Dự luật cấm khăn che mặt có bị vi hiến hay không?


 

Credit: thenewdaily.com

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào tháng 2 năm 2017, dư luận xôn xao về đề nghị cấm những người đeo khăn che mặt thăm viếng Quốc Hội Úc. Dự luật này được đưa ra bởi bà Jacqui Lambert một Thượng Nghị Sĩ của Đảng Palmer United Party. Đề nghị của bà Lambert được một số chính trị gia của Liên Đảng ví dụ như các ông Cori Barnadi và George Christensen ủng hộ mạnh mẽ. Trong lúc mọi người còn đang phân vân không biết dự luật này sẽ đi về đâu thì Chủ tịch Quốc hội là bà Bronwyn Bishop và Thượng Nghị sĩ Stephen Parry ra quyết định những người nào che mặt thì phải ngồi riêng trong một phòng kiếng chớ không được ngồi chung với công chúng vào thăm Quốc Hội (public gallery). Phòng kiếng này là nơi dành cho các trẻ em ngồi để tránh tình trạng mấy đứa bé cứ đi lung tung trong Quốc Hội. Lý do được đưa ra là vì vấn đề an ninh, nếu cần phải đuổi người nào ra khỏi Quốc Hội thì nhân viên an ninh có thể nhận dạng người đó mau chóng và dễ dàng. Nhưng Thủ Tướng Tony Abbott đã yêu cầu xét lại quyết định này sau khi nhận được sự phản đối từ nhiều dân biểu và nghị sĩ Đảng Tự Do khác.

Tưởng cũng nên nhắc lại là cách đây vài hôm, Thủ Tướng Abbott đã phát biểu là hình ảnh những người phụ nữ Hồi Giáo che trùm kín mặt tạo cho ông một cảm giác khó chịu (confronting). Bà Lambert thì cho rằng khăn che mặt là một hình thức đàn áp phụ nữ của Đạo Hồi. Dĩ nhiên là ai cũng biết, mục tiêu của những đề nghị cấm khăn che mặt là nhắm vào một nhóm thiểu số phụ nữ Hồi Giáo mặc đồ che kín mít từ trên xuống dưới. Đề nghị này được đưa ra vào đúng một thời điểm tế nhị khi Úc đang chuẩn bị tham chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo cũng như mới vừa bố ráp một số nơi để lùng bắt tội phạm khủng bố ngay trong nước.

Vấn đề là nếu dựa vào lý do an ninh thì bất cứ người nào muốn vào Quốc Hội cũng phải đi qua hệ thống kiểm tra an ninh gắt gao. Và nếu vì an ninh thì tại sao lại cho những người che mặt ngồi chung với trẻ con? Không sợ họ bắt các em làm con tin sao? Từ trước tới giờ chưa có một phụ nữ Hồi Giáo nào mang khăn che mặt muốn vào Quốc Hội cả. Và nếu như có thì chắc chắn nhân viên an ninh đã phải kiểm tra họ rất chặt chẽ. Cũng rất có thể nhân viên an ninh sẽ yêu cầu họ tháo gỡ khăn che mặt vì lý do an ninh mà không cần thêm bất cứ một luật lệ nào khác. Hình ảnh một số phụ nữ ngồi trong lòng kín cùng với đám trẻ con để xem các chính trị gia thảo luận về chính sách liên quan tới sắc phục của họ sẽ tạo nên một hình ảnh của Quốc Hội Úc, nước Úc và người Úc thế nào?

Trở lại với dự luật cấm mang khăn che mặt của bà Lambert thì một số luật gia gồm có Giáo Sư George William đã lên tiếng cho rằng dự luật này có thể vi phạm Hiến Pháp Úc và cụ thể là Điều 116 của Hiến Pháp ngăn cấm Quốc Hội Úc làm luật giới hạn quyền tự do tôn giáo. Vậy Điều 116 cụ thể gồm có những gì và dự luật này có bị vi hiến hay không?

Trước khi trả lời câu hỏi này thì chúng ta hãy tìm hiểu kinh nghiệm từ Châu Âu và đặc biệt là tại Pháp. Vào năm 1989, 3 nữ sinh Pháp gốc Hồi Giáo bị đuổi học vì không chịu tháo bỏ khăn che đầu. Từ năm 1994 tới 2003 thì có khoảng 100 nữ sinh Hồi Giáo bị đuổi học vì vấn đề này. Một số phụ huynh tiến hành kiện nhà trường dẫn đến quyết định đình công của một số thầy cô giáo. Tới năm 2004 thì chính quyền Pháp ban hành luật ngăn cấm học sinh mặc những gì có biểu tượng tôn giáo trong trường học. Đạo luật ghi rõ mục đích là ngăn cấm tất cả mọi biểu tượng tôn giáo chớ không có tính kỳ thị hoặc chỉ nhắm vào Hồi Giáo để bảo vệ và cổ xúy cho một nhà nước và hệ thống công quyền thế tục. Pháp, cũng như nhiều quốc gia Âu Châu khác có một chiều dài lịch sử phức tạp giữa thế quyền và giáo quyền. Cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu vào năm 1789 lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và cắt đứt ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo tại Pháp. Quan hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội chính thức bị tách rời vào năm 1905. 

Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu đã phán là Đạo Luật ngăn cấm mặt mặt biểu tượng tôn giáo của Pháp không vi phạm Hiệp Ước Bảo Vệ Nhân Quyền của Khối Liên Âu.

Tòa này cũng xét xử một số vụ kiện khác liên quan tới sắc phục Hồi Giáo gồm có vụ Dahlab v Switzerland  (2001). Vụ này liên quan tới một giáo viên tiểu học Đạo Hồi mang khăn che đầu. Tòa phán luật này của Thụy Sĩ giới hạn quyền tự do tôn giáo của giáo viên nhưng có thể chấp nhận được vì chính sách của Thụy Sĩ là bảo đảm sự trung dung về tôn giáo tại các trường công cộng.

Một vụ khác là Sahin v Turkey (2005). Sahin là một nữ sinh viên y khoa. Cô bị từ chối không cho vào trường đại học vì không chịu tháo bỏ khăn che đầu. Tòa cũng phán là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ chính sách nhà nước thế tục của họ, tách rời tôn giáo ra khỏi hệ thống công quyền gồm có các cơ sở giáo dục.

Trong vụ kiện The Queen on the Application of Watkins-Singh and the Governing Body of Aberdare Girls’ High School and Rhondda Cynon Taf Unitary Authority (2008), một nữ sinh người Sikh khiếu nại với tòa là cô không được đeo một vòng sắt gọi là Kara. Đối với người Sikh, việc này vô cùng quan trọng vì nó nhắc nhở họ lệ thuộc vào Thượng Đế. Trường học cãi rằng nội quy của trường là cấm tất cả mọi học sinh không được đeo nữ trang, và nếu tạo ngoại lệ trong trường hợp này thì không công bằng cho những học sinh khác. Nhưng tòa phán rằng nhà trường đã kỳ thị nữ sinh này trên căn bản tôn giáo. Nội quy của trường là cấm đeo nữ trang chớ không phải cấm biểu tượng tôn giáo. Với nữ trang thì học sinh có thể chọn đeo hoặc không đeo nó với mục đích là dùng nó làm trang sức hoặc để làm đẹp. Còn với biểu tượng tôn giáo thì tín đồ không có sự lựa chọn như vậy.

Một vụ kiện liên quan tới tự do tôn giáo được Tòa Thượng Thẩm Hoa Kỳ cứu xét là Goldberg v Weinberger, the Secretary of Defense (1986). Chính sách của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là cấm nhân viên không được đội nón hoặc bất cứ thứ gì trên đầu khi làm việc trong phòng. Goldberg là một nhân viên không quân Hoa Kỳ và cũng là một giáo sĩ Do Thái (ordained rabbi). Ông đội một cái mũ nhỏ (skullcap) khi làm việc trong phòng và đội cái mũ làm việc trên cái mũ nhỏ khi làm việc bên ngoài. Cấp trên dọa sẽ đưa ông ra tòa án quân sự nếu không tháo bỏ cái mũ nhỏ. Ông cãi lại và cho rằng điều lệ này vi phạm quyền tự do tôn giáo được hiến Pháp Hoa Kỷ bảo đảm.

Tòa Thượng Thẩm Hoa Kỳ (theo đa số thẩm phán) phán quyết là điều lệ của Bộ Quốc Phòng không có vi hiến vì quân đội cần phải có kỷ luật, thống nhất và duy trì tinh thần huynh đệ chi binh. Không thể có nhiều trường hợp ngoại lệ cho những tôn giáo khác nhau. Tương tự như vậy, trong vụ Webb v City of Philadelphia (2007), tòa chấp thuận chính sách của cảnh sát ngăn cấm nhân viên mang khăn che đầu tại nơi làm việc để tạo môi trường thân thiện và hợp tác giữa những nhân viên cảnh sát trong lúc thi hành nhiệm vụ.

Tới năm 2011 thì Pháp lại ban hành luật cấm mọi người mang khăn hoặc đeo mặt nạ che mặt nơi công cộng. Mục đích của luật này là để bảo vệ an ninh nơi công cộng và cổ xúy cho một xã hội hài hòa (living together). Bỉ làm theo và trong tháng 12 năm 2012 và Tòa Án Hiến Pháp Bỉ đã phán rằng luật cấm che mặt nơi công cộng không vi phạm Hiến Pháp Bỉ. Một số quốc gia Âu Châu khác gồm có Hòa Lan và Tây Ban Nha cũng đang cứu xét ban hành những đạo luật tương tự. Vào ngày 1 tháng 7 năm 2014, Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu đã ban hành phán quyết luật cấm mang hoặc đeo khăn che mặt hoặc mặt nạ của Pháp tại nơi công cộng không vi phạm Hiệp Ước Nhân Quyền mà Pháp đã ký dựa trên căn bản chính sách cổ xúy cho một xã hội hài hòa là một mục đích chính đáng.

 

Tóm lại, theo những nguyên tắc pháp lý từ Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu và Tòa Thượng Thẩm Hoa Kỳ thì tự do tôn giáo không có giá trị tuyệt đối. Chính quyền có thể ban hành luật giới hạn quyền tự do tôn giáo để thi hành các chính sách chính đáng ví dụ như để bảo vệ hoặc cổ xúy cho một nhà nước thế tục, an ninh công cộng, kỷ luật quân đội hoặc một xã hội hài hòa mà trong đó, người di dân từ khắp mọi nơi trên thế giới chung sống và làm việc với nhau vui vẻ và hài hòa. Một tiêu chuẩn quan trọng khác là biện pháp ngăn cấm có mức độ tương xứng với mục đích và hậu quả của nó.

Trở lại với tình trạng tại Úc thì quyền tự do tôn giáo được ghi nhận trong Hiến Pháp Úc và trong các đạo luật chống kỳ thị. Tuy nhiên, chính quyền hoặc quốc hội có thể tu chính các đạo luật chống kỳ thị bất cứ lúc nào nếu cần thiết khi ban hành luật cấm đeo khăn che mặt. Câu hỏi được đặt ra là chính quyền liên bang Úc hoặc các tiểu bang có nên ban hành luật cấm đeo khăn che mặt hoặc mang mặt nạ tại nơi công cộng như Pháp và Bỉ đã làm hay không? Và nếu làm vậy thì có vi phạm Điều 116 của Hiến Pháp Úc hay không?

Úc là một nước đa văn hóa với nhiều nhóm cộng đồng sắc tộc khác nhau đến từ mọi nơi trên thế giới. Ngoài lý do an ninh, việc cổ xúy cho một xã hội hài hoà và khuyến khích các cộng đồng sắc tộc hội nhập thành công rõ ràng là một mục đích chính đáng. Mặt khác, một xã hội văn minh sẵn sàng tôn trọng quyền tự do ăn mặt hoặc biểu lộ niềm tin qua sắc phục của tất cả mọi người. Nhưng nếu có người muốn di dân tới Úc nhưng không muốn hội nhập vào xã hội thì họ có nên được quyền làm vậy hay không? Khi tuyên thệ nhập quốc tịch Úc thì mọi người di dân cam kết trung thành với nước Úc, chia sẻ những giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền của Úc. Nhưng nếu bịt mặt tại nơi công cộng thì làm sao họ có thể đối thoại, trao đổi và chia sẻ những giá này với người khác?

Điều 116 của Hiến Pháp Úc quy định “Quốc Hội Liên Bang Úc không được quyền ban luật thành lập bất cứ một tôn giáo nào, hoặc bắt buộc thi hành nghi thức tôn giáo, hoặc ngăn cấm quyền thi hành tự do tôn giáo và không được đặt tiêu chuẩn tôn giáo trong các chức vụ công quyền”.

Điều 116 chỉ áp dụng cho Quốc Hội liên bang chớ không ràng buộc Quốc Hội của các tiểu bang. Có rất ít vụ kiện liên quan tới Điều khoản này và chưa có đạo luật nào bị coi là vi hiến vì đi ngược lại Điều 116. Trong vụ kiện Adelaide Company of Jehovah’s Witnesses Incorporated v Commonwealth (1943), nguyên đơn là tín đồ Jehovah’s Witness và tin rằng Đế Quốc Anh (gồm có Úc) là một bộ phận của Quỷ Satan. Họ tù chối tuyên thệ tuân thủ luật pháp ban hành bởi Quốc Hội Úc. Họ cãi rằng Điều 116 bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho dù tín ngưỡng của họ có đi ngược lại luật pháp hiện hành. Tối Cao Pháp Viện Úc xác định quyền tự do tôn giáo không có giá trị tuyệt đối và phải chịu quân bằng bởi những luật lệ khác. Trong một vụ kiện gần đây hơn là Kruger v Commonwealth (1997), nguyên đơn là một nhóm người Thổ dân thuộc thế hệ bị đánh cắp (stolen generation). Họ muốn tòa tuyên bố là Đạo luật của Quốc Hội Bắc Úc cho phép chính quyền bắt con của Thổ dân là vi hiến trọng đó có sự vi phạm đối với Điều 116 bảo đảm cho tự do tôn giáo. Nhưng Tối Cao Pháp Viện Úc phán rằng để vi phạm Điều 116 thì đạo luật đó phải có mục đích ngăn cấm tôn giáo. Nói một cách khác, luật không có mục đích nhưng có hậu quả ngăn cấm hoặc giới hạn tự do tôn giáo có thể sẽ không vi phạm Điều 116.

Một đạo luật ngăn cấm mọi hình thức bịt mặt nơi công cộng một cách tổng quát thì không thể nói là ngăn cấm tín đồ Hồi Giáo thực thi quyền tự do tôn giáo. Nó chỉ ảnh hưởng đến một nhóm thiểu số phụ nữ Hồi Giáo mà thôi vì đa số phụ nữ Hồi Giáo có thể mang khăn che đầu nhưng không mang khăn che mặt. Nói vậy không có nghĩa là quyền lợi của thiểu số không cần được tôn trọng nhưng hậu quả của nó không quá bất tương xứng với mục đích chính đáng là bảo vệ và cổ xúy cho một xã hội đa văn hóa hài hòa và đẩy mạnh tiến trình hội nhập thành công đối với những công dân Úc mới.

Tóm lại, chúng ta đang sống trong một thời điểm bất thường với mối đe dọa khủng bố có thể xảy ra tại đâu và bất cứ lúc nào. Mục đích của chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan là tạo sự nghi kỵ và chia rẽ giữa những thành viên trong một xã hội đa văn hóa. Về điểm này thì nó không khác gì chính sách đấu tố của chủ nghĩa cộng sản. Trách nhiệm của tất cả mọi người là bình tĩnh đối thoại và tranh luận một cách đúng đắn như Thượng Nghị Sĩ David Leyonhjelm của Đảng Tự Do Dân Chủ đã từng phát biểu: “chúng ta đang chống lại chủ nghĩa man rợ, nhưng không có nghĩa là mình cũng phải trở thành man rợ”.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng