Charlie Hedbo và Điều 18C của Đạo luât chống kỳ thị chủng tộc

 


Credit: en.wikipedia.org

Ls Nguyễn Văn Thân

Vụ sát hại 12 ký giả tờ tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp vào đầu năm 2015 làm chấn động thế giới. Hơn 3 triệu người trên toàn nước Pháp và khoảng 1.5 triệu thường dân cùng với nhiều nguyên thủ quốc gia Âu Châu và thế giới nắm tay tuần hành đi qua các đường phố Paris bày tỏ thái độ phản đối tội phạm khủng bố này. Một lần nữa, sự liên hệ giữa khủng bố và Hồi Giáo lại trở thành đề tài bàn luận. Dư luận Úc cũng đã phản ứng mạnh mẽ. Thượng Nghị Sĩ Cory Bernardi của Đảng Tự Do lên tiếng kêu gọi chính quyền duyệt xét lại luật kỳ thị. Tim Wilson Ủy Viên Nhân Quyền Úc đồng ý và lập luận rằng Điều 18C của Đạo Luật Chống Kỳ Thị Chủng Tộc Liên Bang (Racial Discrimination Act 1975) vi phạm quyền tự do ngôn luận và là một hình thức kiểm duyệt. Wilson cho rằng dưới Điều 18C thì tạp chí Charlie Hebdo không thể được in ấn và phổ biến tại Úc.

Điều 18C quy định người nào xúc phạm, thóa mạ, sỉ nhục hoặc đe dọa người khác nơi công cộng vì lý do chủng tộc, màu da hoặc nguồn gốc sắc tộc là phạm pháp. Nói chung, Điều 18C ngăn cấm mọi hình thức kỳ thị chủng tộc tại nơi công cộng. Tưởng cũng nên nhắc lại là chính quyền đã có ý định sửa đổi và loại bỏ Điều 18C hồi năm ngoái. Sự việc xuất phát từ vụ kiện liên quan tới ông Andrew Bolt một ký giả của Công Ty News Limited do tài phiệt Rupert Murdoch làm chủ. Bolt là một ký giả thiên hữu chuyên viết bài bênh vực và cổ xúy cho Đảng Tự Do. Bolt đã phổ biến một số bài viết thóa mạ một nhóm người Thổ Dân Úc vu khống là họ mạo nhận nguồn gốc Thổ Dân để nhận tài trợ của chính quyền. Nhóm người này đưa Bolt ra Tòa Án Liên Bang và Tòa phán rằng Bolt vi phạm Điều 18C vì những cáo buộc của ông đối với nguyên đơn không có cơ sở. Trong lúc tranh cử, chính quyền Liên Đảng đã hứa là sẽ duyệt xét và loại bỏ Điều 18C này để bảo vệ ký giả “phe ta”. Phải nói đây là một hiện tượng không lành mạnh khi có một số một số kỷ giả để tình cảm của mình với các đảng phái chi phối tư thế và lập trường vô tư, khách quan và trung thực cần phải có trong thiên chức của một nhà báo. Nhưng sau khi hầu hết tất cả các tổ chức pháp lý và nhân quyền cùng với mọi cộng đồng sắc tộc phản đối thì Thủ Tướng Tony Abbott từ bỏ ý định này. Tuy nhiên, trong tiến trình tranh luận tại Quốc Hội thì Bộ Trưởng Tư Pháp George Brandis đã làm nhiều người phật lòng với câu tuyên bố lịch sử là “người Úc có quyền kỳ thị” (Australians have a right to be bigots).

Vậy Điều 18C có ngăn cấm Charlie Hebdo được phổ biến tại Úc hay không? Thật ra, Charlie Hebdo có khuynh hướng thiên tả và không chỉ nhắm vào Hồi Giáo mà châm biếm tất cả mọi tôn giáo và thế lực thế tục. Điều 18C không có đá đụng gì tới tôn giáo. Dân số 2 tỷ người Hồi Giáo gồm có mọi chủng tộc rải rác từ Phi Châu sang tới Âu Châu và Á Châu. Tại Úc, cộng đồng người Li Băng thường được xem là một Cộng Đồng Hồi Giáo nhưng theo Thống Kê 2006 thì đa số (53%) theo Thiên Chúa Giáo và chỉ 40% theo Đạo Hồi. Hãy thử tưởng tượng Charlie Hebdo xuất bản tạp chí đang hình hí họa châm biếm Đức Chúa Giêsu hoặc Đức Phật Thích Ca hoặc Phật Bà Quan Âm! Không có phần nào trong Điều 18C có thể áp dụng để khiếu kiện. nếu có thì chỉ có người Do Thái và Do Thái Giáo là có liên hệ mật thiết giữa tôn giáo và chủng tộc mà Điều 18C có thể áp dụng.

Ngoài ra, Điều 18D quy định là Điều 18C không áp dụng cho những trường hợp trình bày các tác phẩm nghệ thuật hoặc cho các hành xử trong tiến trình nghiên cứu, học thuật hoặc khoa học hoặc  theo một mục đích chính đáng nào đó có lợi cho công chúng. Có thể nói tranh hoặc hình vẽ hí họa là những tác phẩm nghệ thuật hoặc có thể được xem là trình bày tỏ quan điểm về một vấn đề liên quan tới công chúng. Nói một cách khác, Đạo Luật Chống Kỳ Thị Chủng Tộc không hoàn toàn ngăn cấm mọi hình thức kỳ thị và cho phép một số trường hợp “xúc phạm, sỉ nhục hoặc thóa mạ” chủng tộc trong tiến trình nghệ thuật, học thuật hoặc khi tranh luận về một đề tài quan trọng có liên quan tới công chúng.

Tự do ngôn luận là một hình thức nhân quyền. Tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng hoặc quyền bảo vệ các biểu tượng tôn giáo không bị thóa mạ cũng là một hình thức nhân quyền. Quyền nào cũng quan trọng nhưng không tuyệt đối. Khi giữa các quyền có xung đột với nhau thì phải có sự quân bình. Không có lý do gì một hình thức nhân quyền này đứng trên cái khác. Tại sao tự do ngôn luận là tuyệt đối và quan trọng hơn tự do tín ngưỡng? Hơn nữa, mọi hình thức nhân quyền gồm có quyền tự do ngôn luận xuất phát từ khái niệm bình đẳng là mọi con người không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính sinh ra đều có quyền và nhân phẩm như nhau. Nói một cách pháp, quyền được đối xử bình đẳng hoặc không bị kỳ thị là nguồn gốc và nền tảng của mọi hình thức nhân quyền. Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tự do kỳ thị, hoặc tự do sỉ nhục hoặc thoá mạ chủng tộc hoặc tự do sách động khủng bố, đả thương, sát hại thường dân vô tội. Vì vậy, tuyệt đại đa số người Úc (da trắng) nhận thức được cái sai trái của Bộ Trưởng Tư Pháp George Brandis khi ông tuyên bố là người Úc có quyền kỳ thị.

Trong bối cảnh hiện nay, cũng rất dễ hiểu khi có nhiều người liên hệ Hồi Giáo với khủng bố và manh nha tư tưởng kỳ thị người Hồi Giáo. Không chỉ có người Úc da trắng mà ngay cả người Á Đông từng là nạn nhân của nạn kỳ thị nay lại có tư tưởng kỳ thị người Hồi Giáo. Vì vậy, mỗi khi có biến cố như vụ bắt con tin tại quán cà phê Lindt ở Sydney hoặc sát hại ký giả Charlie Hebdo tại Paris thì có những phản ứng theo xu hướng đó. Nhưng như ông Barry O’Farrell nguyên Thủ Hiến NSW đã từng nói “kỳ thị chủng tộc hoặc tôn giáo lúc nào cũng sai trái và không bao giờ chấp nhận được”.

Tóm lại, Điều 18C và các đạo luật kỳ thị không ngăn cấm Charlie Hebdo hoặc các tác phẩm châm biếm tương tự được phổ biến tại Úc. Truyền thông Úc có một truyền thống hí hoa và châm biếm mạnh mẽ. Cứ xem tranh hí họa của các tờ báo lớn nhỏ tại Úc thì thấy. Họ tự do vẽ bất cứ điều gì vì người Úc hiểu được tính nhạo báng và hài hước của nó. Dĩ nhiên có những tranh hí họa đi quá mức ví dụ như khi báo Sydney Morning Herald vào ngày 26 tháng 7 năm 2014 đăng tải hình vẽ một ông già Do Thái có lỗ mũi to và đội mũ trùm đầu ngồi trước ti vi bấm remote control cho bom nổ tại Dải Gaza. Sau khi có nhiều người than phiền về bức ảnh này thì chủ bút đã đăng tải bài xin lỗi khoảng một tuần lễ sau đó.

Vụ khủng bố thảm sát 12 ký giả và họa sĩ của Charlie Hebdo là một tội phạm ghê tởm đáng bị lên án và trừng phạt mạnh mẽ. Nhưng nó không phải là một luận cứ biện hộ cho phong trào hoặc tư tưởng kỳ thị người Hồi Giáo chỉ vì họ là những người Đạo Hồi. Càng không phải là cái cớ để chính quyền thay đổi hoặc nới lỏng luật chống kỳ thị chủng tộc. Những người, nhóm hoặc cộng đồng thiểu số đã từng là nạn nhân của nạn kỳ thị lại càng phải thận trọng tránh tư tưởng “ma cũ ăn hiếp ma mới”. Tất cả mọi người đều có trách nhiệm góp phần loại bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc trong một xã hội đa văn hóa hài hòa và đa dạng.

Comments

Popular posts from this blog

PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG - LS NGUYỄN VĂN THÂN

Từ Thuộc địa tới Liên Bang Úc

Luật phỉ báng