tình báo ASIO phải chính thức cảnh
báo 3 vị tổng bí thư của Đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia là nên
thận trọng khi nhận tiền của các nhà tài phiệt này. Thế mà trong một cuộc
tiếp xúc Sam Dastyari đã cảnh báo ông Mặc là điện thoại của ông có thể bị ASIO
nghe lén.
Đảng
Lao Động cho biết là sẽ ủng hộ dự luật chống ngoại bang can thiệp vào chuyện
nội bộ của Úc. Do đó, có xác suất cao là dự luật sẽ được Lưỡng Viện Quốc Hội
mau chóng thông qua trong đầu năm 2018. Bộ Luật Hình Sự hiện hành quy định hình
phạt tối đa cho tội tình báo là 25 năm tù. Luật mới sẽ tăng hình phạt tối đa
lên chung thân. Luật hiện hành chỉ cấm luân chuyển thông tin bí mật. Luật mới
sẽ nới rộng tội trạng. Sở hữu hoặc tiếp nhận thông tin bí mật cũng phạm tội.
Ngoài ra, không chỉ bí mật an ninh quốc gia mà tình báo kinh tế cũng phạm tội
với hình phạt tối đa là 15 năm tù.
Hiện
nay, rất khó để nhà nước có thể truy tố người nào với tội phản quốc trừ khi họ
ám sát hoặc bắt cóc Thủ Tướng hoặc Nữ Hoàng làm con tin với mục đích chính trị.
Dự luật mới sẽ giúp công tố dễ dàng tiến hành truy tố tội phạm bất cứ người nào hoạt động
tình báo hoặc lũng đoạn chính trường Úc cho thế lực ngoại bang. Hình phạt có
thể từ 10 tới 20 năm tù. Tuy nhiên, có một vài nhà báo bày tỏ quan ngại là ngay
cả khi họ nhận được tin mật thì đã phạm pháp. George Brandis, Bộ Trưởng Tư Pháp
trước khi từ chức đã cam kết là ký giả thi hành phận sự sẽ được miễn và không
bị truy tố.
Cấm
tài trợ chính trị từ các thế lực ngoại bang
Theo
Viện Yểm Trợ Dân Chủ và Cử tri Quốc Tế (Institute for International Democracy
and Electoral Assistance), hiện nay có 114/180 quốc gia ngăn cấm cá nhân, công
ty hoặc tổ chức ngoại quốc hiến tặng tiền cho các đảng phái và tổ chức chính
trị. Câu hỏi là phạm vi của tổ chức chính trị sẽ được định nghĩa thế nào?
Dự luật ngăn cấm không chỉ các đảng phái chính trị mà luôn cả các tổ chức phi
chính phủ gồm có nghiệp đoàn và các nhóm vận động chẳng hạn như GetUp! nhận
tiền tặng từ nước ngoài. Còn các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học thì
sao? Ví dụ như Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Úc Trung do ông Bob Carr làm chủ tịch sẽ
bị ngăn cấm nhận tài trợ từ các nhà tài phiệt Trung Quốc như Hoàng Hướng Mặc
hay không? Ngoài ra, các tổ chức từ thiện và bảo vệ môi trường cũng lo
ngại là dự luật sẽ cấm họ nhận tài trợ từ cá nhân và tổ chức ở nước ngoài. Đa
số các tổ chức bảo vệ môi trường có tầm vóc quốc tế và thường xuyên yểm trợ tài
chánh lẫn nhau. Điều khoản này có thể vi phạm Hiến Pháp bảo đảm quyền hoạt động
và thảo luận chính trị tự do. Có người đã lên tiếng yêu cầu chính quyền miễn áp
dụng luật này đối với các tổ chức có quy chế từ thiện.
Cá
nhân và tổ chức hoạt động cho các thế lực ngoại bang phải đăng ký
Dự
luật bắt buộc mọi cá nhân hoặc tổ chức hoạt động hoặc vận động cho các thế lực
ngoại bang phải chính thức đăng ký với nhà nước. Dự luật này tương tự như luật
hiện hành tại Mỹ. Ví dụ như Mike Flynn Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia đã nhận phạm
tội vận động cho Thổ Nhĩ Kỳ với thù lao hơn nữa triệu Mỹ kim mà không có đăng
ký. Paul Manafort Giám Đốc Ủy Ban Tranh Cử của Trump cũng bị truy tố về
tội này hồi tháng 11 năm ngoái vì nhận hơn 75 triệu vận động cho Nga và Ukraine
mà không đăng ký.
Một
lần nữa, phạm trù của dự luật này sẽ là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Nhân
viên làm việc cho các công ty chuyên về vận động (lobbying firms) sẽ phải đăng
ký nhưng giám đốc hoặc cố vấn quan hệ quốc tế cũng như các nhà ngoại giao thì
sẽ được miễn. Vận động cho nhà nước hoặc các đảng phái, tổ chức chính trị ngoại
bang thì dễ hiểu rồi. Thế còn hoạt động cho các công ty quốc doanh nước ngoài
thì sao? Chẳng hạn như Andrew Robb nhận làm cố vấn cho Landbridge với thù lao
là $880,000 một năm. Hoặc Cựu Thủ Tướng Paul Keating là Chủ Tịch Hội Đồng Cố
Vấn Quốc Tế của Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc? Hoặc những người Úc đang làm
việc hoặc có quan hệ với Hội Đồng vì một nước Trung Hoa Thống Nhất (Australian
Council for the Promotion of Peaceful Reunification of China) được cho là có
liên hệ tới United Front Work Department một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản
Trung Quốc (tương tự như Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam) thì có cần phải đăng ký hay
không?
Trung
Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối dự luật này. Tòa Đại Sứ Trung Quốc ra văn
bản phủ nhận cáo buộc là Bắc Kinh có ý đồ can thiệp vào vấn đề nội bộ của Úc và
yêu cầu chính giới Úc ngưng có những lời phát biểu ''vô trách nhiệm'' làm tổn
hại đến bang giao hai nước. Trong khi đó, Tòa Đại Sứ Mỹ thì ủng hộ dự luật và
chính sách mới. Giáo Sư Phùng Sùng Nghĩa thuộc Viện Đại Học UTS và người đã bị
công an câu lưu khi ông có chuyến công tác tại Trung Quốc vào tháng 3 năm 2017
phát biểu là dự luật này đáng lẽ nên có từ lâu để ngăn cản sự xâm nhập và lũng
đoạn chính trường Úc của Trung Quốc. Theo ông, luật mới sẽ răn đe các phần tử
cơ hội có ý đồ phục vụ cho Bắc Kinh để trục lợi cá nhân. Giáo Sư Clive
Hamilton là tác giả quyển sách ''Cuộc xâm lăng thầm lặng : Trung Quốc sử
dụng phương thức nào để biến Úc thành một chư hầu'' (The Silent Invasion:
How China is turning Australia into a Puppet State) mà nhà xuất bản Allen &
Unwin đã hủy ý định xuất bản quyển sách của ông vì Bắc Kinh dọa kiện. Trong
sách, Gs Hamilton cho biết là Bắc Kinh đài thọ cho các ký giả Úc đi vòng quanh
Trung Quốc thăm viếng và ăn chơi miễn phí để rồi họ sẽ viết những bài báo tô vẽ
cho chế độ. Trong một chương khác, Bắc Kinh cố ý móc nối với các trường Đại Học
và Khoa Học Gia để lấy kiến thức công nghiệp cho Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân
Trung Quốc. Lo ngại của Allen & Unwin không phải là không có cơ sở vì sau
khi công bố kết quả điều tra về việc các nhà tài phiệt Trung Quốc hiến tặng
hàng triệu Úc kim cho các đảng phái chính trị tại Úc vào tháng 5 năm 2017 thì
hai cơ quan truyền thông quốc gia của Úc là Fairfax và ABC đã bị ông Châu Trắc
Vịnh tiến kiện về tội mạ lỵ. Vào tháng 2 năm 2019, Tòa đã xử cho ông thắng kiện
và ban lệnh cho Fairfax bồi thường cho ông $280,000.
Tóm
lại, quan hệ Úc Trung sẽ trải qua một giai đoạn sóng gió trong những ngày tháng
tới. Dự luật đã được Quốc Hội thông qua vào tháng 6 năm 2018. Người Úc cũng nên
tập làm quen với sự giận dữ của Bắc Kinh. Chỉ cần đặt câu hỏi là liệu Trung Nam
Hải có đồng ý cho các nhà tài phiệt Úc can thiệp vào chính trường hoặc viện trợ
cho các viện nghiên cứu hoặc mua lại các tờ báo của họ hay không? Hỏi tức là
trả lời. Đó cũng là lời giải thích mà chính quyền Úc cần phải nói thẳng với Tập
Cận Bình.
Comments
Post a Comment